CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tùy Bút

KHÓI HUYỀN PHÙ

Chủ nhật ngày 25 tháng 4 năm 2021 12:00 AM

1.Khói huyền phù uốn sóng nhiệt như áo váy voan đen.

Giờ lại một tháng Năm phổ nắng cho lá non thêm diệp lục lớp lớp quầng hoa mộc du đồng bỗng thắp sáng những dải đồi trung du cằn khó dưới chân núi mây trắng nhịu tình đỉnh xa. Ngồi trước hiên ngôi nhà đồi vách bùn rơm chàng nghệ nhân luyện mực nhìn quầng hoa nổi sóng lưng trời.

- Hoa trẩu như bướm gieo đàn, mùa dầu năm nay thuận.

Phụng dầu thắp đèn, dâng mực đền Quan Trạng và mưu sinh nệ sắc khí hoa trẩu, vui buồn của Phận gắn với tín hiệu hoa. Hoa sai quả đậu nhiều, thỏa lựa những hạt mẩy căng, chắc nặng. Hoa thưa, lá sâu hạt lép bới nhặt cùn móng chẳng tày lưng mủng, ép trăm khay bánh hạt dầu chỉ đủ nhoáng cây khuôn.

Miền trung châu, ruộng bãi vườn đồi thênh thang, người nông nhưng Phận không tường cày cấy, mà chuyên ép dầu trẩu và luyện mực thỏi, phục dựng di sản của Quan Trạng thành hoàng truyền dạy. Theo phả hệ, thì Phận đích gen dòng trưởng thành hoàng. Danh lộc mấy chục đời. Đến ông nội, quẩn vào đỏ đen, rạc rày phải ở vạ đền Quan Trạng. Chưa kịp tu tỉnh thì bị xúi bậy, tay bạc già hất bài vị Quan Trạng xuống ao để được vinh ghế cao mỗi buổi họp thôn.


2.
Chạng vạng. Vo ve muỗi. Nghiến răng ngủ mơ bên bậc cửa, bé Phận bị mũi giày mõm nghóe khều khều cánh tay, đánh thức. Người đàn ông xám, phủ phục bên chiếc valise mở tung.

Người đàn ông ngụt nghẹt bế cậu lên lòng.

Ngày đó, cậu đâu biết thân sinh bất chí bỏ dạy đại học về quê phục nghề ép dầu trẩu, luyện đúc mực thỏi. Trút bỏ quần gabardine, áo trắng cổ cồn, tròng vào diềm bâu nhuộm bùn, ria cụp râu vểnh, ông kiếm gỗ thành ngạnh, gỗ dâu đất làm cột kèo, trèo cọ hom tàn tỉa lá lợp, chặt nứa tép, băm rơm trộn đất sét bồi vách, cưa tre, chẻ hóp, tước dây mây làm cửa. Dựng xong lán xưởng, ông trầm mình xuống ao, khỏa bùn mò lủng củng những khay bánh ép, bình vòi rót dầu, lô lốc bát đèn đồng, được ném xuống hồi động loạn. Và rồi thân sinh cũng lần ra lỗ sẹo của “cây dầu” gỗ nghiến trầm thủy đận Tây càn, móc chão mắc ách trâu lôi lên .

Dân làng rằng:

- Có phúc không giữ, lại còn tự dứt vận mạch ném bài vị xuống ao. Họ vua còn chẳng ăn ai nữa là họ quan trạng…

Không biết mẹ, Phận lớn lên ở làng với ông nội. Ông già liệt rung, nghiện rượu, ngày hai ba lần tè dầm. Phận là hoa trái mối tình của cô sinh viên xứ Đông hiến tận cùng nhan sắc cho thầy học.

Nhưng thân sinh đâu chỉ một vướng tình.

Dòng Quan Trạng, khôi tuấn, ông đẹp trong cả hai giới nhìn. Một buổi sáng, Phận quờ quờ sang chỗ cha nằm thì những ngón tay mắc vào bùng nhùng manh chăn rách. Lạnh ngắt…

Những ngày hoa trẩu sáng trời trung châu không chỉ ban niềm vui ngẩn mà còn gieo vào tâm Phận bao nỗi. Nỗi hoài thương mang sắc trắng ảo như mộc du đồng ngày cả gió. Anh thường ngâm nga gọi hoa trẩu bằng cái tên chữ mộc du đồng. Chữ của thân sinh.


3.
“Lộc rừng, ai chăm cần thì nhận đãi hậu, chẳng thiên vị ai”.

Câu nói của cha hôm nào như di ngôn giúp bé Phận một phương thức sống. Đeo gùi sau lưng, cậu trai mười tuổi cứ nhằm đến những vòm trẩu lực lưỡng, đi theo vòng xoáy trôn ốc từ gốc ra, sẽ lượm không sót hạt nào. Nửa ngày quần rã thảm lá rụng mười cây là có đủ 30 cân hạt. Mà tính sơ, một tạ hạt cả vỏ có thể cho 30 cân dầu, thì 30 cân hạt trần cũng đủ cho Phận miếng ăn. Hạt trẩu đạt hàm lượng dầu cao nhất, chỉ rụng trong tuần trăng. Mang cơm nắm, cả làng xô lên núi Đọi nhặt lộc rừng nhồi căng bao tải. Không hạt trẩu thì cũng chẳng có dầu, chẳng thể nổi lửa đèn thu khói. Lỡ trượt sang tháng sau thì nhặt về những hạt lép hạt sượng vì mầm nảy ngậm, nêm ép chẳng bõ công.

Ngày nọ, thiếu phụ áo xanh tìm về làng Đọi mới biết ông thầy bỏ đi. Người đàn bà nghẹn ôm cây dầu, ứa nước mắt.

Bà xin đưa Phận về Hà Nội học nhưng các đấng tuổi trọng trong họ lắc đầu. “Dòng nhà Quan Trạng đã tuyệt tự đâu mà phải cho con cháu đi ở đợ”. Một ông trẻ đứng cái, kèm Phận bằng cách hướng dẫn cho thuê dụng cụ và nhà xưởng, tiện thể đảm chân phụ việc, học thêm nghề. Và chẳng ai nghĩ cậu cần đến trường học chữ. Ngay cả bản thân, cậu cũng thấy trước mắt học cả đời chưa hết ngóc ngách bí quyết nghề ép dầu, chế mực thỏi.

Luật tổ truyền, nghề làm mực không chép thành văn, mà phải nhớ nằm lòng. Biết chữ hay không, chẳng phải sự gì ghê gớm.

Dộng khẽ chiếc bình vòi rót dầu xuống chỏm tóc Phận, ông trẻ râu ngạnh trê, phán:

- Bố mày ấy, văn hay chữ tốt “tiên khồng” thì cũng như trống không dùi. Tằng tổ giỏi nghề làm mực, tiền của nhiều mới được vua ban làm quan trạng. Chứ chữ nghĩa cũng nửa vốc tay…

Phận nghe mãi thành nhu cầu, cần được nghe ông trẻ lảm nhảm. Nào là chỉ cần bán vài thỏi mực cho các nhà thư pháp, chép sách cổ, vẽ tranh thủy mặc là đã mua dư tạ gạo. Người ta thường mua mực thỏi dịp xuân, nhưng cuối tiết đông hoặc lập xuân mới nhận được hàng. Người làng Đọi, họ nào khá giả đều biết luyện mực thỏi, phương tiện sang trọng chuyển tải tri thức của thánh hiền. Mực thỏi danh giá nhất xứ Bắc vẫn là mực của lò họ Quan Trạng luyện xuất. Tone màu đen đủ sắc độ thanh đậm khi mài phả hương thơm, nét chữ thấm đều, ánh dưới sáng đèn và rực hoa văn dưới mặt trời. Tranh sách dùng mực thỏi nhãn hiệu năm cánh hoa trẩu mấy trăm năm còn tươi nguyên dấu. Hằng năm, lò mực Quan Trạng phải tiến số mực lên triều đình đủ để viết các chỉ dụ, sắc phong cho toàn xứ Bắc. Chưa kể, đẳng mực ngự dâng vua làm thơ, vẽ tranh, mấy chục năm biến động đã thất truyền. Trọng trách phục dựng mực ngự, đương nhiên giờ cả họ Quan Trạng kỳ vọng ở Phận…


4.
Xếp gọn bộ uống trà xanh trên chõng tre, nghệ nhân trẻ lững thững qua vườn chè xuống ngôi nhà đồi. Ngôi nhà được ngăn đôi, nửa lớn làm xưởng nửa nhỏ làm kho. Mùi tinh dầu trẩu hăng hắc lẫm mùi khói cay xộc chiếm khứu giác. Anh đặt tay âu yếm vật này, vỗ vễ vật kia trong kho những bao hạt trẩu, nêm, vồ, khay bánh dầu, thùng gỗ, chão rơm. Xưởng trải mười tấm chiếu chưa chật nhưng vẫn là xưởng. Chình ình thân cây gỗ nghiến đặt nằm, bộ phận quan trọng nhất của hệ thống ép dầu theo công nghệ thủy lực nguyên sơ. Những ngổn ngang tưởng là vô tri, nhưng tất thảy đám đồ vật ấy như là máu thịt Phận, qua nóng lạnh ép nấu tự nhiên đã mang một chút nhân linh.

Cạch cạch, tiếng gõ cánh cửa liếp tre rụt rè. Ai nhỉ ? Phận nhíu mày. Làng Đọi không ai rảnh rỗi sang hàng xóm chơi lúc nửa buổi. Cửa kẹt mở. Một bóng trắng ào vào. Tiếng reo lảnh:

- Anh Phận….

Chỉ một lần về làng Đọi thực tập, nữ họa sĩ năm nào cũng tìm cớ quay lại mua những thỏi mực in hình năm cánh hoa trẩu. Cô họa sĩ dang tay định choàng ôm người đối thoại. Giơ hai bàn tay lấm đen, chàng nghệ nhân từ tốn, ghìm sự cảm động. Mắt cô gái bỗng sẫm bóng:

- Cô có việc gì nói mau đi. Tôi bận.

- Em đã viết thư cho anh đầu tháng.

Quả là Phận nhận được chiếc tạp dề vải tổng hợp sặc sỡ, đôi găng tay cao su Nhật dài đến khuỷu và phong thư hương ngọc lan. Xỏ găng tay thì bí bức mồ hôi, choàng tạp dề lượt thượt, khó thao thác luyện mực, nên anh đã cất kỹ. Riêng lá thư thì hết mở ra lại gấp vào.


Phong bì giấy nến vàng ngà, mép giấy pơ luya răng cưa, nét chữ đứng thẳng, phóng khoáng. Nhận thư khách hàng, mà Phận cứ đần ra, thờ thẫn, bất lực. Những lá thư cất trữ trong vỏ hộp bánh, chứa muôn nỗi khó nói của anh.
 

Phận quen đời sống diễn tiến như nhiên, mùa hoa này tiếp mùa hoa sau lầm lũi luyện học nghề tổ. Xác thực hơn là nghề tổ đã dung dưỡng anh. Muốn dầu tốt thì hạt trẩu phải tốt. Hễ gặp cây trẩu tán tròn, trái đẹp, căng dầu, Phận không đành dửng dưng. Anh khỏa vòng tay âu yếm như ôm người tình. Một khi có hạt trẩu tốt thì dụng cụ ép cũng phải tốt sạch thì mới ra mẻ dầu ưng ý. Chuỗi sự vụ, điều trước chi phối việc sau. Và ngược lại. Thứ sản phẩm từ trí giả đến hạ lưu đều dùng. Và ai cũng đòi hỏi sự chuẩn mực sắc màu, hương vị trong từng nét chữ. Chỉ một thỏi mực nhợt sắc, thì lời ca thán, phàn nàn của hạ lưu hoặc trí giả đều khiến Phận cảm giác người ta hắt nước vo gạo vào mặt. Anh thấm rằng, muốn được tôn trọng thì phải tự trọng…Mà được tự trọng thì chẳng còn cách nào khác, là anh phải giỏi nghề.

Tâm niệm, hằng ngày dọn xưởng, phải dùng đến xà phòng giặt “đánh bật” muội mực, xong bữa tối, đêm khuya Phận ra đền Quan Trạng chắp tay hướng lên bàn thờ. Hy vọng anh linh tiên tổ sẽ hiển linh chỉ dẫn bí quyết chiêu thức làm mực ngự. Một nửa đêm, bão lốc đẩy tung cánh cửa gỗ lim, xô nghiêng bát hương. Đang lơ mơ, Phận hốt hoảng nhổm dậy sắp xếp lại bài vị thì dưới chân bát hương lộ ra chiếc hộp đồng hình rùa gắn bên dưới. Bấm chốt, lưng rùa mở toang. Một bức tranh giấy dó liên hoàn, nét mực đen ánh như vừa mới hiện dưới ngọn bút lông, chỉ dẫn Nghi lễ dâng mực, gọi hồn chữ.

Đốt tờ giấy viết những điều tốt lành tùy theo chủ đề người chủ lò mong muốn, hòa vào bát rượu, dùng kim, chọc vào đầu ngón trỏ và ngón cái, nặn lấy hai giọt máu, nhỏ xuống bát rượu, đặt lên bàn thờ, đợi lúc nào hả rượu thì trút vào gốc cây.

Lại chờ một ngày đẹp, Phận lấy nước giếng đền đầy chén Bạch Định, san vào nghiên ngọc, dựng thỏi mực đứng nghiêm thế quân tử mài theo chiều kim đồng hồ. Mỗi động tác xoay cổ tay, các đầu ngón nhẹ nhàng, thư thái như đang khỏa vào dòng nước chảy. Nếu mực chuẩn thì sắc đen đậm pha ánh xanh và keo trơn sệt, đưa bút nhuần tay…

Nhưng thế vẫn chửa xong, Phận còn phải thử mực mới bằng chiếc bút lông mới lên tờ giấy mới, đợi khô mới đưa ra giữa sân nắng, so với mẫu lưu của mẻ mực trước, in hệt như nhau thì mới được gọi là mực thuần thành lò Quan Trạng.

Nữ họa sĩ bước ra sân, ngắm lá trẩu núi Đọi Đèn chớm thu. Hình như đã năm thứ chín, cô trở lại nơi này. Cô đã thành danh nhờ tranh giấy dó với mực muội đèn. Bút vừa rời khung tranh, đã có khách đặt tiền. Những thỏi mực tự nghệ nhân gửi cho cô như một cơ duyên, như một định mệnh ẩn tàng ẩn ức. Tại sao chúng sinh cứ phải có những điều khó khăn.

Sắc lá xanh đang chuyển sắc rơm vàng, thưa rụng, để lộ cành nhánh khều khào, đan rối, khoe chùm quả tròn nổi gân như túm kẹo mút bọc giấy bạc vàng hồng, ba cánh múi phớt tỉa từ nứt rồi mở toang trong nắng thu khô hanh, để lộ những hạt mầm như đá cuội núi lửa, chỉ chờ có gió qua là gieo mình xuống lớp lá mẹ khô lồng phồng êm như nệm tênh hênh nằm chờ người làng Đọi.

Phận trở lại với xâu bánh gói lá chuối khô.

Nữ họa sĩ tìm ánh mắt Phận. Cuống, Phận cúi xuống ngón chân.


5.
Lựa hạt trẩu nặng tay, Phận tãi nong phơi om mươi nắng tiết bớt hơi nước. Sau mới dùng cối chày tay giã vỡ, sàng sảy bỏ lớp vỏ lụa, rổ sảo lót vải màn lèn chặt tay nguyên liệu rồi hấp trong chảo gang cho đến lúc mảnh lớn mảnh nhỏ trong suốt, nổi ánh dầu. Ấy là hạt đã chín.

Sắp sẵn chồng khuôn bên cạnh thùng gỗ đầy ắp hạt đồ. Những chiếc khuôn làm bằng tre bánh tẻ, chẻ nan, chuốt nhẵn uống vòng như trôn quang rộng chừng hơn ngang và chiều cao hai đốt ngón, lót dưới khuôn tre một lớp rơm chống dính. Dưới đáy khuôn kê tấm gỗ nghiến, rộng gang rưỡi, dài hơn hai gang để làm điểm đỡ khi đổ khuôn. Sau khi hạt vào khuôn nhanh tay nắm túm những đầu sợi rơm xoắn lại rồi gói thành từng bánh.

Nếu dụng cụ đốt dầu thu muội làm mực thỏi đệ nhất là đồng đỏ và niêu đất, thì dụng cụ ép dầu không gỗ nào hay hơn gỗ nghiến. Gỗ nghiến loại đặc hữu trên núi đá cao xứ Bắc, bền chắc, chịu mài mòn không thể đóng đồ ngang vì nẻ răm. Nhưng tuyệt hảo dụng làm thớt chặt hoặc đồ thô nặng như đồ nghề ép dầu. Gỗ nghiến càng ngấm dầu thì càng chắc, càng nặng và lì như sắt nguyên chất.

Cây dầu gia truyền như khối đá granit đen, đường kính đẫy vòng ôm, dài khít gian nhà ba mét. Thân cây dầu để chừa mỗi đầu hai gang, lòng khoét thủng độ rộng vừa khớp với khuôn của bánh dầu đủ chứa hai hoặc ba chục bánh dầu. Dưới đáy cây dầu, thợ mộc “chạy” một rãnh sâu ba ngón tay, rộng cũng chừng ấy, khoảng giữa rãnh khoan một lỗ tròn cho dầu thoát xuống bên dưới thân, đã sẵn chiếc thùng hứng. Mỗi đầu cây dầu có một lỗ vuông để đóng con nêm.

Khúc dạo đầu, khi khuôn bánh dầu chưa bị ép chặt, thì có thể dùng chày giã thục vào đầu con nêm. Sau mấy chục nhịp chèn dầu cho chặt, thì Phận phải đứng chân trên thành hai thành của cây dầu rồi dùng vồ gốc nhãn nặng hai ba mươi cân trở nên để chèn nêm. Mà cách gọi của dân chuyên môn là “đánh dầu”. Mỗi giọt dầu cần quai ba vồ. Được ba giọt dầu thì Phận rơi ba mươi giọt mồ hôi. Đánh vồ cho đến khi dầu chảy kiệt, bã dầu như miếng bánh đa giòn bở thì thôi.

Dầu ép được là dầu thô, nhiều cặn vẩn. Muốn dụng thì phải tinh luyện, lọc cặn nấu sôi vớt bọt. Khâu lọc thô sơ, nhàn tản, dùng chiếc mủng tre, lót hai lớp xô màn, trút đầy dầu, treo trên giá ba chạc, để dầu tự “rích” giọt đến lúc cạn thì thay vải lót, lọc mẻ tiếp theo.

Công đoạn nấu kỳ công và nguy hiểm. Phòng hỏa hoạn, người ta khoét bếp lò ở vỉa đất cao góc vườn, che tạm mấy tàu lá cọ. Chảo gang cỡ đại, lọt cả con lợn tạ, đổ lưng lượng dầu đã lọc. Đun nhỏ lửa, dầu lăn tăn, nổi bọt váng xám vàng, thì bớt củi giảm nhiệt. Khuấy đều tay. Lơ chút, sôi trào bếp than sẽ nổ bùng như đốt thuốc súng. Từng sự cố, lửa dầu liếm trụi lông mày và tóc trán, trông Phận chẳng khác Tây lai. Hớt hết bọt váng, dầu trở nên sánh trong ánh sắc vàng là dầu đã chín tới độ, dùng gáo dừa chuyên ra thùng để nguội mới niêm kín.

Nhìn xa mấy trăm năm, Quan Trạng khi lập làng, dạy nghề đã ra hương ước trồng và duy dưỡng nguồn cung trên núi Đọi Đèn.

Trồng trẩu theo lối Quan Trạng, không phát thực bì phóng hỏa, không bổ hố theo hàng gióng lối mà chỉ lựa những khoảng đất trống, khô ráo yểm hạt xuống. Hạt nảy được mầm là lên như lôi, sức bật vươn vù, cành xòe tán tạo tầng yểu điệu, khoe lá đa dạng trên cây mẹ, lá thì xẻ nông, lá nguyên có phiến hình tim, lá có thùy sâu. Mặt lá dưới mờ nhạt bâng khuâng, mặt trên sẫm tha thiết. Hoa xòe năm cánh cánh trắng ngà vẻ rầu rĩ, gốc cánh hoa có đốm tía ôm ấp hờ hững những vòi ngụy vàng nhờ…

Là hoa, đáng lẽ ngắm gần mới mãn, nhưng hoa trẩu thì chỉ ưa ngắm từ xa. Trẩu là loài hoa hợp quần, loài hoa của rừng xa, đồi điệp… muôn trùng.

Thân trẩu vươn thẳng, tròn lủm, bấp chấp tán che, dây leo đeo bám, trẩu vẫn bung hoa. Từng chùm bồng lên xôn xao nở, lòng hoa phớt tím pha hồng, thơm thầm thoảng, đủ ma mỵ hút bướm, gọi ong, chùm nọ đua chùm kia vồng lên cả một quầng hoa sáng cả góc rừng. Trái trẩu hình trứng, thuôn nhọn về đằng chỏm, tròn đằng cuống, vỏ nhăn, lông tơ phủ mờ nổi gằn những rãnh dọc ngang, tựa viên bom bi. Trái chín già chuyển sắc vàng ương, mở ba cánh múi, thả xuống lồng phồng lá trẩu rụng quanh gốc ba hạt hình bầu dục sần sùi như hạt thị. Người ta chỉ được lựa nhặt những hạt rụng, không chặt cây làm củi và đốn cành lấy quả….Cây già tự đổ, tự mục hoai làm dưỡng nuôi hậu sinh. Qua những thập kỷ, người làng Đọi nghiêm tuân hương ước rừng trẩu núi Đọi Đèn trở nên vâm váp, lực lưỡng sinh khí, cao ngổng hai ba mươi mét, san sát bên nhau dựng thành lũy.


6.
Mới cuối thu nhưng sương đã se đổ lạnh sớm mai và thì chập choạng. Hơi đông chấp chới bên kia cánh đồng, dưới chân núi. Má thiếu nữ bỗng như thoa phấn hồng quá tay. Các lò ép dầu làng Đọi tất bật kết mẻ hạt cuối, đầu làng cuối xóm kỳ cộp tiếng quai vồ đại thúc con nêm ép bánh dầu.

Thì đấy cũng là mùa Phận luyện mực. Bị chữ cầm tù, nhờ phúc tổ tiên hay là nghèo đói dồn đường, khiến anh thành nghệ nhân mực khi chưa tuổi hai mươi. Mực thỏi Phận luyện ra không kịp đơn hàng. Ngoài các nhà thư pháp, thì sinh viên hội họa, kiến trúc, xây dựng trưng thỏi mực triện bông hoa trẩu năm cánh nhũ vàng là miền tự hào có họa phẩm xịn sò.

Phận im lâu trước bức họa đen trắng vẽ nam thiếu niên cầm bình tiếp dầu vào chiếc đèn đồng úp niêu đất hứng khói. Vài nét sổ chéo, và mấy nhát bút nhoay đập đã khiến người xem cảm được không khí ngột ngạt, đen quánh, bức sốt mồ hôi trên gương mặt đứa trẻ. Họa sĩ vẽ theo trí nhớ hình ảnh “cậu bé” lần đầu gặp và bằng chính thứ mực thỏi mà anh đã dày công luyện.

Họa sĩ hớ hênh đặt vựng tập tranh khỏa thân các danh tác cổ kim trên bàn Phận đúc mực. Cô lảng ra vườn hái bó hoa xuyến chi, và trở vào lúc chàng nghệ nhân nín thở lật đúng bức “Khỏa thân nằm tựa”…

Bộp…! Cuốn vựng tập nặng trịch buột khỏi tay Phận..

Gió đu cành xoan, lay khóm mía xạc xào. Như bị anh thôi miên, chăm chăm nhìn anh không rời, cô bỗng chậm rãi kéo bật từng khuy áo hạ dần qua khoảng ngực, ngoái tay ra sau, bật móc khóa.

- Xem tôi có…xấu hơn không ?

Sờ sững, anh trân trân ngắm thềm ngực trắng hồng run run. Giơ hai tay lên định làm động tác nào đấy, nhưng bất ngờ Phận ôm đầu xô cửa xưởng.

Ngồi dưới gốc xoan góc vườn, nước mắt anh nhòe nhoẹt trên gương mặt bụi than. Bỗng vòng tay họa sĩ mở choàng, ôm Phận từ phía sau.

- Body… như tượng. Anh phải để tôi vẽ..

Phận rùng mình vùng dậy.

Họa sĩ áo đưa tay như muốn xé toạc chiếc ba lỗ đen choàng chiếc chemise nam buộc túm trước bụng. Mái tóc đuôi ngựa hung hăng, thọc tay vào túi quần sooc túi hộp, nhún nhẩy, đôi mắt hơi xếch toát lên vẻ hoang dại bất cần. Cô hét với theo:

- Đàn ông mà hèn.

Không ngờ, Phận quay ngoặt lại, lột phăng áo, ném lên cây dầu.

- Đây, muốn vẽ thì vẽ đi. Hèn đâu nào.

Cởi trần co chân, nằm ườn trên phản…ánh mắt cô lướt tới đâu, Phận thấy mình bị lột da đến đấy.

Lần nào để cô vẽ, anh cũng đòi đóng kín mọi cánh cửa, nhưng khi bày tư thế mẫu xong, cô lại mở toang cửa để ánh sáng tự do chiếu rọi. Họa sĩ thủ thỉ, cơ thể anh như tượng David xấu hổ mà gì. Anh quan trọng hóa mãi lên.Trong cái nhìn nghề thì anh chỉ là mẫu vẽ, cũng như anh vầy vò muội đèn, hạt trẩu, chai dầu…

- Người hay chai cũng như nhau cả. Đó là đối tượng tôi lột tả. Tương tự như việc luyện mực ấy mà…

Bậm bục, lỡ dân làng nhìn thấy tôi cởi trần trong nhà với họa sĩ. Mà, thêm bực, người ta thế này lại ví với lọ chai. Đàn bà khùng.

Đến lúc họa sĩ chợt nhận ra sự thực thể danh họa luôn thuộc về đàn ông. Lũ kiêu ngạo, trọng hình thức và sự độc đáo của người mẫu, không màng tới vẻ đẹp nội tâm. Nội tâm người mẫu được họ chia sẻ từ chính tâm hồn mình. Họ có quyền la cà đến tửu điếm và giao du với gái làng chơi. Nhưng nữ họa sĩ thì không. Bất công thế đấy.


7.
Vặn người, Phận loay hoay giữa hai giá đỡ đèn, mỗi bên 12 chiếc, tổng sắp 24 chiếc đèn. Những bầu đèn cổ hình con cóc ôm trống. Tay cầm gắn lưng cóc, bầu dầu là cái trống dung tích vừa một lít, có nắp vặn và ống bấc. Đèn đặt dưới hai thanh xà nhỏ, có thể điều chỉnh độ cao thấp đỡ niêu đất cỡ trái bưởi Diễn “đỡ” khói phía trên. Bấc vặn cháy to hay nhỏ thì niêu đất cũng chỉnh theo để điều khiển lượng khí oxi vào bằng cách hạ niêu thấp xuống. Niêu càng hạ thấp thì oxy vào càng ít như vậy dầu cháy không hoàn toàn. Và lượng muội khói sinh ra càng nhiều.

Thường thì Phận cho nổi đèn sau chín giờ đêm. Phòng kín gió, tránh tạt khói, nhưng cần thoáng nên cửa thông khí mở sát trần. Trong bóng tối quan sát ngọn lửa nhả muội khói chính xác hơn. Đẩy bấc cao quá thì dầu cháy không hết, ngọn lửa đỏ, mà bấc thấp thì lửa lom rom, muội khói ít.

Căn chỉnh bấc sao cho màu da cam toàn ngọn lửa, lưỡi lửa rung uốn, nhả ra từng lớp khói đông kết lơ lửng lừ đừ bổng mình lên dính vào lòng niêu đất, từng đợt theo nhịp hoàn lưu oxy cháy của ngọn lửa. Mỗi một giây qua là muội khói lại đắp dày thêm lượt.

Nhưng sự cháy, không phải lúc nào cũng ổn định. Người canh lửa, mươi phút lại phải dạo qua quan sát. Đèn nào phập phù, thì phải mau chỉnh bấc. Nếu không nhanh tay thì khói sẽ phết không đều trong mỗi niêu đất. Lượng muội khói bị hụt thì dẫn đến mẻ mực luyện phải điểu chỉnh hàm lượng những phụ gia khác, tốt thời gian và cách rách.

Đợi muội khói đóng dày chừng ba đốt ngón tay, vừa chấm đến vòng eo thắt của miệng niêu đất thì ngừng hỏa. Đợi hạ nhiệt thì nhấc niêu muội khói, đặt riêng một chỗ, dùng vải buồm ướt ủ kín. Nhưng làm nền cho mực thỏi, riêng dầu trẩu đâu đã đủ, mực thỏi cao cấp theo chuẩn lò Quan Trạng thì phải thêm muội khói nhựa thông rừng Tam Đảo hoặc Ba Vì và muội khói nhựa trám đen vùng đồi Thanh Ba, Đoan Hùng. Nhựa thông, nhựa trám trộn lẫn đốt cùng, cách thức chẳng khác đốt dầu trẩu. Để sắm những thức đó, Phận phải lần theo mối quen cũ ở những vùng đó của dòng họ vốn đã nhiều đời giao thương với nhau. Con cháu chỉ cần khơi ấm lại ân tình cũ.

Và nguyên liệu kết dính quyết định sự thành bại của mực thỏi phải viện đến da trâu cà đen và tinh cốt xương ngựa. Da trâu đen phơi khô, cắt miếng cỡ viên gạch chỉ ngâm nước nóng vài chục giờ mềm lủn rồi cạo lông, thái miếng mỏng như bí đao nấu canh ninh ba ngày ba đêm, gạn nước cũ, thay nước mới khoảng năm lần để chất keo thôi hết vào nước. Nước hầm da để nguội, lọc qua rây lưới đồng lỗ mịn rồi khuấy với nước lọc pha chút phèn chua, chờ nửa ngày, cho tạp chất lắng xuống, múc lấy một phần ba nước mặt và cô đặc lại. Còn xương ngựa, chỉ dùng xương ống nướng trên than hoa, đập vỡ, dùng nùi ruột mướp cọ trắng tinh rồi bỏ vào nồi như nấu cao khoảng một tuần thì thu được thứ nước trong dấp dính, khi nguội mịn dẻo như cao.

Hai nguyên liệu này, thì chẳng mấy tay luyện mực tự chế, mà phải viện đến mấy ông lang thuốc Nam thuốc Bắc. Giá đắt, nhưng chất lượng dùng chữa người bệnh để làm mực thì khỏi chê.

Phận thì không tin ông thầy thuốc nam bắc. Thầy với lang băm ở trên hai phía bàn tay. Anh tự nấu các phụ gia ấy.

Chưa hết, để nét chữ óng ánh bảy sắc cầu vồng dưới đèn, dưới trăng thì không thể thiếu bột ốc xà cừ nghiền thuyền tán mịn như phấm rôm. Sang thì bột ốc xà cừ, không thì vỏ trai vùng Sơn Nam Hạ, vốn đồng chiêm sâu nước, sắc màu chẳng kém xà cừ Hạ Châu. Dư vốn thì mua mớ, thiếu vốn thì mua lẻ. Và còn một cách là mua xà cừ vụn mà đám thợ khảm trai Chuôn Ngọ bên kia sông phế bỏ thì vừa rẻ vừa chất.

Và một nguyên liệu nữa giúp mực bền màu, không phai khi dính mưa hay thấm nước thì gia giảm nước cốt lá trầu hoặc tro mai mực làm chất hãm. Nhưng cách luyện mực lò Quan Trạng sính tro mai mực bởi mực giữ mực nghe nói đã hợp cách như một tục hèm. Mua mai mực tận miệt biển, khó khăn hơn, nên nghe cũng sang hơn là dùng lá trầu tươi, vốn ê hề ở làng Đọi.


8.
Luyện mực bắt đầu tầm 3 giờ sáng đến tận 3 giờ chiều, các công đoạn nấu keo, nhồi muội khói, đổ khuôn đều thực hiện trong khoảng này mỗi ngày mùa đông vì nhiệt độ ổn định, ẩm độ thấp…

Lục tục thức giấc, Phận đun nước pha ấm trà sen, bày ba quả trứng gà so luộc sơ, ngâm nước nóng và chiếc bát gỗ đựng bánh sắn khô tròn như trái hồng xiêm rồi mới sang gõ cửa phòng khách.

- Dậy thôi, nếu muốn cùng tôi luyện mực thì xin mời.

Trong phòng im ắng lạ thường, Phận định gõ cửa lần nữa, thì “phù” nữ họa sĩ bỗng thổi vào sau tai, khiến anh giật bắn. Trong bộ đồ thể thao trắng, cô vẫn đang hứng khởi nhún nhẩy.

- Không khí trong lành như oxy nguyên chất vậy. Anh biết không, tôi vừa chạy một vòng quanh đồng lúa, vòng quanh đồi nhà nữa. Không khí sạch thế này mà không biết tận hưởng. Phí.

Phận nhếch cười, nghĩ, đứng lên ngồi xuống suốt ngày, sức đâu tập tành chứ. Cô dậy lúc nào chẳng biết. Có lẽ lúc anh vẫn đang nghiến răng trèo trẹo ngủ mê chăng?

Loáng cô đã “xử” xong ba trứng rồi khép nép trà sen, nhí nhách bánh sắn. Phận lặng lẽ nhấp trà, ngắm cô với vẻ ngưỡng mộ thái quá.

- Tôi muốn thực nghiệm làm mực cùng anh.

Gật. Ánh mắt Phận muốn nói trắng bốp thế này. Nhọ nhem hết. Cảm nhận được điều đó, cô cười thầm.

Chiếc chảo đồng đỏ choang, đặt sẵn trên bếp. Phận xem lại dãy niêu đất đầy ứ các loại muội khói, ủ vải buồm ướt. Keo da trâu và cao xương ngựa, lổn nhổn như sỏi cuội trong bình sứ.

Nữ họa sĩ bướng bỉnh không đếm xỉa đến sự e ngại của chủ nhân, kiêu hãnh bước xuống xưởng, trong bộ đồ trắng.

- Biết nhóm lửa chứ ?

Củi chất bếp sẵn, đã mồi chút dầu trẩu cặn, họa sĩ vo mảnh báo châm lửa, vừa thảy vào bếp đã cháy bùng. Vui thích, cô tiếp thêm củi vào bếp.

- Không cần lửa to. Không chế nhiệt dao động từ 60 đến 70 thôi.

Chuyên nước giếng trữ trong chum sành trút vào chảo đồng, Phận ngắm gương mặt mình rạn vỡ dưới quầng nước động. Làng Đọi, nước giếng nào cũng nấu mực tốt, nhưng đẳng nhất vẫn là nước giếng đá ong đền Quan Trạng. Nước giếng ấy chứa vi lượng đặc hữu hay là Quan Trạng đã ban đặc ân cho người tin dùng. Dù muội khói hoa và các phụ gia hoàn hảo, mà không dùng nước giếng đá ong đền quan trạng thì mực thỏi cũng nhệch nhoặc sắc và hay đổ ươn. Gánh nước về tắm trước khi đi lấy chồng, cô dâu sẽ sinh con trai. Con đi thi nấu nước uống mang theo sẽ đỗ đạt.

Chớm thấy tăm nước li ti bọt họa sĩ đã nhắc chàng rắc vụn keo và mảnh cao xương ngựa tì tõm. Cao xương, keo da từ từ tan chảy sóng sánh trong như thạch, mùi protein gây gây.Với chiếc đũa cả đại cài trên vách, Phận nhanh tay đảo keo liên tục. Keo sôi nhuyễn, nhường tay đảo cho họa sĩ, Phận dùng thìa bẹt cắt từ mo cau vét muội khói trong mỗi niêu đất. Muội khói ngậm hơi nước đủ ẩm do ủ vải buồm ướt, khi thả xuống chảo keo muội không bị khuyếch tán bay tỏa, lơ lửng trong không khí bám vào đường thở và đồ vật xung quanh. Tùy khách yêu cầu chất lượng mực thỏi mà gia giảm lượng muội khói nhựa thông, nhựa trám. Muội khói nhựa thông thì mực thơm dịu, ánh xanh đen muội khói nhựa trám thì thơm gắt, đen ngả sắc nâu.

Hỗn hợp keo muội khói trong chảo tan quyện vào nhau trở nên sánh quánh, ấy là lúc rắc bột mai mực và bột xà cừ. Sau mỗi vòng đảo lại nhúm tay rắc bột mai mực, “đánh đũa” cho lẩn hết bột mai mực thì rắc tiếp bột xà cừ… “Đánh đũa” và “đánh đũa”. Ba lần loãng ra rồi ba lần đặc lại như quấy bột trẻ con. Lần cuối nặng tay “đánh đũa” không chạy thì ngừng, hỗn hợp đã nổi vân sóng nhóng ánh như bột gạo nếp cẩm nhồi kỹ, gọi là “mực dẻo”.

Mực dẻo còn phải thúc trong cối bàn đá xanh, nặng ba tạ, hình vuông, lòng lõm nông như vung xoong nằm ngửa. Vật mực dẻo lên bàn cối dùng chày nghiến, thúc giật, nghĩa là dùng sức thọc mạnh đầu chày vào khối mực dẻo, chạm đá mới đẩy mạnh sang phía bên rồi giật lại phía lòng, đầu chày lại miết lên những phân tử mực dẻo một lẫn nữa. Một cú thọc chày, tận dụng tối đa sự va chạm, chuyển động để các phân tử các loại nguyên liệu xâm lấn, đan lẩn vào nhau thành hợp chất cực dẻo nhuyễn. Sau mươi cú thúc, người giã lại nhấp bông vào bát dầu trẩu thoa đầu chày để mực dẻo không níu chày.

Xưa, vào vụ luyện mực lò quan trạng treo bảng tuyển lực điền, với điều kiện, mỗi trai bữa phải ăn hết bảy lạng gạo nửa niêu cá kho, bát loa cà pháo thì mới được nhận chân thúc chày mực dẻo. Nhưng đến thời Phận, chẳng thể thuê nhân công. Tự tung thì phải tự tác tất tật công đoạn.

Trao họa sĩ chiếc chày gỗ nghiến đen bóng, nuột ánh dầu, eo chày quấn lớp da lộn phòng buột tay, Phận ngân nga:

Còng lưng giã mực thánh hiền

Quan thương quan dúi quan tiền nuôi em.

Tối ngày thân xác lấm lem

Đời dầm trong mực còn thèm phấn son.

Giơ chiếc chày to như bắp vế lên quá đầu, Phận xuống tay. Phực. Phộp. Phực. Phộp…Nhịp chày thúc mực dẻo của hai người đối nhau chậm rãi. Ít phút họa sĩ buông chày, xòe hai bàn tay đỏ quầng, phỏng nước.

Những muốn giải thích, nhưng tính Phận ậm ự quen rồi. Muốn giã bền sức thì phải điều tiết nhịp thở theo nhịp chày. Hít vào khi giơ chày lên cao lấy đà, và thở ra khi phóng chày chạm khối mực dẻo. Nếu vận khí mà chệch nhịp thì sẽ nhanh mệt, mà mực dẻo sẽ “sượng”. Giã đều chày là điều tối thượng để các nguyên liệu tương tác với nhau cùng nhịp thì mực dẻo nhanh thục và nhanh tỏa hương. Giải thích ngay, thì cô ấy cũng chẳng để vào đầu, chàng trầm giọng.

- Giã thế nào thì giã, khi bôi dầu trẩu mực dẻo vẫn quánh đầu chày, và hương tỏa như mùi mật ong tẩm giấy bản bị đốt thì lúc ấy ngừng giã.

Phận vuốt tóc, xoa tay vào dầu trẩu, chuyển mực dẻo ra tấm gỗ nghiến dày nghiêm lạnh. Một lần nữa mực dẻo lại được vặn bộ như nhồi bột bánh gạo đến vã mồ hôi. Họa sĩ chăm chú đôi bàn tay biến ảo trong những thao tác tưởng rằng vô trật tự, nhưng lại tuân theo một nhịp điệu thầm lặng của chàng. Đúng là đẳng cấp nghệ nhân. Từ dùng cán bột dàn đều rồi lấy dao cật tre cắt thành từng phôi. Khuôn đúc mực, đục từ gỗ thị mịn ngà vốn làm khuôn in tranh khắc, rắc rắc tro vỏ quả trẩu khô xám trắng chống dính rồi mới áp phôi mực, rập cánh tay đòn ấn bàn đúc, để nguyên vị trí chờ hơn 30 phút mới lật ngược khuôn, cho ra thỏi mực giống thanh đá mài, nhưng lõm hai bản mặt có viền chỉ nổi chạy quanh, và logo bông hoa trẩu năm cánh.

Vầng trán cao sáng, ánh mắt xuyên thấu, mái tóc xoăn nhẹ, sống mũi thẳng kiêu hãnh, vẻ đẹp lai pha giữa phố thị và thôn ổ, trên thân thể căng dẻo như cây trẩu mùa đầu bói hoa, luôn ẩn hiện trước cô như ảo giác. Trước mỗi lần về nhận mực, cô bao giờ cũng viết thư cho anh. Cô nhớ từng lá thư đã về bưu cục làng Đọi. Và đợi một câu trả lời. Chăm sóc, và chiều quý khi gặp. Lặng lẽ nín nhịn. Nhưng cô vừa rời làng Đọi mươi bũa, anh đã ỉ eo họa sĩ ơi mực vẽ hết chưa, mẻ này mực tốt ngoài sức tưởng, thơm lắm, phần cả chục hộp đấy. Mực thỏi của anh, không chỉ làm nét vẽ thăng hoa, mà đến hương của mực cũng ngơ thơm hương rừng.

Nữ họa sĩ đón từng thỏi mực đặt trong hộp gỗ dổi, phủ đầy tro vỏ quả trẩu sếp lên các ngăn giá đỡ, trong căn buồng tối, thưng liếp nứa để khí lạnh hoang dã mùa đông giao lưu tự do với thỏi mực, từng cơn gió khô khát sẽ ghé đôi môi khô nẻ hút chút hơi ẩm tiềm ẩn nước giếng đá ong, và keo a dao. Đợi qua mùa đông thì mực mới “chín ương”. Cô đâu biết còn phải ủ trong rơm nếp khô và tro vỏ quả trẩu, bọc giấy báo nhiều tuần trăng thì mực thuần thành. Việc chót, phủ nhũ vàng logo bông hoa trẩu năm cánh, bọc kín lá trúc bánh tẻ phơi khô, trữ vào những ống trúc quân tử óng ngà, vặn chặt nắp tiện. Sự ấy, thì Phận sẽ tự cầm bút lông chấm nhũ vào thời điểm cần thiết.

-Anh đọc hết những bức thư tôi gửi phải không ạ ?

Gật.

- Sao không đáp ?.

- Thì năm nào cô cũng về làng Đọi đấy thơi…

Phận cúi mặt, vẻ chăm chú vét nốt mực dẻo ép vào khuôn đúc. Thỏi mực vét nồi, danh không nhã nên bán cho người vẽ hàng mã, viết sớ, làm then đồ mỹ nghệ. Dẫu là “cây dầu” Phận cũng biết người ta thương mến. Nhưng khổ anh không tường nỗi ấy đến mức nào. Đường chân trời không quá đồi hoa mục du đồng. Ngổn ngang lòng đâu phải lúc nào cũng tỏ bày được với người khác. Anh chỉ giỏi nghiệm sinh mồ hôi và sự yêu nghề luyện mực.


9
. Mực thỏi Phận thưa gửi đi, họa sĩ vẫn đáp bằng quần áo, giày dép và rượu. Không còn nữa những phong thư giấy nến bao giấy pơ luya răng cưa. Xấp thư cũ long dấu bưu cục. Bưu phẩm rượu mạnh khui ngay lúc nhận trên tay. Hôm đó, lò mực Quan Trạng ngày im tiếng, đêm thì tối thui.

Trên bàn bày những thư ngả màu, nhoen trắng đen vân tay họa sĩ, Phận lật lên đặt xuống. Căng mắt mãi vào những nét chữ như kiến bò, anh bất lực….

Nữ họa sĩ đâu biết Phận bị chữ cầm tù. Từ mưu sinh đến đam mê rồi trách luyện mực giữ nghề giao chiếu đã cuốn anh quá chân về phía trước.

Mẻ mực luyện, có họa sĩ góp phần, Phận mang đến đền Quan Trạng tế xin tổ tiên gọi hồn chữ nhập mực thỏi. Hết giấy tế ông trẻ viết sẵn, Phận tặc lưỡi, dùng lá thư của họa sĩ châm lửa đôt. Đơn giản, anh nghĩ cô ấy hẳn phải viết những điều tử tế. Lá thư đốt cháy vèo, nhưng tro không sao tan trong rượu. Lạ, Phận cầm kim đâm thủng tất cả các đầu ngón. Không ngón nào rỉ một hồng cầu..

Tóa mồ hôi, Phận trở về lật xem nhưng thỏi mực đang hong, thỏi nào thỏi ấy bở rã như đất sét khô ngấm nước.

Ẩn ức bao nhiêu thư tỏ mà người ta chẳng đáp tình. Nỗi tuyệt vọng đã trở thành tự trọng. Định mệnh cười nhạo, bước qua một mối tình tuyệt vọng thì ai mà chẳng bầm dập như nhau. Mộc du đồng bung hoa, họa sĩ đành quay lưng với làng Đọi, áo váy voan đen như khói huyền phù sóng nhiệt. Tình nghệ sĩ như hoa mỗi mùa.

Còn nhớ, tiễn họa sĩ đón xe ca trước cửa đền Quan Trạng, Phận vội mua túm bánh khoai sọ tím ấn vào chiếc làn cói, trĩu mực thỏi. Ừ, hôm ấy cô ấy đeo kính đen nhìn núi Đọi Đèn rung trắng hoa…


Tháng 8 năm 2020


Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook