CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Đọc sách

CON VẬT - TƯƠNG LAI

Thứ tư ngày 14 tháng 11 năm 2012 1:11 PM

Đọc Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới, Haruki Murakami, Lê Quang dịch, Nhã Nam & Nxb Hội Nhà văn, 2010.

Tư duy nhị phân (“nhị nguyên” Âm-Dương vân vân...) có cái tiện ích ít ai ngờ: vì đã chia đôi, nó cho phép lắp ghép; chẳng hạn từ bộ đôi thái cổ hồn và xác cho đến cặp song sinh cùng trứng buổi sơ kỳ hiện đại con và người, tới những phái sinh tinh tế hơn như Con người là một con vật-lịch sử...

Nhưng sự chia tách cũng là một biểu tượng cổ xưa về phân vân, lưỡng lự. Theo đó thì việc chứng minh sự tồn tại của bản thân con người nên là một nhận thức gián tiếp, đi đường vòng, thông qua việc xác nhận “phần hồn” vốn là cái không thấy được để khẳng định “phần xác” vốn là cái người vừa thụ hưởng lại vừa hay hoài nghi.

Cuốn tiểu thuyết thật sự “tàn bạo diệu kỳ” này của Murakami kể một câu chuyện sinh động như vậy, đem lại một trải nghiệm văn chương “tàn bạo” về việc một ai đó trong chúng ta bỗng nhiên bị rơi vào cái hố đen của tiềm thức bên trong mình, mất hết ký ức và nhân thân trong một lựa chọn sống với cái Bản Ngã mơ hồ và bí ẩn.

Không ai - không nhân vật nào - có tên tuổi trong câu chuyện “diệu kỳ” này: một “toán sư” - người đã được giải phẫu não để cấy những con chip siêu nhỏ biến hoạt động tư duy thành công cụ mã hóa các dữ liệu dạng số, phục vụ “cuộc chiến tranh thông tin” giữa các thế lực của nền công nghệ cao; một “ông giáo sư” cùng “cô cháu gái mũm mĩm”, hai “cô thủ thư” trong hai thế giới song song tồn tại, v.v...; nhưng lại có rất nhiều tên các bài hát, bản nhạc, nhạc sĩ, nhà văn và tác phẩm văn học nổi tiếng, các địa danh liên đới ở thành phố Tokyo, có sở thích cá nhân về màu sắc và các thói quen ẩm thực, v.v... những chứng từ về sự hiện diện cá biệt sinh động cụ thể của các nhân vật, những chi tiết và tình tiết nhân thân tách biệt với con người, những dấu vết của một tâm hồn đang đi đến chỗ chia tay không hẹn ngày gặp lại với kẻ mang tâm hồn ấy...

Nhưng đừng hỏi kẻ đó là ai.

Có thể rất nên hỏi: Tâm hồn là Ai?

Ngay cả khi bạn đã đọc thấy các tình tiết về sự tách rời của nhân vật “toán sư” - người kể chuyện xưng “tôi” ở đây - với nhân vật Cái Bóng, “cái bóng” của anh ta. Một tình tiết nói lên ý nghĩa: khi người với “bóng” tách rời, chàng “toán sư” vốn yêu thích, am hiểu rất rộng về âm nhạc, từ khí nhạc cổ điển đến các dòng ca khúc hiện đại, lại không thể nhớ ra dù chỉ một giai điệu giản đơn và gắn bó nhất trong ký ức.

Thay vào chỗ của âm nhạc là nỗi ám ảnh của ký ức về âm nhạc; cũng tương tự, là nỗi ám ảnh về tâm hồn.

Nhưng chắc chắn ta không nên chộp lấy cái ý tưởng sáo mòn về một sự thèm khát “tâm hồn” - sự thèm khát mà ai đó đã tưởng tượng rằng giống như trong một mệnh đề nổi tiếng, là “linh hồn trong một thế giới không có linh hồn” (K. M).

Chẳng có “sự giễu nhại” nào ở đây. Murakami không hề đơn giản hóa sự chia tách con người trên bình diện hiện tượng. Có thể thấy được nụ cười phê phán thấp thoáng trong những trang dài nhân vật “ông giáo sư” hùng biện giải thích cho nhân vật “toán sư” - mẫu thí nghiệm thành công nửa vời của ông ta - về các nghiên cứu trên não bộ con người, đưa ra một chuỗi lập luận nhân-quả pha trộn một số ý niệm của điều khiển học, của các chuyên ngành hẹp trong sinh học hiện đại và của nhân học trong nghiên cứu về tập tính; ngần ấy thứ đưa vào công cụ vạn năng của thời đại là computer để cho ra một mô hình xác suất về cấu trúc của tư duy cá thể; và bước nhảy siêu hình của nhà giả kim thuật hiện đại này được trình diễn trơn tru: mô hình cấu trúc của tư duy cá thể, xuất phát từ vô số thực nghiệm mô hình hóa các trải nghiệm của anh ta, thâu tóm toàn bộ cơ chế của tri giác và trải nghiệm nơi cá thể đó, thì tức là cái bản ngã của anh ta.

Ta sẽ nhớ rằng Murakami viết cuốn sách này vào đầu những năm 1980. Deep-Blue lúc ấy chưa ra đời để biến kho tàng cờ vua thành cơ sở dữ liệu mà đấu với Kasparov; khái niệm “trí thông minh nhân tạo” - một nỗ lực mô phỏng bộ não người cho máy tính - mới xuất hiện trên chân trời thực tiễn của điều khiển học và ngành phỏng sinh học thì hình như chỉ vừa dứt tiếng kêu Eureka! Tuy nhiên sức mạnh vạn năng của computer vào lúc đó đã không còn có thể nghi ngờ, và nền tảng cho sự can thiệp vào thế giới vi mô đã được xây dựng ở cấp độ ống nghiệm.

Nụ cười vừa lo âu vừa mỉa mai nhẹ nhàng đằng sau những trình diễn-tiểu thuyết cái báo cáo khoa học của nhân vật “ông giáo sư” là: sau hơn hai mươi năm phát triển ngành sinh học phân tử, sinh lý học thần kinh và sinh lý não nói riêng (chuyên ngành của “ông giáo sư”) trên thực tế người ta đã không khẳng định được giả thiết cho rằng các hoạt động ý thức chỉ là kết quả trực tiếp của các quá trình thực thể trong não bộ.

Ý thức, tựa như một thực-thể-khác, không thấy được, vẫn lởn vởn ở đó, nhưng không trùng khít với bộ não và không thể mô phỏng được.

Nhưng nỗi lo lắng toát ra như mồ hôi của bản năng sâu kín: tư duy nhị phân không muốn bị kéo vào một giả hợp nhất nguyên, một mô hình nhất thống trả giá bằng sự triệt tiêu cái nửa kia của tồn tại - triệt tiêu ý thức.

Nhân vật “ông giáo sư” bảo “toán sư” rằng: “Thể xác của anh có thể chết và ý thức hệ của anh có thể mất đi, nhưng tư duy của anh sẽ chuyển tiếp mãi mãi khoảnh khắc trực tiếp trước đó” (tr.428)   - một ý tưởng rõ rệt thừa hưởng giáo huấn thâm sâu của Phật giáo, nhưng lại được đưa thành một giả thuyết cực đoan : “Anh chớ quên anh không chết, anh chỉ mất ý thức mãi mãi” (tr.431).

Các mâu thuẫn hiển nhiên về hình thức của nội dung những khái niệm “thể xác”, “tư duy”, “ý thức”, “sống” và “chết” trong những lập luận rất cuốn hút của “ông giáo sư” gặp nhau ở một điểm: chúng khẳng định loại bỏ những bất trắc của tương lai; tương lai theo nghĩa chặt chẽ nhất: là khoảnh khắc tiếp sau mỗi “khoảnh khắc trực tiếp trước đó”.

Tương lai - đó là một tập quán thâm căn cố đế của loài người; vì nó mà người ta sống hoặc thấy cuộc đời là đáng sống. Như lời một bài hát cũ: “Những ngày xưa thân ái. xin buộc vào tương lai”.

Chúng ta trông tới và trông lui theo cách ấy, trong khi Murakami kể chuyện này thành một biểu tượng kiểu Bayon: đồng thời thấy cả hai hướng [và với Bayon bốn mặt thì cả hai hướng cùng lúc tồn tại].

Tôi không suy diễn những điều như thế. Mà trong cảm quan kiểu vẫn được gọi là “Phương Đông” như ở Thần đạo Nhật Bản, vẫn luôn luôn sống động, thì vị thần bản mệnh của anh sẽ sống một cuộc đời song hành như là phiên bản thần thiêng của cuộc đời anh. Theo đó, tương lai đồng hành với ta, và nó là tương lai chỉ vì nó biết trước cái “khoảnh khắc trực tiếp” sau mỗi khoảnh khắc đang trôi đi này.

Câu chuyện sinh đôi trong Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới đã xây dựng trên mô thức đó.

“Tôi tới thành phố vào một ngày xuân” (tr.23), câu trần thuật giản đơn và gợi cảm như vậy bấm nút tắt chiếc đồng hồ sinh học thông thường của nhân vật “toán sư” - Xin chào mừng, quý khách đã đến địa ngục!

Ở câu chuyện song hành trên hàng thứ nhất, thời gian sống của “toán sư” trôi đi trong những biến cố đảo lộn, những hành động khi căng thẳng gấp gáp khi lững lờ bí ẩn; còn ở câu chuyện hàng thứ hai - trong cái “thành phố” lơ lửng như ở cõi hư vô kia - thì chỉ có bốn mùa thay đổi, mà thời gian không tồn tại nữa.

Làm sao có thể như vậy được?

Bởi lẽ những ai vào “thành phố” này đều phải rời bỏ cái bóng của mình - một “ông gác cổng” vâm váp lạnh lùng sẽ dùng dao tách bóng của anh ra khỏi anh, tách bằng một đường rạch trên đất dưới chân anh.

Chúng ta quen sống với cảm nhận một thời gian khách quan, phi chủ thể. Muốn gạt bỏ thời gian, Murakami đưa nó vào cái bóng.

Cũng chẳng quá xa lạ: chúng ta vẫn quen nghe rằng “Thời gian như bóng câu qua cửa sổ” [có người bảo “như vó câu”; tôi nghĩ “bóng câu” mới là văn chương hơn, tức là thực hơn].

Cái Bóng bị tách ra mang theo thời gian. Và mang theo ký ức. Ở “xứ sở diệu kỳ...”, điều kỳ diệu là mỗi khoảnh khắc một hiện tại, cứ như thế đến vô cùng, không thể thay đổi nữa. Hiện thực hóa một khả năng cái triển vọng kinh hoàng ẩn sau mơ ước ngàn đời về sự bất tử.

Nhưng chủ điểm của câu chuyện về “xứ sở diệu kỳ tàn bạo...” không phải là vấn đề thời gian.

Thực chất thì thời gian là quá lớn và quá trừu tượng, khiến người ta phải nắm bắt lấy nó một cách gián tiếp, thông qua một số biểu tượng hay vật biểu trưng. Và ở đó ta lại gặp tư duy nhị phân, với một hiệu ứng kỳ lạ: vật biểu trưng gánh lấy hầu hết gánh nặng giá trị và ý nghĩa, như trong quan niệm nền tảng: không thể có xác mà không có hồn. Nhưng không thể có người mà không có bóng lại là sự tái hiện mang tính biểu tượng của Murakami đối với ý niệm có tính chân lý cổ xưa kia.

Thách thức-tiểu thuyết của ông là việc nhân vật “toán sư” chấp nhận việc chia tay cái bóng của mình trước ngưỡng cửa cuộc đào thoát khỏi “chốn tận cùng thế giới” - chia tay với thời gian tính của mình, bỏ lỡ cơ hội quay về thế giới bình thường, nhân vật tiểu thuyết này không phải đã thấy “xứ sở diệu kỳ tàn bạo...” là đáng để sống.

Anh ta nói với bóng, về ý thức trách nhiệm của anh ta đối với cái “thành phố” quái gở này.

Mà người ta khi nói đến trách nhiệm tức là nói đến một kỳ vọng, dù nhỏ nhất, về một tương lai.

“Toán sư” chống lại một quan niệm về con người hiện thân cực đoan ở “ông giáo sư”. Anh ta muốn chứng tỏ không phải cái khoa học tinh vi của quyền lực công nghệ, cho dù đã can thiệp vào tận “lõi ý thức hệ” và “cấu trúc tư duy” mà có thể làm cho anh “mất ý thức mãi mãi”.

Anh ta có thể rơi ra ngoài con vật - lịch sử, nhưng anh ta vẫn là một con vật - tương lai, và như thế không có gì có thể mất đi được./.

N.C.H

 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook