CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Chân dung

ĐỖ NGỌC THỐNG VÀ NHỮNG ĐỒNG CẢM

Chủ nhật ngày 13 tháng 5 năm 2012 12:53 PM

Nhắc đến Đỗ Ngọc Thống, người ta hình dung mái tóc bông bênh như chứa xoáy gió trên đầu, nụ cười sáng duyên chữ và cả duyên tình trong ngữ điệu.

Ấy là cảm nhận của  tôi khi gặp Đỗ Ngọc Thống hơn hai mươi năm trước ở hội nghị những người viết văn trẻ. Áo cộc tay kẻ Tiệp sáng màu, quần ghi xám, giày thể thao, chàng thư sinh ấy với móng tay để dài giống gã kỹ sư mới ở Đông Âu về hơn là thày đồ dạy văn  trường trung học Lam Sơn - Thanh Hóa vừa lai kinh làm học trò Nguyễn Đăng Mạnh.

Buổi tối báo Nhân Dân chiêu đãi các cây bút trẻ trên căng-tin sân thượng tòa soạn, tôi đang bị ép uống, bỗng Văn Giá kéo Đỗ Ngọc Thống ngang qua tiến đến mấy nhan sắc văn chương. Ánh mắt chùng xuống, Thống khựng lại, rẽ ngang chìa tay cho tôi. Hơi bất ngờ, tôi chỉ kịp mỉm cười giao đãi. Một cái bắt tay không chặt và cũng không quá lỏng để người đối thoại băn khoăn, nhưng cũng đủ tin tưởng và ấm lòng. Bàn tay đầy và ấm mềm.

- Chào ông, tôi là Thống - Đỗ Ngọc Thống, tôi đang đọc tiểu thuyết đầu tay của ông. Và đang làm việc với nó...



 Đỗ Ngọc Thống bên tượng Lỗ Tấn - trường TH thành phố Thiên Tân (Trung Quốc)

Cái nghiêng đầu đủ điệu cho mái tóc bồng hơn lên để thêm rạng nét hào hoa của gương mặt tự tin. Âm lượng nhỏ, nhưng dài và vang, từng âm tiết, từng chữ, từng câu được phối âm rõ ràng, không nhanh cũng chẳng chậm có sức mạnh bí ẩn buộc lòng người ta phải lắng nghe, phải chú ý. Một giọng nói chiếm ưu thế để đứng trên bục làm thầy thiên hạ.

Thật may, Mohamet đang tìm đến với núi thì núi lại đến với Mohamet...

Trước đó, Văn Chinh đang thực tập biên tập ở báo Văn Nghệ, giới thiệu Đỗ Ngọc Thống, rằng là một ngưòi xứ Thanh phá cách, nghĩa là hội đủ cả cá tính kẻ sĩ hai miền Nam Bắc, kiến văn phong phú, tài hoa, ngang tàng, nhưng cũng kiên nhẫn ít ai bằng, chịu khó học hỏi và tinh thần ganh đua mạnh mẽ. Khi chơi thì xả láng hết mình như các anh hai Nam bộ. Khi gìn giữ thì lặng lẽ thâm trầm hơn cả các đồ nho xứ Đoài.

- Cảm ơn ông đã đọc tôi.... Liệu tôi có thể giúp gì nhỉ...Mong ông cứ làm việc độc lập với văn bản…

Thống nhún vai:

- Có lẽ vậy, đó cũng là quan niệm của tôi.
- Nhưng... ông kiếm cuốn sách của tôi ..?

- Tôi không kiếm, tôi được chị Thiếu Mai, người phụ trách trang phê bình báo Văn nghệ của ông Nguyên Ngọc chuyển cho cả một lô sách của Nhà xuất bản Lao Động trong đó có cuốn của ông...

Những năm tám chín, khi Ma Văn Kháng làm Tổng biên tập Nhà xuất bản Lao Động, ai có sách được in dưới nhãn mác đó coi như vượt qua được một cửa ải khắt khe của văn chương. Chắc hẳn tôi gặp may...

- Ông đọc xong rồi chứ? Làm sao mà ông phải đọc?

Cười. Một cái nghiêng đầu bí hiểm.

- Thì đọc chứ làm sao nữa? Đọc là nghề của tôi...Tôi bây giờ đang mới bắt đầu học đọc một cách nghiêm túc...

Nghiên cứu sinh văn chương mà lại nói đang học đọc! Tôi thấy lạ, nhưng sắc diện anh ta thì nghiêm lạnh như ông thầy vừa đọc đề thi cuối cấp. Không ngờ, Thống lại dẫn tôi sang một vấn đề khác, tưởng không liên quan gì, nhưng hóa ra cũng chỉ là mặt kia của đồng xu:

- Học sinh của chúng ta trước nay hầu như được các thầy cô đọc hộ, nghĩ hộ, cảm hộ và tôi cũng ít nhiều là sản phẩm của hệ thống giáo dục cổ điển xã hội chủ nghĩa đó. Đọc phải tự mình tiếp xúc với văn bản, hiểu thấu đáo thì mới có thể cảm nhận và đánh giá chính xác. Biết vậy, nên bây giờ có dịp đi học lại, thì học đọc có sao...

Ngớ ra một lúc, tôi mới hiểu thực trạng của vấn đề. Trang sử văn học Việt không thiếu bi kịch hài hước chỉ vì người đọc không hiểu và cảm hết văn bản của một tác phẩm. Nhiều nhà văn đã phải trả giá sinh mệnh chính trị và cả cơm áo chỉ vì tác phẩm bị hiểu sai lệch nhãn quan sáng tác. Tôi đưa ra nhận xét đó với người bạn mới biết mặt chưa đầy mười phút tỏ ngưỡng mộ một phát hiện sắc sảo hơn là sự chia sẻ. Quên bẵng Văn Giá đang níu tay lôi đi, Thống hào hứng như đang đứng lớp vào một ngày đẹp trời:

- Với các tác phẩm của nhà văn, việc không được cảm thụ đầy đủ ý nghĩa tự thân có thể châm trước phần nào do nhiều yếu tố từ phía bạn đọc. Nhưng với các tác phẩm được tuyển vào sách giáo khoa mà cũng bị cảm thụ sai lệch thì là vấn nạn của quốc gia....Nhưng sẽ chẳng bao giờ có một cách cuối cùng, duy nhất cho việc hiểu và cảm thụ, hay phân tích một tác phẩm...

Quan điểm này của Đỗ Ngọc Thống chính xác không chỉ với văn học nói chung và cả việc giảng dạy văn học trong hệ thống giáo dục hiện hành. Từ đó nhìn sang lĩnh vực khác, thấy chúng ta mắc một cái lỗi chí tử ngay từ gốc của hệ thống. Tổng kết chiến lược này của Đỗ Ngọc Thống không chỉ đơn thuần là sự mẫn cảm mà là tổng thành từ lòng trắc ẩn sư phạm với thế hệ tương lai, tích lũy qua những tháng ngày cầm phấn, bình giảng từng câu, từng ý trong giáo khoa thư từ một ngôi trường tỉnh.

Mấy tháng sau, báo Văn Nghệ đăng bài "Đọc Miền đời quên lãng" của Đỗ Ngọc Thống in tràn nửa trang, gần một nghìn bảy trăm từ, tôi đã ngồi thần ra níu lấy trang báo sau khi đọc. Tôi cảm động không phải vì những lời khen tác phẩm của mình, mà là sự đồng cảm, chia sẻ và cách thức tiếp cận tác phẩm dân chủ. Đỗ Ngọc Thống trước tiên không đặt mình ở địa vị nhà phê bình mà là một bạn đọc bình thường ái ố nộ hỉ với tác phẩm yên bề rồi mới để chức phận của người làm khoa học lên tiếng. Sự điềm tĩnh, tinh tế và thận trọng nhân văn từng là kim chỉ nam cho không ít những phê bình gia đông tây từ cổ chí kim.

Đỗ Ngọc Thống viết:

“Chẳng phải có một thời, miền đời riêng tư ở mỗi người bị bỏ quên, bị khuất lấp hoàn toàn sau một miền đời chung rộng lớn, nơi con người ta gặp gỡ và hội tụ vào các tổ chức đoàn thể, cùng phấn đấu cho sự nghiệp chung và đó là toàn bộ giá trị cá nhân của họ? Cách nhìn nhận và định giá cá nhân thông qua lăng kính các chuẩn mực qui phạm của cộng đồng dẫn con người tới tình trạng trở nên giống nhau một cách hình thức, hệt như những đơn vị vô hồn trong cái tổng số lớn lao, đồng thời cũng làm tăng sự gián cách giữa họ.”

Chia sẻ về hiện tượng cái tôi bị quên lãng, bị dàn mỏng, đánh đồng trong Miền đời quên lãng của tôi thì chính bản thân Đỗ Ngọc Thống đã phải thấm trải, nghiệm sinh điều đó trong đời sống một cách sâu sắc. Cái sự học đọc của Đỗ Ngọc Thống cũng xuất phát từ đấy để chuẩn bị cho việc làm khoa học văn chương lâu dài chăng?

Thường các nhà văn được các nhà phê bình đọc sách, có bài viết ngợi khen đứa con tinh thần của mình thì mặc nhiên, cách này cách khác nhà văn đó mắc nợ nhà phê bình tình cảm. Âu cũng lẽ thường, nhất là thời buổi số đầu sách văn học ra trong một tháng đã gấp đôi số nhà phê bình. Đọc văn trong lúc chợ đời ì xèo bao chuyện, quả là sự hành xác của các nhà khoa học nghiên cứu văn chương. Nhưng không hiểu sao, với Đỗ Ngọc Thống, tôi không có cảm giác nợ nần hay hàm ơn thông tục ấy. Mỗi khi nhớ nghĩ tới thì một cảm giác ấm áp, an tin về người văn ấy lại chiếm giữ tâm trạng tôi lâu lắm mới lắng yên.

Sự thù tạc, giao đãi trong văn chương giữa cái gọi là nhà phê bình và nhà văn diễn ra rầm rộ, thoải mái bắt đầu từ thời kỳ đổi mới cho đến nay chưa có dấu hiệu trầm lắng. Nhà phê bình nghiêm túc cũng không thể tránh khỏi vấn nạn phải viết lời giới thiệu cho dăm ba cuốn sách tẻ nhạt. Khen một tí, chê một tẹo, đủ vị như một lẩu thập cẩm của thứ ngôn ngữ trả nợ miệng. Và thực tế đã sản sinh ra nhiều nhà phê bình tay ngang chuyên đi giới thiệu sách và tận hưởng ưu thế ấy với các nhà văn thiếu tự tin.

Với Đỗ Ngọc Thống, chẳng biết vì mải làm khoa học giáo dục văn chương hay là nhờ sự khắt khe trong quan niệm đọc, hiểu nên đã khôn khéo đứng ngoài sự phiền nhiễu ấy.

Trong các cuộc gặp bạn bè, xoay chuyện văn chưa xong chén trà Thống đã  nhắc đến cụ Mạnh (Nguyễn Đăng Mạnh) với sắc thái vừa kính trọng vừa thoải mái của kẻ gần chùa nhưng chưa bao giờ gọi Bụt bằng cái tên khác. Niềm mến cảm  văn chương với người tài vai trên thuần khiết đến lạ lùng. Những mẩu rời vụn về vị giáo sư già, đứng đầu giới sở học thuộc phái sư phạm đương đại, mà từ lâu Thống cũng là một gương mặt sáng giá cùng những người học trò khác của ông kết nên danh tiếng:

“ Thời đi học, tôi không được học giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh. Tôi biết tên tuổi ông qua những trang phê bình, nghiên cứu văn học. Sau này quen ông, được trao đổi và trò chuyện cùng ông...tôi mới thấy mình may mắn. Cứ nghĩ, làm học trò Nguyễn Đăng Mạnh cũng là được nhiều rồi. Ấy thế mà lắm khi ông còn coi kẻ hậu sinh như tôi là bạn vong niên. Nhiều lần cùng ông đến chỗ khác, gặp người này, người nọ, ông chỉ vào tôi”giới thiệu”: Đây là ông bạn tôi... đến gượng. Ngay sau đó tôi lại hoàn toàn bị cuốn hút bới tính tự nhiên chân thực và tươi trẻ trong cách ứng xử của ông...”

Nụ cười rủm rỉm, hất lên cao mái tóc vốn đã hấp dụ bao nhiêu thanh nữ sinh viên, xòe bàn tay sạch tinh trước mắt ngắm qua cho yên tâm hơn, Thống nhắc lại câu nói của cụ Mạnh mà tôi từng nghe cả Văn Giá lẫn Chu Văn Sơn truyền tụng như một bửu bối để phân định thứ hạng người làm nghiên cứu:

- Cụ Mạnh thường hay nhắc lại Hoàng Ngọc Hiến  rằng trời định tính có hai loại người: Loại thứ nhất: thực vật. Loại thứ hai:động vật

Rồi say sưa giảng giải, thế nào là  thực vật, thế nào là động vật, ánh mắt Thống cứ ngời ngợi  niềm thiên chân bồng bột như con trẻ. Cảm thấy rằng chưa đủ, Thống lại thao thiết thêm công quả mà vị giáo sư già đã định tính phong cách cho các nhà văn tên tuổi, và nhấn nhá những kỉ niệm đi đó đi đây cùng cụ Mạnh. Tôi mong hơn một lần, giá như cụ Mạnh được tận chứng người học trò tự thụ giáo nói về mình lúc này nhỉ?

Chưa xa, mươi năm trước, mỗi lần Thống lên Việt Trì thỉnh giảng nâng cao cho các thầy cô dạy giỏi văn của tỉnh hoặc dạy các cháu đội tuyển văn trường chuyên Hùng Vương thì cụ Mạnh được vời đi cùng đóng vai long trọng. Lần đó tôi cùng ban giám hiệu trường Hùng Vương nghênh đón các thầy trường  Đại học sư phạm...

Phòng khách nhà Hiệu bộ bảy giờ tối, đèn sáng choang, máy lạnh rì rì, cỗ bày chờ, rượu cao tráng nồi của thầy Lê Văn Viết đã kịp san sang chai trắng sữa  vây quanh những cá lăng nướng, cá chiên hấp mà vẫn chưa thấy bóng khách. Thầy Viết nhòm đồng hồ, hỏi thầy Lập:

- Có chắc là thầy Thống hẹn không?
- Vâng, Đỗ Ngọc Thống lên lịch....

- Thế thì tôi yên tâm, Thống chưa bao giờ sai hẹn...

Hơn tám giờ, động cơ ô tô xình xịch tới. Cánh cửa phụ bật mở, một người tầm thước, chớm bệ vệ, tóc bồng. Người đó quành lại mở cánh cửa sau, giữ im. Ánh néon sáng xanh lóa xuống mái tóc muối tiêu xùm xòa của người đàn ông thanh mảnh từ từ nhô ra. Người giữ cánh cửa, vội đặt bàn tay lên gờ cửa trên, tránh cho một sự va chạm tưởng tượng.

Người tóc muối bước xuống chẳng ai khác chính là Nguyễn Đăng Mạnh, người mở cửa là Đỗ Ngọc Thống. Cụ Mạnh kéo tay Thống:

- Nào ta nhanh nhanh ông ạ, để mọi người chờ lâu quá...

Giữ cánh cửa xe  Thống vẫn khiêm cung, ghìm tay lại, cười lóa:

- Dạ! Kính cụ...

Cửa xe đóng phập, Thống khoác ba lô, cầm ô đi lui sau ba bước. Dường như cảm thấy trống trải, không biết bấu víu vào đâu, cụ Mạnh quay lại khều vai học trò:

- Ơ, sao ông để tôi độc hành thế này...
- Dạ, độc hành vốn là con đường của các bậc thầy... mong chóng tới ngày độc hành... thưa thầy !

Chủ nhà xếp chỗ thày trò Đỗ Ngọc Thống vị trí trang trọng nhất bàn để hiệu trưởng hiệu phó kẹp cứng hai bên. Mấy cô giáo mặt hoa da phấn đang theo  học của thầy Thống thì ngồi nép một góc với nhau, cười rúc rích. Cụ Mạnh nắm tay che miệng khụt khịt như đang có chuyện nghiêm trọng sắp xảy ra.

Trò Thống liền đứng dậy xua tay.

- Ôi, các thầy ơi, uống rượu nói chuyện văn chương mà bày cơm rang cạnh cơm nguội, để sắn với khoai còn hơn...Thôi cho phép tôi làm trưởng ban tổ chức...

Hiệu trưởng Viết đắn đo:

- Tôi sợ không tiện cho giáo sư...
- Anh Viết ơi, thầy em Tết chỉ mê mỗi hoa đào. Quất, bưởi, cam dám mua về bày vì sợ thấy mình già...

Tức thì Thống khoát tay nhắc nhở nhân viên nhà hàng chuyển vị trí mấy bình hoa tươi vào trung tâm bàn tiệc, rồi mới quay ra với các cô giáo nhưng vẫn đang làm học trò:
- Thôi nào các trò ngồi lại đội hình nhé......cái đẹp tự nhiên của con người cũng chính là cái đẹp của tạo hóa bằng ngôn ngữ hình thể, cũng vĩ đại không kém gì ngôn ngữ văn chương bác học mang lại cảm thụ mỹ học...

Mọi người yên vị, ai cũng có vẻ trút được sự căng thẳng khách khí. Tôi bỗng cảm được không khí đặc biệt của các giáo chức, giữa họ vừa là cấp trên, cấp dưới, là đồng nghiệp và trên hết là tình thầy trò. Người trên có thế gọi người dưới là anh, là chị, nhưng người dưới dứt khoát không dám suồng sã gọi người trên bằng sếp, bằng bác bằng chú, mà chỉ một điều thầy hai điều cô. Ngay cả đồng tuế, đông niên họ cũng trịnh trọng thưa gửi thầy thầy cô cô. Một khu vực đời sống công chức hiện đại vẫn lưu giữ được phong đạo của cha ông - chắc duy nhất chỉ có nghề giáo.

Nâng ly rượu, Thống đứng dậy, tay chống bàn, tay biểu đạt phụ họa cảm xúc mà ta thường bắt gặp ở những người đa trí, hoạt ngôn, dễ thăng hoa khi cảnh huống đẩy tới ngưỡng.

- Chúng ta nghiêm túc, nhưng không có nghĩa là chúng ta không biết trân quí cái sắc mà tự cổ chí kim các văn nhân kỳ tài trong thiên hạ bắn cả máu tim não ra để ngợi ca, những giây phút thi tứ tửu sắc giao thoa bừng sáng...Văn hay chẳng lọ bút cùn, nhưng thực sự khi mà khơi được mạch văn hay thì chắc chắn bút cùn sẽ bất lực không thể theo kịp. Thế nên văn hay, chắc chắn bút phải trơn bén...Một tâm hồn đẹp cũng thường ngụ trong một thực thể đẹp...

Thống mê sự  hài hòa trong đời sống và văn chương. Mọi liên quan đến văn chương, đến nghề làm thầy thì đều phải chuẩn đẹp. Nhớ lần ấy, quan đốc học tuần du một vòng Tây Bắc, dừng lại ở Việt Trì say uống với nhau, Thống nhắc chuyện ông hiệu trưởng nào đó nguyên là giáo viên dạy toán mời cơm thân mật đã đắn đo không biết mời cô giáo nào đi tiếp rượu cùng cho phải lẽ:

- Trời ạ, cả cái trường học danh tiếng của vùng đất cũng danh tiếng mà cô giáo dạy văn nào cũng không tươi nhuận. Đã là cô giáo dạy văn thì tiêu chuẩn nhan sắc cũng phải là một điều kiện tiên quyết chứ. Nhất thanh nhì sắc, giáo viên thì hẳn phải tốt thanh, nhưng mà được sắc nữa thì học trò nào cũng ngồi yên lắng nghe  thầy cô giảng cả ngày. Cô giáo dạy văn mà không có sắc thì khác nào thứ văn viết  chỉ nhăm nhăm đúng ngữ pháp với mớ ngôn từ cũ mốc...

Tôi rót thêm cho Thống.

- Hẳn thầy là người yêu học trò lắm lắm....
- Ô, không yêu, không trọng học trò thì làm sao tôi có thể thăng hoa khi mang tinh lực kiến thức tu luyện bao nhiêu năm giảng dạy ...

Tôi có cơ hội đến nhiều tỉnh thành của nước Việt, ngồi với dân văn nghệ ở quán cafe hay quán nhậu, bao giờ cũng có một vài nhân mạng nghệ sĩ xuất xứ giáo chức, như một minh chứng cho một nhận định: Nền văn chương  và chính trị Việt chính là nền văn chương, chính trị thày đồ. Nước Việt của thể chế phong kiến phát canh thu tô, thì chỉ có thày đồ mới đủ sức đọc đời sống xã hội và định hướng xã hội cũng như khen ngợi hoặc bêu  riếu nó.

Lần ấy xong dăm điều giao đãi và ba lần cụng ly, loanh quanh đã có kẻ nhắc đến Phó giáo sư tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống. Nhan sắc mặn mà đó hỏi tôi:

- Anh biết thầy Đỗ Ngọc Thống chứ ạ...?

Chẳng biết là do rượu hay là do nóng mắt bị người đẹp coi thường, tôi giơ ngón trỏ:

- Dạ, tôi biết Đỗ Ngọc Thống đã hơn hai mươi năm...

Nhưng nhan sắc ấy vẫn hồn nhiên làm như không biết đến thái độ trịch thượng ấy của kẻ đang bị rượu chi phối là tôi.

- Thầy…lạ lắm cơ, một khi đã uống rượu thì dứt khoát phải có người đẹp  ngồi rót rượu...Dù uống một vài ly đã đỏ mặt như hoa mẫu đơn...Chẳng khác Lý Bạch khi say hỏi hoa mẫu đơn, mặt mình đỏ hay hoa mẫu đơn đỏ hơn...
- Thầy em  thế mà phong lưu nhỉ....

- Anh hiểu phong lưu theo nghĩa nào ạ? Thầy phong lưu theo kiểu sách vở... trong như giếng Ngọc Đền Hùng quê anh và sáng như trăng mười bốn nhé. Rót rượu nhưng phải ngồi cách xa thầy một tầm với...Và khi uống thì nâng niu từng giọt...Em cũng được một lần rót rượu mời thầy. Có chút men, thầy nói thật hơn về những ẩn ức của người làm khoa học xã hội phải dung hòa với cơ chế. Ở vị trí của thầy thật không dễ chút nào...
- Dào ôi, cô giáo ơi, ông bạn tôi vi vu khi Nam khi Bắc lúc Á lúc Âu, bao nhiêu là dự án nghìn tỷ...làm sao mà phải buồn cơ chứ...
- Anh biết một thôi...thầy Thống chịu nhiều áp lực lắm...

Xem ra tôi biết Thống hai mươi năm, chưa chắc đã bằng học trò học Thống một hai năm. Nhất là học trò đã làm thầy lại tái tục làm học trò, thì hẳn họ hiểu  người thầy mình hơn cả.

Hơn hai mươi năm cung đường Việt Trì - Hà Nội từ ba giờ xe đò còn một giờ xe khách tốc hành chất lượng cao, cơ hội ngồi với nhau giữa chúng tôi mới đếm trên đầu ngón tay. Mà lạ khi công việc tôi ở Hà Nội cả tuần thì Thống lại thỉnh giảng một tuần ở đâu đó, khi thì Việt Trì, lúc tận Cần Thơ hoặc Điên Biên Phủ. Hoặc là tất tả vân du châu Âu  Mỹ khảo sát kinh nghiệm giáo dục. Vậy mà không có bài viết nào của tôi mà Thống không đọc....Chỉ riêng từng ấy thôi, là người sáng tác, tôi phải mang ơn Thống vì sự sẻ chia chẳng dễ gì.

Mỗi lần vào mùa thi hoặc rục rịch giảm tải, hoặc cải tiến cải biên sách giáo khoa, thì y như rằng trên ti vi hoặc mấy tờ báo danh giá lại có bài phỏng vấn  Đỗ Ngọc Thống. Nhìn Thống mỗi năm trán mỗi cao thêm màu tóc mỗi thì mỗi bạc, gương mặt thì cộng thêm nỗi ưu tư...

Riêng chuyện biên soạn sách giáo khoa đã tốn không biết bao giấy mực báo in, và thời lượng phát sóng hình, sóng phát thanh. Nhà báo nào cũng giắt dăm câu lắt léo quanh việc sửa đoạn kết câu chuyện cổ tích Tấm Cám nhằm ông Tiến sĩ  Phó chủ tịch hội đồng khoa học Viện Khoa học giáo dục mà nã...

Rồi đến lượt tôi cũng phải quay ông bạn chủ biên chương trình và sách giáo khoa ngữ văn phổ thông khi bị con gái thắc mắc về “ dị bản ” và không dị bản câu chuyện kia.

Phải năm lần bấm máy mới bắt được sóng từ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, ông bạn thở dài thượt, âm thanh lào xào.

- Vụ Tấm Cám là thế nào ông nhỉ? Nó đã nằm lòng người Việt bỗng dưng bị thay đổi trong sách giáo khoa? Tôi viết văn không làm khoa học văn chương như ông, nên chẳng biết trả lời con gái thế nào?

 Đầu dây lặng đi một lát, ông bạn cất giọng khàn khàn:

- Ui hơn tuần nay, ngày nào tôi cũng phải nhậu món Tấm Cám đây. Sáng nay cũng vừa trả lời phỏng vấn hết cả hơi... Khúc chiết  và chu đáo, Thống giải thích: Từ những năm 1980, một số nhà nghiên cứu đã đặt vấn đề cách hành xử của Tấm hơi dị biệt với truyền thống nhân bản của người Việt, nên loại Tấm Cám không đưa vào chương trình phổ thông. Và bây giờ, sau khi suy xét chúng ta lại đưa câu chuyện cổ tích đó trở lại chương trình, nhưng nắn phần kết cho nhẹ bớt vì lo ngại sẽ có sự liên tưởng nào đấy với đời sống hiện tại nhiều bạo lực...
- Từ bé cả ông và tôi đều học Tấm Cám nguyên bản....
- Thì vưỡn, áp lực của xã hội khiến những người làm sách giáo khoa lo lắng...Nhưng hai cái kết của câu chuyện trước và sau hiệu chỉnh chẳng xa nhau bao lăm....vẫn kết thúc trong ước vọng, vẫn thiện thắng ác...người Việt vốn đã nghe ông bà cha mẹ kể Tấm Cám từ bao đời; và cho đến nay chưa có nghiên cứu nào khẳng định yếu tố ác trong câu chuyện đã ảnh hưởng đến cách hành xử của học sinh...

- Vậy nếu ở địa vị ông bố có con học văn thì ông khuyên tôi thế nào đây?

- Tôn trọng văn bản nguyên thủy của Tấm Cám... Đấy cũng là tinh thần của nền tảng cải cách giáo dục năm 2000. Thầy cô giáo không cảm thụ hộ, không áp đặt nữa...mà là người đồng hành, hướng dẫn cá nhân học sinh  tự phát huy năng lực, tự cảm nhận, giải mã tác phẩm.... Tạo tương tác dân chủ....

Lan man, chuyện lại nối sang cải tiến cải lùi giáo dục. Nào giảm tải, nào  thay đổi tư duy, nào thi cử lụy phiền. Là một trong những tác giả biên soạn sách giáo khoa tác nghiệp ở Viện KHGD Việt nam, chưa bao giờ Thống nguôi vơi nhiệt huyết với nghề. Hễ được hỏi đến là cả mấy chục phút giãi bày. Hàng tá lý do được nhắc đến, tựu trung vẫn là do con người, do sai lỗi hệ thống...

Với Đỗ Ngọc Thống nghềnghiệp đan xen, bện thắm vào nhau thống nhất trong mỗi câu chữ và vọng ngôn bổ sung cho nhau làm nên một phong cách văn chương mạch lạc, trong sáng, khoa học nhưng không thiếu vắng dư ba, phiêu lãng vượt ngưỡng. Thăng hoa mà vẫn chừng mực tiến đến sự giản dị cho mọi đối tượng độc giả. Hiếm ai trong cùng thế hệ có được sự thăng bằng như Đỗ Ngọc Thống. Đây là những dòng viết về một nhân vật khả kính: “Tôi có thói quen hay nhắm mắt lại, rồi hình dung về một người mà mình quen biết và liên tưởng họ với một hình ảnh hay biểu tượng nào đó. Với giáo sư Trần Đình Sử, không hiểu sao trong tôi cứ hiện lên hình ảnh ngọn núi lửa. Ngọn núi ấy lúc nào cũng muốn phun trào các ý tưởng, ngay cả lúc yên bình vẫn nghi ngút các ý tưởng”.

Và nữa một nhận xét tinh tế về hệ thống ngôn từ của nhà văn: “Tạ Duy Anh đã thể hiện và phác họa chân dung những con người và sự việc này bằng một vốn ngôn ngữ phong phú, hiện đại- ngôn ngữ tươi rói, róng rẫy của đời sống hiện thực- cát bụi lấm lem. Ngôn ngữ ấy dường như tôi thấy chỉ có ở tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Rất nhiều cách ví von đầy màu sắc dân dã và vô số các biệt ngũ, tiếng lóng được vận dụng đúng lúc, đúng chỗ để làm nổi bật chân dung của một thế giới nhân vật đầy bất hảo; một hiện thực dữ dằn và ngang trái..”

“ Tôi vẫn thường nghĩ, một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá một nhà văn lớn hay nhỏ là xem vốn chữ của người ấy. Hiện thực cuộc sống là muôn màu và hết sức tinh tế, tinh vị, bất tận. Trong khi ngôn ngữ của con người thì rất có hạn. Theo các tài liệu tâm lý học, người thợ nhuộm có thể phân biệt được 60 màu đen khác nhau, nhưng thử hỏi trong kho tàng ngôn ngữ Việt có bao nhiêu từ ngữ chỉ các gam màu này ? Đó là chưa nói thế giới tình cảm của con người là hết sức phức tạp, người viết xúc động, run rẩy, đồng cảm, xôn xao...nhưng liệu có đủ chữ để thể hiện đúng và trúng những trạng thái đó không ?”

 Một khái quát văn chương rành mạch đầy trân trọng không mấy ai có được. Viết về những giá trị Nguyễn Tuân, Nam Cao sợ rằng sẽ chỉ là sự nhắc lại những gì thiên hạ đã khẳng định thì Thống vẫn tìm ra được ý tưởng mới và hệ thống hóa của riêng mình không những không mâu thuẫn với những giá trị mặc định mà chỉ làm sáng tỏ hơn những gì người ta biết còn mù mờ.

Buổi chiều mùa đông chưa lâu, hẹn chung gặp người bạn phương xa, tôi đến điểm chờ bên bờ sông Hồng, giáp chân cầu Long Biên thì Thống vẫn còn loay hoay hội thảơ ở trường  đại học Tổng hợp. Ly đã bày, rượu đã khui. Tưởng rằng cầm lái chiếc Civic giữa thời điểm mọi ngả đường Hà Nội kẹt cứng, Thống không thể nào đúng giờ.

Sốt ruột, tôi  nhấp môi miệng ly thì chiếc Civic cũng xịch đến. Bó hoa ly rạo rực bên mái tóc bồng điểm sương khói. Bó hoa cho người bạn bỗng ngời lên màu sáng bâng khuâng. Tôi bỗng nao lên. Chàng sinh đồ ngày xưa đâu nhỉ? Mấy mươi năm biết nhau, mấy mươi năm song hành, bỗng nhận ra cả bạn cả ta đều không còn như ngày cũ. Được mất hằn in nơi ánh mắt nụ cười.

- Theo tôi hạnh phúc nhất là khi được trao tặng ai đó những bông hoa và những cuốn sách mới...

Hình như Thống đã nhắn câu ấy khi nhận được cuốn sách mới của tôi gửi tặng. Giờ nhìn Thống tặng hoa tôi bỗng nhớ... Buổi tối hàn huyên ngắn gấp ấy giữa những người yêu quí nhau từ mỗi con chữ mà nên tri kỷ. Văn chương, cơn cớ muôn thuở để người đến với người, người nhớ người và người xa người. Nó không là đích, cũng chẳng phải phương tiện mà là ánh xạ lòng trắc ẩn buồn vui mỗi thân phận...

Lần Thống tháp tùng cụ Mạnh lên Việt Trì, văn nhân tỉnh lẻ đua nhau khệ nệ ôm sách tặng vị giáo sư, ngõ hầu mong con mắt xanh ông liếc đến. Tôi cũng có sách mới, nhưng chỉ mang một hai cuốn nhằm tặng Thống và Văn Giá...Sau khi đề tặng thì không thể dấm dúi trao sách trong bóng tối, tôi đành có lời với vị giáo sư:

- Xin được thất lễ, vì tôi không muốn làm phiền giáo sư bằng việc tặng sách...

Một lúc sau Thống khẽ khẽ nói cho riêng tôi:

- Ừ, không phải ai cũng nên tặng sách...cụ Mạnh nếu có được tặng thì cũng chẳng có thời gian đâu mà đọc... ông đã đúng. Người tặng và người được tặng chỉ vui thực sự khi biết cuốn sách đó sẽ được đọc...

Riêng với những cuốn sách của mình, khi  tôi chưa kịp tặng thì Thống đã đọc xong; với một người viết thì có sự chia sẻ nào lớn hơn nữa chăng? Biết Thống, và có Thống tri kỷ cùng sinh mệnh chữ tôi đã được nối thêm những phút giây hạnh phúc nồng nàn sáng tạo. Tôi phải mang ơn văn chương hay mang ơn Thống đây?

Tản-mạn-về-Dặm-ngàn-hương-cốm-Mẹ-của-Nguyễn-Tham-Thiện-Kế sẽ mãi là thiên-tùy-bút-phê-bình, một nỗi đau của riêng Thống hòa cảm thân phận cùng  tôi lặng nhìn một thời nước Việt phôi phai, thay đổi. Sự hòa cảm này, dường như đã lâu lắm tôi mới được thấm ngấm, kể từ Hoài Thanh, Hoài Chân...

Nhiều lúc, tôi dim mắt hình dung, nếu những cuốn sách của tôi không được Thống đọc...Và buổi hàn huyên người viễn xứ kia...nếu không có những bông hoa ly trong bó hoa trang trọng của Thống thì bóng đêm sông Hồng đâu có được nét hào hoa lưu nhớ đến thế....

 Tháng 3 năm 2012

                                                        N.T.T.K

Bình luận
Viết bởi Lê Phuong Nga -- lephuongnga54@gmail.com -- 4/5/2012 11:29:27 AM
Cảm ơn nhiều nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế.Tôi biết Thống đã gần 40 năm nay,quý yêu cũng nhiều mà e ngại cũng lắm nhưng hôm nay nhờ bài viết của anh mà tôi mới thấu hiểu rằng bạn của tôi đáng trọng ,đáng yêu đến thế.Phải chăng đó sứ mệnh,cái tài của nhà văn :chỉ cho ta thấy bao giá trị,vẻ đẹp ngay sát bên mình mà do bao bộn bề của đời thường và bao lí do vân vân mà ta không nhận ra .Còn một lí do khiến tôi rất thích bài viết này vì nhờ nó,tôi biết về tình bạn của hai ông.Tôi rất ngưỡng mộ và thấy lòng ấm áp.Cảm ơn cả hai người thật nhiều.
Gửi lời bình
  • Mã xác nhận
  •  
  • Họ tên
  • Email
  • Nội dung
Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook