CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Đọc sách

KHOẢNG CÁCH ĐẾN SỰ VẬT

Thứ ba ngày 22 tháng 7 năm 2014 12:00 AM

Có một câu nổi tiếng, như một cách ngôn, nói đại ý là: Ngôn ngữ cầm tù sự vật.

Điều đó đúng một cách phong phú. Chẳng hạn, một "con trâu" thì rõ ràng không bao giờ hai tiếng gồm bảy chữ cái như vậy, hoặc cũng không phải là một từ latinh tên khoa học nào đó, thậm chí không nằm trong hai chữ "động vật". Nó ở ngoài kia, đâu đó.

Trong tiểu thuyết Ba người khác của Tô Hoài có một nhân vật chỉ xuất hiện, có ở đó, rồi chết, mà không nói lấy câu nào. Đó là nhân vật vợ Diệc. Nhân vật Bối, xưng "tôi" trong tiểu thuyết dưới hình thức giả-tự truyện này, vào nhà Diệc để thực hiện "bắt rễ, xâu chuỗi" chỉ do ngẫu nhiên. Từ vai trò người đọc, ta hoàn toàn có thể giả định rằng nếu "tôi" không vào nhà "Diệc" thì chưa chắc gia đình-nhân vật này đã xuất hiện trong sách này; hoặc là ngược lại, bởi vì đã có một "tôi"/"Bối", tất yếu chúng ta sẽ gặp "Diệc" cùng cái gia đình ấy... Từ cả hai phía, họ bị ngôn ngữ "cầm tù".

Trên thực tế, như người ta vẫn nói, điều gì xảy ra thì hầu như đều bởi vì nó phải xảy ra. Nhân vật Bối bước vào gian nhà rách nát của nhân vật Diệc, nhìn một lượt thấy cả gia đình này và cái nhìn - của Bối/"tôi" dừng lại lâu hơn một chút ở nhân vật vợ Diệc. Anh ta nhận thấy người đàn bà này tật nguyền và câm lặng. Ngôn ngữ của người kể và của các nhân vật trong tiểu thuyết này hầu hết chỉ dừng ở cấp độ ấy. Hầu hết ngôn ngữ kể-mô tả và ngôn ngữ đối thoại ở đây chỉ để thông báo, gần như vắng hẳn những sắc thái tu từ/biểu cảm - tức là ngôn ngữ ở đây không tìm cách, không cố gắng để diễn đạt hay phô bày bản thân nó, mà chỉ cốt phô bày những "tù nhân" của nó cho thật rõ. Vậy, nhân vật Bối/"tôi" chỉ dùng vài lời để mô tả cái ghi nhận của anh ta về vẻ ngoài dị dạng của vợ Diệc. Sự chú ý mang tính trực giác của Bối và cảm giác lạ lùng ấy được chuyển tải bằng đôi ba lời mô tả ấy. Ta hãy đứng một lát vào vị trí của nhân vật Bối: "anh đội" đang phải tập trung chú ý vào bước đầu tiên "bắt rễ" "ba cùng" và điều trước mắt là làm sao để không đói, không bơ vơ, không thất bại - vậy mà anh ta vẫn phải mất một khoảng chú ý cho nhân vật vợ Diệc thì hẳn đã có một cảm nhận lạ lùng nào.

Ở đây, ngôn ngữ trong truyện không diễn giải. Nó chỉ ngầm đưa ra một chi tiết tình huống. Sự chú tâm trong giây lát - trong đôi lời mô tả - của Bối thông báo anh ta có một cảm nhận bất thường không chỉ vì người đàn bà này tàn tật.

Câu chuyện sau đó bị các diễn biến lôi cuốn đi. Có rất nhiều tình tiết quan trọng khác trong công việc "thổ cải" ở một địa phương "phức tạp" mà "anh đội" phải chạy theo, hay vui thú như quan hệ với cô Đơm con gái Diệc. Nhưng hầu như lần nào câu chuyện quay lại căn nhà Diệc thì Bối cũng lại phải mất đôi dòng kể về người đàn bà què, câm và có lẽ mù dở ấy. Và mỗi lần như thế ta lại "thấy" vợ Diệc trong những tư thế, trạng thái, hành vi khác nhau - điều rõ ràng nói lên rằng bà ta có những tâm trạng và tình huống khác nhau cho dù hình như suốt quanh năm ngày tháng chỉ ở quẩn cái nơi "xó luồn" đó. Cái thế giới riêng, nhỏ tù túng và què quặt của nhân vật này vừa bị ngôn ngữ "cầm tù" bên ngoài nó, vừa vươn tới ngôn ngữ. Người vào cảnh như vợ Diệc thì khác gì "sự vật".

Cuốn tiểu thuyết này có một kết cấu lạ: lịch sử cá nhân của cái người mà ta thấy là vợ Diệc được kể trong một phần riêng, tách khỏi giọng tự truyện của nhân vật "tôi". Chuyện về vợ Diệc vốn là con gái nhân vật "địa chủ Thìn", tật nguyền từ bé, đã trở nên vợ của tá điền Diệc như thế nào là một câu chuyện không biết do đâu mà có - "tôi" không kể, cũng không thấy chỉ dẫn nào về nguồn kể. Kết cấu lạ thứ hai là chuyện về "anh đội" Đình - một trong "Ba người" gồm Bối/"tôi", đội trưởng Cự và Đình. Chuyện về số phận oái oăm của Đình hé mở cái kết cục tương lai của "tôi" đang khi câu chuyện về "tôi" chưa kết thúc. Nhưng ở đây ta đang nói đến chuyện về vợ Diệc - bởi câu chuyện lai lịch con gái út "địa chủ Thìn", với một giọng kể có vẻ văn chương thơ mộng, có nhiều tình cảm, không biết là của ai, mà khác hẳn giọng tự truyện của "tôi", nên thực ra ta không thể đoán chắc đây đúng là thân thế của vợ Diệc. Mặt khắc, căn cứ vào sự câm lặng sinh động, đầy gợi ý và nhuốm màu ẩn ức mà ngôn ngữ của Bối/"tôi" dùng để mô tả vợ Diệc, ta lại có thể cho rằng câu chuyện lai lịch nói trên chính là từ tiếng nói của cái câm lặng kia. Vậy thì trong vợ Diệc có một con người khác, theo nghĩa là không ai biết, không được nói lên, không được biết tới, bị ngôn ngữ "cầm tù". Diễn biến sau đó của nhân vật này cho thấy suy đoán như thế không thể nói là võ đoán.

Nhân vật Bối/"tôi" kể anh ta được đội trưởng Cự điều sang thôn khác. Anh ta không có dịp mô tả về vợ Diệc nữa, cũng không nhắc đến nữa, như đã quên. Nhưng anh ta vẫn tranh thủ "đú đởn" với Đơm và một lần như thế trong cái nhà đã bị chia tan hoang của "địa chủ Thìn", anh ta chưng hửng nhìn Đơm bỏ dở cuộc vầy vò, chạy ra vần cái cối đá cũ nhà Thìn - món "quả thực" sót lại - về nhà mình, về nhà Diệc. Tấn kịch thảm thê xảy ra ngay chiều hôm: vợ Diệc đập đầu vào cái cối đá cũ ấy cho đến chết, trong lúc ở nhà không có ai - có vẻ như trong lặng câm trọn vẹn. Những chi tiết tưởng ngẫu nhiên bỗng trong phút chốc đổ dồn thành một kết cục không ngẫu nhiên. Cái cối đá cũ đó được kể chính là cái cối đá ngày xưa con bé tật nguyền kia vẫn ngồi. Tuy nhiên, đấy vẫn không phải là một lời giải thích.

Và nhìn chung thì ngôn ngữ trong tiểu thuyết này không phải là loại ngôn ngữ của những "lời giải thích" nào đó. Ngôn ngữ ở đây hướng tới việc trở thành sự vật và trong rất nhiều tình huống, ngôn ngữ đó đã thực sự trở thành sự vật. Những hình ảnh và câu chuyện về nhân vật vợ Diệc là một thí dụ ngoạn mục. Bà ta xuất hiện đôi ba lượt như thế mà không một lời nói năng, chỉ có một vài trạng huống mà không thể có hành động để gây tác động, với một tiểu sử lửng lơ, ngân nga như một đứa trẻ tuột tay với lên một quả bóng bay - cái của nó đã trở thành không còn thuộc về nó nữa. Ngôn ngữ đôi khi giống như đứa trẻ với một chùm bong bóng bay ít hay nhiều sặc sỡ. Những quả bóng bay "cầm tù" đứa trẻ.

Những đoạn hình ảnh như "phim câm" về nhân vật vợ Diệc làm phát lộ tính sự vật của ngôn ngữ. Ngôn ngữ như là một dạng thức của "sự vật". Nhân vật vợ Diệc không lên tiếng, không trực tiếp kể về lịch sử của mình, cho đến cả cái chết của mình cũng là để cho người khác kể lại muốn ra sao thì ra. Về việc đó, nhân vật Đơm nói với Bối/"tôi" rằng mẹ em trượt chân ngã đập đầu vào cái cối đá chết. Nhân vật Bối cũng ừ hữ vậy. Mà họ rõ ràng đều có tư cách "người nhà" nhà Diệc. Bối/"tôi" có thấy vợ Diệc/mẹ Đơm đi đứng bao giờ!! Nhưng cái con người hầu như thụ động và lặng câm về ngôn ngữ, trong một tình trạng bị mặc định về ngôn ngữ, bị thứ "lời giải thích" kia "cầm tù" - cái con người ấy vẫn có một tồn tại khác, thực thụ và đã tự mình thực hiện một kết cục, hẳn là theo ý chí riêng của mình.

Lịch sử cá nhân của nhân vật vợ Diệc vì thế vẫn chỉ có tư cách một giả thuyết. Sự kiện bà ta chết, không có ai chứng kiến, trên chiếc cối đá cũ (đến lúc đó người ta mới sực nhớ cái cối đá này là một phần trong tồn tại quá khứ của người đàn bà câm lặng này, tức cũng chỉ là một sự vật, không phải "lời giải thích") là một sự kiện hiện hữu, thoáng qua nhưng hé mở cái bí ẩn, tuy chỉ cá biệt, của một lịch sư có gì đó khác.

Bằng cách đó, ngôn ngữ tiểu thuyết ở cuốn sách này khắc phục cái khoảng cách từ ngôn ngữ đến sự vật. Nó trở nên như sự vật.

 

* Đọc Ba người khác, Tô Hoài, NXB Đà Nẵng, 2006

 

Chia sẻ trên Facebook