CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Chân dung

NGUYỄN TUÂN GIẢI OAN CHO BÚT TRE

Thứ tư ngày 30 tháng 1 năm 2013 12:00 AM

Về Nguyễn, kỷ niệm cùng ông, ngỡ tôi đã bộc bạch cả rồi. Chuyện tháng 11 năm 1983 ông đi thăm Vĩnh Phú đã kết. Vậy mà làm tập sách Miền lưu dấu văn nhân[1], thì sự lại dẫn đến Nguyễn, khi tôi viết về Bút Tre Đặng Văn Đăng. Giữa hai văn nhân  trái chiều không có gì gắn kết hóa lại duyên nợ hơn ta tưởng khiến tôi không lơi đi câu chuyện hiện hữu riêng miền đất Tổ…  

Trước bữa tiệc mà tôi đã góp mặt hầu rượu Nguyễn thì công việc chuẩn bị do quá chu đáo nên cứ dềnh dang theo lễ nghi nào đó mà không có ai cầm trịch. Trên sai xuống dưới. Dưới lơ láo chờ  trên. Cấp trên khụt khịt xoa cằm, loăng quăng đi lại. Chủ tịch Hội Ngô Quang Nam vừa trông coi mấy bình hoa tươi, vừa luôn miệng nhắc nhân viên bày tất tật sách mới sách cũ đã xuất bản lên dãy bàn gỗ mộc của ba gian nhà lá khoe với Nguyễn. Phó Chủ tịch Hội Cao Khắc Thùy lúc thì xuống xem làm món, lúc nhoắng vào phòng thường trực quay điện thoại sang Tỉnh…

Hành mỡ thơm lộng óc.

Nguyễn được nhà văn Nguyễn Văn Bổng tháp tùng ngồi ở phòng làm việc của Chủ tịch Hội. Tôi và Văn Chinh được phân công túc trực lảng vảng ngoài hành lang nghe động tĩnh. Nếu Nguyễn có nhu cầu gì thì ngay lập tức báo cáo Nguyễn Hữu Nhàn ứng biến. 

Túc trực trong phòng Nguyễn là vị chánh văn phòng Hội to cao như công nhân bốc vác. Trà pha, thuốc bày, dù chánh văn phòng rón bóc thuốc nâng hai tay, nhưng Nguyễn không chịu dùng. Ông bặm môi nhìn. Nước trà đỏ sậm như nước vối. Bao thuốc Trường Sơn nhăn bẹp. Gương mặt Nguyễn hây hồng sắc bia bởi lúc ngang qua thị xã Vĩnh Yên, Thị ủy đã mời ông nghỉ chân giải khát. Đứng lên lại ngồi xuống, Nguyễn lộ vẻ khó chịu. Ông đẩy gọng kính, ngước lên mái gồi chẹp miệng, đôi cánh mũi chuyển động tựa như đang có gì phiền lòng. Nguyễn xọc tay vào hai túi áo lụa nói nhỏ với Nguyễn Văn Bổng:

- Này, ông định câu lưu tôi hay định biến tôi thành ngáo ộp với anh em Vĩnh Phú hử?

- Dạ, tôi đâu dám…đành nhập gia tùy tục thôi mà bác - Ông Tổng biên tập báo Văn Nghệ nhũn nhẵn.

Nguyễn bực dọc hướng sang vị chánh văn phòng Hội đang nhăm nhăm giẻ lau mặt bàn gỗ thủng lỗ chỗ mọt nước:

- Hình như anh còn có việc ngoài kia với anh em thì phải…

- Dạ việc của con là chăm sóc ông chu đáo. Cần gì thì ông cứ sai..

Nguyễn thở dài, bất chợt hỏi xẵng kiểu lý trưởng:

- Hôm nay có Bút Tre dự tiệc không?

- Cụ cũng quen Bút Tre kia ạ…?

- Tôi quen Bút Tre thì sao hở?

- Lạ quá ạ…Vì Cụ tận trên hội trung ương. Còn Bút Tre nôm na, khề khà…

- Lạ, tôi quen ông ấy từ hồi anh chửa hoài thai kia…Nếu thuộc thơ Bút Tre thì đọc cho ta nghe chơi dăm bài nào…

Chánh văn phòng gãi đầu, lúng búng ngỡ Nguyễn đùa. Nhưng cảm thấy vẻ Nguyễn nghiêm túc, anh chàng bắt đầu bằng anh đi công tác pờ lây tiếp đến là chị em du kích tài thay/ bắn máy bay Mỹ…liền tù tì bốn năm bài thể thơ Bút Tre. Nguyễn nhủm nhỉm cười, chòm râu bạc chuyển động theo nét mặt hóm sáng. Bỗng Nguyễn phảy tay, chánh văn phòng im thít. Giọng Nguyễn trầm, ngón cái đưa lên gại gại chòm râu:

- Này, anh Tổng ạ! Có lẽ Bút Tre là người thơ xã hội chủ nghĩa hài hước duy nhất còn lại với thế kỷ sau. Câu chữ của ông ta bình dị đến siêu phàm, một là điên khùng, một là thiên tài thì mới có thể có những câu chữ ngô nghê ghê gớm thế….

- Dạ…

- Ông đã bao giờ nghĩ…. nghiêm túc về trường hợp này chưa?

- Dạ, chưa. Vì tôi thấy thiếu một sự nghiêm túc nào đó. Nên không để tâm mấy…

- Ôi, anh Tổng ơi - Nguyễn thì thào vẻ bí mật: Nghiêm túc mà đi với nghiêm túc thì thành sắt thép trong trại lính à…Chúng ta đã dư thừa nghiêm túc. Để nói nghiêm một cách dễ chịu nhất, dễ lọt tai nhất thì chẳng có gì thay thế được sự hài hước của dân gian…Đời sống chúng ta từng hô hào nuôi lợn bằng phân trâu, vận động ăn sáng bằng uống nước lọc, ngô bổ hơn gạo, sắn ưu việt hơn khoai lang, đậu phụ giúp trí não thông minh hơn thịt cá…nông dân, công nhân tiến bộ hơn tri thức…Hình thức phản ánh nội dung là đương nhiên rồi.

Nguyễn Văn Bổng, bỗng ngẩng lên ngắm Nguyễn với bao nhiêu lạ lẫm, kinh ngạc. Dường như Nguyễn đã mở cho ông thấy một cánh cửa căn phòng bí mật.

- Một người đọc văn học Anh văn học Pháp bằng nguyên bản, từng đăng truyện dài kỳ Lục Y lang trên Tiểu thuyết thứ bảy từ những năm bốn mươi thì nhất quyết chẳng thể vô tình xông pha làm kiểu thơ phá chữ, phá vần để chịu tiếng thị phi suông đâu…Ở đây ẩn chứa cả một âm mưu chưa biết chừng anh Tổng ạ….Mà bất kỳ cuộc cách mạng nào thì cũng bắt đầu bằng một động từ phá!

- Âm mưu gì được khi mà bị tất cả mọi người chê cười ạ…

- Hừ, anh và tôi mới chỉ thấy cái sự vĩ đại bình thường, nhưng có  người thấy vĩ đại khác thường …Bút Tre chính là con người như vậy. Chính Bút Tre mới là người cười nhạo sự nghiêm túc trong thói tục đạo đức qui chuẩn của chúng ta. Ông ấy tham vọng sự vĩnh cửu ở tương lai chứ không ở hiện tại…Ông ấy biết hy sinh hiện tại. Anh Tổng thì may lắm người ta nhắc tên sau mười năm quy tổ…Nhưng Bút Tre có khi còn trường tồn hơn cả tôi…

Quay sang chánh văn phòng.

- Nhà anh có nhớ thuộc thơ Bút Tre từ bao giờ không?

Chánh văn phòng bỗng e dè:

- Không nhớ ạ…tự dưng con thấy mình thuộc. Ai ở Vĩnh Phú mà chẳng thuộc dăm câu Bút Tre hở ông…

- Có phân biệt được đâu là thơ Bút Tre nguyên bản đâu là thơ Bút Tre trôi nổi không?

- Không ạ.

Nguyễn cười sáng gương mặt cau cau. Khụng khịnh lấy trong túi chiếc bình rượu inox, rót nửa chén gốm hạt mít men ngọc trân trọng mời chánh văn phòng:

- Ta không có tiền thì ta trả nhuận bút anh bằng rượu Bàu Đá vậy.

Người đàn ông luống cuống đỡ vội, tợp ực một ngụm. Ưỡn mu tay chùi mép. Nguyễn nhìn xéo động tác ấy, xong hất hàm với tác giả tiểu thuyết Con trâu:

- Anh Tổng thấy chưa? Một khi sáng tác đã đi vào nhân quần và được dân gian hóa thì có nghĩa nó được vàng hóa và kim cương hóa…Ở bầu thì tròn ở ống thì dài…

Chánh văn phòng thấy Nguyễn cao hứng được đà lại mời thuốc.

Nhưng Nguyễn đã gạt đi.

- Miệng còn ngái lắm, chắc ta chưa hút thuốc bây giờ. Anh có rảnh thì dẫn ta đi thăm quanh đây một lát. Lên xứ đồi cọ rừng chè mà ngồi đây chờ bữa thì khác gì ta đi khất thực.

Chẳng đợi chánh văn phòng hay Nguyễn Văn Bổng có đồng tình hay không, Nguyễn nhểnh chân bước ra hiên, nheo mắt đứng quan sát về phía vườn chuối hồi lâu. Ông đã phát hiện ra vuông tường xây quét vôi trắng khuất sau vườn chuối. Cái chỗ người ta vẫn thường tìm đến sau khi uống bia.

Nhưng chưa bước qua khoảng trống bức tường, Nguyễn đã bị thứ gì đó đẩy bật lại. Nhăn mặt, Nguyễn bịt mũi hối hả quay lui. Phăm phăm bước ra cổng, ông nhằm theo lối rẽ con đường sỏi, men cánh đồng, lách vội vào vườn cọ xanh khua lá xạc xào.

Sau bữa tiệc trưa. Mọi người nhã ý đưa Nguyễn về khách sạn chuyên gia nghỉ. Nhưng ông đã không đi nghỉ mà bước vào văn phòng trưng bày các tác phẩm của Hội VHNT Tỉnh. Chắp tay sau lưng, chổng cây ba toong hèo ngược lên, Nguyễn hiêng hiếng ngó vào từng cuốn sách. Mấy anh văn nghệ nín thở dõi theo từng cử chỉ. Hy vọng ông sẽ khen một cuốn nào đấy khi đang có mặt quan chức tỉnh thì đẹp mặt quá. Quan chức Tỉnh  cũng căng căng theo Nguyễn. Vòng quanh hai lượt, ông không đụng vào cuốn nào. Tẽn cả công chờ. Giộng cây ba toong xuống nền láng xi-măng, Nguyễn cao giọng:

- Không có tác phẩm nào của Bút Tre là sao nhỉ? Buồn cho Vĩnh Phú quá…

- Thơ lôm côm thế thì lọt vào đây sao được ạ!

Tiếng một ai đó sau lưng. Nguyễn quay phắt lại, tìm gương mặt vừa phát ngôn. Lặng ngắt. Chẳng ai dám ho he thêm.

- Ta nói cho các vị biết…Bút Tre là nhà tuyên huấn tài ba nhất của chúng ta đấy. Đố các anh có thể hài hước hóa phong trào sản xuất chăn nuôi được như Bút Tre: Đồng Xuân thắm thịt tươi da/ Bao nhiêu lợn nái trâu cà bấy nhiêu…Đọc xong câu thơ trên thì chẳng ai trong chúng ta có thể quên được cần phải làm gì trong lúc này…Làm thơ tuyên truyền kiểu dân gian như Bút Tre thì chỉ có một Bút Tre thôi. Thơ Bút Tre sẽ là đặc sản của phong vị dân gian. Dễ vài trăm năm nữa mới xuất hiện một Bút Tre không chừng…

Đến bên ông Phó bí thư Tỉnh ủy, Nguyễn tha thiết:

- Tôi nghĩ rằng đã đến lúc tỉnh Vĩnh Phú và anh em văn nghệ nơi đây cần nghiên cứu kỹ về Bút Tre. Ông không hề đơn giản và ngây thơ như chúng ta thường hiểu về sáng tác của ông. Giỏi Pháp văn, Anh văn,  từng sáng tác trước cách mạng, hoạt động trong ngành Ngoại giao lâu năm…Từng ấy dữ kiện để chúng ta có thể mở rộng tầm nhìn về Bút Tre…Văn nghệ chúng ta không minh oan cho đồng nghiệp thì còn làm cho ai được điều gì hay? Chúng ta phải cho mọi người thấy giá trị một trường phái thơ được dân gian hóa ngay khi mới hình thành…Vĩnh Phú đã đi đầu trong phong trào của cả nước về nông nghiệp thì nay cần đi đầu trong trường phái thơ Bút Tre…

Hai người kéo nhau ra một góc. Họ trao đổi những gì đó vẻ tâm đầu ý hợp lắm. Mọi người tò mò nhưng chẳng ai dám lại gần nghe hóng. Cúi người bắt tay Nguyễn, vị lãnh đạo lên xe. Vỗ vai nhà văn Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn gửi gắm:

- Nhất định báo Văn Nghệ phải lên tiếng việc này. Trước hết là anh em văn nghệ sĩ Vĩnh Phú…Tiếc rằng, thời gian hẹp quá không thì tôi cũng muốn nhao lên Đồng Lương thăm ông Đăng cho phải phép… 

Vâng, chẳng biết có phải chính câu chuyện giữa Nguyễn với vị lãnh đạo kia tác động hay không, một năm sau,  khi chuyển ngành về ty Văn hóa Vĩnh Phú, thì họa sĩ, nhà thơ Ngô Quang Nam - Giám đốc Ty đã giao tôi nhiệm vụ cùng nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn biên soạn cuốn sách: Bút Tre - thơ và giai thoại – bước đầu nhìn nhận đúng  công lao của Đặng Văn Đăng với trường phái thơ Bút Tre đã được nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành lần đầu tới 25 ngàn bản.

Hoàn thành ấn phẩm, đích thân Giám đốc Ngô Quang Nam mang sách về Hà Nội biếu Nguyễn. Con mắt xanh của Nguyễn ngày ấy đã góp phần trả lại công bằng cho những đóng góp của Đặng Văn Đăng Bút Tre vốn vẫn bị chính giới dè bỉu. Sự ghẻ lạnh tồn lưu trên chính quê hương Phú Thọ (Vĩnh Phú) của ông ngày đó. Để bây giờ, đến bất cứ đâu có người Việt, khi trà dư tửu hậu thì cũng có dăm câu Bút Tre ứng tác để đưa đẩy tấc lòng những điều khó nói.  Câu lạc bộ thơ Bút Tre đã được những người con Phú Thọ và bạn bè mến mộ thành lập cuối năm 2013 ở Hà Nội. Qua cách hành xử của Nguyễn, tôi mới ngộ ra một điều: Để khẳng định một tài năng khuất lấp thì cần phải có một tài năng lớn dư uy đức đứng trong ánh sáng mới đủ bảo đảm điều ấy thành hiện thực.

Nguyễn Tuân và Bút Tre - sang đến thế kỷ này và thế kỷ sau nữa tôi vẫn nghĩ đấy là hai văn tài đối xứng ở hai chiều chữ…Một bác học, một dân gian, chẳng ngồi chung chiếu nhưng họ mãi mãi còn trong tâm thức di sản văn hóa Việt.

 

N.T.T.K - Tháng 01 năm 2013

 

1.Miền lưu dấu văn nhân- Nguyễn Tham Thiện Kế - Sách sắp xuất bản

 

 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook