CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Đọc sách

THƯỢNG LƯU BẠCH HẠC

Thứ sáu ngày 21 tháng 2 năm 2014 12:00 AM

Đọc “
Dặm ngàn hương cốm Mẹ”, tập tùy bút, Nguyễn Tham Thiện Kế, Nxb Phụ nữ, 2013

 

Tôi lẽ ra phải đặt cái tên bài ở trên trong ngoặc kép, vì tôi lấy cụm ấy từ cụm “giới thượng lưu Bạch Hạc” trang 73 sách này. Nhưng xét ra thì thượng-lưu-Bạch-Hạc đã được những bài tùy bút đây đặc định thành một chuẩn-khái niệm, cấp cho đủ cả ngoại diên với nội hàm. Thêm nữa, căn bản hơn và cũng mờ sâu hơn, cụm từ này đứng vai “nhãn tự” trong một trong những câu văn hay nhất bởi rõ chất tùy bút nhất trong văn tập này, lại cũng là một cái-biểu-đạt tương thích hơn cả với chủ đề ngầm ẩn của văn tập. Chủ đề ấy gói trong hai tiếng: “thượng lưu”. Và còn “Bạch Hạc” thì không phải do tác giả toan tính gửi gắm, dù anh ấy có muốn hay không. Địa danh ấy, do lịch sử mà đã gắn liền với một biểu trưng về lịch sử. Tất nhiên địa danh ấy nằm vào địa bàn truyền thuyết về đất tổ Vua Hùng và định vị vùng địa đầu đồng bằng Bắc Bộ, mà bởi thế cái địa danh sẽ tự nhiên mang thêm nghĩa bóng – cái nguồn ngọn, chốn khởi sinh; xa hơn nữa, bởi là một cái tên, một cái tên rất đặc biệt, không hai, không thể nhầm lẫn, nên nó gợi đến những cái tên mà ta trong đời không bao giờ quên và nhầm lẫn dù có nhắc đến cách hiển ngôn hay không – tức là, “Bạch Hạc” gợi lên nhiều xa xăm ưu uẩn, những ẩn ức, những xao động từ vùng nước tối tăm của tiềm thức khi âm ba của hai tiếng ấy dội vào; và sự đan xen kết hợp của những tiếng thượng-lưu Bạch-Hạc khiến tôi nghĩ đến những ẩn ức mang tính lịch sử, không phải lịch-sử theo nghĩa to lớn mơ hồ dường như luôn ở ngoài kia đâu đó, mà lịch-sử như là những thứ ta đã nếm trải kinh qua, những thứ có trước đó nữa đã khiến ta nhận biết những gì ta đã nếm trải kinh qua, những thứ sau đó đã khiến ta nuôi giấu những ấn tượng đã nếm trải kinh qua  như một trường kinh nghiệm ẩn mật; cái ẩn ức mang tính lịch sử đó là một hiện tượng phổ biến như tính người là phổ biến, và do vậy mà riêng biệt không hai như nhân cách cá nhân mỗi người; nó phổ biến, là vì “Mỗi khi thời thế đổi thay đều có người thất bại.” , cũng còn vì nó thuộc cái phần mênh mông nhất như Emil Cioran đã bảo: “Ba phần tư lịch sử là lịch sử của sự chuyên chế và cảnh nô lệ.”;  nhưng tính phổ biến đó không nên hình dung giống như sự lan tràn tăng lên của dân số, mà nên được hình dung, chẳng hạn, như hình ảnh trong một câu thơ của Yves Bonnefoy – “Con chim hót mãi bằng tiếng hót đau buồn dữ dội”; tức là, lịch sử không nằm ở cái ta cảm nhận, mà trong sự hiện hữu của cảm nhận – cảm nhận đồng thời là cả nhận-thấy-ta và ta-cảm-thấy; bởi thế nên trong thượng-lưu-Bạch-Hạc tôi nhận ra cái ẩn ức lịch sử bên dưới bề mặt của cái motif chung di sản-biến chuyển-mất mát, một di sản thượng lưu của tâm tính và phong tục Việt bị mất mát, một thời biến chuyển “Thế gian biến cải vũng nên đồi” như Nguyễn Bỉnh Khiêm từng bảo, mà theo đó thì hình ảnh lộn ngược của thượng lưu là các di sản, lộn ngược của di sản là hồi ức, lộn ngược của kinh kỳ là Bạch Hạc một thời “không có thành cũng chẳng có phố”, và “mất mát” xét cho cùng chỉ là một cách để nói, một hình thức của biểu đạt, vì ai mà xác quyết được những liên hệ giữa sự hiện hữu và cái còn hiện hữu trong tâm trí với sự không hiện hữu và cái không hiện hữu nữa ngoài thực tại, những liên hệ mà “hương cốm Mẹ” tạo nên ở khoảng giữa các neuron thực sự xa xôi dài  “Dặm ngàn” cả theo chiều âm và theo chiều dương, chẳng phải vẫn luôn là những liên hệ có thực hay sao. 

Bên trên tôi có nói  câu văn ở trang 73 sách này là một trong những câu hay nhất của văn tập, câu ấy như sau: “Đó là tục hèm hay là sự chung thủy của giới thượng lưu Bạch Hạc đặt ra, chẳng mấy ai tường.

Câu ấy trong bài “Bạch Hạc”, nói về sự thưởng thức món cá Anh vũ đặc sản vùng ngã ba sông này. Trong trật tự minh bạch thông thường của nó, câu này tung ra cụm từ “giới thượng lưu Bạch Hạc”, một chút ngông nghênh kín đáo, như thể hiển nhiên ngang bằng một thành ngữ, chẳng hạn, “công tử Bạc Liêu”.

Đấy là chỗ cho “đất diễn” của thể tùy bút, cái thể loại đứng chung trong “tản văn” hay văn xuôi không khuôn sáo. Ai quan tâm cũng hẳn đều biết, cái thể loại hiện đại này đặc trưng bởi việc thể hiện một con người cá nhân, hay to tát hơn, một nhân cách cá biệt, của người viết. Hình mẫu ở Nguyễn Tuân thời trước nữa. Khác xa với mẫu cổ “Vũ trung tùy bút”, văn tùy bút và tiểu luận thời khai phá tiếng Việt quốc ngữ cấu trúc nên từ vùng hồng tâm của ý thức-thức nhận về một nhân cách cá thể, làm đảo lộn cái định ngữ truyền thống “Văn tức là người”, đảo ngược cái mô hình ngoại tại về phẩm cách “Văn chương nết đất thông minh tính trời.” Đảo ngược là bởi không xem cái viết từ chương theo những khuôn phép thuận tiện sẵn có nữa, bởi phải chống lại, cưỡng lại thói quen ước lệ, cái tập tính đóng kịch thông qua chữ nghĩa ( - vì không chống được điều mà Shakespeare đã nhắc bảo: cuộc đời là sân khấu, con người là diễn viên !)

Văn tùy bút là một dạng tiểu luận về chính mình của người viết. Nhưng, là văn chương, cái thứ tiểu luận này lập luận bằng hình ảnh; và bởi dành hàng đầu cho sự đồng hiện của các cảm giác, nó làm thơ trong văn xuôi. Như trong tập tùy bút này, Nguyễn Tham Thiện Kế biện giải ý niệm về “thượng lưu”-“Bạch Hạc” bằng hai chuỗi hình ảnh lớn: những món ăn uống tinh tế cầu kỳ, mà đều là sản vật trong cách thức dân dã, cốm, sung, cá Anh Vũ, bún chả Hà Nội, sắn, cọ, nhộng tằm dâu, chè sen, rượu nếp; và chuỗi thứ hai là những bối cảnh gây kinh ngạc sâu sắc với cái giếng làng, bến sông, nương dâu, một ngôi biệt thự cổ ở Hà Nội thời đầu thế kỷ XX, một vườn xoan trung du, khung cảnh đàm đạo thưởng trà giữa một ông sư, một ông linh mục và một ông trí giả Hà Nội, ...

Độ chênh gây tương phản lớn: sung, sắn, hoa thiên lý, hoa đào, cái giếng nghìn năm, cái bến sông không ai biết có từ bao giờ, cái nương dâu đã mất cũng như khu vườn xoan và tòa biệt thự nay chỉ là vài vết tích, v.v.  – tất cả những chuyện ẩm thực, những bối cảnh người và đất Việt không có gì mới, nhưng, một cách vô song,  đều rất lạ bởi hiện lên, hay đúng hơn, được hoàn nguyên, tinh lọc, tượng hình lên tỉ mẩn bộc lộ tính chân xác nền tảng của chúng: tính thời gian, tính thoáng qua, như một nghệ thuật thời tính, “mùa nào thức ấy” theo nghĩa phải đúng mùa, đúng tiết, đúng thức, đúng thời, và theo đó, chúng đều là duy nhất – dù  mươi ngày cho một mẻ cốm, hay mười năm cho một vườn xoan, hay ngàn năm để mất như cái “giếng Nhâu làng tôi có từ thời Hùng vương” (tr.94). Nay thì biết ngần ấy thứ đã vĩnh viễn qua đi, thì mới biết khi ngần ấy thứ vẫn đương hiện chính là chừng ấy những khoảng không-thời gian duy nhất. Đều là những chuyện quen thuộc hàng ngày ư? Không. Chẳng còn gì cả. Chỉ còn lại sự hiện hữu của cảm nhận.

Nhịp điệu chậm đều và bị chia nhỏ. Sự miêu tả lần theo từng động tác bàn tay “Mẹ” hay “Chị” hay “” hay “Ông nội” và nhiều nhân vật khác nữa. Sự miêu tả lần theo các thớ gỗ của cái mõ trâu. Sự miêu tả lần theo những làn hơi mong manh thở từ trong ký ức. “Gió thổi. Nhưng không còn những bóng cây.”(tr.139)

Từng một thời nhiều người ưa dẫn một thành ngữ Tây “Đúng giờ là phép lịch sự của bậc vương giả.” Đồng hồ nước, đồng hồ cát, rồi đồng hồ dây cót, thì đều tự hào như thế. Ở đây, những “Phận sắn” phận sung phận tằm nắm giữ tính lịch thiệp thức thời của mùa và tiết, của độ lửa bếp to nhỏ và độ nhạy trên mười dấu hoa tay. Độ chênh giữa cái dân dã thói thường với cái phàm là thượng lưu được Nguyễn Tham Thiện Kế trình ra như độ mở một bước đồng hóa  kỳ lạ tự nhiên - từ bùn đến sen, từ sen đến bùn.

Nhưng dù có chính xác đến mức nào, thì ngần ấy những của ngon vật lạ, những cảnh như mộng mơ hay như ngậm ngùi, đều chỉ hiện thành biểu tượng. Không tùy thuộc cách anh đã cố nắm bắt lại người và vật, như anh đã nắm bắt. Anh đã dò tìm qua từng chữ, từng cụm từ, từng câu viết – dấu vết tìm kiếm còn đấy. Nhiều người cho rằng tùy bút là phóng túng. Điều ấy rất đáng ngờ. Viết về chính mình, mà không nói dối, xưa nay vẫn là một trong những việc khó nhất. Cho nên, một thứ bản năng ngầm mách cái viết này đi theo những lối biểu tượng. Chúng ta là những thực thể đa bội. Lại là một gian khó khác, bởi lúc chú tâm nhìn vào chính mình mới thấy mình là lớp lớp biểu tượng, và cả xa lạ nữa. Những giờ tìm chữ đặt câu, là tìm những câu chữ có mình bên trong đó, tựa như lật từng cái lá trong rừng để tìm một kiểu dấu hiệu. Chẳng phải chiếc lá nào cũng có.

Đấy là duyên cớ tôi cho rằng một câu như câu tôi đã trích lấy cụm từ “thượng lưu Bạch Hạc” là một câu văn hay. Không chỉ vì nó bật ra tự nhiên. Nó độc đáo như vốn phải thế, bởi duy nhất có nó làm được như thế. Và cũng như đã trình bày ở đoạn trên, thời-gian-tính khiến ta thấy mỗi thứ đã qua đi đều duy nhất,và chứa đựng lần lượt trong đó những lớp bồi nên tính duy nhất của ta. Từ ngữ luôn luôn vô tình và xa lạ cho đến lúc anh tìm ra chúng hiện hữu trong lịch sử của riêng anh. Mỗi bài tùy bút của Nguyễn Tham Thiện Kế trong tập này đều ánh lên vài ba câu hay đoạn đến sát cái giới hạn nơi bề sâu khôn lường của sự hiện hữu của cảm nhận hiển hiện. Nhưng chẳng phải người viết nói chung đều tuân theo một khuynh hướng “ngôn bất khả tận” hay sao./.

Chia sẻ trên Facebook