CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Đọc sách

GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC HỘI NHÀ VĂN HÀ NỘI 2012

Thứ ba ngày 23 tháng 10 năm 2012 12:22 PM

PHÍA TRƯỚC LÀ DĨ VÃNG

Bộ huy chương Hội NVHN tặng cho văn chương năm nay lấp lánh với hai tấm dành cho thơ: Buổi câu hờ hững của Nguyễn Bình Phương mang tinh thần chống cái hiện đại theo thói theo thời và gắng phục nguyên diện mạo ngôn từ của cuộc sống – ngôn từ như là cái cửa vào rộng mở và hun hút của cái mê cung nội tâm; Xem đêm của Phùng Cung với những câu thơ giản dị minh bạch đầy sức lay động, đau xót, mạnh mẽ và nhiều lúc thật sự vượt xa ngoài chữ nghĩa. Giải dịch thuật dành cho bản dịch Lolita của dịch giả Dương Tường rõ ràng không gây bất ngờ: một tác phẩm nổi tiếng thế giới từ lâu, một dịch giả nổi tiếng trong nước từ vài ba thế hệ, với những lẽ đó thì nếu gọi đây là một giải thành tựu cũng phù hợp. Giải về phê bình trao cho tác phẩm xứng đáng để  có thứ hạng trong một thể loại khác là hồi ký – Dĩ vãng phía trước của nhà phê bình Ngô Thảo, đúng như tên của tập sách (mà bài viết này nương theo đặt “tít”), với những ấn tượng phục hiện tâm hồn tươi trẻ của một người viết, những tư liệu và ghi chép hết sức khơi gợi về tư duy văn học của một thời, những điều còn ít được biết đến và có thể đóng góp vào việc hoàn chỉnh một lịch sử văn học cho mai sau. Giải thưởng thường được quan tâm nhất, giải cho văn xuôi, được trao cho tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột của Hồ Anh Thái, một sáng tác trào tiếu đầy ắp các tình tiết báo chí và giai thoại, ngôn ngữ gây cười khá thông tục lồng trong một truyện kiểu đồng thoại và huyễn tưởng về đàn chuột trong thành phố; và có lẽ một tác phẩm giễu cợt cái phong tục Hà Nội đương thời đến như thế chưa hẳn là cái người ta không trông đợi trong một giải thưởng văn học của Hội Hà Nội.

Đó là một kỳ giải thưởng hầu như không gợi ý gì về tương lai, nếu không nói đến tập thơ của Nguyễn Bình Phương và những gợi mở lại ký ức của Ngô Thảo. Buổi câu hờ hững không nên bị đặt để vào cái tập hợp mơ hồ được gọi là “thơ cách tân”. Những bài thơ trong tập này rõ ràng không tìm kiếm một sự theo đuổi cái mới lạ hình thức: hai bài thơ-văn xuôi với nhịp điệu chuyện kể riêng có của tác giả, với những hình ảnh lựa chọn tạo ra một chân dung sự sống độc đáo tự nhiên, trong sáng và thuần là ngẫm nghĩ, đã cho thấy điều đó. Những câu thơ ở đây biểu đạt cái tự do vốn có của tư duy và xúc cảm, biểu đạt sự thanh lọc nhục cảm nói chung để hướng đến cái cảm thức tự do ấy, hướng đến một thứ sức mạnh cội nguồn – “Một mình làm cả hoang vu một trời”(tr.87) và “- sống là viết vào đời câu cách ngôn bi ẩn” (tr.52). Toàn bộ cảm quan đó chống lại cái hiện đại bị nhục cảm và lòng hiếu kỳ hiếu đại mê hoặc.

Bản dịch Lolita của Dương Tường đáng được nêu lên theo cách khác hơn là gắn nó với vài ồn ào vặt vãnh: tác phẩm này đem tới một vụ án lật mặt thói đạo đức giả thời hiện đại, thứ đạo đức kỳ quặc tuy nhiên lại vốn là một truyền thống xa xưa và sống dai; và, theo một con đường gây “sốc”, với sự dày đặc chính xác của các tầng tri thức, tác phẩm này đáng được nhắc rằng nó mang đến cho chúng ta một tiết lộ bản chất của cái mà văn hào người Hungary Márai Sándor trong “Lời bộc bạch của một thị dân” (Giáp Văn Chung dịch/ NhãNam&VH xb) gọi là những “bí mật của cuộc đời”.

Văn chương hư cấu vẫn vốn là cái hốc cây cho ông thợ may nói ra sự thật về “Bộ quần áo mới của hoàng đế”, cho nên hẳn có nhiều người đọc đón đợi Hồ Anh Thái với những chuyện kể lịch lãm và hài hước của anh. Tuy nhiên lần này SBC là săn bắt chuột lại khá giản đơn trong nỗi thú vị mà một tiểu thuyết và câu chuyện trào lộng nó mang lại. Mười một chương tiểu thuyết có tiêu đề ít tạo thành một giếng mỏ nhiều tầng hơn là mười một rãnh quặng lộ thiên; thay vì phức tạp, các tuyến đời đô thị lại giao cắt đồng mức và khiến cho những tên nhân vật kiểu tượng trưng đề dụ “ông Cốp”, “Đại gia”, “Giáo sư” v.v. được chiếu sáng hoàn toàn về mặt ẩn ý; điều ấy còn làm cho hình ảnh những con chuột khá là mơ hồ - bởi các nhân vật đều tượng trưng đủ rồi, thì con chuột (kể cả “con chuột” máy tính) tìm thấy nghĩa ẩn dụ của nó ở đâu, trong khi chắc chắn nó không thuộc về loại chuột của John Steinbeck; hay là, nếu sự giễu nhại, việc biếm họa thông tục đều đem hiệu quả gây hoài nghi thì bọn chuột này sẽ phải hoài nghi chính nỗi niềm chuột của mình ...

Không có tác giả mới nào được vinh danh, lần này Hội Hà Nội dường như lại sửa đổi cái tiền lệ mấy kỳ giải thưởng trước đây. Trong khi một nhà văn lớn tuổi như Ngô Thảo vẫn ký thác vào tương lai, thì một giải thưởng ít tuổi hơn lại cho thấy hình như phía trước vẫn chỉ là dĩ vãng./.

N.C.H

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook