CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Đọc sách

HAI NỬA MỘT QUẢ TÁO

Chủ nhật ngày 10 tháng 3 năm 2013 12:00 AM

Đọc “Chúa ruồi”, William Golding, Lê Chu Cầu dịch
NXB Văn học & Nhã Nam - 2010.


Chiếc phi cơ chở một đám thiếu niên di tản chiến tranh rơi xuống một hoang đảo; toàn bộ lũ trẻ sống sót nguyên vẹn, mà chiếc phi cơ lâm nạn cùng viên phi công biến mất không còn lấy một chút váng dầu; hòn đảo thì vừa không quá hiểm trở để đủ thân thiện với bọn trẻ chỉ có bộ quần áo trên mình, lại vừa không quá tiện nghi tự nhiên để vẫn đủ dựng lên những hàng rào thách thức bí ẩn. Đó là sự kiện mở ra câu chuyện bi thảm trong “Chúa ruồi”.

Rất có vẻ đấy là một bối cảnh sân khấu: chỉ là những hình ảnh làm nền, chỉ là duy nhất một thời điểm-nơi chốn đặc trưng một cách ước lệ cho sự mở ra của tồn tại; nhưng là một ước lệ huy hoàng với suối nước ngọt, rừng đầy hoa quả, một chiếc vỏ ốc lớn ngay trong tầm tay vớt lên để thành một chiếc tù và đẹp đẽ uy nghi, một vịnh san hô êm ả điều hòa ở mặt này hoang đảo trong khi ở mặt bên kia là những vách đá dựng đứng nhìn ra đại dương trống trải mịt mờ vô vọng, một bầu khí hậu hải dương nóng ẩm dễ chịu một cách phóng túng như một kỳ nghỉ hè không giới hạn, một bầy lợn rừng không chút dữ tợn và chỉ biết bỏ chạy… 

Đó không phải là một hoang đảo, mà là một sân-khấu-cho-người hay một vũ trụ minh khí theo nguyên tắc hướng nhân, để trình bày “những cách thức của con người và những bộ mặt người” (Henrik Ibsen). 

Ở đây là những bộ mặt trẻ con - tương hợp với khung cảnh hoang sơ đẹp đẽ tinh khiết của hòn đảo, bộ mặt của tự nhiên. Nhưng trẻ con không phải là một bầy thiên thần có cánh cũng không phải những con người đầu tiên trên mặt đất. Chúng là một trong những lứa con giống của nền văn minh mắn đẻ, bởi vậy chúng mang trong mình đầy đủ những mầm mống của nền văn minh ấy: các thứ thói tật, ham muốn và sợ hãi - những động lực tạo nên hành vi trong sự kiểm soát có tính cạnh tranh của ý thức. 

Đấy là điều phát giác đầu tiên, ở ngay hồi đầu cảnh đầu của tấn kịch mang tên Chúa ruồi

Cảnh mở ra cho thấy hai trong số các nhân vật chủ yếu - Ralph và Piggy - hai chú thiếu niên lò dò chật vật trèo ra từ cánh rừng chằng chịt, nơi chúng đã rơi khỏi chiếc máy bay bốc cháy (mà giờ đây chẳng để lại mảy may gì ngoài một vết trượt lớn!), để nhảy xuống một bãi biển tuyệt đẹp bình yên với rặng dừa ven bờ nước với một dòng suối trong vắt đổ ra. Và thằng Ralph toét miệng cười: Ở đây chẳng có người lớn nào hết! 

Không bỡ ngỡ hay sợ hãi trước tình thế bất thường. Thay vào đó là niềm vui được tự do và tự chủ. Những con người nhỏ bé - theo đúng nghĩa của từ - liệu chúng ta có phải vẫn thường lầm về họ hay không? Liệu có phải ta vẫn chỉ thường thấy cái mũ do chính ta chụp lên đầu họ (Trẻ con!) mà hiếm khi nhận ra bên dưới cái mũ ấy là cái bản ngã có thể sẵn sàng trương nở choán chỗ trong không gian một cách ngang bằng; và hơn nữa là bình đẳng về thời gian tính: những gì mà giống loài cho đến cha ông phải mất hàng vạn năm để đạt tới thì những lứa con giống kế tiếp của nền văn minh chỉ mất hai mươi năm để chứng tỏ kế thừa. 

Phản ứng ban đầu của bọn thiếu niên trong tấn kịch đảo hoang này đặt một tiền đề mới mẻ, vững vàng và hoàn hảo cho cậu chuyện trong Chúa ruồi. 

Và dường như thoạt tiên nó phản ánh một thực tại pha lẫn ước mong có sở cứ hẳn hoi: những con người thiếu niên có giáo dục đúng đắn sẽ có khả năng đối diện với tình thế khó khăn chẳng thua gì người trưởng thành, bộc lộ đầy đủ lòng tự tôn, được dịp thử thách khả năng tự thức. 

Điều quan trọng then chốt trong cái tiền đề này là bọn thiếu niên đã được học hành dạy dỗ nghiêm túc, có thể nói đã thực sự thụ hưởng đủ các món dinh dưỡng cũng như những liều vắc xin cần thiết của văn minh; đồng thời thì tâm trí chúng vẫn còn đủ hồn nhiên, gần như chưa hằn vết roi những trải nghiệm xã hội thực thụ. Cảnh thằng Ralph sung sướng cởi hết quần áo để trần truồng nhảy trên bãi biển đã nói lên điều ấy. Và đấy cũng là những phút giây cuối cùng nó còn hưởng được niềm vui vô tư lự, niềm vui của tự do không bị đè nén hay vướng bận; là khoảnh khắc trọng đại trước một bước ngoặt: trải nghiệm cái tự do ấy bằng cái ý thức đã khuôn đúc bởi nền văn minh. 

Bước phát triển kết thúc cái tiền đề mở màn là khi thằng Ralph, theo gợi ý của thằng Piggy, vớt lên chiếc vỏ ốc lớn, ghé miệng lấy hơi và thổi. Từ vài âm thanh ngập ngừng rồi trở thành luồng âm vang động. Lời hiệu triệu cổ sơ. Ta có thể hình dung toàn bộ cái sân khấu tuyệt vời ấy chuyển rung khác thường đến mức nào: chẳng có con vật nào kêu to được đến thế, kêu xa đến thế trên mặt đất, chẳng có âm thanh tự nhiên nào truyền cảm như vậy. Bởi thế con người nghe và nhận ra đồng loại gọi. 

Và mặt kia của bàn tay: đó không phải là tiếng gọi thông thường, mà là tiếng gọi tụ hội, thằng Ralph cũng cảm nhận những thách thức của quyền lực: nhân vật thằng Jack với nhóm thiếu niên một đội đồng ca Nhà thờ dưới sự chỉ huy của nó tìm đến và ngay lập tức cho thấy Ralph và những đứa trẻ khác chỉ là một nửa của cái xã hội tí hon thiếu trước hụt sau trên cái đảo hoang như một tiểu thế giới này. 

Quyền lực, tự thân nó, chấm dứt tự do. Chủ đề thực thụ của tấn kịch trong Chúa ruồi xoay quanh các vấn nạn của quyền lực. Mà một trong những vấn nạn hàng đầu là mâu thuẫn giữa quyền chỉ huy và quyền tự do. 

Giải pháp - một trong số các giải pháp - truyền thống của nền văn minh đã được bọn thiếu niên này ứng dụng: chiếc tù và sẽ được truyền tay, ai đến lượt cầm sẽ được nói và được lắng nghe. Quyền lực như vậy chỉ là một vật biểu trưng, một mẫu số chung nhỏ nhất những dĩ nhiên cần thiết cho cuộc chung sống của các cá thể khác biệt cũng như các nhóm khác biệt. Cũng bởi vậy mà quyền lực là đường tổng hợp các lực tương hỗ, là vật biểu trưng trên một cân bằng động. 

Cân bằng ấy sẽ đổ vỡ khi một bên trong đó rút thỏa thuận. Và thằng Jack đã rút. Song nhân vật thiếu niên này cũng tiến hành việc đó một cách bản năng mà thôi - một bản năng cũng đã được những truyền thống khác của nền văn minh khuôn đúc lại. Đó là bản năng sợ hãi. 

Không phải sự kiện thằng Jack và đội đồng ca (lúc này thành “nhóm thợ săn” dưới quyền nó) kiếm được thịt đã đưa nó tới việc đắc thắng giành quyền, mà thực chất của biến chuyển bi thảm mối quan hệ giữa Ralph-có-tù-và với Jack-cầm-dao chính ở chỗ Jack đã biến nỗi sợ mơ hồ về một Con Ác thú nào đó quanh quất trên đảo thành một biểu tượng sinh quyền lực. Dường như cũng rất “tự nhiên” khi Jack nảy ra ý dành một phần thịt săn (“cái đầu heo”) bỏ ở bãi trống trong rừng cho Con Ác thú chưa ai thấy đó. Jack bảo, để một phần cho Ác thú thì nó sẽ không săn đuổi chúng ta. 

Khoảnh khắc bên con thịt săn được và chợt nhớ về điều ấy, dường như Jack từ tiềm thức biết được cái chiến lược cổ xưa về giành quyền: hướng các xung lực của ham muốn và sợ hãi nơi đồng loại vào một biểu trưng, để biến cái biểu trưng đó thành một cây quyền trượng. 

Nỗi sợ hãi có ở mọi con người. Thằng Jack cũng sợ Con Ác thú lờ mờ kia, song điều khác thường ở nó là: nỗi ham muốn vượt lên đối thủ vẫn mạnh hơn - nó muốn chứng tỏ mình xứng đáng hơn thằng Ralph - cho nên khi bọn chúng, ba đứa lớn và khỏe nhất, trèo lên núi định nhìn tận mắt xem Ác thú có thực hay không, thì Jack thực sự vượt qua chút đỉnh so với lòng sợ hãi trong nó. Trong khi tất cả đều sợ, thì chỉ có một vài người biết lợi dụng nỗi sợ ấy. 

Bước quyết định trong cuộc cạnh tranh quyền lực giữa hai “thủ lĩnh” thiếu niên là khi Jack mạnh miệng trước cuộc họp của bọn trẻ - tựa như cuộc tập hợp công dân thành phố trên một hí trường - cáo giác và buộc tội Ralph hèn nhát trước Con Ác thú trên núi. 

Tấn kịch này để lại một “điểm mù”, cũng có thể coi như một lời giải thích, bởi nó không cho thấy vì sao thằng Jack cứ nhất thiết muốn giành địa vị thủ lĩnh. Lập trường của nó ngay từ đầu cứng rắn và đơn giản: tao hát được nốt đô cao, tao là lớp trưởng, nên tao phải là thủ lĩnh. Đó là khí chất hay thành quả, một thành quả, của văn minh? 

Diễn biến câu chuyện rõ ràng không bác bỏ lập luận của thằng Jack, lập luận thực chất khẳng định quyền của kẻ mạnh - “quyền sinh quyền sát”, như Jack chứng tỏ sau đó, nhưng trước hết là quyền phát ngôn, quyền nói, mà Ralph và Piggy đã thiết lập một cơ chế chia sẻ từ đầu quanh chiếc tù và biểu trưng. 

Jack đã đem Con Ác thú với nỗi sợ gắn liền để truất quyền chiếc tù và. Đó là một nỗi sợ lộn ngược: đám “thợ săn”, và Jack là kẻ khởi xướng, bôi vằn vện mặt mũi cùng thân hình, nhảy nhót mô phỏng hành động lúc đi săn và đồng thanh hét Giết Con Ác thú! Không khác gì khung cảnh một tín ngưỡng sơ khai! Khi mà đối tượng bí ẩn của nỗi sợ hãi, nhờ vào không gian đặc hiệu do tâm thần của cả một đám đông bị kích động tạo nên, bỗng trở thành nguồn lực huyền bí từ đó toát ra sức mạnh và quyền lực- thứ sức mạnh và quyền lực mới mẻ bởi là sự phóng chiếu những ham muốn chiến thắng nỗi sợ hãi bên trong thành ra một quyền năng che chở từ bên ngoài. 

Hiện tượng thằng bé Simon - nhân vật trong đội đồng ca, bị thằng Jack chế giễu vì hay thình lình bị ngất do những cơn động kinh thể nhẹ - nhìn thấy Chúa Ruồi trong khoảng trống giữa rừng sẽ như một lời giải thích ngầm ẩn cho sự kiện trên. 

Yếu ớt và có vẻ rất nhút nhát, nhưng Simon là đứa duy nhất trong bọn trẻ đủ sức mạnh ý chí để trong đêm tối một mình lên đỉnh núi và mặc cho nỗi sợ thắt rúm cả người đã đến tận nơi để xem Con Ác thú ra sao… 

Việc ấy cho thấy thằng bé có một bản năng sáng suốt, có thể bởi nó nhạy cảm hơn rất nhiều so với chúng bạn. 

Nhưng đầu óc chưa trưởng thành, và có lẽ cùng với chứng động kinh, đã khiến nó nhìn thấy một cảnh tượng - ta có thể mượn từ vựng tôn giáo để gọi là một thị kiến -trình bày như các hình ảnh (và cả âm thanh: nó thốt lên một mình, đối thoại với thị kiến), hiển thị sự diễn giải những cảm thức và suy ngẫm quá già dặn với cái đầu non nớt của nó, phóng chiếu cái ham muốn nói lên và giải thích ở sâu trong tâm cảm nó thành ra hình ảnh một quyền lực hắc ám giải thích bên ngoài nó. 

Cùng một điều mà sau hết Ralph òa khóc khi nhận ra: “sự thơ ngây đã chết và lòng dạ đen tối của con người” (tr.318). 

Vâng, cái chết - cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng - và cái lòng dạ đen tối đó, thảy đều mang bộ mặt trẻ con, trong Chúa ruồi

Đây là một vở bi kịch. Đây là một truyện cổ tích. 

Ralph và Jack, bọn chúng là hai nửa của cùng một quả táo mà Mụ Phù thủy đã tiêm thuốc độc; hay bọn chúng là những quả táo đỏ tươi bên trong đã bị chia làm hai nửa như thế: một nửa ngấm độc, nửa kia thì không. 

Nhưng đây là một cổ tích thời chiến tranh hạt nhân: hai nửa quả táo có thể đổi chỗ bất kỳ lúc nào; và ở thế chập vào nhau, chúng tạo nên quyền lực của một đương lượng nổ tới hạn.

N.C.H

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook