CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Đọc sách

MỘT TIỂU THUYẾT - TẠI SAO?

Thứ ba ngày 23 tháng 10 năm 2012 1:01 PM

Đọc “SÔNG”, tiểu thuyết, Nguyễn Ngọc Tư, Nxb Trẻ, 2012

Gặp lại trong tiểu thuyết đầu tay này của Nguyễn Ngọc Tư những nhân vật nữ dị thường/đẹp/ma mị rất hay xuất hiện trong các truyện ngắn của chị mà nhân vật “Bà già bán khói” trong Chương 7 của câu chuyện nói một lời cảm thán đặc trưng cho những nhân vật đó: “sống là một thứ bổn phận trời dúi vào tay, cầm thì khổ mà không cầm áy náy.” (tr.88). Xem ra, triết lý một nửa hư vô này đúng cho cả nhân vật chính của cuốn sách – chàng biên tập viên kiêm người viết trẻ tên Ân, đã khởi đầu chuyến du khảo “lặn lội sông Di” với “hy vọng học được cách quên” (tr.6/tr.4) người tình đồng tính tên Tú vừa đi lấy vợ. Đó quả là một chuyến phiêu lưu cho tiểu thuyết chứ không chỉ riêng cho anh chàng nhân vật chính đầy mặc cảm thân phận: được kể như một người viết có tài và nghiêm túc, có uy tín trong đồng nghiệp và bè bạn. Nhân vật Ân lấy sứ mệnh nghề nghiệp làm cái cớ để dứt bỏ một chuyện riêng tư, để rồi, như trong truyện kể, sẽ dìm tất cả theo nỗi tuyệt vọng của mình; và vậy thì tại sao lại cần đến một tiểu thuyết?

Lý do đầu tiên có thể nghĩ đến khi xem những trần thuật lan man ngẫu nhiên một cách cố ý – của lời kể thông qua cái nhìn của nhân vật Ân – ngẫu nhiên nhưng hoàn toàn chỉ một hướng chứng kiến những sự phàm tục và nạn nhân và bất hạnh: đó là cái nỗi sợ hiện sinh, nỗi sợ phải sống.

Đấy là một chủ đề đáng giá, nhưng rất có thể đã lạc thời, và có lẽ bởi thế được cập nhật qua con đường đồng tính luyến ái của nhân vật chính trong truyện: anh ta đặc biệt được mấy nhân vật nữ lớn tuổi hơn, tài sắc cá tính bất thường và cả đàn bà bình thường đôn hậu, yêu mến chiều chuộng và ham muốn; anh ta thụ hưởng những cái tình ấy với đầy mặc cảm; và dường như bằng cách ấy anh ta thấy ra sự phi lý của cuộc sinh tồn.

Có lẽ tiểu thuyết sẽ rất ổn nếu chú tâm khai thác cái chủ đề ngầm ẩn đó chỉ bằng vài ba mối liên hệ chủ yếu của nhân vật Ân với người mẹ-người cha vắng mặt- người tình “homo” đã bỏ đi-những người tình tiềm năng hơn tuổi như đã nói, mà theo cách kể của tác giả trong các truyện ngắn dài hơi của chị trước đây thì việc chuyển sang tầm nhìn tiểu thuyết sẽ có thể chuyển thành các hư cấu phân tích, với kích thước lớn hơn không vì kể nhiều  kể to hơn, mà ở sức mạnh của một ý tưởng kết cấu – cái sẽ khiến sự rời rạc bao nhiêu mẩu chuyện đồng điệu trong chuyến đi dọc “sông Di” mà nhân vật Ân hờ hững tỉ mẩn xâu chuỗi hạt cườm có thể biến chuyển thành điều cốt lõi của đời và sự hiện hữu của nhân vật, một cái gì đó như câu hỏi về ý nghĩa kể cả khi được gọi là vô nghĩa, chứ không chỉ dải mành mành trông thấy với hồi tưởng.

Dẫu câu chuyện được kể mạch lạc, thật khó thấy con sông huyền hoặc tên “Di” có thể thành một tiểu thuyết về “SÔNG”. Trước tiên, bởi thật khó thấy tại sao nhân vật Ân này đóng vai chính trong tiểu thuyết: việc anh ta được kể như một người đồng tính hệ lụy thế nào, việc anh ta đi và chứng kiến những gì “Sông” chứng kiến? Dường như sẽ không khác gì lắm nếu anh ta thất tình như một gã trai thông thường. Và nếu có rất nhiều yếu tố ngẫu nhiên tham gia không một lời giải thích vào truyện kể, thì tại sao lại cần đến một tiểu thuyết?

N.C.H 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook