CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Đọc sách

GIẢI NOBEL VĂN CHƯƠNG 2012

Thứ ba ngày 23 tháng 10 năm 2012 1:02 PM

 

CHO MỘT "CÂY CAO LƯƠNG THUẦN CHỦNG" 

Cao lương đỏ (trong bộ truyện “Hồng cao lương gia tộc”), Báu vật của đờiĐàn hương hình  là những tác phẩm hay được nhắc hơn cả của tác giả Trung Quốc Mạc Ngôn vừa nhận giải thưởng Nobel Văn chương 2012.  Có lẽ đây là lần hiếm hoi giải thưởng văn học hàn lâm này được trao cho một sự nghiệp văn chương lấy số phận nông thôn và nông dân làm chủ đề nền tảng, với một văn phong dân dã nhưng già dặn sắc sảo và dựa hoàn toàn vào truyền thống truyện kể của dân tộc mình. Lựa chọn của Ủy ban giải thưởng Nobel trong việc trao giải thưởng văn chương năm nay gây ấn tượng. Rút cục thì người ta cũng kịp cắm lá cờ tiêu biểu lên mặt trăng hay lên đáy biển Bắc Cực: giải thưởng văn học hàn lâm Quốc tế hạng nhất dành cho nhà văn đang là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn của nước CHND Trung Hoa.  Và, không có lý do ngoài văn học, theo nhiều nhà quan sát nước ngoài, vì Mạc Ngôn là một tác giả nổi tiếng cả trong và ngoài Trung Quốc. Một nguồn báo chí cho biết ông là tác giả Trung Quốc đương đại được xuất bản nhiều nhất ở nước ngoài.


Nhận định của Viện Hàn lâm Thụy Điển kèm theo giải thưởng này ca ngợi Mạc Ngôn  bởi “Qua sự pha trộn cái kỳ ảo với hiện thực, những khung cảnh xã hội với khung cảnh lịch sử, Mạc Ngôn đã sáng tạo một thế giới mà sự phức hợp của nó gợi nhắc đến những phức hợp  trong sáng tác của William Faulkner và Gabriel García Márquez, cùng lúc tìm được một điểm phát xuất trong truyền thống khẩu truyền và văn học cổ Trung Hoa.”

Tuy nhiên bạn đọc đã biết qua nhiều tác phẩm của Mạc Ngôn được dịch và xuất bản ở Việt Nam từ năm 2000 đến nay, nhất là mấy truyện dài nổi tiếng của tác giả này như đã kể ở trên, đều có thể thấy cái so sánh nói trên khá phóng túng đối với sự mực thước sâu sắc người ta quen trông đợi mỗi dịp như thế này. Khó mà thấy trong các truyện của Mạc Ngôn chất văn minh đô thị những miền đất thực dân độc đáo hay chất khai sáng ở miền đất trang trại Miền Nam nước Mỹ như trong tác phẩm của hai nhà văn lớn được nhắc đến, và đặc biệt là không có cái nhìn ảm đạm hiện đại chủ nghĩa như thấy được qua cái kỳ ảo phúng dụ về hiện thực của G.G. Márquez hay qua lối viết “dòng ý thức” của W.Faulkner.

Hẳn là tác phẩm của Mạc Ngôn gắn với những sứ mệnh khác và đặc thù hơn tương ứng với những đặc thù của lịch sử nước Trung Quốc hiện đại, tính chất bí hiểm của nó, là những thứ mà người đọc, gồm cả người đọc phương Tây, tìm thấy hứng thú trong những câu chuyện bất tận xoay quanh vùng đất cái “làng đông bắc Cao Mật” do Mạc Ngôn tạo dựng.

Tính chất truyện kể đặc sắc này được lưu ý trước hết.  Michel Hockx, giáo sư Hoa ngữ ở Trường nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi (SOAS), một người quen biết với Mạc Ngôn, được dẫn lời nhận xét rằng Mạc Ngôn “kể chuyện hay” và đã kể những câu chuyện về các cộng đồng heo hút “bằng một thứ không khí kỳ ảo, không ngần ngại không lảng tránh những thực tại nghiệt ngã hay đôi khi bạo lực mà ông từng chứng kiến…”, và bởi thế đã tạo nên một thực tại độc đáo riêng có về đời sống nông thôn Trung Quốc. Giáo sư văn học Trung Quốc nổi tiếng Howard Goldblatt, người đã dịch nhiều tác phẩm của Mạc Ngôn sang tiếng Anh, được dẫn lời, trong một cuộc trả lời phỏng vấn cho tờ Trung Quốc nhật báo đã so sánh văn chương của tác giả này với Charles Dickens, cho rằng cũng như Dickens, Mạc Ngôn có “những sáng tác lớn, dũng cảm, bằng một lối viết thâm hậu, đầy tưởng tượng, hoa mỹ, với một cốt lõi vững chắc về đạo lý.”

Những so sánh rất khác nhau và dẫu sao cũng khập khiễng như thế tựu chung nói lên niềm thán phục của nhiều nhà chuyên môn đối với sáng tạo truyện kể của Mạc Ngôn – những câu chuyện, mặt khác, cũng gặp phải nhiều phê phán từ các quan niệm đọc văn chương đa dạng bên trong Lục địa. Tuy nhiên dường như tất cả đều tán thưởng cái nhìn độc đáo của nhà văn này về phía những nguồn cơn lịch sử dẫn đến các thực tại nông thôn, một nông thôn rộng lớn khác thường và “bao vây thành thị”, bề bộn, phức tạp, đau khổ nhưng vẫn giữ niềm lạc quan về sức sống thiên bẩm của mình, về niềm hy vọng còn đó một “cây cao lương thuần chủng” ngoài cánh đồng kia, như thể cái cội nguồn luôn vẫn hiện diện, của một trong những nền văn minh lâu đời nhất.

Và có lẽ đấy mới là lý do cho việc trao giải./.

N.C.H    

 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook