CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Đọc sách

MỘT BẬC THẦY SINH NGỮ VỪA ĐI

Thứ hai ngày 7 tháng 7 năm 2014 12:00 AM

Tô Hoài nguyên tên  là Nguyễn Sen. Bút danh Tô Hoài của ông gắn lại hai địa danh lịch sử: sông Tô Lịch với phủ Hoài Đức, do quê nội ông ở huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, mà ông sinh trưởng ở Hà Nội ,trong một  gia đình thợ thủ công.

Hơn sáu mươi năm viết văn, ông để lại hơn một trăm tác phẩm, bao quát  nhiều thể loại khác nhau: truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận, bàn luận về văn học qua kinh nghiệm viết của chính ông.

Ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật đợt 1 - 1996 cho các tác phẩm:Xóm giếng, Nhà nghèo, O chuột, Dế mèn phiêu lưu ký, Núi Cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Mười năm, Xuống làng, Vỡ tỉnh, Tào lường, Họ Giàng ở Phìn Sa, Miền Tây, Vợ chồng A Phủ, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ.

Tác phẩm lớn cuối cùng của ông là tiểu thuyết Ba người khác.

Sinh ngày 27/9/1920, Tô Hoài đã sống trải cuộc đời dài gần trọn một thế kỷ.

Thật kỳ lạ: một nhà văn có phong cách, ngôn ngữ và chuyện đời thuộc vào hàng độc đáo bậc nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại, được sinh ra vào thập niên thứ hai của thế kỷ trước, nay lại cáo biệt cõi đời cũng vào kỳ ấy của thế kỷ này. Kỳ lạ, bởi ông sinh trưởng vào thời tiếng Việt quốc ngữ trong văn chương đi vào bước ngoặt tiến hóa nhảy vọt với cây bút lớn Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu; và nay ông ra đi trong lúc tiếng Việt văn học đang trải nghiệm một biến đổi hiểm nghèo dẫn đến sự tương thích với tính nhị phân đơn điệu của ngôn ngữ máy tính.

Tiếng Việt trong văn chương của Tô Hoài đáng được gọi như là sinh ngữ - một ngôn ngữ sống động ở mức độ nắm bắt và biểu đạt trọn vẹn sức sống của những cảnh những người, những sự việc và thần thái của mỗi vùng hiện thực mà ông đưa vào văn học của mình.

Các sáng tác được công bố trong mươi mười lăm năm lại đây của Tô Hoài luôn cho thấy phẩm chất đặc biệt đó. Ngôn từ của ông trong hồi ký từ “Chiều chiều” cho đến “Giấc mơ ông thợ dìu”, trong truyện ngắn hay trong tiểu thuyết cho đến “Ba người khác” đều không ngừng gây kinh ngạc cho người thưởng thức bởi ngôn từ đó sống động một cách hoàn toàn đặc trưng “giọng” Tô Hoài, không xu thời theo văn phong được gọi là “hiện đại”, mà tỏa sáng cốt cách lời ăn tiếng nói người Việt cùng một sức mạnh minh triết.

Người đọc có thể đắm vào những câu chuyện, bao giờ cũng độc đáo; hoặc chỉ thưởng thức ý tứ sắc bén, hài hước, thâm trầm,  luôn  bất ngờ và có sức mạnh răn dạy của ông. Tô Hoài đã làm ra tất cả những hiệu quả ấy chỉ bằng ngôn từ và cú pháp đặc sắc, chỉ ông mới có; bằng một từ vựng tiếng Việt mà khi ông dùng ta mới thấy ngỡ ngàng sao ta chẳng biết, hay đã quên; bằng một lối hành văn chính xác như  những đường dao giải phẫu trên tinh thần và tình cảm – vạch ra những thâm căn, những động cơ, những tư tưởng sâu kín -  mà đôi khi chỉ qua vài câu đối thoại.

Văn chương của Tô Hoài thực sự là một gia sản học thuật về  văn hóa Việt  mà tiếng Việt qua ngần ấy thế hệ đã hun đúc vào ông.

Ngôn ngữ ấy và văn chương ấy, đã từ lâu, sống với cuộc sống đương thời của người Việt mà Tô Hoài không cần phải chăm bẵm cho chúng nữa. Chúng đã có cuộc sống riêng và vẫn không ngừng làm được cái bổn phận căn bản của ngôn từ và văn chương: chúng sản sinh các ý nghĩa cho những ai thưởng thức./.

 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook