CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Đọc sách

HÀ PHẠM PHÚ - NGHE MƯA, QUYẾN LUYẾN VỀ CỘI RỄ

Thứ tư ngày 28 tháng 4 năm 2021 12:00 AM

Thơ Hà Phạm Phú có cái sức mạnh của một biểu đạt thơ ca chân thật. Điều này thường vẫn ít làm được. Dường như ở trường hợp này là do bởi chất lý tính cổ điển thấm nhuần từ nền móng thơ này. Cái phẩm chất ấy, giản dị, chẳng hạn theo như một lời của Lê Qúy Đôn bảo (đại ý là) thơ thì mạch kỵ lộ ý kỵ nông khí kỵ tán … ; mà như thế cần hiểu rằng luôn có một ý thức về tiết chế, cụ thể là trong sự biểu hiện của các thứ cảm xúc. Xin không nhầm cái hoạt tác của lý tính ấy trong văn chương với đa dạng mẹo mực nén mình mà những tham vọng sâu xa thường khôn khéo sử dụng. Ở đây, nói lý tính là nói cách khác đến cái túi khôn dân gian phương Đông, có bảo chứng truyền đời; chẳng hạn như ở một câu ngạn ngữ Trung Hoa xưa mà người nước ta vốn không xa lạ, “Lương viên tuy hảo, bất thị cửu luyến chi gia.” Ngạn ngữ này chợt đến, khi người viết đọc trong bài “Bẩy lăm đốt tre” của tập thơ này:

“Ta bẩy lăm những đốt tre khô cứng/Không khom lưng uốn mình/Xun xoe miếng ăn thân chó lợn/Trên nẻo đời cát bụi những sinh linh /Bẩy lăm đốt già gai góc chở che /Càng khô hạn lại càng cứng cáp/Gió mai thổi cây diều sáo bờ đê/Bẩy lăm đốt dựng nên cốt cách...”,

nhận thấy một ẩn dụ truyền thống trong biểu tượng trúc-quân tử, và như thế, nhận thấy trong thơ của “Nghe mưa” mối liên hệ xuyên suốt, không ngừng nghỉ, của lòng quyến luyến giữa tác giả với cội rễ của anh – mối liên hệ đã tạo nên cái chất thơ cốt lõi của tập thơ này. Đã đành tình quê bao nhiêu lâu nay đã thành một trong các mô típ chủ đạo, thậm chí là một thói thường, trong thơ văn, nhưng chẳng phải thơ nào cũng vượt qua được những ham muốn ngâm vịnh cái tình ấy, ham muốn lặp lại một vài mẫu thương xót với ngợi ca đã nằm trong tiềm thức mấy thế hệ. Nhưng ở “Nghe mưa”, mối liên hệ giữa tác giả với cội nguồn của anh biểu hiện căn bản như là mối liên hệ của anh với sự thật . Và động lực của mối liên hệ ấy thì như ở một câu thơ Hà Phạm Phú tự nhủ: “Mẹ ban cho tôi vốn gốc làm người. Tôi phải giữ và làm cho nó mới …”

Nhân đó, lại nhớ một bình luận của một vị sư thầy về một thực tế đời tu nhiều nơi. Rất không vui, sư thầy bảo tại sao không còn thấy ai dám nói chuyện hoàn thiện bản thân, mà đã vậy thì làm sao có đời sống thân giáo… Suy rộng ra, cái “chuyện hoàn thiện bản thân” ấy đâu chỉ bị lảng tránh ở một tầng giới vốn có đạo lý riêng nghiêm nhặt đòi hỏi phải hoàn thiện bản thân, mà đã bị như thế ở khắp nơi. Chẳng hạn, một đạo lý truyền thống và phổ biến về làm người như cái lẽ sống “trung trực” dường đã rơi đâu mất khỏi thang giá trị thực hành.

Trong thơ ở “Nghe mưa”, mối liên hệ với nguồn cội của nhà thơ rất nhiều lần lấy chuyện làm người như một mô thức chân lý – sự tìm kiếm, suy ngẫm, nhận ra và trình hiện sự thật. Cách này dĩ nhiên rất truyền thống, nhưng sự suy ngẫm thật thì bao giờ cũng sắc nét cái phong cách và dấu ấn riêng của cái người suy ngẫm ấy. Chẳng hạn, như trên đã đề cập, thấy cái bóng dáng trúc-quân tử trong ẩn dụ cây-tre-bẩy-lăm-đốt, thì có thể nghĩ đến cái đạo lý căn bản về “trung đạo” – điều nên được hiểu như giữ vị thế làm người khiêm cung và luôn luôn tỉnh táo, giữ mình sáng suốt. Bình sinh ai nấy đều biết để làm được đúng như thế cũng khó như lên trời vậy; nhưng cái ý thức về vị thế ấy thì chẳng phải là không thể. Trong bài thơ mở đầu tập “Nghe mưa”, một bài thơ khác thường, toàn những biểu trưng về “Thời gian”, thông báo chủ đề suy ngẫm về thời gian đời người sẽ quán xuyến tinh thần cả tập, dành một câu có thể gợi lên cái vị thế ấy:

Thời gian tận phía trời xa
Thời gian ở giữa đen và trắng... đen

Một chút lưu ý, ở bài thơ lục bát này mỗi vế lục hay bát đều mang một ý riêng không lệ thuộc quan hệ hình thức câu hồi ứng nối tiếp của chúng; vậy nên có thể thấy cái vị thế “ở giữa” của “Thời gian” hàm ngụ một cái nhìn từ nhãn quan “trung đạo”. Lại nữa, “thời gian” trong bài thơ này mang cả cái ẩn dụ một đời người, như ở câu mở đầu bài thơ đã cho thấy rõ: “Thời gian em khóc chào đời. Thời gian bà nhắm mắt xuôi tay nằm”; cho nên cái vị thế “ở giữa” kia ắt hẳn là cái cách mà con người này đã thấy đời mình sống trải – “giữa đen và trắng…đen”. Nhưng thế nào là “ở giữa” thì xưa nay vẫn là một trong vài câu hỏi cứ còn mãi mặc dù hầu như ai ai cũng lần lượt cho câu trả lời của mình. Và “đen” với “trắng” cũng thế: trong bài “Cà phê đen”, nhà thơ thấy:

Đen đối lập trắng
Phẳng phiu và nát nhàu
Cứ cặp với nhau

Trong khi đó, cái trải nghiệm “ở giữa” cũng đa dạng và phân ly chẳng khác “đen và trắng … đen”. Nhà thơ giữ cái đạo lý trung dung, linh hoạt và cốt ở “làm người”, nhưng có nhiều thứ khác đứng vào chỗ “ở giữa” như thể gà mắc tóc. Trong bài thơ “Cà phê ngã tư”, một bài “hành” độc đáo, nhà thơ trông thấy một toàn cảnh “ở giữa” khác, ở nơi “ngã tư” mà không đi đến đâu, trì độn ùn tắc và tai họa.

Xa chếch chồng lên bê tông sắt thép
Không gian bị chiếm thở cũng kìm kẹp
Những tay thuyết khách chiếm  màn ti vi
Gã nhấp cafe đang từ từ chết

Và một điều then chốt – không phải điều cuối cùng – để nói đến cái vị thế “trung đạo” của nhà thơ ở đây, là, thực ra nhà thơ không bao giờ “ở giữa” bằng cái cảm năng của mình, dù luôn có thể giữ cho mình cái sáng suốt trung dung theo lý tính; vị thế “ở giữa” cho ta thức thời, nhưng cũng bởi thế cho ta thấy cái “bình yên” của cái thế giới kia thật là “xa lạ”.

Ta nghe tiếng côn trùng đau ngấu
Những đất đai mất tích hôm nào
Ta thấy trán biển vỡ chẩy máu
Con tàu lao lạc lái lật nhào
Ta thấy nhân quần đang vùi ngủ
Mơ giấc mơ nham nhở vết thương
Trong hành tiến trở về cầm thú
Những cuộc săn chết chóc dị thường
Ta trằn trọc mớ bòng bong rối
Bình yên xa lạ bỏ đi rồi 
Chẳng biết chờ sáng hay chờ tối
Ban mai ơi cơn sốt run trời.

Dĩ nhiên, cái bình yên “xa lạ” đó không chỉ là một vẻ ngoài của thế gian kia, mà còn là của “Ta”. Như được kể trong bài “Nghe mưa rơi”, nhà thơ nghe những tiếng “vật vã” của cái thế giới đó vang lên từ tâm can mình:

Bão mưa ồn ã đổ ngoài mái hiên
Trời kia sao khéo khổ phiền

Kéo về đổ cả xuống miền ưu tư

Trong cái “miền ưu tư” đó, phải có tiếng thế gian từ các cội nguồn của nhà thơ. Chính nhà thơ đã gợi ra điều ấy. Nếu ta thấy nhân gian “vật vã”, thì bởi tinh thần của mình ta vốn đã không ở ngoài những “vật vã” đó. Phải như thế mới hợp lẽ. Và, như đã nói ở trên, có thể thấy rõ trong tập thơ này mối liên hệ thơ ca giữa các cội rễ của nhà thơ với sự thật mà nhà thơ kinh qua và nắm bắt. Hà Phạm Phú đặt thứ tự ưu tiên đầy ý nghĩa: tập thơ chia làm hai phần lớn thì cả hai phần đều mở ra với những bài thơ về cha mẹ của anh và quê hương của anh. Các bài thơ và những ý thơ đây đó của anh về “Mẹ” , về “Cha” đều đặc biệt giản dị, theo một lối riêng, và tỏa rộng đến lạ lùng những dư âm “ý tại ngôn ngoại”. Với những bài thơ này , người viết chỉ xin lưu ý một đặc điểm, là các hình ảnh thơ của Hà Phạm Phú về các đấng sinh thành của anh thường gắn với sự đi, bước đi, cuộc đi, như ở vài thí dụ dễ thấy hơn cả, dưới đây.

Có những lúc tự nhiên mẹ hát
Một câu vu vơ nghé ọ trâu về
Bùn giộc lầy chua nát bờ khe
Giẻ lúa đuối hơi chìm năn lác
Lưng váy mẹ giắt bao dao lóc cóc
Con đường mòn sắc lém cỏ chè vè
Những vết sẹo trên chân mẹ xoè che
Đất đai lụt bão

mẹ bấm ngón chân bật móng
ăn củ sắn nương
áo cha phơi trăng phơi sương

Con đường nghiêng dốc bóng cây
Ướt trơn hòn sỏi trượt ngày sang đêm
Cha đi rêu đổ dưới thềm
Chân mây ngong ngóng dài thêm mong chờ

Cha anh chúng ta vượt bến Âu Lâu
Những đoàn quân mũ nan áo nâu
Gửi thân Nghĩa Lộ, Nà Sản
Mở những quanh co đèo dốc mùa sau

Những hình ảnh thơ ca như thế hàm ngụ một con đường, hay chính xác hơn, một lối của tinh thần mà các đấng sinh thành ấy đã ghi khắc lên con đường riêng của người con trai-nhà thơ. Nhưng không chỉ đơn thuần biểu hiện một mạch thấm nhuần của sự tiếp nối một truyền thống về “làm người”, những hình ảnh thơ ca như thế hoàn toàn sẵn sàng đẩy các liên tưởng đi sâu xa hơn. Thể động của những hình ảnh ấy – của tấm áo “phơi trăng phơi sương”, bàn chân bấm đất trơn đến “bật móng” và đầy “sẹo xòe che đất đai lụt bão” , những cuộc đi thầm lặng “sỏi trượt” “rêu đổ” “vượt bến” – khiến chúng hiện ra như vẫn đang diễn tiến: một quá khứ không thể hoàn thành…

Đấy có thể xem như thuộc phương diện không gian của quá khứ, mà hình ảnh “Qủa đồi nhà con nhớ”… làm một cô đọng tiêu biểu:

quả đồi bây giờ
nhôm nhoam mái ngói người khác
nhà ta rời xuống thấp
con đường bê tông
điện thắp một chiều đông
đám mây trên cao trĩu nặng
xòe ra năm ngón
như bàn tay cha sần chai
tưới đẫm đất đai

Thật rõ ràng – “bàn tay cha sần chai” vẫn đang “tưới đẫm đất đai”. Sự đổi thay của phân bổ không gian chẳng thể lay chuyển một tinh thần vốn sâu gốc bền rễ hơn những đời cá biệt. Nhưng liên tưởng từ hình ảnh này có thể kết nối đến những câu thơ khác ở một vài bài thơ khác trong tập, chẳng hạn “Ta nghe máu đổ quê cha. Cánh đồng mất tích mái nhà tha hương”. Sự biến dịch, những “thương hải tang điền” mà âm hưởng đầy tai ách, là một gợi ý nữa về chuyện vì sao những hình ảnh thơ ca về “Mẹ”, “Cha” và quê hương, như đã nói ở trên, lại đậm nét những thể động của “đi” đến vậy.

Và có thể xem đó như phương diện không gian của quá khứ trong thơ này là bởi kích thước thời gian của cái quá khứ ấy cũng đã được nhà thơ thể hiện rõ ràng, độc đáo và đầy gợi ý ở hai bài thơ chỉ đích danh “thế kỷ trước”. Hãy đọc một bài.

THẾ KỶ TRƯỚC
Những năm sáu mươi. Phố bờ sông
Bà hỏa nuốt. Bô nhếch quần cộc
Thị xã lụt đoán già đoán non

Đám cháy lúc bàn giao sáng tối
Mùa khô rạc rài. Thông thốc gió
Trời rỗng một khoảng. Mây trắng tay
Chẳng biết sao. Nhưng chắc điều này
Là lí do bốc đi tất thẩy
Những mùa dâng sông nước vơi đầy…
Nay tôi về.
Con đường vẫn cũ
Bờ sông vẫn cũ dốc chênh vênh
Tôi bới sông thấy một hòn than.

Không cần phải nói điều hiển nhiên rằng cả bài thơ này biến thời gian thế-kỷ-trước thành một ẩn dụ. Nhưng ẩn dụ này thu hút chú ý trước tiên bởi cái nhịp điệu phá đăng đối và đầy những nhát cắt phân mảnh ở các khổ thơ và câu thơ. Câu thơ thứ ba ở khổ thứ ba – “Những mùa dâng sông nước vơi đầy …” cho thấy rõ dấu vết kiểu hòa âm đăng đối quen thuộc ở các thơ tự do kế thừa Thơ Mới, và trong văn cảnh bài thơ này, nó gợi lên một êm thấm đã mất; tuy nhiên, trong toàn bài thơ, kiểu thức đăng đối ấy biến đổi hoàn toàn, từ việc mỗi khổ chỉ có ba câu/dòng, các âm vận chỉ hồi ứng nhau căn bản về bằng/trắc chứ không phải “vần”, cho đến nhịp ngắt câu bất thường ở các dấu chấm, thí dụ như ở dòng thứ ba khổ thứ hai – “Trời rỗng một khoảng. Mây trắng tay”; dừng lại với nó một chút, có thể thấy rằng từ “tay” khiến cho dòng thơ này thành hai câu thơ đứng riêng được và mang đến những hàm ngụ gợi liên tưởng mạnh mẽ dồi dào của chúng, bởi nếu là “mây trắng bay” chẳng hạn, thì nhịp ngắt ở dấu chấm câu đó sẽ khiên cưỡng và khá sáo mòn vô lối; thế nhưng, lại chính vì cụm “Mây trắng tay” rất gần với mây-trắng-bay, đến mức nghe như nhại, cho nên có một tương phản ngầm ẩn mà hết sức rõ giữa cái có mặt với cái vắng mặt có thể được gợi lên – tất cả làm bật ra một nụ cười hóm hỉnh, dạn dày, chua xót.

Nhịp điệu đứt gãy trên các dòng thơ, ngay từ mở đầu, gợi lên một nhịp đi kịch tính của thời gian – không phải cái thời gian chung chung phổ biến, mà rất cụ thể, của cái-thế-kỷ-trước, ở một cái “Phố bờ sông” đột nhiên bị “Bà hỏa nuốt” ... [Theo người viết thì chẳng nên coi trọng ở đây phương diện kỹ xảo của cái được gọi là “thơ tân-hình thức” – một trong những trò chơi với ngôn ngữ, quả có hấp dẫn, nhưng luôn tạo ra những “rào cản” của “những giả tạo của tu từ học”(- dựa một ý của Theodor Adorno).] Các nhịp tạo hụt hẫng trong bài thơ này, do gắn với các địa điểm-sự kiện, đã luôn đồng thời tái lập mối gắn kết thời-không, qua đó hoàn thành hình thức biểu hiện của một ẩn dụ về “thế kỷ” ấy. Động thái đó trải trong cả bài thơ, nhưng đã thấy được ngay trong câu thơ thứ ba ở khổ thứ nhất , một câu rất thú vị rất tài tình: “Thị xã lụt đoán già đoán non”. Là thấp thỏm hay bất trắc thì việc “đoán già đoán non” vẫn là một biểu thị của thời gian tính: việc “đoán” là làm một lựa chọn, thậm chí một quyết định, neo buộc vào cái vị lai. Rồi nụ cười chua chát tái hiện ở câu thơ kết: “Tôi bới sông thấy một hòn than”. Cái kết đầy vẻ phi lý này hoàn toàn là ý tại ngôn ngoại.

Ở bài thơ “Cho một người sinh thế kỷ trước”, ẩn dụ nói lên trực diện hơn: “Chất độc trong em tụ tích mỗi ngày”. Tuy nhiên, đó lại là về một lớp ký ức khác, của người khác.

Riêng với người viết bài này thì những ký ức trực tiếp của tác giả Hà Phạm Phú có sức lay động lớn hơn. Vả chăng gọi đó là những “ký ức” thì thấy có gì đó không thật đúng. Thơ này của anh ít gây ấn tượng về sự hồi tưởng hơn là ấn tượng về một quá khứ không thể hoàn thành, vẫn đang biến dịch trong một hiện tại riêng của nó:

Sương mù như khói loang loang
Như từ kiếp trước loang sang kiếp này
Đem theo là những heo may
Là bao tiếc nuối vương đầy lá khô
Là thương xót tuổi mộng mơ
Là ân hận những dại khờ thả buông
Là giả trá đã lập trường
Lớp lang dựng dậy ngập đường bất nhân

Đối với người viết thì sức mạnh toát ra trông thấy ở thơ này căn bản là do sự sống động ấy. Dường như lâu nay câu chuyện khó khăn về công cuộc khó khăn để “làm người” – theo các chuẩn mực lý tính truyền thống phương Đông – đã ngày càng ít gặp được. Và có một câu chuyện như thế trong “Nghe mưa”. Xin vui mừng chia sẻ với nhà thơ Hà Phạm Phú vài ý nông nổi vậy!

Chia sẻ trên Facebook