CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tùy Bút

NHỚ DƯỚI MƯA XUÂN

Thứ sáu ngày 25 tháng 1 năm 2013 12:00 AM

Tháng Chạp.

Mưa Xuân khi có khi không trong nghi ngờ cảm nhận.

Ngày cũ xơ xác đã sau lưng. Tôi nhớ Mẹ, dù tôi vẫn đang ngồi bên Mẹ lưng còng trong trí.

Vâng, Tôi nhớ Mẹ tất bật trong muôn dáng Mẹ thời người dân miền Bắc coi sắm đủ bánh chưng và manh áo mới đón Tết như là một chiến công.

Nhà mười hai con người, nỗi giật gấu vá vai phiếu vải bốn mét phân phối nơi quầy hàng  hợp tác xã trống trơn Mẹ lo sao cho đặng mỗi ngưởi một bộ cánh mới.

Niềm vui quần áo mới của Tôi chỉ có thể quẩn quanh: quần bông xanh chéo, giặt một nước gấu đã co lưng gối, nô đùa quá chút phẩm nhuộm đã phai xanh le cả đùi hoặc áo vải diềm bâu nhuộm nâu tây sần sùi sột soạt như vò túi ni-lon nhưng đã là cả Thiên Đường.

Mẹ hào nhoáng mấy áo phin màu phù sa ngày thường, màu be mặc Tết nhất hội hè, với những chiếc áo len dài tay, ngắn tay màu nho và những vuông khăn tệp màu. Những đồ có trong chiếc rương gỗ sung đóng đinh đồng tán theo mẹ đi lấy chồng một mùa xuân nào đấy đã mấy mươi.

Thoạt nhìn, thấy vẻ mới bởi màu sắc và được xếp nếp phẳng phiu, nhưng tận tay đặt lên mặt vải thì mới cảm hết được sự thưa mỏng của len của vải dùng lâu.

Vậy mà Mẹ vẫn phải chịu những ngấm những nguýt của mấy cô dì, là phô phang khoe của.

Mỗi khi đi ra ngoài Mẹ chuẩn bị rất lâu những chải tóc lược thưa, lược bí, độn tóc, vấn tóc. Và Mẹ nâng niu từng tay áo mà choàng lên người, như nhận một ân thưởng nào đó bí huyền.

Ngày chim di trú đã dang dài cánh lạnh qua đồng không về nương bãi ven sông. Dòng chảy đấy mà còn như chưa. Hoa cải sót đã khô ngồng.

Đò chênh vênh rời bến chẳng biết buông xuôi, sang ngang hay ngược nước. Thôn nữ lên thành phố lấy chồng chắc cũng sắp về Tết quê.

Nơi các khu vườn bên mé đồi sáng loang, bưởi sậm vàng chờ lên chiếm vị thế ngất ngưởng mâm ngũ quả. Cam quýt đỏ hây rực rỡ trước hiên nhà chưa rõ là chua hay ngọt.

Cụ bà lục rương xét lại khăn nhung vòng xuyến đứng trước tấm gương cũ phai màu.

 

Cụ ông  đũng đẵng gậy trúc dạo quanh làng nhòm nhỏ mấy bạn già xem hoa lan hoa đào khai nụ năm nay có đúng độ.

Chị gái lớn nhìn mưa giăng giăng cuối chân núi xanh trong trời nhẹ xám mà ngẩn ngơ lên sắc má bỗng hường.

Khúc đê vòng, những gốc duối dại lơ phơ như chấm mực nho bên sườn có người lính trẻ hoen bụi ba lô trĩu nặng, khăn mặt cỏ buông qua vai mải bước mạnh.

Ấy cũng là những ngày chợ buổi chợ phiên Mẹ nén thở dài, nhẩn nha mà sắm Tết như tín điều thiêng nhiều mục vụ nhiêu khê, tỉ mẩn trong một nghĩa vụ định kỳ.

Niềm vui của người được lo toan, che chở cho mười anh chị em tôi và người chồng bất chí hay bẳn gắt, luẩn quẩn khói thuốc lào, thuốc lá cuốn tay...

Đường làng rậm rịch. Cát vương. Lá khô. Đống rấm khói cay. Gà lẻ gáy. Lợn ỉ nằm ườn. Khói bếp còn chay tịnh chưa nồng nàn dầu mỡ. Cái lạnh ngọt tê mê da thịt, khói trắng ngấm vào hơi thở phân vân. Nghe bịn rịn hương vị tần ngần năm cũ…và nao nao năm tới.

Mẹ  kia.

Chợ buổi thì Mẹ với đòn gánh tre, quang mây sáu dảnh óng ả nâng niu đôi thúng cật tre dáng trái hồng màu cánh dán kĩu kịt trên đường cát mịn. Mướt mồ hôi, mỗi bước chân của Mẹ.

Chợ phiên đường xa thì chiếc xe đạp Peugeot màu da đồng sứt sẹo lốp cao-su màu gạch non mòn vẹt lớp vải bố mang hai bên poóc-ba-ga hai chiếc túi da bò thô như của người đưa thư, Mẹ ngồi nghiêm trang, căng thẳng như đang hành lễ, đạp đều đều từ tốn. Có lẽ Mẹ sợ chiếc xe sẽ đau đớn khi thô bạo với nó.

Tầm trưa trưa Tôi dẫn mấy đứa em dại ra đầu ngõ rứt lá râm bụt, vặt hoa tầm xuân ngóng mẹ về chợ.

Bên thềm giếng chị gái lớn sẽ sàng thau rửa đồ pha-lê và thủy tinh màu còn sót lại từ thời ông nội tản cư. Những ly cốc, đĩa mỹ thuật hình lá,  hộp hình trái lê, trái táo được ngâm kỹ trong bỗng rượu để lâu đun nóng, thứ nước thanh tẩy đặc chế riêng của Mẹ.

Bao nhiêu năm qua Tôi vẫn chưa thôi ngẩn ngơ buồn trước những hoa sao rực rỡ vỡ tan dưới mặt trời mùa xuân khi nhìn qua đáy chiếc đĩa pha lê hình lá.

Dưới lá cói đan che miệng thúng và nắp túi da bò là chồng chất bao nhiêu bao gói giấy xi măng, bọc lá chuối tươi, lá chuối khô, mo cau, chai lọ những thức ăn những món quà chợ ăm ắp bất ngờ hồi hộp.

Bánh nắm bỏng gạo tròn xoe tầm trái bóng bàn dấp dính mật mía. Kẹo vừng thơm ngẩn loong coong. Bánh đa kê nồng ngậy. Bi thủy tinh màu rực rỡ bảy màu…

Mẹ để tâm trước nhất cho việc sắm Tết phải là lít nước mắm cốt Vạn Vân chính hiệu vẫn được quảng cáo bìa sau những bản nhạc của Đoàn Chuẩn.

Đắc thắng là nước mắm đóng chai thủy tinh lăm tăm bọt khí, nút bấc, gắn xi nhựa thông bột gạch non quốc doanh phải đánh đổi cả con gà trống thiến cho mậu dịch viên. Còn không thì loại đựng thùng gỗ gâm gẩm mùi ai ẳng lẫn cánh bèo tấm cũng đành chịu. Nhưng cũng có năm may ơi là may, (lời của Mẹ) có người bạn học của ông nội sực nhớ ra bạn cũ đã gửi biếu một chai nước mắm nhĩ miền Trung.

Chai nước mắm ấy, Mẹ xoa xuýt cất biệt làm như nó là thứ nước cam lồ không ai hay ở góc nào, phải đúng hôm cá Chép lên Trời mới bày ra.

Nước nắm là gia vị phông nền của một bữa ăn, cả một mùa Tết. Bất kẻ món gì, từ, xào, kho, ninh, luộc, hay trộn salát tất thảy đều phải kết hợp với nước mắm ngon mới thật hoàn mỹ.

Ấy là mẹ trả lời khi Tôi thắc mắc.

Nhưng Mẹ đâu biết, ngày ấy nước mắm với Tôi chẳng có gì là hoàn hảo khi mùng Một Tết cổ tay áo mới nâu tây nhúng vào bát chấm. Hầu như cả mùa xuân ấy của Tôi thoảng mùi nước mắm.

Cuối xuân, Thầy Tôi theo người Dao đi rừng hái lá thuốc, ở nhà Mẹ đang cầm chai nước mắm bỗng buột xuống đất vỡ tan. Mẹ hốt hoảng tái ngắt chạy đến trước bàn thờ Chúa làm dấu Thánh và cầu nguyện. Chai nước mắm vỡ đã ứng vào tai nạn gẫy chân của thầy năm đó. Từ đó mấy chị em tôi luôn bị ám ảnh bởi chai nước mắm vỡ.

Rồi đến rượu.

Tôi nhớ dáng Mẹ ngồi trước hiên bếp nhìn lên sắc hoa mận trắng, phớt ánh tím mà toan tính, nói với lên nhà trên với Thầy.

- Ông à, năm vạn vật đắt đỏ, dự liệu lượng khách chắc không như năm ngoái. Rượu nếp tôi vẫn đặt hai vò đấy.

Thầy tôi rít thuốc lào, ừ hữ đáp. Ông uống rượu lẻ, nhưng không nghiện. Ôm chiếc điếu cày, tách mấy củ lạc rang cát, thầy nhâm nhi chén hạt mít ngắm bóng mình trên vách.

Mẹ lầm rầm tính : Mỗi vò năm lít vị chi là mười lít, chắc vẫn phải đặt dôi ra hai chai sáu nhăm nữa phòng khi…

Chẳng biết rượu đó ngon lành đến đâu, nhưng khi sang chai cho Mẹ chỉ một giọt chảy leo ở miệng vò thì ông lão Đông Chắt cũng thò tay thấm chấm vào miệng. Lò rượu lậu  tháng ngày nghi ngút tỏa hương rượu, nhưng chẳng có ai đến bắt.

Tôi nhớ mỗi lần qua ngõ nhà ông lũ con nít cứ bị hắt hơi như bị ma làm. Sau túp lều ẩn bên mương nước, nơi chưng cất rượu, tiếng que cời đập nhịp vào nồi đồng cành cạch, làm nhịp cho tiếng ê a của ông lão.

- Rượu rượu à/ Ta uống hai chén mày / Rượu rượu à/ Mày uống hai chén ta/ Con trai ta cưới vợ/ Con gái ta lấy chống…./ Con trai ta lấy chồng/ Con gái ta lấy vợ…

Ai cũng biết ông lão cần đến rượu để quên nỗi xót con. Con gái, con trai của ông đều chết trận. Làng trên xóm dưới thoạt tiên nghĩ ông sẵn rượu, hễ có khách là kẹp cút đến vay. Sau không có rượu trả bèn bài bây ấn tiền vào tay lão.

Và vì nể, lão buộc lòng nấu lượng rượu tăng dần, người mua cũng đông dần. Rượu Đông Chắt nổi tiếng nhờ chất lượng nguyên liệu và phụ liệu đặc sắc: Nước giếng đồi Chùa, ba ba gỗ, nồi đồng điếu, nếp nương, nếp cái hoa vàng, nếp quýt hạt đen đuôi dài và một phần hạt cao lương, đồ chín riêng nhưng ủ men chung.

Chẳng hiểu sao rượu Đông Chắt quá ngon, nhưng uống vào người vui cũng chỉ muốn khóc.

Nữa đến là hành muối dưa. Mẹ lựa nửa hành tím, nửa hành trắng, để khi bày ra có nhiều màu hòa sắc. Hành trắng cay dịu, thơm dịu. Hành tím cay hăng, thơm hăng. Không ham củ to, chỉ thoăn thoẳn nhỉnh hơn ngón cái người lớn…phình thuôn đúng hình củ hành! Nhưng hành ấy phải được trồng ở đất cát pha, dư tháng, tóc hành phải có hoa mới là hành ngon.

Tất bật miếng dưa hành của Mẹ, trắng ngà, khô ráo, giòn, chua tới độ, phảng phất vị hăng cay lẫn ngọt, ăn kèm với chả nướng, giò lụa, giò thủ tai, bánh chưng…ôi thôi đều đậm đà những dư ba.

Gạo nếp gói bánh chưng Mẹ đặt từ đầu vụ mùa, nếp quýt hoặc nếp cái hoa vàng Hưng Yên vốn nhiều sen nhãn nên vị nếp đa hương hoặc nếp thơm Nghĩa Lộ dền dẻo lâu suốt ra Giêng không nếp đâu sánh bằng.

Lá dong bánh tẻ mọc ven suối nhiều nắng dưới chân rừng già lớn Hoàng Liên Sơn. Đó là loại lá dong bản rộng, dày, không lỗ sâu đục, giàu chất diệp lục để cho da bánh xanh ngà xanh ngọc.

Lạt giang kén loại mọc lẫn rừng cây gỗ, lóng dài. Lạt giang ấy mới tước đã trắng ngó, dẻo dai, thơm nức mùi đại ngàn, nhuộm sơ lá màu đã dậy đỏ xanh. Khi thắt khi buộc, lạt yên vị không bị lỏng tuột do nước do lửa, chẳng sai câu lạt mềm.

Củi hầm bánh, cũng phải kén gộc sồi gộc nhãn mới đượm than nồng lửa. Bởi nấu bánh chưng không cần lửa to mà cần giữ lửa nhiệt bền để cho hạt tiêu đen, đỗ xanh lòng vàng, thịt ba chỉ lợn ỉ ướp nước mắm thấm ngấm vào nhau kết nên nhân bánh bùi ngùi.

Hình như gánh nặng trong lòng Mẹ vơi dần qua mỗi món đồ được sắm sanh qua đủ kiểu xoay xỏa, nhường nhịn. Nửa đùi lợn đổi gà trống thiến. Có gà trống thiến lại đem đổi bánh kẹo, mứt đường, trà thuốc. Từ trà thuốc lại thành rau dưa, gia vị.

Phơ phới sáng hai chín Tết Mẹ kiêu hãnh tươi mới trong sắc màu chợ, ngoài hoa huệ hoa cúc bày trên bàn thờ Chúa thì vẫn phải sắm thêm hoa mỹ nghệ cắm vào đôi bình men lam Bát Tràng bày chơi. Hoa mỹ nghệ làm từ lông gà, giấy thiếc, lá mít già ngâm nước cho lũa hết diệp lục sấy khô hơi diêm sinh, nhuộm phẩm. Trông ngây ngây thật thà nhưng bền màu cả năm…

Từ cái tăm, hạt bí, hạt dưa… đến phong bao lì xì tự cắt dán bằng giấy điều bán ở sạp ngoài chợ rồi cả hạt cây mùi già để tắm tất niên cũng phải qua bàn tay Mẹ.  Mỗi món đồ sắm Tết được mang về yên vị trong nhà, thì dường như thần sắc Mẹ rạng rỡ hơn, nhưng gương mặt lại hốc hác hơn.

Phận chị dâu trưởng, Mẹ lần lượt đi thăm nhà các em đôi bên, ai có Tết hoặc ai chưa có Tết. Lại nhắc lên đặt xuống, bao gói, thúng mủng, sẻ chia, thêm bớt bù trì cho các em từ lẻ gạo bánh, chút mỳ chính mà không hề kêu than… Chỉ có sắc mặt là trầm xuống.

Rồi, chị em xa rời bố mẹ theo vợ theo chồng theo lẽ đời. Giờ ở quê chỉ song thân lầm lụi trong căn nhà trống thênh ngày càng trở nên rộng bởi mẹ cha mỗi ngày mỗi còm cõi hơn…

Ngôi bên hiên vắng ngắm thiên hạ nôn nao sắm Tết, giờ Mẹ chỉ có thể yên lặng mỉm cười mà hình dung. Mẹ thèm muốn có được sự lo toan trở lại, vẫn cứ đốc thúc thày mua thức này, thêm thứ kia như là vẫn còn ở bên mười đứa con trứng gà trứng vịt. Thầy không theo ý Mẹ thì không đành.

Thưa Mẹ ! Hoa đào nhiều lần buông bay mưa xuân, bám khăn áo Mẹ, trải đầy mặt đất. Cuộc đời đổi thay, nhưng đất trời thì vẫn vậy. Và con trai Mẹ cũng chẳng thoát khỏi phân vân trước sở nguyện riêng chung. Nhưng con chỉ có một sở nguyện lớn lao đến vô lý, rằng giá như bây giờ được trở lại ngày xưa. Để Mẹ lại tất bật sắm sanh lo Tết…

N.T.T.K


Ảnh giao diện: Đào Long Giáng - Vân Đình Hùng

 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook