CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Đọc sách

BẤT TẬN VỀ CÁI CHẾT

Thứ bẩy ngày 27 tháng 10 năm 2012 10:42 AM

Đọc Những thứ họ mang, truyện của Tim O’Brien, Trần Tiễn Cao Đăng dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn, 2011.

Truyện cuối trong chuỗi truyện của tập này có tên “Cuộc sống của những người chết”, một truyện ngân vang như tiếng chuông chùa, một truyện không muốn kết thúc - như chính cái tên truyện, và như câu kết của nó: “rằng như thể Tim đang cố cứu cuộc đời Jimmy bằng một câu chuyện kể.”

Để nhắc, một cách mới mẻ - dù nếu chỉ mới mẻ vì nhắc lại - cái điều mà thời nào đời nào cũng có người nói đến, rằng tất cả mọi sự thế gian đều xoay quanh mạng sống con người, rằng nếu điều gì đó có vẻ vô nghĩa thì sinh mạng sẽ cấp ý nghĩa cho điều đó.

Như chẳng hạn trong truyện mở đầu cuốn sách này, truyện “Những thứ họ mang”, Tim O’Brien liệt kê một danh mục có lẽ không thể đầy đủ hơn những thứ một “G.I” mang trên mình khi hành quân tác chiến trong thời kỳ viễn chinh ở miền Nam nước Việt. Thế mà giữa trường đoạn tỉ mỉ tả vũ khí đồ lề như vậy bỗng là cái chết:

“Trong đám lính bộ, một số người mang súng phóng lựu M-79, 5,9 pao nếu không nạp lựu, kể cũng là nhẹ nếu không kể lựu đạn, cái này thì nặng. Một quả là đã nặng 10 ao-xơ. Một lần nạp bình thường 25 quả. Nhưng Ted Lavender, vốn hay sợ, mang tới 34 quả vào cái lúc hắn bị bắn chết ngoài làng Thần Khê, hắn ngã gục dưới một gánh nặng khác thường, trên 20 pao đạn, cộng thêm áo giáp thép và mũ cối và lương thực và nước và giấy vệ sinh và thuốc an thần và mọi thứ khác, cộng thêm nỗi sợ không gì cân nổi. Hắn gục tắp lự và cả cái đống trình trịch đó gục xuống ngay đơ theo” (tr.15).

Hay trước đó:

“Bởi ta có thể chết rất nhanh, nên mỗi người mang theo ít nhất một cuộn băng gạc to, thường là nhét ngay trong đai mũ cối cho dễ lấy. Bởi ban đêm trời lạnh và bởi các tháng mùa mưa thường nhiều mưa ướt át, nên mỗi người mang một tấm pông-sô bằng nhựa màu xanh lục có thể dùng làm áo mưa hay đệm trải đất hay lều tạm. Với lớp lót có chần, tấm pông-sô nặng gần 2 pao, nhưng nó đáng giá từng ao-xơ một. Chẳng hạn, vào tháng Tư, khi Ted Lavender bị bắn chết, họ dùng tấm pông-sô của hắn bọc hắn lại, khiêng hắn qua cánh đồng, nâng hắn lên đưa vào chiếc trực thăng chở hắn đi” (tr.12).

Những mô tả liệt kê với đôi lời giải thích rất gọn gàng và sinh động như vậy chiếm tới khoảng ba phần tư dung lượng của truyện này. Ngay cả mô tả về những hành trang rất riêng tư đặc thù của mỗi người lính được kể đến - các mô tả đó, về mặt văn chương, lẽ ra không thể đứng vững theo nghĩa là không thể có một cái kết, một điểm đến, không thể gợi xúc cảm trừ ra là chút tò mò hay rung động vặt vãnh, thế nhưng thực sự nó chứa một cách kìm nén hết sức luồng rung động sâu xa đến độ tuyệt vọng, là bởi nó gắn lạnh lùng với cái chết, là bởi vì thế “những thứ họ mang” đã lập tức có tính cách những lời trăng trối sau hết của họ, ở tiềm thế, nhưng luôn sẵn sàng thành ra thật, luôn luôn mang thế năng của những ước nguyện sau cùng, của những bộ quần áo ưa thích nhất dành cho phút lâm chung, của hoặc nụ cười hoặc lời rủa hoặc một cử chỉ kỳ lạ nào đó, ném lại mặt đất, trước khi chết.

Điều khác biệt quan trọng nữa, về cái chết, ở đây, là ở chỗ “họ” đều còn trẻ, rất trẻ, thậm chí. Và dường như Tim O’Brien thấy cái chết xảy đến cho những chàng trai trẻ như thế bởi chiến tranh là điều tục tĩu nhất trên đời, thật sự tục tĩu, không có gì đốn mạt tồi tệ và tục tĩu hơn.

Có lẽ vì vậy mà Tim viết rằng:

“Một câu chuyện chân thực về chiến tranh chẳng bao giờ dạy đời. Nó không hướng dẫn, không xiển dương đức hạnh, không đưa ra những mẫu mực hay hành vi đúng đắn của con người, không kiềm chế con người đừng làm những việc con người vẫn luôn làm. Nếu một câu chuyện trông có mòi dạy đời, đừng tin nó. Nếu đến cuối một câu chuyện về chiến tranh mà bạn cảm thấy tinh thần mình thăng hoa, hay nếu bạn cảm thấy có một chút gì công chính được cứu vãn khỏi sự tàn hại lớn, ấy là bạn đã bị biến thành nạn nhân của một sự dối trá khủng khiếp và cũ rích. Chẳng cái gì là công chính hết. Làm gì có đức hạnh. Vì vậy, quy tắc đầu tiên là bạn chỉ có thể kể một câu chuyện chân thực về chiến tranh bằng cách trung thành tuyệt đối và không khoan nhượng với cái ác và với sự tục tằn” (tr.96-97).

Đấy là trong truyện “Làm thế nào kể một câu chuyện chân thực về chiến tranh”, Tim mở đầu bằng thuật lại việc anh lính tên Chuột Kiley, sau cái chết của một đồng đội thân thiết, viết một lá thư đầy ngợi khen ca tụng người đã chết gửi về cho em gái anh ta, và chẳng nhận được lời đáp nào, bặt vô âm tín. Tim kể:

“Nghe Chuột đi: “Lạy Chúa tôi, tao viết cái lá thư hay ho chết mẹ này, tao cày cục viết, thế rồi chuyện ra sao? Con mặt lồn ngu đéo bao giờ trả lời.”” (tr.97)

Câu nói tục tĩu thật. Nhưng chỉ là một ánh phản chiếu mờ nhạt vô vọng, vô hại và vô duyên từ sự kiện cái chết như là tai vạ ngẫu nhiên của một lính trẻ, trẻ quá - “Tụi nó không biết sợ là gì. Tụi nó là con nít; chỉ là tụi nó không biết” (tr.97).

Sự tục tằn đó bật lên từ tâm thế bất lực đầy phiền muộn của gã trai thời chiến, không thể làm gì để cứu lại cái sinh mạng kia, cũng không thể than khóc vì biết là vô ích, và hơn thế nữa thâm tâm cảm thấy bị lăng nhục vì sự thô bạo vô lý này: cướp không một mạng sống, chẳng trả lại gì, cuộc chiến thật là cái mặt nạ hóa trang của sự chết, như cái mặt nạ lạnh tanh một thằng cướp ngân hàng, mà nếu bảo đấy là sự nhẫn tâm thì cũng ngang với chẳng nói gì.

Vậy nhưng cái chết trong chiến tranh này lại không phải ngõ vào hư vô. Nó lại là một ngõ vào khác của văn hóa, một kiểu văn hóa duy nhất: kiểu con người.

Sau cái chết vừa nói đến ở trên, của Curt Lemon, bạn thiết với Chuột Kiley, đơn vị “họ” tiếp tục hành quân rồi “bắt gặp một con nghé của Việt cộng” (tr.110) và bắt mang theo. Sau bữa tối, Chuột Kiley đến chỗ buộc con nghé, bắn lần lượt từng bộ phận thân thể con vật nhưng không bắn cho chết ngay, bắn bay từng mảng thịt, bắn đau đớn, mà con vật cứ đổ xuống lại gượng lên cho tới lúc không còn chân cẳng sức lực gì nữa, và không hề kêu; còn Chuột Kiley bỗng thôi bắn, khóc, bỏ đi...

“Đám còn lại chúng tôi đứng thành một vòng tròn nham nhở quanh con nghé. Hồi lâu không ai nói năng. Chúng tôi vừa chứng kiến một cái gì đó cốt tử, cái gì đó hoàn toàn mới và sâu thẳm, một mẩu của thế giới gây điếng người đến mức hãy còn chưa có tên cho nó” (tr.111).

Có thể chẳng có cái tên nào thỏa hiệp được với việc lăng nhục sự sống:

“Đối với người lính bình thường, ít nhất, chiến tranh cho ta cái cảm giác - kiểu như chất thể tinh thần của nó - giống như một làn sương mù vĩ đại ma quái, dày đặc và trường cửu. Không có chút gì sáng sủa. Mọi thứ xoay tít. Những quy tắc cũ không còn áp dụng được, những chân lý cũ không còn đúng nữa. Đúng trở thành sai. Trật tự trộn lộn với hỗn loạn, tình yêu với hận thù, xấu xí với đẹp đẽ, luật pháp với vô chính phủ, văn minh với dã man” (tr.115).

Thật kỳ quặc khi cái hỗn loạn đó vẫn không ngừng choán chỗ trên mặt đất này, nhân danh sự sống, và đấy mới là tục tĩu, là nền tảng tục tĩu, giống như một hòn sỏi bàng quang rất to, lởm chởm, nghẽn vào ống dẫn niệu của những gã Chuột Kiley.

Nỗi sợ trước cái chết, nỗi đau đớn và niềm mong mỏi tuyệt vọng vì cái chết, có thể gây ra ảo giác; song đấy chưa hẳn là điều tồi tệ. Tim O’Brien viết, đại ý rằng, không có câu chuyện thật, đáng tin, về chiến tranh, và rằng về chiến tranh thì một sự thật trong truyện nhiều phần chắc không phải cái sự thật đã xảy ra nhưng chắc chắn là thật hơn cái sự thật đã xảy ra.

Ông dường như nói khá quanh co về điều này, cho dù văn chương của ông minh bạch một cách kìm nén, ngẫm nghĩ đầy vẻ cân nhắc khách quan, và phiền muộn một cách lịch lãm.

Tim, chẳng hạn, đã viết ba truyện khác nhau để kể về sự kiện một thanh niên du kích “Việt cộng” bị giết trong cuộc phục kích của đơn vị ông; các truyện này lần lượt kể Tim đã bắn chết gã trai đó, rồi lại không phải Tim, rồi thì nói phải cũng đúng và không phải cũng là thật.

Sự kiện là sự kiện, đúng rồi, đã xảy ra. Nhưng sự thật dường như ở chỗ nó có vẻ là một sự thật. Tim cũng nói, đại thể, cái chết ta không thực sự nhìn thẳng vào nó, mà ta thấy lại nó khi ta kể chuyện - sự kể làm cho hiện hữu. Và, như người ta nói, hư cấu là tạo ra ảnh ảo của thực tại.

Vậy thì cái chết, mặt khác, là một cái siêu thực, cũng ngang với việc nó là cái tục tằn ảm đạm nhất - những cái chết do cuộc chiến tranh này.

Truyện “Người tình sông Trà Bồng”, truyện ngắn hoàn hảo nhất trong chuỗi truyện này, là một huyền thoại nói lên tính siêu thực của cuộc chiến tranh và cái chết hằng ngày hằng giờ đi liền với nó. Một huyền thoại tiêu biểu, nhại và giễu cợt cái gọi là tính lý tưởng ngây thơ với khí chất anh hùng Viễn Tây người Chiến sĩ Tự Do. Một giai thoại ảm đạm. Cái nhếch mép trên gương mặt sầu muộn: một đứa con gái nhân kỳ nghỉ hè từ nước Mỹ mà cũng háo hức sang đây, cũng bị cái chết mê hoặc và trở thành một hung thần bất tử - cái sự bất tử là ảnh ảo siêu thực quen thuộc nhất của sự chết.

Vậy là, bằng quyền năng của trí tưởng tượng và bằng cách kể chuyện - như Tim nói - họ chống lại cái chết bất tận./.

N.C.H

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook