CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Đọc sách

TẤN PHONG NHÀ THƠ

Thứ tư ngày 6 tháng 3 năm 2013 12:00 AM
Đọc sách: “Lúc ấy và bằng ấy”, thơ Tấn Phong, Nxb Văn học, 2011
 
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung
(Truyện Kiều)

Tấn Phong đưa xuất bản tập thơ đầu của anh năm 1991, tập THANH ĐIỆU, Nxb Lao Động ấn hành.

Bài bình luận hiếm hoi đăng trên tờ Người Công giáo Việt Nam của một nhà nghiên cứu ở Viện Triết học gọi tập thơ là “Điệu ca buồn của những thập niên cuối thế kỷ XX.”

Nỗi buồn đó vẫn là màu chủ đạo trong tập thơ thứ hai này của anh.

Và cái cảm thức quán xuyến của nó trải ngắn ngủi đầy âm vang trong “mesure” cuối cùng của câu thơ cuối cùng (-bài LÚC ẤY VÀ BẰNG ẤY):

...một thời lỡ dở. 

Chính tập thơ này cũng có một thời lỡ dở cho riêng nó.

Lẽ ra nó đã phải ra mắt từ cách đây mười năm có lẻ, hiện thực hoá lời tiên đoán nồng nhiệt của một biên tập viên kỳ cựu của Nxb Văn Học, người đã biên tập bản thảo tập này và nói đây là tập thơ sẽ giành giải thưởng văn học quốc gia.

Vài năm sau, đôi lần gặp gỡ, thỉnh thoảng nhà biên tập vẫn nhắc với vẻ cáu kỉnh thân mật: tại sao cậu không in?

Nhưng khi cả một thời đều lỡ?

Ký ức của Tấn Phong, cái phần thường được thấy anh kể, nhắc đi nhắc lại, và không xuất hiện trong các bài thơ của anh- mà chẳng có gì để gọi là bí mật- bao gồm một cách tiêu biểu bốn năm chân dung nổi tiếng, được tái tạo từ trải nghiệm cá nhân anh: các giáo sư ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, thời Tấn Phong tốt nghiệp trong ánh hào quang một nhà nghiên cứu trẻ đầy thiên tư và hứa hẹn của ngành hải dương học- ngành học mới thiết lập ở bậc đại học, ở một quốc gia có ba ngàn kilômét bờ biển vừa thống nhất; thêm vào đó là mấy tên tuổi trí thức xuất chúng của “Chính phủ Cụ Hồ” 1946 và Kháng chiến.

Ký ức, về mặt có thể gọi là “biểu kiến”, thường trải rộng hơn bản thân cuộc đời, rồi thì kết tập lại quanh những trải nghiệm khốc liệt nhất- những nơi cái bản sắc cá thể kinh qua tình thế chao đảo nhất:

...chỉ sảy chân một chút cũng tan xương đâu pháo nổ và trầu cau ướm hỏi

(- trong bài KẺ DỐI LỪA)
 
Không nên nói, một cách bóng bẩy quen thuộc, rằng đó cứ như là những “thử thách” hay thậm chí là “trận chiến”- không phải vì chúng không tương tự như thế, mà bởi trong những lần vẻ vang nhất thì ta cũng chỉ như Napoléon trên trận địa Eylau, một chiến thắng tơi tả và hồ nghi trong máu pha bùn lạnh ngắt.

Năm 1994, một hôm anh đưa cho tôi bản anh dịch bài trả lời phỏng vấn hiếm hoi của Emil Cioral dành cho tờ Newsweek. Cũng là hiếm hoi tôi thấy anh bỏ công dịch một bài báo. Đây thì không phải một bài báo.

Ba phần tư lịch sử là lịch sử của sự chuyên chế và cảnh nô lệ.
Lịch sử vắng những tên bạo chúa cũng như một vườn bách thú thiếu những con linh cẩu.
 
Có vẻ đấy là những đối âm của “lỡ dở”, tức là những hoàn tất. Sự hoàn thành thất bại của con người, theo một nhận xét của Cioral:

Và từ đó, người ta chỉ còn sống để mà chết.
 
*

Tại sao Tấn Phong làm thơ, và nói chung tại sao một người làm thơ?

Đã có quá nhiều mồm mép. Nhưng anh lại không. Tuy nhiên, có những tiết lộ,như trong bài KHÔNG HIỂU SAO BÊN ÂM NHẠC TÔI BUỒN: 
...
Những nhịp đi là những khúc thương đau
Nền thời gian đã phai màu cẩm thạch
Dù tôi hát khúc đời tôi cao nhất
Đến hôm nay- gạch ngang
 
Không hiểu sao bên âm nhạc tôi buồn
Dù mỗi nốt cất lên tràn cao vọng
...

Rất có thể là ngoại lệ, nhưng người ta khởi sự viết từ một khủng hoảng cá nhân- “Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” (Truyện Kiều).

Người ta không thể lựa chọn để trở thành nhà thơ, nhưng lại cũng không tình cờ. Mười năm sau anh có lần nói đến điều đó:

Buồn, tất lẽ, cho mình, quả bóng đen đá mãi không đến chân cột, chẳng nhẽ tình cờ lọt cầu gôn.
...
Aragon trút bỏ mọi tín điều, phút cuối cùng làm một kẻ phiêu diêu
Kẻ sợ nếu đánh đổ rượu ra bàn,thì tình cờ mùa thu sẽ hết
...
(-trong bài TÌNH CỜ)
 
Nếu tôi đã “hát khúc đời tôi cao nhất” thì vẫn cứ còn một ẩn số “quả bóng đen”, dù có thể nó cũng chẳng còn ẩn nữa; nhưng có vẻ như thứ bài toán ở đời người ta chỉ được làm một lần và khi chuông báo hết giờ có không xong cũng thôi có hiểu ra cũng thôi. Anh vẫn luôn tự hào về môn toán, suốt cả thời học trò và thời sinh viên, cho đến tận bây giờ. Và đó có thể là lý do, hoàn toàn về mặt trí tuệ, để làm thơ: để sống với một thế giới ba lần ngẫu nhiên- ngẫu nhiên về giả thiết( các giả thiết), ngẫu nhiên về điều kiện (các hệ biến đổi) và ngẫu nhiên về tương lai (các khẩu hiệu anh lựa chọn: “Cái tình cờ luôn đẹp hơn cái định trước”; “The thing of beauty is the joy forever” – mà anh hay nói chệch đi: “Cái đẹp là một tình yêu vĩnh viễn”)

Lý do khác không thể không kể đến: là tình yêu; người ta làm thơ vì những cơn bột phát xúc cảm yêu thương. Nhưng những gì còn trụ lại được trong cái kho tàng chung đó thì chính xác là về nỗi buồn mà tình yêu mang lại; chứ không phải những niềm sung sướng giành được và thoả mãn.

Khi bừng tỉnh trong hoang vu hồi ức bỗng gặp ngọn đèn xoay trong trang sách lật gặp nỗi băn khoăn không rời Herrmann Hesse và tiếng bản tụng ca như bờ vách rẽ hai người, tình yêu là nỗi buồn là cái bóng phân đôi.
(-trong bài ẢO ẢNH)
 
Câu thơ trên đầy hùng biện, kiểu như loại bài tập kinh điển về tu từ.

Một điều người ta ít nhắc đến: các nhà thơ luôn rất hùng biện trong những bài thơ tình. “Anh cách xa em như đất liền xa cách bể,” của Chế Lan Viên. “Anh một mình nghe tất cả buổi chiều. Vào chầm chậm ở trong hồn hiu quạnh”, của Xuân Diệu.

Có quá ít phần sự thật trong cái thành kiến cho rằng thơ tình nếu không sướt mướt thì cũng rơm rớm, không ủ dột thì lại quằn quại. Đó có thể là tình không dở nhưng thường dở về thơ.

Các nhà thơ không phải thuộc cái người ta gọi là “nòi tình”, mà thuộc nòi hùng biện. Bởi vì thơ là cái trải nghiệm ngôn ngữ đầu tiên mang lại y phục cho tâm hồn: “Yểu điệu thục nữ. Quân tử hảo cầu.”; cũng là cái trải nghiệm ngôn ngữ đầu tiên làm gương soi kích thước phản tư của ý thức: “Ai đưa ta đến chốn này. Bên kia là núi bên này là sông. Mẹ cha ta đưa ta đến chốn này. Bên kia là núi bên này là sông.”

Nhưng với một tâm thế gọi là hiện đại, nhìn chung từ giữa thập niên 1970s, người ta tiến hành phá giá một lần nữa tính hùng biện trong thơ, mà chẳng để làm gì ngoài việc lấy lại những lối sáo mòn sẵn có và tính đại chúng hợp thời của média.

Vậy nên lối hùng biện, rất nhiều sắc độ tinh tế và gây ám ảnh, trong thơ Tấn Phong là một dấu hiệu “neo-classic”, biểu thị cái thẩm mỹ của một văn hóa Hà Nội thị dân trí thức- thật lạ lùng, là một văn hoá “bên lề”; và lạ lùng hơn: là một văn hóa của thế hệ những đứa con của Cách mạng đã ra dở những tập hợp rời rạc và rất không thuần nhất, tản mát Jacobinism của miền “Nhiệt đới buồn” uể oải:
...
Và có một ngày còng số tám khoá tay
Một đôi mắt thơ ngây nhìn ta ngu dại
Một hơi ấm cuồng si kéo ta dài ra mãi
Những đam mê dối lừa, những khổng lồ vô hại
...
(-trong bài VÀ CÓ MỘT NGÀY)
 
“Thơ ca lãng mạn,” như người ta vẫn gọi về thơ giai đoạn "30-45", có vị thế thời kỳ cổ điển của thơ hiện đại nước nhà: tạo ra các chuẩn mực về “hình thức của nội dung” và “hình thức của diễn đạt” cho thơ ca quốc ngữ [1].  Và trong hai mươi năm sau, các nhà lãng mạn đều làm cách mạng, là những con người chính trị của kỷ nguyên dân tộc chủ nghĩa. Thời thế ấy kéo theo một tái định dạng cái cổ điển lịch đại cho tương thích với khía cạnh văn học của quá trình phi thực dân hoá. Dấu vết “cổ điển” rõ ràng nhất ở quan niệm thơ phải có một tính lý tưởng  nâng đỡ từ nền tảng. Và ở cái thời cái thế của anh, đấy là một cuộc tranh cãi nội tâm tiến triển.

Đây là dẫn chứng: anh ca ngợi thơ Tố Hữu, chỉ duy thơ Tố Hữu xứng đáng là thơ thuộc về “nhân loại lớn” của một thời đại nước nhà; tất nhiên, trước hết bởi tính lý tưởng không thể tranh cãi trong đó. (Về điều này, luôn có không ít những nhà thơ muốn viết  đôi câu sánh được với “Trí chủ hữu hoài phù địa trục. Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.” [Đặng Dung], song phần lớn chỉ đến gần chỗ than thở “Thế sự du du...” mà thôi.)

Mặt khác, nhà thơ mà anh ngưỡng mộ hơn, đến mức dùng những hình ảnh tuẫn đạo, đến mức coi như một phương trời, lại là Boris Pasternak.

Câu của Pasternak anh thường dẫn rõ ràng gần với tâm cảm hơn: “Tôi yêu nước Nga, nhưng không phải là nước Nga này.”
...
Một chiếc cối xay đơn độc quay quay
Rơm rạ vãi vương đỏ ối đường cày
Những tu sĩ uống rượu say áo chùng đen lặng lẽ
Tháng hai bùn lầy thánh giá nặng nề tái tím trên vai
...
Qua cửa kính đẫm nước mưa nhà thơ nhìn ra quảng trường
Lạnh buốt trong căn phòng trống không hơn lạnh ngoài đường ấy
Đất nước này khổ đau nên chưa từng biết tới tuổi già
Tứ một bài thơ ư? Không, nhìn qua mưa thi sĩ thấy trong đầu một tia nắng hiện ra.

(-trong bài SAU CỬA KÍNH NHÌN RA)
 
Anh cũng đã từng viết về Tố Hữu. Cái bản thảo đó chắc đã mất (?). Tôi nhớ, không biết đúng không, là “Một, một, một.” Nghe như nhịp “Trái, trái, trái” của Maiacovski. Với những hình ảnh tượng trưng khô khan và hùng biện một cách thiếu thuyết phục.
  
* * *

Không phải sự thiếu thuyết phục ở “hình thức của diễn đạt” của thơ Tấn Phong.

Anh không gặp rắc rối gì với ngôn ngữ tiếng Việt trong vai một nhà thơ: với Tấn Phong, ngôn ngữ tiếng Việt không hề là một rào cản sự biểu thị tư tưởng hay ấn tượng cảm xúc, không hề giống như một thứ ngôn ngữ “thiểu năng”; nhưng anh cũng không theo khuynh hướng các nhà thơ nhìn thấy trong hình thái mẫu tự latinh và ngữ pháp phổ biến áp dụng cho tiếng mẹ đẻ có những ngọn Thi Sơn mờ mịt của các thứ âm vị với từ căn v.v...

Ngôn ngữ thơ của anh là các cấu trúc tích phân ý nghĩa, mà ngọn hải đăng về phương pháp, như anh không ngừng nhắc lại, là thơ Jacques Prevert.
...
Trật tự
kể
Chuyện vặt vãnh thôi
Chuyện nhảm nhí thôi
Chuyện vô tình thôi
Chuyện tưởng tượng thôi
Chuyện ngoài lề thôi
Như tách cà phê
sau bữa điểm tâm
sang trọng
...
Trật tự
kể
Lúc nào cũng thực.
./.
(trong bài TRẬT TỰ KỂ)
 
Nhưng thơ thực sự lại có khía cạnh phẩm chất của các vụ điều tra: người điều tra phải xây dựng lý thuyết riêng cho mỗi vụ án; mỗi bài thơ cũng có phương pháp đặc thù của riêng nó và làm sao có thể tách ra như trộn dầu với nước được.

Cho nên phương pháp trong thơ có vẻ như một phép vi lượng đồng căn hơn là một phép dựng hình chiếu trong hình học không gian.

Hãy tin là vật chất cũng mang ký ức. Không phải: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Truyện Kiều). Mà là, chẳng hạn: 

Cậu bé quét nhà từ sáng. Bụi cành đào tối tối rơi ra.Những cánh đỏ thiên thần rụng là là. Cả năm. Khoảng cách một thời ảo vọng. Nơi góc tường con nhện đỏ lừ lừ bụng nặng. trứng trắng đẻ. chằng chằng mạng giăng. Xác một con gián khô bén xăng cháy khét. Giá sách thở than.mối đùn xuyên cảm nhận đam mê. Xuyên Vôn-te.những cây thạch thảo. Bã buồn quạnh quẽ. Xanh nhũn nhặn. A-pô-li-ne.
...
(trong bài NHẠC KHÔNG LỜI)

Quả thực trong hình dung của tôi Tấn Phong vẫn luôn luôn là cái “Cậu bé quét nhà từ sáng” đó.

Anh có cái năng lực tôi tin tưởng là cái năng lực hàng đầu và duy nhất nó khiến một người làm thơ: năng lực đưa tất cả mọi thứ lên không gian thẩm mỹ của riêng mình, do mình tạo tác, bằng thứ ngôn từ có độ trong suốt rất cao sẽ giữ cho anh hiển hiện ở đó mà không bao giờ bị tan lẫn vào những “hơi ấm cuồng si” của các liên hệ xúc cảm và tri giác với thế giới.

Không phải ai cũng dễ chấp nhận chất thơ là một hỗn hợp đa tạp, mặt dù một thế kỷ văn hoá đại chúng đã rèn dũa khẩu vị của chúng ta đến mức một từ ngữ như “Thế giới” cũng chỉ là một trong số các từ mà thôi.

Nhưng tất nhiên người đọc vẫn luôn luôn đúng, nếu còn có người đọc. Rằng thơ là một hành động lựa chọn và vấn đề không phải cái gì được chọn, cũng không ở chỗ lựa chọn như thế nào.

Cũng như khái niệm “Thế giới” đã mất đi nội hàm duy nhất, ý niệm và từ ngữ “Lựa chọn” đã bị tách rời khỏi hành động và cách thức lựa chọn. Bởi thế thơ từ bỏ việc lựa chọn, từ bỏ mọi lựa chọn, bằng lựa chọn duy nhất là khôi phục cái nhìn ban đầu có trước mọi lựa chọn- một cái nhìn thấu thị, thật ra rất “cổ điển”.
...
2.
Người tàng hình bỏ đi. Đằng sau y ta thấy những chữ ABC trong một cuốn vở tập viết, những quầng sáng xanh xao trong hàng sâu nghĩa địa, những quả táo bé như hòn bi nhà học giả gọi là quả bí, những tiếng kèn hoang mang nửa giờ một khóc cô hồn, những dòng vữa li ti ngoằn ngoèo chảy qua kẽ nứt những bức tường xây dở, đoạn phố có ngôi nhà độc nhất nửa lớn hơn trườn sang phố khác vẫn có tuổi có tên, những đụn cát ấm ớ trồi lên trên một cánh đồng đen, những nụ cười sằng sặc về một hiện tại nhá nhem.
3.
Những cái đó của Ngươi- người tàng hình trả lời, hãy tìm TRÊN BÀN VIẾT./.

(-trong bài TRÊN BÀN VIẾT)

*  *  *
 
Đối với tôi, trong thời của mình, Tấn Phong là một trong vài nhà thơ xuất sắc nhất đại diện cho thơ tiếng Việt hiện đại.

Tôi mượn ra đây nhận xét của một nhà văn hiện đại xuất sắc của chúng ta, nhưng tôi không nêu tên vì chưa kịp hỏi ý kiến nhà văn đó, để nói cảm tưởng về  nhà thơ này, đại ý rằng: thơ của  anh tạo nên một thế giới mà người đọc là tôi có thể đi về trong đó.

Cái thế giới trong thơ Tấn Phong là một thế giới bị ám ảnh.

Anh không trình bày các ý tưởng về nhân thế- những hình ảnh ngụ ý hay triết lý dầu vụn vặt hay không.

Thậm chí có thể nói rằng thơ Tấn Phong không dựa vào các ý tưởng.

Anh trình bày cái cảm thức về sự lỡ dở của cái thời cái nơi chốn mà anh có mặt- luôn luôn là LÚC ẤY VÀ BẰNG ẤY.

Đó là một thực tại lơ lửng bất chấp cái chủ nghĩa lý tưởng mà đôi lúc anh cũng lôi kéo vào. Song cái nhìn của anh tự nó không chấp nhận niềm lạc quan thiếu căn cứ đó.
...
Một sáng
Lạnh
Đối diện
Cùng tôi
Một người
Cúi mặt
Người
Vuốt dao
Ngoài nhà thờ
Tiếng cầu kinh
Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội
Ngừng bặt
./.
(-trong bài VÔ ĐỀ)
 
Đoạn thơ tôi trích đây là một đoạn thể hiện rõ rệt nhất yếu tố gây ám ảnh trong cái thế giới mà thơ Tấn Phong tạo nên. Người- cúi- mặt và/ hoặc Người-vuốt-dao luôn luôn xuất hiện giữa những hình ảnh hay những từ ngữ tượng thanh trong các bài thơ của anh.

Bởi lẽ, như anh đã tuyên ngôn, chuyện kể của bài thơ là một Trật- tự-kể, cho nên mỗi hình ảnh và âm thanh trong đó đều không do ngẫu hứng mà thành. Sự chặt chẽ, đấy là điều hiếm hoi Tấn Phong nói anh tự hào về cái viết của anh- một người trước hết là một nhà khoa học,nhà kinh tế học và một nhà quản lý chuyên nghiệp.

Tính chặt chẽ khiến người ta không bao giờ giấu mình.

Tấn Phong nhà thơ luôn đối diện với một Người-cúi-mặt. Luôn luôn, ngay cả lúc quay lưng và cả trong giấc ngủ.

Và  dường như một lý do khiến anh làm thơ là để trốn tránh hay giải thoát cái ám ảnh đó.

Những cuộc tự phân tích. Một Tấn Phong nằm trên tràng kỷ thả đầu óc vào chuỗi liên tưởng tự do để một Tấn Phong, lạ thay- với áo lễ linh mục, ngồi bên dẫn dắt bằng những câu hỏi không ra tiếng.

Đối với anh thì đó chính là cách Franz Kafka viết ra những câu chuyện lạ lùng của ông. Tất nhiên, đấy là một ẩn dụ. Bởi F. Kafka là thần tượng văn học của anh. Và anh sống trong một thế giới Kafka theo lối riêng mình: giấu đi tất cả, chỉ cho thấy một nụ cười dở dang, một nỗi sợ hãi đã nguỵ trang.
...
Cho một ngày cuối, một ngày không biết rét
Một nét chữ run run, một thiếp chúc bằng an
Một thiếu nữ không chồng gửi nhà cho Tết muộn
Một người biết ra đi là đoạn lối trở về
Cốc nước lạnh trên bàn, tờ lịch hững hờ bay./,

(-trong bài BẢN HÒA TẤU KHÔNG LỜI)
Thực ra cũng là nỗi sợ hãi dở dang, cũng như anh đã từng là một tay vĩ cầm lỡ dở, một nhạc công fagotto lỡ dở, một nhà vật lý lỡ dở...
Liệu một nhà thơ có lỡ dở không?
...
Những nụ cười nhăm nhe
Ở thế giới bên kia có một con quái vật
Và lãng quên, và hắt đi tất cả
Những quả bóng đen ngòm, rỗng tuếch, vỡ tung
...
Và những điều mà nhà thơ mong đợi
Chẳng có được bao giờ
Trong nỗi cô độc và bất lực nơi mình và nỗi đớn đau kẻ khác

(-trong bài TỰ SỰ SỐ 4)
 
Tôi quen biết anh qua một dịp liên quan đến việc thơ, nhưng tác động lớn nhất của anh đối với tôi thì về việc nghe nhạc. Anh không chỉ là một người mê nhạc sành sỏi uyên bác. Đã bao nhiêu lần, ở ngôi nhà cũ của anh, tôi ngồi nghe anh chỉ huy dàn nhạc trong chiếc cassette hiệu Sharp đã cũ. Chiếc bút chì thay cho đũa chỉ huy. Lắm lúc có vẻ giống như một buổi diễn tập khi anh bằng giọng mạnh mẽ và cái nhìn chú mục vào dàn nhạc vô hình nhắc tôi lưu ý: Bè gỗ trầm đi! Trống nhắc lại! Nghe tiếng xenlô không!...

Đấy là cách anh phân tích tác phẩm.

Và tôi với một vài hiểu biết lõm bõm lội theo.

Nếu không hồi ức Đại học với các Giáo sư thì chuyện các nhạc sĩ cổ điển và các giao hưởng, các dàn nhạc- đấy là thực đơn chính những cuộc trò chuyện liên miên giữa anh và tôi, suốt những năm ròng rã, Koda, Koda bất tận.

Dần dần tôi thấy là anh ẩn náu trong âm nhạc ấy, làm thơ bằng chiếc đũa chỉ huy ấy.

Thơ anh có một lối giản dị và sống động rất đặc trưng là bởi anh nghe thấy các từ và câu giữa bốn dòng kẻ -cũng bởi thế, thơ của anh tràn ngập những hình ảnh có vẻ ngẫu nhiên đến đứng bên nhau, mà thực ra là những hiển thị về màu âm và tính hư cấu của giai điệu.

Về phương diện từ chương thì cách thức đó tương đương một phép tu từ: ngữ nghĩa của các hình ảnh và nhịp điệu toát ra từ mỗi hình ảnh đó; chúng thở than, hùng biện và suy tưởng; chúng tích hợp theo nhịp điệu các ý nghĩa của hành động, âm thanh và các trạng thái được mô tả.
...
Một đứa trẻ sinh ra, một tiếng khóc chào đời, một cuộc đời như nhựa đường bốc khói
Những cây phong mùa thu thẳng tắp trên thảo nguyên
Những cây dâu tây, những giọt nước đá, những nỗi giận hờn
Chiều châm lửa soi mặt người vào đêm tìm dĩ vãng
*
Và Khúc- Cầu- Hồn qua sóng rèm buông.

(-trong bài THỤ CẦM TRONG QUÁN CÀ PHÊ)
 
Tất cả những sự cân bằng hay thái quá trong hình thức của diễn đạt ở các câu thơ Tấn Phong tìm thấy nguồn gốc ở âm nhạc đó, và một nguồn gốc nữa từ ý niệm về thanh điệu:
 
Người giã từ, giọt giọt nổi trôi
Điệu buồn lắc, chén rượu kề môi
Xa trong xanh, tán lạc chim trời
Vàng cúc tần, bụi sầu lung linh
...
(-trong bài ĐIỆU ROMANCE CỔ)
 
Có thể được giải thích bằng:
...
Thôi Hiệu ơi thôi đừng hát khúc từ ly
Mùa xuân ấm vảy xanh trên lầu Hoàng Hạc
Nỗi buồn dài như đường ray, Vương Xương Linh nhớ bạn
Thành Vị Mai mưa rưới rượu qua rồi
...
(-trong bài ĐIỆP KHÚC)
 
Và biểu thị trong một kết hợp:
...
Nhìn về Trung Nguyên sương như mây tỏa mây như dăng thành
...
Một cái chớp mắt nhìn xa xa, sông đã liền núi, nắng thầm thì bóng tùng in bóng hoa đăng, cây cầu ẩn ức con đường ngoằn ngoèo Bạch xà đâu mất hút,
 
Tây Hồ giờ đã nửa đêm
./.
(-trong bài NGÀY Ở TRUNG NGUYÊN)
 
Suýt nữa tôi quên rằng anh cũng đã từng có cơ hội để mà lỡ dở với Hán học. Anh viết chữ Hán rất đẹp. Một lần tôi nói anh viết cho mấy chữ vào một cái tranh ở nhà tôi. Anh thoái thác: đại tự khó lắm...

Có lẽ ngần ấy những dang dở chắc cũng đủ rồi.
...
Vào lúc ấy
Những bước chân hao mòn theo lối nhạc đi, những viễn tượng gày xanh theo lối người đi trong một buổi xưa xa hè cùng nắng chóa
Người muốn một mình xuyên tường
Xuyên thời gian chất để tráng gương
Xuyên dịu ngọt hoa thủy tiên mùi hương của em một thời lỡ dở.
./.
(-trong bài LÚC ẤY VÀ BẰNG ẤY)
 
Đó là một đoạn Koda, nhắc lại chủ đề, giọng thăng thứ. Đó không phải là sự kết thúc thơ ca của anh./.

N.C.H 

[1] Hình thức của nội dung, hình thức của diễn đạt/ A. Compagnon, Sư Phạm, 2007

 

Chia sẻ trên Facebook