CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tùy Bút

MẸ ƠI, GÓI CHIẾC NỮA...BÁNH CHƯNG

Thứ năm ngày 21 tháng 2 năm 2013 12:00 AM

Tôi thì thế bên đồng chiều mót lúa
Dâng Mẹ ơi, gói chiếc nữa...bánh chưng...

1.Xa thế, sao bỗng dưng Chị nhắc bánh chưng với tôi nhiều lần vậy? Đào phai đã chúm nụ, đào bích hé môi son, chim di thực kêu lạnh nối đàn ngang vòm trời Bắc bộ. Giật mình nhận ra Tết đang mấp mé trước mưa giăng. Người Việt dù phiêu dạt hay bước chân không quá cổng làng thì biểu trưng ẩm thực thường hằng mang tên phở. Và Tết đến nhớ nguồn cội với sắc hoa đào trên cánh đồng lúa nước kết lại nỗi bánh chưng… 

Bánh chưng thì có gì là lạ? Tết - giàu nghèo nhà nhà đều có bánh chưng, chiếc bánh gạo mấy ngàn năm. Nhưng Chị bảo, bánh chưng nhắc người đi xa giữ hiếu đạo Lang Liêu. Người Việt mới bi bô đã biết dẻo quện, ngậy bùi bánh chưng. Thức vừa là cơm vừa là bánh. Nếu lót lòng ăn chơi cũng nhã. Và khi cần chắc dạ cũng dư đủ dưỡng chất của bữa mặn. Một miếng, thư thả ngẫm thì thấy mình đã đủ phong vị Tết đầy mùa.

Bánh chưng làm dấu kết vui buồn một năm mỗi phận người mỗi phận nhà. Gói bánh chưng, nấu bánh chưng, mời bánh chưng, biếu bánh chưng, sêu Tết bánh chưng ông bà ông vải…ơn cha Trời, mẹ Đất.

Tấm bánh chưng con son gấc của tôi nhuộm đỏ tuổi thơ rừng. Mỗi hạt nếp đều in dấu vân hoa ngón gầy của Mẹ và lửa nồng từ củi gộc Thày nhen.

Hạt nếp Thày Mẹ gửi vụ mùa, Tết này Chị  có gói bánh chưng?

 

2. Cuối Xuân, chiếc áo len tôi mặc mót Mẹ chưa kịp giục chị Cả đun nước bồ kết thay giặt. Dư vị Tết chỉ còn là những đồng bánh chưng tày rán vàng sắc sớm mai. Cơn nắng đầu hạ thoa má mấy cô gái non ríu góc vườn mơ vừa tròn trái thì Mẹ đã thầm lo Tết mới còn xa mấy mùa. Ngày ngày Mẹ đắm nỗi riêng vì sợi dây gàu sắp đứt, trước cơn mưa rào rình rập, với nồi đồng gỉ xanh, chum nước vại cà…

Và một nỗi lo lạ lùng đeo đẳng Mẹ, nỗi lo bánh chưng từ đầu năm tới cuối năm.

Trước lễ Phục sinh, các cậu đến chơi Mẹ đã nhờ giúp Thày khênh mấy chiếc chum đại chứa nước mưa đã cạn, mang theo muối hạt ra bờ suối thau rửa, tẩy cặn. Những chiếc chum đủ chỗ cho hai, ba đứa trẻ trốn tìm. Tôi đã từng dại dột nhảy vào chum nước suýt chết sặc. Ba chiếc đặt dưới ba gốc cau sung um tùm đài lá, buộc túm bẹ khô chảy dốc vào miệng chum. Hai chiếc hứng ống máng mái tranh nhà lớn đầu hồi. Mẹ ngước lên bầu trời mây trắng vần vã. Dãy chum phình bụng chờ đón mưa rào cuối Xuân đầu Hạ. Mẹ bảo đó là thứ nước mưa khôi nguyên, ngát tinh hương của các loài hoa còn tụ khí lơ lửng giữa trời. Hương hoa của đất thấm lại mỗi hạt nước mưa để trở về với đất. Cũng như người sinh ra trên đất lại trở về với đất như mưa...

Dừng tay nhặt thóc mẻ gạo đầu nia giữa  mưa gieo cơn cơn, Mẹ tần ngần:

- Trận mưa ngon thế này, không biết các cậu con có nhớ mở nắp chum lấy nước cho ông Ngoại không đây?

Mấy thôi mưa, mặt chum phẳng căng thứ nước u huyền, hút cái nhìn tưởng  cửa xuống âm ty. Thày vảy lớp dầu lạc giữ hương, niêm kín nắp gỗ. Chúng chỉ được mở ra dùng pha trà khi ông nội, ông ngoại đến thăm. Và nữa dành vào lễ Phục sinh, Giáng sinh  nấu cơm nếp, nấu rượu cẩm và dành tận Tết luộc bánh chưng…Tết. Bánh chưng luộc nước mưa thì vùng khẩn hoang chưa ai biết. Bánh chưng có vị nước mưa thanh khiết ngân nga. Luộc bánh chưng nước mưa là Mẹ học thời tóc đuôi gà từ họ hàng bên kia sông Đà sang sêu Tết nhà Ngoại .

Chuyện bánh chưng của Mẹ yên ả qua vụ chiêm bởi nỗi lo quần áo cho năm sáu chị em lớn ngồng trong mùa hè đang cũn cỡn. Sang thu, gió hanh thả sắc  vàng đỉnh núi Lưỡi Hái và lúa đồng Cả thơm rờn gồng thân mang hạt thì Mẹ đã định xong góc thửa ruộng phần trăm* cấy nếp dành gói bánh chưng Tết.

Đội nón lá, bao bọc trong ống quần, tay áo cắt ra từ những bộ đồ cũ của Thày, Mẹ ngụp ruộng nếp cao ngang ngực. Giữa đám lá sắc tủa, chuỗi bông đeo hạt đen sọc vàng, căng lớp bì trấu nhám như giấy ráp, Mẹ nhặt ra những bông lúa tẻ bao thai hồng có sắc diện tựa nếp quýt hương nhưng hạt đanh, dài, nhọn gầy hơn. Chúng không đủ sức nặng để khiêm tốn uốn bông mà ngỏng lên đơ nghểu, ngây dại. Những bông tẻ mà các chị tôi không đủ kiên nhẫn hoặc tỉ mỉ để lựa riêng ngày gặt…

Gạo nếp chia theo công điểm hợp tác xã, lẫn nửa phần tẻ đủ gói nồi bánh chưng, luộc vớt buông tay cứng khểnh răng đã là giấc mơ Tết của cư dân khẩn hoang. Vì thế mà sự cầu kỳ chuẩn bị gói bánh chưng của Mẹ bị coi là có vấn đề. Ông trật tự xóm nhai trầu thuốc, nhà bên kia đồi xoan thận trọng sang thăm dò.

- Này, người ta xì xào là chị đang có ý định phục lại lối sống địa chủ tiểu tư sản! Bánh chưng gì mà phải chuẩn bị cả năm. Luộc nước giếng, nước suối vẫn chín thì sao phải luộc nước mưa để người ta dị nghị?…Có phải nhà chị đang dung dưỡng thói cũ của bố chồng và bố đẻ không ?!

Mẹ tủm tỉm mời chén trà cả hai tay:

- Đội sản xuất có hướng dẫn dùng nước mưa như thế nào đâu ạ? Việc nhà cháu tự làm cho con cái miếng bánh ngon xứng miệng chẳng lẽ lại phạm pháp? Nhà bác cũng muốn bọn trẻ bên đó được thế cơ mà…

Ông trật tự nuốt ực cốt trầu.

* * *

 Niềm vui của Mẹ là sự lo toan.

Không vui sao Mẹ phải chú chăm thanh lọc từng bông tẻ mọc lẫn trong ruộng phần trăm. Bao thai hồng, dẻo thơm phận cơm, nhưng sẽ chối miếng khi lọt vào đẳng cấp đậu đỗ thịt ba chỉ nếp hương của bánh chưng. Thà rằng ê răng gặp cát sạn ẩn trong nếp còn hơn! Hạt tẻ cũng gạo cơm, nhưng ở không đúng nơi vị thì trở thành kẻ phá đám sự trang trọng ngày Tết. Đôi khi ta chỉ vì vấp phải vị tẻ nấp trong nếp mà cảm giác viên mãn của ngày Xuân bỗng hư hao.

Vò nát chùm cúc dại lả bờ cỏ mật, gối đầu lên cặp sách tôi xua đàn cào cào chấu chấu ra ràng đỏ xanh ngọ nguậy trong  lúa mà đợi Mẹ đưa chùm chìa khóa về mở cửa lục cơm nguội. Bờ ruộng bên kia, Mẹ không kịp ngẩng gương mặt căng thẳng đượm mồ hôi:

- Cu chịu khó ngồi chờ mẹ tí nhé. Vừa thấy mấy bông tẻ vênh váo ở đây bỗng dưng quáng nắng chạy đâu rồi nhỉ? 

Một tí, một tị của Mẹ đủ cho mây trắng ngổn ngang lưng trời chuyển sang thành mây ngũ sắc. Tôi thiếp mê vào giấc mơ dạ dày trống rỗng. Vặn người rút bàn chân khỏi mặt bùn phì phụt, nghe nhịp thở biết Mẹ dần đến với tôi. Trên lối tắt chéo qua ruộng nếp, nhác thấy một bông tẻ thì Mẹ lại cúi xuống….

Chiếc nón che rợp một khoảng khắc. Mẹ nói với tôi đấy mà cũng chẳng phải nói cho riêng tôi:

 - Thời hổ lốn nếp tẻ thì mình càng phải nghiêm chỉnh con ơi. Ù xọe theo thời mình chẳng bao giờ đủ sức. Bà nội bảo làm người tử tế phải biết ăn miếng nào ra miếng ấy. Ăn ngon thì cũng phải có thức ngon để ăn. Mà thức ngon nhất thì không có thức gì sánh bằng thức mình tự làm lấy…

Áp lực có bánh chưng ngon cho cả nhà ăn Tết. Áp lực phận dâu trưởng  dòng họ phải sêu Tết ông bà ông vãi nội ngoại cặp bánh chưng tày dẻo rền qua Giêng, thúc Mẹ vượt lên khó ngặt.

May mắn thì gặp vụ mùa đội sản xuất trồng nếp quanh thửa ruộng phần trăm Tết ấy mới có lúa nếp riêng cho bánh chưng. Nếu hợp tác cấy bao vây bằng lúa tẻ, mà mình cố gieo nếp thì cũng hỏng ăn. Hai thửa nếp tẻ cùng trổ đòng phơi hương một thì, nếp sẽ bị lai sậm sựt nửa cứng nửa dẻo. Thi thoảng có mùa hợp tác xã hứng lên cấm gieo trồng lúa nếp. Vì lúa nếp năng suất thấp lại là công cụ để xã viên nấu rượu lậu, cúng bái mê tín dị đoan, phá hoại hình ảnh người nông dân mới.

Lâm cảnh ấy Mẹ phải cậy vào xóm Chiềng đặt mế Mường mấy yến nếp mật cấy thượng đẳng điền nhà Lang cũ. Nếp mật được các mế Mường cắt từng bông, buộc cum lớn, hong nắng đông nơi đầu sàn, tỏa thứ hương của chuối chín sấy khô. Nếu các mế cũng gặp khó thì Mẹ đành thập thững quảy bồ lên bản Dao nơi lưng núi, mang dầu sáng, cá mắm, muối cục đổi nếp nương và xin vào nương lúa qua vụ mót những bông nếp rơi vãi ẩn khuất trong cỏ.

Lạnh bếp vài ngày, Mẹ trở về sạm má, đôi bồ thóc uốn đầu đòn gánh vít  bước chân chậm chuội. Nụ cười hãnh diện, Mẹ xoa đầu tôi và mấy em đang tranh nhau níu quanh.  Ngồi dựa lưng cây cột bên hiên nhà, Mẹ lả người để Thày cập rập bóp vai. Đó là buổi chiều dài, bếp nhà tôi đỏ lửa suốt khuya.

Năm ấy bánh chưng Tết nức thêm vị lúa nương tựa chuối mật khô. Màu chuối mật khô, giống như gò má Mẹ sạm cháy…

 

3. Tết khẩn hoang, người ta gói bánh chưng sắn lá chuối nhão nhoét, bánh chưng lẫn tẻ cứng lăn lóc thì nhà Mẹ năm nào trái buồng cũng lủng lẳng sào tre từng cặp nào bánh tày, bánh vuông đủ cho mấy chị em ăn dẻn gần hết cữ rét.

Nếu muốn trữ lâu hơn thì bánh chưng Mẹ gói đem ngâm dưới vụng nước lạnh khe suối sau nhà hoặc đáy giếng tới tháng Ba hoa gạo vớt lên bóc lá cắt miếng vẫn thấu mềm thơm lẳn.

Tước chỉ sợi lạt giang buộc, quấn kiểu thắt cổ chai qua thân bánh xanh ngọc, nổi hình hạt nếp mà không bị nhựa gạo, kéo nhẹ hai đầu dây cứ ngọt lỉm, nhẹ bẫng. Lật miếng bánh, từng hạt nếp vẫn giữ nguyên hình hạt trắng ngà, được viền lớp sữa gạo trong trong. Hạt nọ liền hạt kia sắp đặt theo trật tự ngẫu nhiên, kín khít. Nhân đỗ mịn mướt hoa hiên làm nền cho thịt ba chỉ nổi vân hoa đan lớp bì trong tựa thạch rau câu nâng lớp mỡ ngần sắc tuyết và thịt nạc nhuyễn hồng son với điểm nhấn từng mảnh hạt tiêu đen dậy lên sự khiêu khích….

Mẹ mời khách nếm miếng bánh chưng, ai đó cứ ngẩn ngắm nó trên đĩa sứ trắng như ngắm một bông hoa đang nở…

Đã bao nhiêu câu hỏi tại sao bánh chưng từ tay Mẹ lại khác thường đến thế.

Tết tết tôi xa, giữa gian nhà ngang, trải tấm chiếu hoa trên nền gạch bát son, Mẹ ngồi trước chiếc mâm đồng thau thoa quả chanh bổ đôi sáng chóa. Tóc Mẹ quấn cao sau ót như thời con gái, nụ cười sáng hồng luôn ẩn hiện giữa bờ môi cắn chỉ, các thức sắp xếp hình rải quạt trước mặt: Bát lớn nhân đỗ xanh mỡ nước đánh tơi ngậy, nắm quả bàng, rá gạo nếp ngâm kỹ, gạn ráo nước đang dậy hương, nào  lá dong áo trong, lá dong áo ngoài, lá dong áo giữa, nào lạt giang tước lụa cuốn vòng trắng bông. Và điểm nhấn là những phiến thịt lợn ỉ đen tuyền thái nguyên khổ dài cỡ nửa vành lược ướp hạt tiêu đen vỡ mảnh, búng chút nước mắm nhỉ cà cuống. Đương nhiên không thể thiếu một trái giấc chín bửa hé lòng son…

Thày luẩn quẩn hết pha trà lại bập điếu thuốc, chờ Mẹ nhờ vả. Chị Ba lấy chồng giờ mới có thời gian học Mẹ làm bánh. Ngồi nép phía sau lẩn mẩn chị hỏi Mẹ từng mục việc, ghi ghi chép chép. Mẹ dứ dứ ngón nơi trán chị:

- Học để biết thì khó một đấu, nhưng học để làm thì còn khó những mười mấy đấu…Tôi đọc lau làu cho chị chép thì cũng đố mà làm được bánh chưng ngon…

Chị Ba cười thẹn, cãi:

- Làm gì thì cũng có bí quyết. Mẹ cứ truyền dạy bí quyết ấy cho con.

Mẹ cười, nhìn đôi bàn tay trắng phấn gạo:

- Chẳng có bí quyết nào, ngoài một tấm lòng chuyên chú lo toan…Đã là thức đưa lên miệng thì nguyên liệu đến vật dụng đều phải tinh sạch. Sạch đã bảo đảm một phần của miếng ngon…sau đó mới là cách thức…Và trong khi làm thì nghĩ đến ai…ai sẽ ăn những thức mình làm…

 

4. Thóc nếp mùa phơi giòn trữ chum sành, trước khi xay giã Mẹ thư thả đong từng đấu ra mủng nhỏ vài giờ cho hạt lúa thở. Đấy là cung cách đợi hơi nước trong không khí đủ thấm vào vỏ trấu để khi bị răng cối chà mạnh sẽ bong đều, hạt không bị vỡ ngậm, không hao gạo.

Đấu gỗ mít sơn then vục xuống vô vàn thóc lòng chum sành sàn sạt nghe đã thấy có lẫn tiếng nồi bánh chưng sôi cậm kịch…

Gạo nấu bánh chưng sàng sảy để lại vỏ trấu nhiều hơn làm gạo thường. Rảnh việc đồng thì Mẹ cùng các chị giã bộ chày tay, bấn quá mới  mang nếp vào Chiềng nhờ mế Mường một hai ngày cối gạo nước. Nếp giã cối nước hai phút một nhịp chày, hạt gạo không bị nóng như giã tay, nên hạt nào hạt nấy bóng trắng như tay thợ kim hoàn cầm khăn lụa đánh bóng từng hạt…

Vỏ trấu nếp chẳng bỏ mà rấm ngay sau lưng bếp cho lửa hóa trắng xám, chờ sẵn. Khởi buổi làm bánh, Mẹ hòa tro nếp ấy lấy nước lắng trong làm dung môi ngâm nếp qua đêm. Chị Ba thắc mắc thì Mẹ rằng, bà nội dạy làm thế để bánh chưng thêm độ trong dẻo. Đãi nếp thì không được tiếc nước, không ngại kéo gàu, phải đãi qua cả chục lượt đến khi nào nước gạo trong leo lẻo thì chuyên nước mưa trong chum sành tẩy trần. Đó cũng là một phần bí quyết để bánh lâu bị chua, bởi bụi cám bám quanh hạt nếp đã bị rửa trôi không còn mảy. 

Đã có nước mưa đầu hạ.

Và mới lo xong nếp, nguyên liệu chính yếu của bánh chưng.

Tiếp nữa tới lá dong, tiếng là phụ nhưng lại quan trọng chẳng kém kép chính. Nó là thời trang, là manh quần tấm áo ngày Tết của vật phẩm trưng bày trên bàn thờ. Ngoài sự cam kết về hình thức, nó còn phải bảo vệ và tôn vinh dưỡng dung cho gạo nếp đỗ xanh. Người mua không khéo rước thứ lá dong mọc trong rừng cây rễ đắng khiến bánh chưng nhiễm vị khó ưa, da bánh vàng ươn ao. 

Chợ phiên từ mờ sương, bán mua đốt đuốc tỏ mặt hàng. Với Mẹ, chỉ cần sờ chót lá dong, cuống lá là biết tốt xấu. Lá dong gói bánh chưng ngon là thứ lá bánh tẻ hình trứng hoặc elip thuôn tròn, phẳng đều, không lỗ sâu cuốn sâu đục, không rêu bám, phiến dày, mở rộng hiền lành như tàu lá chuối con. Sống lá vàng, mặt trên xanh thẫm căng mịn, mặt trái trắng phớt như tráng ni-lon mờ. Đúng hạng lá dong mọc nơi trảng rộng cạnh khe nước, hưởng nhiều ánh nắng chứa hàm lượng diệp lục tố cao, hy sinh thân xác dâng cho da bánh chưng màu xanh ngọc mát lành khi đôi bên thấu kiệt mình trong nước sôi trên lửa đỏ…

Hương của lá dong tươi thấm vào nếp phơ phất cảm giác hoang dại của rừng già, đến thời gian hồng hoang thuở Lang Liêu suốt vận trình hạt nếp mà ngẫm ngợi mung lung những kỳ diệu thức vật thế gian.

* * * 

Khăn nhung vấn bỏ giọt, thắt lưng buộc chiếc khăn len huyết dụ của Thày cho đỡ lạnh, Mẹ đặt từng tàu lá lên tấm ván phẳng dưới làn nước suối lạnh buốt, dùng nùi tơ tằm chuốt nhẹ, nương theo chiều xuôi của lá. Cặn rêu, bụi bám tuột theo nước. Lật qua lật lại tàu lá vài lần, cho đến khi hai mặt lá xanh bóng như đã thấm ánh sáng thì Mẹ mới ưng. Lá rửa sạch được xếp lên hai thanh tre đặt lệch cho  róc nước.

Tôi đứng sau lưng Mẹ lấy hơi ấm, thi thoảng lại rùng mình, ớn lạnh. Mười đầu ngón tay Mẹ bỗng nhăn tóp như những trái trám trắng ngâm muối. Tước sống lá, Mẹ dùng ngón cái bấm điểm nơi cuối chót lá. Sống lá tươi giòn khậc một tiếng, môi ngậm đầu sống lá bật ra, hai tay giữ hai đầu lá kéo xuống sống lá soàn soạt tách… uyển chuyển, thư thả như nghệ sĩ trình diễn. Người thợ may công huân, đo cắt thứ vải quý để may cho vua chúa, cũng không niêm nót cẩn thận như Mẹ với những tấm lá dong làm áo bánh chưng…

Lá dong tước sống lại được cuộn tròn, bó chặt.  Ấy là lúc Thày nghiêng bên này ngó bên kia, định cữ dùng dao rựa sắc, kê chắc, lựa sức hạ lưỡi dao, phập mỗi đầu lá chỉ một nhát đứt lẹm. Bình nước dấm xanh tựa mật vịt pha loãng trong rượu  được Mẹ cầm nùi thấm lau khô hai mặt lá một lượt. Đấy chính là thứ dấm làm từ rượu nếp châm lửa cháy xanh lè ngâm với lá dong băm nhỏ của mế Mường bày Mẹ cách chế. Dấm lá dong sát khuẩn, làm mềm dai thêm lá dong và để diệp lục phai đều thấm vào da bánh khi luộc. Và, chưa bao giờ Mẹ quên chuốt lên mặt lá mươi giọt dầu vừng cho bánh chưng ráo mịn tay bóc.

Thiếu sự chằng buộc thì làm sao nên chiếc bánh chưng! Sợi lạt giang mong manh cũng xả thân từ chốn rừng già để gìn giữ kết nối lá dong với hạt nếp như là định mệnh hóa công.

Mẹ kén những cây giang già Đông Chắt kiếm trong rừng sồi phao lóng vươn dài năm sáu gang tay. Thày hong lóng giang tươi sùi phì bọt trên than hồng đến khô kiệt. Chẻ thanh định cữ rộng tấm ngón tay, tước thành lạt rồi luộc trong nước muối loãng, phơi sương phơi nắng vài cữ trên đầu những cây vầu đắng cắm bên bờ rào. Mỗi thứ bánh một loại lạt. Bánh dài thì lạt mềm, nối năm sáu tầm đốt. Bánh vuông thì lạt cứng nên dày hơn để khi xoáy nút không bị trở vòng. Lạt nhuộm nghệ lấy sắc vàng, nhuộm lá đơn lấy sắc đỏ, nhuộm lá dứa lấy sắc xanh…

Dường như thơm dẻo, ngậy bùi của bánh chưng sẽ bớt thi vị nếu không có  cung độ sắc cay làm đối trọng. Hợp với người mạnh mẽ, bộc trực thì cái giật mình của hạt tiêu đen phục trong nhân thịt đỗ bởi khám phá của hàm răng làm bùng nổ suýt xoa…như một cú doping thẳng vào vị giác. Và người ta kiếm tìm sự san sẻ của cùi bánh xanh rền mát bằng một miếng lớn. Hấp tấp.

Cũng là cay nhưng vị cà cuống thì kén người nhỏ nhẹ, ưa nhu mì đủng đỉnh.  Đẳng người dùng bánh chưng không bao giờ cắn trực tiếp vào miếng bánh xiên qua chiếc đũa hoạc dĩa mà dùng thìa, dùng đũa xắn từng vuông nhỏ trên đĩa. Nhẩn nha ăn thì vị cà cuống có sắc cay trầm bổng sang trọng bỗng là thành tố tôn vinh mỗi cử chỉ bụm môi, im nhai khiến cho sự thưởng lãm miếng bánh như một thức quà ăn chơi...

Nơi khẩn hoang hạt tiêu đen cũng khó kiếm như săm lốp xe đạp. Hạt tiêu đen tẩy hàn, trừ khí làm thăng bằng món bánh chưng được ông quản lý nhà ăn người Nam tập kết ở công trường đá lấy vợ Vĩnh Linh hỗ trợ. Mẹ đổi trứng gà, đổi thuốc lá sợi nhận về vốc hạt đen, nhân chắc, vỏ nhăn, cay và thơm nồng, lắc cắc trong lọ thủy tinh vốn là chai mực Cửu Long. Hạt tiêu đen bỏ niêu đất, Mẹ cầm cặp tre lắc lắc trên lửa hồng, đợi dậy hương cay nồng, Mẹ đổ vào túi lụa, đặt trên thớt,  dùng chiếc chai rỗng lăn qua lăn lại, y như kháp đỗ xanh. 

Nhà đã sẵn một vài chục con cà cuống đực làng Hoàng, Thanh Thủy. Chúng xấu xí như đàn gián khổng lồ, nhưng có vòi kim sắc buốt. Tại sao lại cà cuống làng Hoàng nhỉ? Mẹ rằng, đất ấy nước ngập điều hòa phía trong đồng nước núi, phía ngoài đồng nước sông quanh năm đối lưu, nên giàu thức ăn cho cà cuống. Được ăn ngon cà cuống mới cay. Người biết ăn ngon người mới khôn. Người khôn thì chỉ tin vào cay đắng…

Thày giữ cà cuống trong kẹp tre, dùng bơm tiêm cắm kim vào nơi túi dầu chúng, hút dòng tinh hương quánh trong như sương mai trườn vào ống thủy tinh.  Giơ lên cao Thày ngắm cái bơm rồi mới bơm giọt sương quánh ấy vào chai đựng mước mắm nhỉ. Một hương thơm lạ lùng của tinh dầu quế và hương hoa hồi tỏa ra gây cơn thèm ăn nhoi nhói bên dưới lồng ngực…

Phần thịt lợn làm nhân bánh chưng, theo Mẹ chẳng gì bằng lợn ỉ đen tuyền, thả rông vỗ ngô hạt, khoai lang, bỗng rượu suốt nửa năm. Lựa phần thịt lườn ba chỉ, tẩy bì nước cốt chanh, thấm khô, rồi nhanh tay pha theo khuôn khổ bánh. Chút đường đỏ vét trong vỏ hộp sữa Nestlé, hạt tiêu đen vỡ mảnh bùng hương suýt hắt hơi khi vừa thoát miệng túi lụa, rón rén cùng nước mắm nhỉ mùi dậy bám dính cả khứu giác pha đậm tinh dầu cà cuống nêm ướp thịt mươi thìa móng hến.

Mẹ bảo nếu bánh chưng để ăn ngay thì thêm hành tím khô ướp nhân thịt lấy đa vị. Hành mới là thủ phạm khiến cho bánh chưng mau thiu chứ không phải là nước mắm. Nước mắm là sản phẩm đồ khô đặc biệt. Nước mắm nhỉ kết với hương cà cuống làm cho dư vị của bánh chưng dấy thêm sâu đậm một tập hợp hài hòa của mỡ ngậy, đỗ thơm, nếp dẻo, gấc hồng đẩy sự liên tưởng lan man sang những món ăn khác…

Đỗ xanh thanh nhiệt làm nền tôn cao thi vị của nhân bánh chưng, nếu đỗ lòng vàng, gieo ruộng mạ một vụ, bón khô lạc của Bình Xuyên, Vĩnh Phúc hay Thanh Minh, Phú Thọ là loại đỗ xanh thượng đẳng. Khi mua đỗ xanh, Mẹ cắn vỡ  đôi hạt nhấm nhấm định lượng. Nếu mảng vỡ vàng óng, đanh sắc đá, vị tanh the the thì người ta bán ra giá bao nhiêu mua Mẹ mua bấy nhiêu. Vị tanh the the kia chính là protein đậm đặc của thực vật khi kháp**  xong ngâm đãi, đem đồ chín thì sẽ là vị thơm ngậy và quyến luyến dư hậu. Tinh thể đỗ ấy, không  chuyển màu khi hầm trong nước sôi nhiều giờ. Nếu không tiện đồ thì có thể nấu cơm đỗ trong nồi đất. Đun sôi, nước cạn rắc chút muối, ủ tro than nửa buổi sáng, dùng đũa cả xoay mươi vòng, đỗ mảnh đã nhuyễn ánh xúi tôi phải bốc, phải nhúm đôi miếng mới chịu. Cơm đỗ nắm trái bàng bày đĩa sứ lớn như là những bông hoa cúc đại đóa đang chúm nụ đợi phô bày…

Tôi và lũ em chầu hẫu cầm thìa chờ cạy cháy cơm đỗ và ăn vèn từng vụm đỗ bấu lén từ những nắm đỗ trái bàng sao mà ngon, ngon đến tê dại….

 

5. Bánh chưng gói bộ, Mẹ không cầu khuôn gỗ. Bàn tay Mẹ, những ngón mảnh, tái xanh một cách khác thường. Cấy gặt đồng sâu, cuốc cày đồng cạn, vun khoai đỉnh đồi, trồng sắn lưng núi, cặm cụi khâu vá trong quầng tán đèn dầu, lúc ròng nước, lúc lấm bùn đất, lúc đỏ rần như một chùm quả héo mà lòng tay Mẹ không động vệt chai sần.

Đôi bàn tay Mẹ bắt đầu vũ điệu kết lạt, quay mặt lá đặt ngang, đặt lá dọc, đổ gạo nền, xếp nhân đỗ, nhân thịt, rồi rải lượt gạo phủ, gạt tay. Bẻ góc, gấp lá dựng dọc chiều chiếc bánh mới được làm hình, vỗ nhẹ nhẹ xuống lòng mâm đồng cho gạo lèn chặt, đặt xuống, bẻ góc đều kia, ghép góc, xoáy nút buộc lạt sơ mới là gần xong phôi một chiếc bánh vuông nặng một phần ba cân gạo. Phôi bánh được chuyển đến Thày. Nó được chỉnh trang lại các góc cho thêm vuông vắn, bằng biện. Các nút lạt chính thức được thiết lập thành bốn đường lạt tứ diện. Vuông vắn góc,  đầy đặn mặt thì lạt buộc phôi mới được cởi bỏ…

Thi thoảng Mẹ hỏi vẩn vơ:

- Tiết này nên gói sáu lá hay mười lá thày em nhỉ…

- Dào, lại còn thử tôi nữa. Hình như mỗi năm mỗi nóng, mình cứ đặt mười lá đi hoặc hơn đôi lá nữa cho chắc…

- Vầng, thêm mấy lá chẳng tốn mấy công, không phải thắc thỏm lo bánh mau ôi…

Nếu là bánh tày thì cách thức cũng chẳng có gì là phức tạp hơn. Niêm nắn hơn. Lạt buộc sơ đặt ngang thân lá. Và lá bao giờ cũng là lá đặt dọc, cuốn bẻ góc cũng tương tự. Bánh dài thì cần tới bốn lạt buộc phôi. Sau khi quấn lạt bó thân bánh giữ phom tròn thì mới cởi bỏ. Những cái lạt buộc phôi có nhiệm vụ thay cho khuôn bánh…

Bánh gói của thày mẹ chắc lẳn, tung qua lại chẳng méo hình. Cắt miếng bánh mịn đều mặt bánh khảo in hình nụ hoa nhài. Bánh gói khuôn xộc xệch như nạ dòng ngủ trưa, vụng việc. Hạt nếp lỏng mình chẳng mấy bữa đã chua.

Bốn cặp bánh tày để sêu Tết ông bà ông vãi nội ngoại bao giờ cũng được gói đầu tiên. Những lá dong tươi, đẹp lành nhất, lạt buộc không dập vỡ, màu nhuộm rực rỡ, gạo đong đầy tay còn được nhuộm giấc đỏ son cầu xin may mắn. Chúng được kết đôi bằng một quai xách gắn liền nhau như một cặp nhộng bướm chúa sắp lột vỏ.

Vót vét gạo đỗ, năm nào dôi đủ lượng Mẹ gói cho riêng tôi đôi chiếc bánh chưng con, loại bánh người ta vẫn thường bán chợ quê làm quà cho trẻ. Chiếc có nhân, chiếc không, nhưng chiếc nào cũng ủ màu gấc hồng lựng trong ruột và lạt buộc rực rỡ vân hoa.

Bánh luộc trong nồi đồng đỏ, thắt eo. Thày rắc cọng lá dong lót đáy nồi, Mẹ xếp bánh tày nằm ngang bên dưới, bánh vuông nghiêng mình lên trên. Gạt váng dầu lạc, hai người bì bũm đổ lộc giời từ những cơn mưa đầu hạ trữ chum sành chìm mặt bánh. Gương mặt Mẹ phấp phỏng những nghi ngờ. Củi gộc chất ba phía ba ông đầu rau Mẹ luôn miệng hỏi Thày:

- Mình ngắm hộ xem là nồi bắc đã cân chưa nhỉ? Mà mấy ông đầu rau chịu lửa qua đêm không? Ngộ nhỡ nước trào ra bung vỡ như tôi vôi thì mất Tết đấy mình ạ…

Thày mải nghé tai sát chiếc radio Philips tiếng được tiếng mất vỏ gỗ dán bong phập phành, bỗng lãng ra ngó bếp, lắc đầu chỉ ừm hừm trong họng, nửa như muốn bảo Mẹ đã làm phiền và quá lo xa. Đầu rau nhồi sét cao-lanh thì làm sao phải ngại nhỉ.

Thay vung đậy là chiếc nồi đại đựng đầy nước để chèn bánh và tận dụng nhiệt của nồi bánh đang sôi hâm nóng nước. Nước ấy để dùng tiếp vào nồi khi bị bốc hơi cạn sẽ giúp nhanh sôi và gạo không bị điếng do đổ nước lạnh….

Bữa cơm chiều qua quýt, cả nhà háo hứng vây quanh nồi bánh chưng.

Nồi cháo chân giò và đỗ xanh, gạo nếp còn thừa để dưỡng sức cho những ai muốn thức canh lửa. Thường thì nồi cháo hết veo khi chưa quá buổi tiếng thơ. Nếu Mẹ không ý tứ múc riêng một bát cho Thày thì chúng tôi cũng chén hết. Các chị các em đi ngáp vắn dài, lần lượt đi ngủ. Tôi kiên trì đợi bánh chín, nằm gối đầu lên lòng Mẹ trên chiếc chiếu trải nền bếp. Thày hình như chẳng có gì quan trọng hơn là việc nghe đài, rít thuốc và chiêu nước trà tí tóp.

Mẹ ngồi nhìn lửa, cời bếp vun vén tro than. Nước sôi quặn dưới đáy nồi, đẩy lớp bánh lịch kịch. Đột ngột, một vài bóng nước trào vọt, rớt xuống ông đầu rau xèo xèo luồng khói trắng ngòn ngọt thơm vị nếp và lá dong. Bàn tay Mẹ chốc lại đặt trên trán tôi thấm bớt những mồ hôi tóa ra vì nằm quá gần lửa.

Mẹ giục Thày ăn cháo để vần lên than vừa cời cho nóng. Lo nồi bánh chưa dứt, Mẹ đã lo những cái lo vu vơ . Nào sợ lá dong không vừa bánh tẻ. Sợ háu nước mắm và vị cà cuống đậm quá sẽ át mất vị nếp,vị đỗ. Sợ vớt bánh sớm quá bánh hấy, sợ vớt muộn quá bánh nát. Sợ bánh chưng gấc năm nay không đỏ vì  Mẹ quên không cho thêm thìa rượu trắng. Thi thoảng Mẹ lại với cổ tay Thày xem giờ chiếc đồng hồ Wyler chạy tanh tanh rung nhịp thời gian bằng âm thanh của kim loại… để biết cữ tiếp nước nồi đun.

Yên một lát, Mẹ lại rì rầm.

- Năm nay nếp già nắng, thày em ạ. Có lẽ mình nên cầm lửa mười tiếng…

Nhưng lúc sau thì Mẹ lại bảo:

- Gạo già nắng, nhưng ngâm  kỹ, ngâm những hai lượt, chắc vẫn chỉ cầm lửa hơn tám tiếng mình nhỉ. Hơi bánh đã bốc lên thấy nhuần lắm rồi…

Gật gù, Thày vỗ vỗ vào mặt chiếc Philips rít lên ẹ ẹ.

Thày quá biết, để có bánh chưng ngon, ngoài nguyên liệu chuẩn chỉ thì nghệ thuật dụng nước và lửa là yếu tốt quyết định sau cùng. Già lửa quá bánh nồng nát, hạt nếp vữa ra chảy bết lá dong. Lửa non thì các hạt nếp và nhân thiếu đi sự kết gắn giao thoa làm nên sự mềm mát mà dân gian gọi là bánh rền…

Bánh chưng luộc khéo là bánh tới lửa. Mà thế nào là bánh tới lửa, thì thày mẹ chỉ còn biết trông chờ vào cảm giác dựa trên những kinh nghiệm thành công và thất bại bấy lâu. Một thứ phản xạ có điều kiện đã trở thành bản năng bởi thương yêu…

- Năm nay Thày em phải đưa thằng cả đi sêu Tết ông bà ông vải nhé. Nó cũng sắp biết rồi, phải học dần lễ nghĩa không thì lớn tí nữa chẳng biết thế nào mà cư xử. Cô cả năm nay ở nhà giúp em bếp múc nước nôi… Con gái lớn ngỗng chẳng biết nội trợ về nhà chồng để người ta nhiếc cho à…

Tôi giật mình. Thích và lo. Thích vì được ngồi nhong nhong trên xe đạp Mercier trứ danh với Thày qua cánh đồng láng Nong rợn ngợp lúa xanh, rối bời cò trắng. Lo vì phải học thuộc câu chúc Tết dài lê thê mà Mẹ vẫn bắt chị cả đọc đi đọc lại những năm trước:  “Gọi là năm sớm, thày bầm con, (chứ không được là thày mẹ, nhớ chưa, chỉ  nhà mình xa quê mới gọi thế) cho con mang đồng bánh đến, trước tiên là để kính chúc gia tiên, sau là để chúc các bủ các ông các bà các cô các chú sang Năm Mới Chúa ban cho bằng an dồi dào sức khỏe thì rất là mừng. Nhà ta làm ăn thơm tay may miệng, làm ăn phát đạt gấp năm gấp mười năm cũ. Giai khôn thì dựng vợ gái lớn thì gả chồng. Gia đình hòa thuận, cầu được ước thấy….”

Bỗng hẫng đi, tôi tan trong lòng Mẹ. Trong tênh tỏa hơi nước bung khói thơm ấm nồi bánh chưng. Sáng banh, trước hiên, giữa hai tấm gỗ, vuông vắn chồng bánh chưng đã rửa nước mưa lạnh đang được chiếc cối đá giã bột chèn ép bớt nước cho hạt nếp lấy độ rền. Cặp bánh quai xách lạt vàng thì có nhân vị cà cuống. Bánh quai xách lạt đỏ vị tiêu đen. Quai xách lạt xanh nhân đỗ xanh, đường đỏ. Trên bàn thờ hai cặp bánh tày căng nính như những cây giò trang trí lụa màu. Hạt nếp của chúng nhuộm gấc, vị cà cuống. Nội một cặp và Ngoại một cặp. Tôi sẽ theo Thày về quê sêu Tết năm nay. Chùm bánh chưng con lạt trắng, Mẹ đã treo bên cặp sách góc nhà.

Khách đến chúc Tết, Mẹ mời loại bánh nào thì các chị tôi tự biết nên bày nhiều hay bày ít.

Mẹ bóc bánh chưng chờ cả nhà cùng nếm. Đâu đó hương Tết mới ngái ngọt lá dong tươi, thơm ngận nếp hương, bùi sậm đỗ xanh nức mỡ la đà cuộn xoáy dưới vòm che lồng bàn, thì thọt làn khí mảnh mai vị cà cuống bện đan với tiêu đen quệt ngang cửa khứu giác đẩy người ta vào không gian siêu thực thèm ăn...

6. Đã quá lâu tôi ao ước bình minh đón bánh chưng. Mấy chục năm lẻ đợi. Nhưng Tết nào cũng nhận bánh chưng của Mẹ, những chiếc bánh nếu con ngoan thì phải tự làm biếu Mẹ. Chị cũng vậy, hai mươi năm không ăn bánh chưng nước Việt. Tết đến mua nếp Thái Lan lá chuối châu Phi gói bánh, nút thắt, nút buông dây nhựa cứng kều.

Tôi xa Mẹ theo bổn phận làm người. Mây trắng thành mây đen cho cơn mưa đầu hạ. Lận đận Tết xa bánh chưng xứ lạ, miếng mặn miếng khê mới nhớ Mẹ lưng chiều. Chị cả gánh rủi ro thay dòng họ, nằm nắng phơi mưa trên đồi Bái măng vầu. Chị hai, chị ba tiếp rượu hồng pháo đỏ, khấn lạy trước thềm lui gót làm dâu. Mấy em trai cũng lặng lẽ chia bầy…

Chùm bánh chưng con con Mẹ treo đầu ngõ.

Bóc tấm bánh Mẹ bòn vén cuối nồi tôi còn ngái ngủ, gỡ mấy lần lá dong. Mỗi lượt áo lá là một sắc độ xanh cải già của lá dong qua lửa. Lá áo ngoài sột soạt, lá áo giữa lưỡng lự, lá áo lót tẩn ngẩn tần ngần. Mỗi một lần bóc lá là một nhịp ngón run…Chiếc bánh chưng cũ từ thuở Lang Liêu, nhưng Mẹ gói thì năm nao cũng mới… Chiếc bánh mọc trong nồi Thạch Sanh Mẹ nhỉ? Con để dành hương hoa tới những mai này.

Cách trở làm sao Chị kịp. Chuông nhà thờ gióng buốt thu không. Mẹ chẳng đợi Chị về dạy bánh khúc bánh chưng. Manh áo len Mẹ mang theo mặc rét, hẳn vẫn còn hơi ấm dặm xa. Hoa đào bay, hoa đào bay như thể…

Mẹ không gói bánh chưng chờ Tết, bởi nước mưa a-xít hóa lưng trời, cau chặt cụt, đất vườn chia hương hỏa, mấy chum khan chẳng còn chỗ để bày. Rừng tàng kiệt lạt giang ngắn đốt. Hạt nếp chỉ còn dẻo thôi hương sắc mất đi rồi. Củi gộc, gốc tre sau nhà mối đục. Cà cuống cay se trong ký ức làng Hoàng. Thày ngồi đấy trên phản khuôn bó gối, ngắm lá dong xanh một nửa úa vàng…

Tôi thì thế bên đồng chiều mót lúa, dâng Mẹ ơi, gói chiếc nữa bánh chưng…

Mồng Một Tháng Giêng  năm Quý Tỵ.

N.T.T.K

                       

  • Đất năm phần trăm: phần ruộng chia cho mỗi gia đình xã viên được quyền canh tác riêng.
  • Kháp: Làm vỡ hạt đỗ xanh làm hai mảnh bằng vỏ chai rỗng.
  • Cum: Bó lúa nguyên bông hạt.

 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook