CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Đọc sách

GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC HỘI NHÀ VĂN HÀ NỘI 2014

Thứ hai ngày 13 tháng 10 năm 2014 12:00 AM
MỘT DI SẢN SỐNG ĐỘNG, MỘT LỐI KINH VIỆN MỚI

Giải thưởng văn học thường niên năm 2014 của Hội Nhà văn Hà Nội công bố hôm 3/10 và trao tặng hôm 10/10 vừa qua đem đến những ấn tượng thú vị: giải thưởng về văn xuôi được trao cho tiểu thuyết “Dằng dặc triền sông mưa” của một họa sĩ hiện đại nổi tiếng của Hà Nội – họa sĩ Đỗ Phấn; giải thưởng về thơ trao cho tập thơ “Mỗi ngày sau một ngày” của một trong mấy nhà thơ từng góp phần xây nên danh tiếng văn học của Đài Tiếng nói Việt Nam, từ cái thời mà Đài là mảnh đất giàu chất văn chương nhất trong bộ ba trụ cột của nền báo chí truyền thông nước nhà ( báo Nhân Dân-Thông tấn xã Việt Nam-Đài tiếng nói Việt Nam) – nhà thơ Trần Nhật Lam; và khu vực phê bình văn học tuy không có giải chính thức nhưng lại có một “giải trẻ”  trao cho tập tiểu luận “Không gian văn học đương đại” của Thạc sĩ Đoàn Ánh Dương – một tập sách đánh dấu thật rõ lối đi của một tư duy kinh viện mới trong nghiên cứu văn học. Ấn tượng đặc biệt là giải thưởng này năm nay có đến hai “giải trẻ” – giải thứ hai dành cho dịch giả Nham Hoa với bản dịch cuốn tiểu thuyết lớn “Những đứa con của Nửa dêm” của Salman Rushdie, và một bộ sách lớn nữa ở giải thành tựu trao cho các tập tuyển phê bình-sáng tác văn chương-nghiên cứu&bình luận văn hóa của nhà văn Trương Tửu – mà công trình mới nhất là “Trương Tửu-Tuyển tập nghiên cứu văn hóa” do Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn biên soạn. Giải chính thức cho dịch thuật được trao cho dịch giả Lê Bá Thự với bản dịch tiểu thuyết “Hy vọng” của nữ tác giả Ba Lan Katarzyna Michalak.

Thơ của Trần Nhật Lam và tiểu thuyết Đỗ Phấn tái hiện một di sản sống động của một nền văn hóa thời đại vừa mới qua. Ngôn từ giản dị chọn lọc, chất thơ vừa lãng mạn nhẹ nhàng vừa chân phác, thơ Trần Nhật Lam qua “Mỗi ngày sau một ngày” biểu thị một chủ đề mà nay ngày càng hiếm thấy – như ông viết trong bài “Cây rễ thơm”: “Em cứ nhìn mà xem.Cái lá phơi bụi than.Là cây hương-căn-thảo.Mọc ngay đầu dốc mỏ.Cái rễ thơm cứ thơm.”

“Dằng dặc triền sông mưa” của Đỗ Phấn thoạt xem có vẻ lãng mạn và hiền lành hơn những cuốn khác của anh, những tiểu thuyết đầy chất phê phán phong tục và văn hóa Hà Nội đương thời. Cuốn này kể đoạn đời niên thiếu một cậu bé Hà Nội trong khúc trưởng thành giữa những phố phường tàu điện leng keng với các khu sơ tán thôn dã thời chiến tranh phá hoại của không lực Mỹ trên miền Bắc. Khúc trưởng thành của thiếu niên tên An này trình hiện một lát cắt điển hình của cái nôi văn hóa Hà Nội-Việt Nam từng ươm mấy thế hệ ngày nay. Và nó không toàn những hiền lành. Nó gợi lên tác phẩm “Số phận chú bé đánh trống” của Arkady Gaidar. Cái nhìn “dằng dặc” của nó đầy viễn cảnh và ngụ ý, như cái nhìn của thiếu niên An về nụ cười của cậu bạn cũ đã bỏ học vì “Bố tao hy sinh mẹ tao lấy chồng khác.”, cậu bạn nay trong một đám trẻ lưu manh khi An về lại Hà Nội: “Nhưng nụ cười hôm nay của nó rất lạ. Có một nếp nhăn bên mép cứ như giữ miệng nó lại. Hình như nó không muốn cười nữa.”

Giải trao cho dịch thuật “trẻ” trội vượt hẳn giải chính thức trước hết bởi “Những đứa con của Nửa đêm” là một trong những tác phẩm lớn hàng đầu thế kỷ XX, thêm nữa  người dịch đã sáng tạo một phiên bản tiếng Việt của cuốn tiểu thuyết lịch sử dữ dội như một Mahabharat hiện đại này thật xuất sắc, có thể khiến bất cứ ai yêu văn chương dù có biết có thích Ấn Độ hay không, mà đọc vào, sẽ thấy có một Ấn Độ riêng trong lòng mình.

Dành cho phê bình “trẻ”, giải Hà Nội năm nay nâng đỡ khuynh hướng kinh viện mới. Cuốn “Không gian văn học đương đại” thi triển các “bài tập lớn” về những lý thuyết du nhập như  “thi pháp học, cấu trúc luận, tự sự học, lý thuyết chấn thương, lý thuyết hậu thực dân,…” mài dũa “hậu hiện đại” trên một danh mục tác phẩm-tác giả quen thuộc với bất kỳ ai ưa chuộng văn học của truyền thông.  Một danh mục như thế, với những lược đồ “ứng dụng” lý thuyết như thế, nói như Viện sĩ Antoine Compagnon, “làm cho các sinh viên bận rộn và các giáo sư yên lòng.”  Ở đây quá ít những quan tâm về ngôn ngữ văn học và nghệ thuật từ chương của “văn học đương đại.”

Đồ sộ, với giải thưởng thành tựu trọn đời, là bộ tuyển tập Trương Tửu. Tập tuyển thứ ba mới đây, hơn một nghìn hai trăm trang những sách và bài viết nghiên cứu-phổ biến tri thức văn hóa nền tảng, thư tranh luận học thuật của ông, chính là một di sản sống động nhất. Nhìn vào đây, đọc ở đây, một trong những điều ta nhận được hẳn sẽ là lòng tin, niềm tự tin về trí tuệ dân Việt. Như Nguyễn Trãi từng nói: “Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau. Song hào kiệt đời nào cũng có.”  ./.

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook