CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Chân dung

KIM NGỌC - CHA ĐẺ KHOÁN 10 (KỲ IV)

Chủ nhật ngày 13 tháng 5 năm 2012 12:52 PM

Dòng hồi ức trong người con trai bỗng trào dâng..."Con có thể thương tật, có thể hy sinh, nhưng phải trung thực. Một khi con rèn được phẩn cách trung thực thì mới có lòng dũng cảm. Đó là cả một hành trình… hành trình làm người.. "

Ông Kim Nam, người con trai thứ ngồi trò chuyện cùng tôi sau lưng bức tượng đồng Kim Ngọc, trong căn nhà đang đập phá tu sửa, nhớ lại những ngày tháng ấy với sắc thái điềm tĩnh.

- Ngày ấy, tôi đang học lớp 7, hệ phổ thông mười năm. Tôi chỉ cảm nhận được rằng bố tôi rất buồn. Nhiều hôm, đi học về chào, bố yên lặng, mắt mở căng, thảng thốt. Rõ ràng là tôi đang ở trước mặt bố mà bố không nhận ra. Nhưng tôi biết làm thế nào giúp được bố đây? Đường đường bố là người có quyền hành to nhất tỉnh Vĩnh Phú, một tỉnh kéo dài từ sân bay Nội Bài đến giáp thị xã Yên Bái. Mọi khi, tôi đi học về, bao giờ bố cũng bảo tôi mở cặp, lật vở cho bố xem bài. Tôi đã ra đầu hè ngồi nhìn mãi màu hoàng hôn, nghe muỗi bay. Trong bếp tiếng bát đũa, xoong nồi lách cách. Tiếng mẹ và em gái tôi se sẽ thì thào.

Dường như dòng chảy hồi ức trong người con trai thứ, bỗng tràn dâng. Tôi không dám động cựa, để được nghe anh nói thêm về người cha khác thường của mình. Phải một lúc lâu, không đừng được, tôi rụt rè nêu một câu hỏi bâng quơ:

- Bí thư Kim Ngọc có định hướng cho các con mình phải làm gì không? Ví như là kỹ sư nông nghiệp hay kinh tể chẳng hạn…

- Với các con, ông cụ không bao giờ áp đặt. Anh cả Kim Sơn thích máy móc thì cụ cho đi học cơ khí. Tôi thích súng đạn, giày đinh, quân phục, nên đã tình nguyện đi bộ đội. Tướng Đồng Sĩ Nguyên là chỗ quen biết, nhưng khi vào Trường Sơn ông cụ cũng chẳng hề hé răng thông báo cho bạn là tôi đang là lính của Đồng Sĩ Nguyên. Hôm tôi nhận quyết định nhập ngũ, bố gọi tôi lên ngồi đối diện bàn làm việc trên Văn phòng, hỏi:

- Có chắc chắn là con thích là bộ đội, trực tiếp chiến đấu?

- Vâng!

- Vậy thì con phải chịu trách nhiệm với bản thân con. Và phải hoàn thành nhiệm vụ người lính một cách tốt nhất. Đạo đức của con người và giá trị của con người, chính là nằm ở chỗ phải hoàn thành bổn phận, vai trò, công việc được giao phó, hay tự nguyện gánh vác. Con phải trung thực. Một khi con rèn được phẩm cách trung thực, thì con mới có lòng dũng cảm…Đó là cả một hành trình .. một hành trình con trai ạ…

Nhìn tôi hồi lâu, ông lặng lẽ tháo chiếc đồng hồ Rô-lếch, quà tặng của Quân khu Việt Bắc năm ông rời chức vụ Phó Chính ủy Quân khu về làm Bí thư tỉnh Ủy Vĩnh Phúc, đeo vào cườm tay tôi.

- Nó sẽ giúp con trong những phiên gác, những lần hiệp đồng chiến đấu…Hôm nay con thích ăn gì bảo mẹ nấu cho. Mai tập trung, mẹ sẽ đưa đi. Bố bận đi xuống huyện…Tôi lặng lẽ quay đi. Tôi cảm giác cái nhìn của bố mãi sai lưng. Suốt những tháng ngày chiến trường, mỗi lần nhìn chiếc đồng hồ, tôi thấy nguôi ngoai nỗi nhớ nhà. Tôi hình dung ra ánh mắt của bố đang nhìn.

Bao nhiêu năm, tôi gần như đứt liên lạc với gia đình. Mãi sau, tôi biết, ở nhà dù không nói ra, nhưng cả bố và mẹ đều nghĩ tôi đã hy sinh. Bố đã làm rất nhiều thơ tặng tôi. Nhưng bố chỉ đọc cho mẹ nghe. Đến khi tôi về, mẹ mới đưa những bản thảo đó cho tôi đọc. Bố đã gọi tôi thảng thốt là bông hoa thương nhớ của cả nhà. Một bông hoa đi vắng. Một bông hoa chờ ngày đậu quả. Thật tiếc, không hiểu sao những bài thơ đó lại không còn. Tôi đã làm thất lạc chúng, năm bố tôi ốm đau.

Nhìn nơi cổ tay ông Kim Nam trống trơn, tôi bỗng chạnh lòng.

- Thế cái đồng hồ hiện nay ở đâu mà không thấy anh đeo?

Kim Nam nhìn lên bức tượng đồng Kim Ngọc, giọng nhỏ khàn.

- Tôi vẫn giữ được chiếc đồng hồ bố cho và mang trở về cùng ngày chiến thắng. Mấy lần rơi xuống suối sâu tôi đều lặn xuống tìm sau những tác xạ, tiếng nổ vừa yên. Tôi thấy được nó bởi ánh dạ quang le lói trong làn nước đục. Sau nay, chú em tôi thích, tôi đã đưa cho em dùng. Chú ấy ở Sài Gòn, mấy năm đầu chưa quen công việc, chắc là quá khó khăn nên đã không giữ lại được. Tôi biết tin, nhắn vào tìm cách chuộc lại…Nhưng người mua thì lại người qua đường…

Năm 1976 tôi ra quân với quân hàm thượng sỹ. Tôi về mà không kịp báo cho người nhà đi đón. Cuốc bộ từ ga Việt Trì về khu tập thể Văn phòng tỉnh ủy đã 4 giờ sáng. Tôi lặng đi trước sân khi thấy ánh đèn phòng làm việc của bố vẫn chong đèn. Tự dưng bố ra mở cửa. Nhìn thấy tôi, bố như rùng mình. Ôm tôi, vỗ vỗ lên chiếc ba-lô đầy bụi sau lưng tôi, mãi sau bố mới thốt nên lời:

- Thế là con đã trở về nhà... cảm ơn con…

Đỡ cho tôi chiếc ba-lô trên lưng, bố khệ nệ mang nó vào nhà. Lúc bấy giờ tôi mới nhận ra, tóc bố đã bạc trắng, người gầy như gốc cây khô. Lúc nắm tay tôi bố đã nắm luôn cả chiếc đồng hồ. Hai bố con tôi ngẩn lặng. Điểm nhịp thời gian vang lên tiếng kim loại păng păng lạnh tanh.

Đặt chiếc ba lô lên góc bàn, bố lặng lẽ đi pha cho tôi cốc sữa nóng.

- Sau khi anh đã xuất ngũ ông cụ có định hướng cho anh công tác gì không?

Ông Kim Nam vuốt mái tóc hoa râm, cười:

- Trước kia ông cụ đã không định hướng, thì nay làm gì có chuyện đó. Bố tôi đã từng nói, nghề nghiệp nào thích hợp với mình nhất, mình làm việc giỏi nhất, hiệu quả nhất, thì hãy theo nghề đó, xã hội sẽ ghi nhận những cống hiến thực chất, chứ không phải một cái nghề hình thức…

Năm đó tôi được đi ôn thi vào Đại học kỹ thuật Quân sự, nhưng ra quân muộn, nên lỡ làng. Sau, tôi xin vào phục vụ ngành Công an. Tiếp đó thì đi học…

Ngồi nhìn ra bờ ao vắng lơ thơ ngọn mai dương, ông Kim Nam bỗng mơ màng. Một nụ cưòi tiết chế:

- Mới đây, một phóng viên của Đài Truyền hình Việt Nam, nhân dịp làm một phóng sự về Kim Ngọc, đã ghi hình tờ bào Nhân Dân có đăng bài của đồng chí Trường Chinh phê phán khoán hộ, trong phòng làm việc ở nhà sàn của Bác Hồ. Tờ báo vẫn còn bút tích ghi bên góc bài viết: Đề nghị chú Thận, xem lại !

- Nhưng khi Kim Ngọc về hưu và anh cũng đã trưởng thành, bố con lại không bao giờ tâm sự với nhau về vấn đề ấy sao?

- Không. Chưa một lần. Có lẽ hơn ai hết, ông hiểu chân lý sẽ phải đi đường vòng. Ông hoàn toàn thanh thản và yên tâm. Khi về hưu, ông quan tâm nhất là kiếm được chỗ đất rộng, áp dụng mô hình vườn - ao- chuồng truyền thống. Tôi đã theo bố tìm được khu đất hoang này, mà ông cho là thích hợp với sở nguyện. Tôi xa , thì thoảng ghé qua nhà thường thấy ông cụ chạy sang chỗ HTX trồng rau cung cấp thị xã và các đơn vị quân đội. Họ trồng rau nhưng lại thường xuyên sang nhà xin rau của ông để ăn. Một hôm ông chỉ sang vườn rau xanh mỡm nhà mình mà rằng:

- Các anh hãy thử so sánh xem. Chúng tôi chỉ có hai thân già mà rau làm đổ đi không hết, Nuôi lợn gà thừa mứa. Còn các anh gần cả trăm con người, ruộng đất phì nhiêu, mà rau thì đỏ như lông bò. Đói xanh như rau mà không chịu mở mắt ra.

Có tiếng ô tô đổ cát sỏi cuối đường cây hoa sữa, lạt sạt nhức răng. Tiếng kìm cộng lực cắt sắt làm cốt tấm đan cồn cột, ông Kim Nam nhấp nhổm ngó ra ngoài . Ông bảo muốn xin nghỉ mươi ngày về trông coi việc xây lại nguyên mẫu ngôi nhà thực sự là của riêng bố mẹ, sau một đời cống hiến.

- Sống với bố nhiều, anh có biết ông cụ ghét ai nhất không? Yêu ai nhất không?

Xòa hai bàn tay ông Kim Nam như được mở lòng:

- Thì... bố tôi thì cũng chỉ là người bằng xương thịt bình thường. Yêu nhất thì tôi không biết, ghét nhất thì tôi cũng không biết. Nhưng có việc này là hoàn toàn xác thực, hễ mỗi lần nghe đài, đọc báo thấy đồng chí N, đồng chi L chạy đi Đông Âu xin viện trợ lương thực, thực phẩm thì bố buồn thỉu. Ông ngồi mãi một chỗ, rồi cũng cười khẩy, thốt lên một câu" Sống trên thóc gạo mà phải đi xin, nhục không gì nhục hơn, thóc gạo ở ngay trong lòng dân, sức dân. Sao không nghĩ cách làm cho người dân nhiều thóc gạo, mà lại kìm hãm người dân, rồi lại nhân danh người dân mà đi xin người ta. Sao không nghĩ cách không phải đi xin. Đồng tiền có mắt. Bạt gạo có chân. Miếng ăn đi ăn xin thì còn đắng mãi về sau. Miếng khoai lang trong bẫy chuột nhìn thì bao giờ cũng ngon mắt…"

- Nghe nói Vĩnh Phúc hồi khoán thí điểm thành công, đã có gửi tặng Bác Hồ một con cá to…

Kim Nam hồ hởi:

- Có, đúng vậy, nhân danh Đảng bộ tỉnh, Kim Ngọc đã gửi biếu cụ Hồ con cá trắm 34 kg. Bác Hồ đã chia cá cho cả văn phòng…

- Hình như đã một lần Bác Hồ phê bình Kim Ngọc…

- Hư thực tôi không biết. Nhưng cụ Lê Dân cách mạng lão thành thì hay nhắc lại kỷ niệm đặc sắc. Hồi Bác về thăm Vĩnh Phúc, đi ngang qua khu văn phòng, thấy căn nhà gác nhỏ, bán âm, bán dương trên sườn đồi. Gọi là hai tầng cũng đúng, mà một tầng cũng không sai, vì nó chỉ rộng thoáng ở phía trên, bên dưới không khác gì tầng hầm. Mẹ và chúng tôi chỉ được ở dưới tầng hầm đó. Thiển ý của bố tôi là vì cả nhà sống ở khu văn phòng, rất bất tiện cho công việc nghị sự kín. Ông sợ chúng tôi còn bé, hay nghe lỏm, nên bảo Văn phòng xây như vậy cho cách biệt hẳn. Ngôi nhà hiện nay vẫn còn trên đồi tỉnh ủy. Nhưng hôm Bác Hồ về thăm thấy vậy đã nói: - Chú lại bắt chước Bác ở nhà sàn hay sao. Sống với vợ con thì phải ở cùng, chứ sao tách biệt như thế này? Thế là ngay tức tốc buổi chiều Bác xuôi là bố tôi cho dọn nhà xuống khu các chú cảnh vệ…

Nghe ông Kim Nam, tôi liền nhớ lại năm 1980 đơn vị chúng tôi đã được ông Lê Dân bố trí cho ở nhờ tòa nhà làm việc của Văn phòng tỉnh Ủy Vĩnh Phúc cũ, khi đã chuyển sang làm khu điều dưỡng cán bộ Trung ương. Cái nhà nhỏ hai tầng nọ, thì được bố trí cho tiểu đội nuôi quân và làm kho thực phẩm. Mấy vị sĩ quan mỗi lần xuống nhà bếp kiểm tra đều nói, xuống nhà ông Kim Ngọc. Có lẽ hai cái nhà đó vẫn là một.

Xoa hai bàn tay lấm bụi xi-măng, cát vàng, giọng ông Kim Nam vẫn chậm rãi, đều đều, rành rẽ:

- Bộ bàn ghế trong tấm ảnh chụp Bác Hồ ngồi ký vào tấm ảnh tặng nhân dân Vĩnh Phúc là bộ bàn ghế tịch thu của địa chủ. Ai đó đã định biếu bố, nhưng ông từ chối. Rồi dịp Tổng thống In-đô-nê-xi-a, Xu-các-nô sang thăm Việt Nam, Bác Hồ đã cử Chánh văn phòng trung ương Đảng Vũ Tuân là bạn thuở tá điền với Kim Ngọc lên xin cho Bác bộ bàn ghế đó. Kim Ngọc tròn mắt không hiểu, tưởng Bác phê bình gì đó. Vũ Tuân nói nhỏ: - Cụ bí quà tặng quá. Nhà nghèo, không biết có gì tặng người ta, nên cụ đã nhớ đến bộ bàn ghế hôm ngồi ở đây. Tặng Xu -cac-nô là phải tặng thứ độc đáo như thế này

Ông Vũ Tuân và bố cứ lắc đầu le lưỡi thán phục.

- Chịu ông cụ thật, ngồi ký vào tấm ảnh có mươi phút mà vẫn để ý đến bộ bàn ghế cổ. Hẳn là ông cụ phải biết nó có giá trị như thế nào đó…

Đang vui chuyện thì có người ở ngoài sân nói với:

- Ông Kim Nam ơi, lúc nãy có người ở trong Tam Quan ra gửi cho ông quà đây này…Nhà ông đi vắng họ nhờ tôi chuyển giúp. Tôi để đây nhé…

Đáp lễ người hàng xóm, ông Kim Nam giải thích với tôi:

- Lại gà quê quà của mấy cơ sở cũ họ đã từng nuôi giấu bố tôi những năm trước cách mạng. Chắc biết tin mẹ tôi sửa nhà, họ gửi để thắp hương cho cụ…

Tôi nói vui:

- Thích thật đấy, dân nuôi cách mạng từ trứng nước, đến khi cách mạng thành công mà vẫn được dân chăm nuôi. Hẳn là phải có mối thâm tình sâu sắc …

Ông Kim Nam gật đầu:

- Những người nuôi giấu bố trong thời kỳ bóng tối, đều là những người quen biết từ thuở tá điền . Ngoài lý tưởng cách mạng, trước hết đó là sự tin xác tín, tin yêu giữa con người với con người. Dù sau này bố làm Bí thư tỉnh ủy thì mối quan hệ cũ vẫn chẳng có sự dịch chuyển. Họ có thể đến nhà tôi bất cứ lúc nào. Nhà có gì ăn nấy. Và bố công tác qua lại tạt ngang vào thì ngồi bệt xuống hè, kéo cao ống quần hút thuốc lào, cầm củ sắn củ khoai trong nồi mới luộc hay đã nguội lăn lóc trong chiếc rá thủng vừa ăn vừa hỏi chuyện làm ăn.

Người vừa mang biếu con gà vừa rồi, chính là người đã từng nuôi bố trong nhiều năm. Nhưng một đận, chẳng may bị chó cắn, bị thương nơi mắt cá chân, giặc đuổi rát rạt, bố tìm về cơ sở, thì người chủ gia đình bỗng đưa tay lên chắp vái lạy xin bố đi chỗ khác ẩn lánh. Bố thất vọng bỏ đi, nhưng người đó đã kịp ném vào chiếc nón mê của bố một đồng tiền.

Hòa bình, người năm xưa đã chối bố một lần tìm cách lánh mặt. Nhưng bố đã chủ động đến nhà, động viên người đó ra công tác ở Mặt trân Tổ quốc huyện. Bác ấy cũng là người có công. Nhiều người nhắc lại chuyện cũ, bố gạt đi. Người ta chỉ chối mình có một lần, còn bao nhiêu lần trước người ta đã vì mình mà khốn khổ. Mình cũng có phải lúc nào cũng tốt một trăm phần trăm đâu. Cách mạng mà vô ơn như thế thì giáo dục nhân tính cho nhân dân ở đâu nữa…

N.T.T.K

(Kỳ sau đăng tiếp)

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook