CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Đọc sách

TRÔNG THẤY CON NGƯỜI

Thứ năm ngày 17 tháng 7 năm 2014 12:00 AM

1. Văn Tô Hoài đặc biệt, một loại văn chương làm cho người ta trông thấy những gì người viết kể và mô tả. Gọi đây là phong cách hiện thực chủ nghĩa thì có vẻ đúng, nhưng không hẳn. Dường như ông không hề có ý định "phản ánh hiện thực" và cũng không "viết văn". Nhưng không tránh được việc viết, nghiệp viết. Ông kể lại những câu chuyện như thời xửa thời xưa, thuở chưa có giấy có chữ, người ta chỉ dùng lời kể để hình dung và truyền đạt cõi đời.

Xem truyện của ông, không thấy "cái tôi" tác giả - là cái rất sẵn và nổi bật trong văn chương ngày nay - mà chỉ thấy câu chuyện diễn ra như thế, như thế... Giống như khi bạn nhúng tấm ảnh - vừa đưa ra khỏi máy phóng ảnh, trông còn trắng tinh - vào khay thuốc hiện và tận mắt trông thấy những hình ảnh hiện dần hiện dần lên, như chúng đang chui ra từ  bóng-tối-màu-trắng kia vậy.

2. Tiểu thuyết Ba người khác của Tô Hoài là câu chuyện của một nhân vật xưng  "tôi". “Tôi” kể chuyện cuộc đời mình khi ông ta đã già, nhớ lại. "Năm ấy, tôi ngót ba mươi. Từ tấm bé chỉ ở thành phố" (tr.16); và giọng kể của: "Một việc, tôi nhớ mãi" (tr. 9). Cuốn tiểu thuyết có một cấu trúc giả-tự truyện và một điểm nhìn từ con mắt hồi cổ. Ta hiểu câu chuyện ở đây đã bị xô đẩy về thời gian: thời gian của nó là một thời gian ký ức, không phải thời gian thực (theo ước lệ văn học). Thời gian của ký ức luôn có xu hướng bị đồng hóa với hiện tại,  như là vừa xảy ra hôm qua. Tuy nhiên, nó  lại bị chi phối bởi việc cố gắng nhớ lại; về mặt tâm lý,  sự cố gắng nhằm làm sống dậy một thời điểm trong quá khứ. Sự nhớ lại như vậy thường bám vào một số những vật chuẩn nào đó tượng trưng cho độ dài hiện hữu của người nhớ ở cái thời khoảng được nhớ lại. Do bị xô đẩy trong quá trình cố gắng nhớ lại đó, có những sự vật, sự kiện, con người trở nên nổi bật hơn những dữ kiện khác cùng loại trong ký ức và những vật chuẩn này làm sai lệch thời gian thực để thỏa mãn hai đòi hỏi trái ngược nhau của sức mạnh tâm lý.

Giữa hai thái cực của xu hướng đồng hóa với hiện tại và xu hướng cố làm sống dậy quá vãng, thời gian của ký ức trở nên một thời gian huyền thoại. Bởi không thể có một thời gian tách rời con người nên trong câu chuyện- ký ức ta thấy tính cách một huyền thoại, một huyền thoại-cá nhân. Tính cách này nhất quán trong câu chuyện mà nhân vật "tôi" kể ở Ba người khác.

Huyền thoại - ở đây là một huyền thoại - cá nhân,  tách hiện thực khỏi tình trạng hiện thực của nó chứ không phải là đặt vào "bối cảnh hiện thực" nào đó. Làm như vậy, nhân vật "tôi" trong cuốn tiểu thuyết này đã kể một câu chuyện "cổ tích" về Con người luôn mang trong mình những "người khác".

3. Câu chuyện của nhân vật "anh đội" Bối - người xưng “tôi" - kể lại, ở vào ngày nay thì cũng đã gần thành cổ tích. Sau những năm đô thị hóa nông thôn nhanh đến chóng mặt , bây giờ không còn nhiều người hình dung được một đại cảnh ở đoạn mở đầu câu chuyện là một cảnh lớn lao như thế nào: "Các đội công tác vùng đồng bằng hạ lưu sông Hồng kéo về tổng kết đợt ở huyện lỵ, đông có đến cả nghìn con người. Suốt tháng triền miên nghe kể lể thành tích..." (tr.9). Đó chính là một kiểu quang cảnh gợi nhớ hai câu ở Chinh phụ ngâm khúc: "Trống Tràng thành lung lay bóng nguyệt/Khói cam tuyền mờ mịt thức mây.”

Một huyền thoại, dù là cá nhân, cần tạo dựng bầu không khí huyền thoại phù hợp cho mình. Trong câu mở đầu kể trên đã hội đủ các yêu tố đó. Cụm từ "đội công tác" trước hết gợi lên ý nghĩa có một sứ mệnh, mà ngữ đoạn "vùng đồng bằng hạ lưu sông Hồng" là không gian rộng lớn mà sứ mệnh đó đang khai triển; các ngữ đoạn "tổng kết đợt", "ở huyện lỵ", "cả nghìn con người" đã hoàn tất ấn tượng về quy mô không gian-thời gian của sứ mệnh kia.

Ở đây, "các đội công tác" là một cụm từ có tính ám thị mạnh. Đó là sức ám thị của/từ kinh nghiệm và ký ức tập thể, đã trở nên là một trong những thành tố văn hóa-lịch sử của một thời trong đời sống xã hội đất nước. Chính là sức mạnh áp đặt của tính ám thị ở cụm từ ấy làm rung chuyển toàn bộ cái không-thời gian trong câu mở đầu, tạo nên sức căng cho toàn bộ, không chỉ một câu văn, mà toàn bộ câu chuyện về sau.

Đây rõ ràng là lựa chọn tối ưu của tác giả. Số phận của tất cả các nhân vật trong truyện đều hệ tại ở "các đội công tác" và "công tác" nói chung. Mặc dù cụm từ này không xuất hiện nhiều về sau nhưng ai cũng có thể thấy nó nắm giữ "sợi dây đỏ xuyên suốt" vận mệnh của tất cả những gì liên can đến. Bằng cách đó, cụm từ này xuyên suốt câu chuyện, tạo lập một cái nhìn "nhất lãm" - bao quát và thấu suốt một lượt - những số phận và cuộc đời. Và đó là một cung cách của huyền thoại. Như vậy, ý đồ tiểu thuyết tạo dựng một huyền thoại-cá nhân trên cái nền của một giả-tự truyện đã được xác lập rõ ràng ngay từ  câu đầu. Có thể lưu ý thêm là cách diễn đạt "vùng đồng bằng hạ lưu sông Hồng" cũng gợi chất huyền thoại. Cách diễn đạt này vừa xác thực lại vừa mơ hồ, đủ để thiên về phía gợi ý - cũng lại là một ám thị ký ức tập thể: bản thân cái "vùng đồng bằng" ấy vốn đã đầy huyền thoại rồi.

Để nói rõ thêm về khía cạnh ngôn từ của các diễn đạt trên ám thị này, chúng tôi xin đưa mọt thí dụ khác. Ở trang 47 có đoạn tả: "Hay bởi nồi cơm cám nuốt khé cổ buồn như chấu, chỉ có người mẹ không lạch đi được đành ngồi nhai nghẹn từng miêng. Chứ ai kiếm được cái ăn chỗ nào cứ việc đi, chẳng cần bữa ở nhà"...

Đây là một đoạn liên quan đến bữa ăn/cái ăn ở gia đình nhân vật Diệc bần nông và cái "người mẹ" ở đây là nhân vật người vợ dị tật chân của Diệc. Khi mô tả rằng người này "không lạch đi được", tác giả đã sử dụng một tiếng "lạch" gợi lên những hình dung khác nhau: lê lết - bò như con lươn con trạch - rạch như cá lên ruộng cạn... Câu tiếp theo với ngữ đoạn "ai kiếm được cái ăn chỗ nào cứ việc đi" đã hoàn tất ý nghĩa gợi lên từ  tiếng "lạch" đó. Ký ức tập thể truyền đời về cái đói "ngày ba tháng tám", về thân phận mỏng manh "cá nằm trốc thớt" hay bất lực "như cá vào hom" đã tạo nên sức mạnh ám thị, diễn đạt trọn vẹn cái thân phận một con người trong một miếng ăn.

Không gian và bầu không khí mang tính huyền thoại bao trùm toàn bộ câu chuyện. Rất có thể một số người đọc đã sẵn có trải nghiệm riêng về chuyện cải cách ruộng đất sẽ không cảm thấy như vậy, bởi lẽ, nói cho cùng, ai cũng có thể mang một huyền thoại-cá nhân riêng của mình trong ký ức riêng mình. Ở đây, chúng tôi nhấn mạnh vào tính cách huyền thoại-cá nhân của cuốn tiểu thuyết này bởi so với một số tiểu thuyết có yếu tố huyền thoại-cá nhân khác - như Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Thời xa vắng của Lê Lựu hay Khê ma ma của Thái Bá Lợi, Lạc rừng của Trung Trung Đỉnh, v.v... - thì tính huyền thoại trong Ba người khác rõ rệt và nhất quán hơn. Chẳng hạn, cùng với yêu tố có một sứ mệnh như đã nói ở trên còn có yếu tố áp đặt/tác thành/uy vũ của một quyền lực vừa hiển hiện vừa không thể giải thích. Đó là ở các đoạn tả về cơ quan Đoàn ủy cải cách, về cảnh người cán bộ mang lệnh sửa sai đến bãi đấu tố hay ở cuộc đối thoại giữa độ sửa sai với nhân vật Cự đội trưởng cải cách, v.v... Thậm chí ở đây cũng không có một lời, một chi tiết nào có thể giải thích tại sao các nhân vật chính - các "anh đội" lại có thể tác oai tác phúc như thế. Một lần nữa, đây là vai trò của ám thị như là một nguồn của quyền lực, một quyền lực trong huyền thoại. Các nhân vật "anh đội" hành xử cái quyền năng đã được mặc định cho họ. Chính vì thế, trong khuôn khổ câu chuyện này, chủ đề không phải là chuyện cải cách và sửa sai trong một lịch sử xác định. Tính cách huyền thoại của nó cốt ở chỗ dùng những sự việc để trông thấy Con người.

4. Thực ra, nhìn từ góc độ đó thì đây là một cổ tích buồn, một huyền thoại mang điềm gở. Nó gở bởi hai cái chết: nhân vật vợ Diệc và nhân vật thằng Vách. Vợ Diệc luôn chỉ xuất hiện như một cái bóng, tù túng, khi đậm khi nhạt, dường như chỉ cốt xuất hiện để nhắc người ta quên mình đi. Đó là một motif bè trầm trong chủ đề thân phận người nông dân. Đứa con gái tật nguyền của nhân vật "địa chủ Thìn" đó đùng một cái đập đầu tự sát khi, sau bao năm làm vợ một bần nông, bỗng thấy lại cái cối đá của nhà nó mà khi bé nó vẫn ngồi. "Sống gửi thác về" là vậy sao?

Nhân vật bần nông tên Vách làm nghề mổ lợn thì ngang tàng tinh khôn và khí phách. Nó mắng "anh đội" gốc thị dân khi anh này sợ phải chứng kiến nó tự tử: "Hèn thế mà cũng đòi đi giải phóng người ta" (tr.220). Suốt đợt cải cách, thằng Vách nghèo tươm mà chẳng được chia gì, chỉ vì có nghề dao thớt. Vậy mà nó vẫn điềm nhiên. Thế mà lúc sửa sai, "trông cán bộ nói hách dịch như quan huyện" (tr. 218) thì nó thốt ra: "Thằng tây còn chẳng giết nổi tôi, các anh thì là cái thá gì. Thế mà bây giờ tôi lại không muốn sống nữa, tôi muốn chết" (tr. 217). Thằng Vách treo cổ tự sát.

Có thể nói thiên huyền thoại-cá nhân của nhân vật xưng "tôi" đã thật sự chấm dứt ở đó, mặc dù anh ta còn kể nốt đoạn đời về già với những cuộc tao ngộ lạ lùng, cũng buồn lạ lùng, chỉ còn cái thú cực nhọc là trông thấy con người mà thôi.

Bởi vì huyền thoại phải có kỳ công. Anh ta, khi còn là "anh đội", đã từng yêu các cô thôn nữ, từng có lúc tự nhủ hay là mình cưới cô này, sống ở đây..., từng nhìn ruộng lúa lên xanh mà nghĩ cũng có công mình (!). Thế nhưng cái chết của thằng Vách đã đưa anh ta ra khỏi mộng hão.

 

* Đọc Ba người khác, Tô Hoài, NXB Đà Nẵng, 2006

 


Chia sẻ trên Facebook