CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tùy Bút

NGÔI LỜI THÁNG GIÊNG

Thứ năm ngày 6 tháng 2 năm 2014 12:00 AM

Với tôi, thời gian của tháng Giêng bắt đầu từ buổi hạ cây nêu. Ngày 7 lịch trăng, tháng Giêng mới mở rộng dài bon chen, mới ăn nghiêng bồ thóc. Lễ nghi nghiêm cẩn, khép nép nói thưa, cỗ bàn ngả ngốn thì đã những ngày thuộc Tết.

Hồng điều xác pháo vùi cát lấm bùn, giẫm đạp bước chân. Mắt người lơ ngơ vo vòng khói nến khói nhang phơ phất hơi men. Tuy đã Xuân nhưng rét nàng Bân đón đợi chưa thôi cắn cấu cơn hờn da thịt. Giống loài hoa dâng hương cho sắc tận hiến chưng phô thân phận tất thảy dịp Tết giờ đang trở lùi quá vãng. Chỉ còn mấy cữ hoa của cây cho trái giờ mới bắt đầu trút bớt lá già chìa nụ…Rình rang hội làng còn đâu đó phía trước dùi trống nửa tuần trăng.

Lớp lá dong bọc bánh chưng phai diệp lục ngả màu trắng bạc trên bàn thờ và  dưới móc treo sào tre. Vò rượu tăm nếp cái hoa vàng còn đôi cút eo óc láng đáy sành trên kê cạnh bộ trường kỷ gỗ gụ mộc đánh sáp ong. Cành đào lộc trổ từng mắt mấu, hình hoa bỗng mỏng tựa tàn tro hóa vàng, khoe những trái tí hin như chót tay em bé mượt những tơ sương bên cánh ong tìm mật lạc bầy...

Tâm trí nhân gian còn lửng lơ thế giới quần áo đẹp, cười sáng mắt môi, mâm bàn nhức thức ngon, lá hoa bừng chào mọi nẻo thì bỗng chốc lo toan kéo người ta nhìn xuống mũi bàn chân. Mẹ vét ấm trà sen hàng Đường xôn xao trong hộp sứ pha mời Thầy. Chiêu hương nuốt ngụm trà, Mẹ nhắc tôi và lũ em thay bộ cánh diện từ mồng Một để chị Hai đun nước bồ kết giặt phơi đón nắng. Mẹ dắng, nhà còn bánh chưng, bánh tẻ, giò thủ nửa chiếc, gà trống thiến một con úp bu ngoài gốc bưởi, thịt ba chỉ luộc ngâm vại tương dư dả, lại nữa mộc nhĩ, măng khô, nấm hương và vô số bánh đa nem. A, suýt quên nồi thịt đông chân giò, cổ cánh gà chưa kịp đụng đũa. Chị Cả nô chơi ngoài công trường đá nửa buổi là phải về đỡ Mẹ làm cỗ đốt Tết. Nghe chưa!

Mở hộp mứt sen tỉnh Đông, Thầy chìa ra để chị em mỗi đứa nhón mươi hạt. Mẹ hấm hứ, bổ béo gì mà ăn vèn ăn véo, các con ngoan để phần Thầy thưởng với trà cho thanh giọng.



Tôi và lũ em bị chị Hai dồn vào buồng trong nháy mắt bị lột nồng nỗng. Xa xót làm sao, ôi quần xanh áo kẻ vo nhúm dưới chân chị Hai như mớ giẻ, hôm nào mới lại xênh xang nữa đây. Bộ cánh suồng sã ngày thường ném sượt lên vai trần muôn vuốt sắc lạnh khô cào xé như lời cảnh báo tôi những ngày phong bao giấy điều mừng tuổi, nhởn nhơ sách vở, tùy ăn ngủ mặc, hò hét ngoài nội cỏ theo những chùm bong bóng xà-phòng đã chấm dứt. 

Mỗi buổi sẽ phải tự động dậy lúc 5 giờ sáng học bài, rửa mặt trong chiếc thau đồng lạnh buốt, trệu trạo cơm rang nước mắm khét mặn gia giảm mấy lát hành củ khô bên bếp củi om khói cay sè, đeo túi dết mò mẫm trên con đường sỏi bụi đất đỏ ngầu phủ cây cỏ đến trường. Trời đất ẩm ương. Mưa chẳng ra mưa. Nắng cũng không hẳn. Không mang áo tơi thì ẩm ướt. Mà mang thì sột soạt nhiêu khê khi trời bất chợt đổ nắng. Rét chẳng chịu tận, cữ trưa là phải lột áo khoác vắt vai. Trẻ con gặp người lớn khoanh tay chào cũng chẳng còn được xoa đầu bẹo má khen ngoan. Họ đăm chiêu gặm móng tay hoặc sờ cằm hếch lên cao xanh hóng chuyện bụng dạ ông giời…Đám gái non lon xon ra đồng nhúng chân xuống nước lại giật lên nhăn nhó. Lũ trai phố huyện lê la quán café moi túi quần bao thuốc lá xẹp lép. Cỗ máy ép hơi ngoài công trường đá chốc lại giật mình rống hồng hộc rồi chết lịm như chưa tan cơn say rượu. Mấy gã thợ rừng chệnh choạng cởi áo vắt vai vừa đi vừa ngáp thúc bước trâu kéo lên ngàn..

Trong lồng bàn suất cơm trưa để phần tôi đỏ khé ngô xay hoặc lổn nhổn mì sợi mốc vón cục. Đĩa dưa cải ngồng xào tóp mỡ cháy khét đen như vừa nhúng mực và con khô chuồn còn mặn hơn cả muối.

Một thiên đường ngũ sắc bỗng nhiên tan bay để tôi trơ trọi với tôi giữa giấc trưa lẻ tiếng gà rũ bóng xuống những trang sách chàng hiệp sĩ thời trung cổ giết rồng thiêng cứu người đẹp xích xiềng.

Ngao ngán sao, bên sắc hoa đào dưới bàn thờ Chúa, thầy mẹ đã bàn gieo thêm lứa cải ngồng vườn trước để muối dưa phòng tháng ba rau già cá ươn. Cỏ đỗ, lạc đã bời rợp cả lối đi. Mái chuồng bò cần dặm dọi ngay rồi. Vào xóm Chiềng mua lá cọ vườn mọ[1] Năng Nổ mươi trăm tàu, mấy chục gánh mới xong. Phải hạ cây xoan bên bờ ao ngoài suối thay luôn cái gióng cửa. Tầm thêm mấy con lợn nái gầy vỗ béo bán đối ứng cho công ty thực phẩm đổi bột mỳ và ngô xay. Gốc đào phai cụ bếp Bỗng không rước thì tôi có nhiệm vụ đem trồng ra góc vườn chứ không được vứt ra bờ rào mà thất lộc. Thùng gạo vơi mói các chị nấu cơm coi chừng phóng tay để mứa cơm nguội…

Chị Ba phụng phịu nghịch tóc Mẹ sau lưng ngày mai về trường sư phạm mà vẫn chưa có tiền tàu xe đâu đấy.Thầy búng tàn thuốc lá cuốn, đăm chiêu ngóng sang. Xem chừng trà sen, mứt sen khó bề thanh giọng. Mẹ lần hầu bao, âu yếm lẫn buồn phiền:

- Hết quần đến áo lại tiền tàu xe. Bao giờ các chị đi lấy chồng cho tôi nhẹ nợ đây.

Chị Ba cầm mấy tờ bạc đếm nhanh rồi rút lại một tờ trả Mẹ:

- Con cần ngần này thôi. Mẹ giữ lại hộ con…

- Lạ nhỉ? Hoa lại không muốn thơm thêm đấy…

- Tháng này còn lĩnh học bổng mẹ ạ…

- Thôi ạ. Cô cứ giữ lấy để hôm này lễ Phục Sinh mẹ khỏi phải gửi nữa…

 Nơi bờ rào dâm bụt, con vện bỗng ông ổng cao giọng sủa. Thì ra cậu vện chạy pháo Giao thừa ẩn ngoài đồi măng vầu đói bụng đã vượt lên nỗi sợ để trở về làm nhiệm vụ canh cổng giữ nhà. Bóng một quân nhân thong dong ôm mũ cối lầm lũi bước vào sân. Anh Thiện con bủ Phàn tranh thủ về Tết sang chào thày mẹ về lại đơn vị. Chị Thương rụt rùi khăn tay chấm mắt, đang đứng đợi chồng với hai người quân cảnh ngoài ngõ. Anh là trinh sát đặc biệt từ chiến trường Tây Nguyên ra Sơn Tây tập huấn vào Tết nhưng đào nhiệm chạy bộ bốn tiếng về thăm vợ. Quân cảnh truy đuổi, mật phục sau nhà. Họ để cho anh hàn huyên gia đình một đêm và nửa ngày thì mới giương súng xuất hiện.

Anh Thiện dúi tôi phong lương khô 702. Biếu Thầy chiếc ca i-nox lính Mỹ và có lời với Mẹ nhờ qua lại bên nhà. Thày nhắc mẹ xem còn thức gì đặc biệt hơn bánh chưng gửi quà Tết cho anh. Mẹ lắc đầu:

- Lạy Chúa con, sao lại dong người ta đi giữa Tết nhất thế này. Ngay trước mặt vợ con…

- Mình đừng ca cẩm nữa đi.…

Mẹ lật bật mở nắp chiếc rương gỗ lim đựng thóc giống. Chiếc thẩu thủy tinh đựng món bánh gạo nếp trộn nguyên lòng đỏ trứng gà, chao mỡ lợn ỉ, thắng đường củ cải vốn chỉ để bày đón ông nội ông ngoại được san vội một nửa vào tờ bìa báo ảnh Việt Nam quấn bồ kề. Không có ba lô, anh Thiện lúng búng để cả gói bánh vào lòng mũ cối, liền miệng nói cháu xin cháu xin, quả là phiền cô chú. Nhìn anh Thiện đi giữa hai người quân cảnh, vợ níu tay kéo lại, Mẹ vén tóc mai chùi luôn cả khóe mắt.

- Chúa ơi, sao Chúa nỡ để người ta bắt con trai lớn của bủ Phàn…

Cả xóm nhao ra ngõ, ngẩn ngơ cúi mặt. Bữa tối hôm đó tự dưng ể oải. Thầy uống suông đôi chén mắt trâu, nhằn gặm quanh đôi chân gà rồi buông đũa. Mẹ tiếp suốt lượt cho mấy chị em, nhưng thức vẫn ê hề. Phong lương khô 702 và chiếc ca i-nox lính Mỹ sáng choang kia đã làm hỏng buổi đốt Tết nhà tôi hay là tiếng kẻng vỏ bom gióng lên ba hồi chín tiếng? Tối nay đội sản xuất họp bàn kế hoạch đồng khởi Đông-Xuân.

Mười năm sau nữa, cũng một ngày tháng Giêng, tôi nhận lệnh tổng động viên cắt ngang lớp 10 vào lính. Mẹ đang chuẩn bị dẫn các chị về làng Hoàng học nhạc lý và thánh ca, vừa chỉnh trang xong áo phin nõn màu be, quần lụa xa-tanh vân hoa, xăng đan nhựa xanh với chiếc làn cói đan trên tay. Các chị phải tham gia vào dàn thánh ca của nhà thờ dịp lễ Phục Sinh mới có cơ hội chịu phép thêm sức. Xăng đan xanh bỗng buột khỏi chân Mẹ, làn cói rơi lăn nghiêng. Buổi trưa mùa xuân đỏ nắng, Mẹ đã ôm tôi vào lòng mà hờ mà gọi như là tôi đang khuất xa:

- Ôi các ông ơi, các ông chặt chân chặt tay tôi thế này…

Hương nước hoa bưởi chẳng át được mùi băng phiến hăng cay giữa vòng tay Mẹ. Tôi ngồi im như một kẻ tội đồ. Tại sao tôi lại là con Mẹ để cho Mẹ đau lòng?  Khoảng khắc ấy, tôi đã không muốn mình là con trai Mẹ.

Ông nội, ông ngoại hớt hải đạp xe dẫn theo một đoàn họ hàng từ làng Hoàng ào đến khu khẩn hoang. Phông màn dựng rạp như có đám. Lách cách đĩa bát sắp mâm. Hũ rượu lậu chôn dưới chân cây rơm được moi vội lên nguyên vẻ lấp láp chưa kịp quen với phận chính danh. Thầy ngả thịt cả con bò nhỡ mà Ủy ban xã cũng ngơ. Lửa rơm thui bò cháy sém cả cây đào. Máy nhạc A-kai chạy băng cối lúc thì  hùng hào nhạc đỏ, lúc lại rờ rẫm nhạc vàng. Tôi không rõ đây là buổi liên hoan hay là buổi tế sống một người đi trận. Các chị thi thoảng lại chạy đi tìm tôi đang ở chỗ nào, ép ăn miếng này ngon miếng kia bổ béo.Tôi trốn lên gác xép, phía trên giường của Mẹ bó xếp lại mớ sách giáo khoa, tập ghi chép và những bài thơ đầu đời vào chiếc cặp giả da. Cách một lần ván mỏng, bên dưới các dì, các cô đang đánh gió, nắn chân, nắn tay an ủi Mẹ…

Tháng Giêng ấy, các chị tôi không háo hức giục Mẹ dẫn đi học nhạc lý, học hát Thánh ca, mỗi Chúa nhật. Nhịp sống cả nhà nương theo bóng sáng tối trên gương mặt Mẹ. Và cả mùa Xuân tiếp nối lễ Hội Xoan, lễ Hội Đền Hùng, lễ trọng Phục Sinh rộn ràng thế, các chị tôi cũng lặng lẽ để qua.

Nhờ phúc tổ tiên và hồng ân Chúa, tôi sống sót qua mấy kỳ ngộ trận. Một tháng Giêng mỏi mòn mưa phủ bụi mái tóc dài cợp gáy, dưới chân đồi chốt tôi đốt lên đống lửa lá thông. Khư khư giữ tờ quyết định ra quân nơi túi áo quân phục sém bạc, tôi thả vào lửa chiếc ba lô chuột gặm, chiếc võng rách, manh quần đùi màu rêu lụng thụng chấm gối, cái díp rút quai dép cao-su thay cho dao rọc giấy và cả xấp bản thảo loằng ngoằng chữ viết tay về những chiến thắng chung nhưng riêng các bạn tôi thua. Họ đã thua nhiều cách: thiệt mạng, tước quân tịch, cụt tay, cụt chân, sốt rét, suy gan, thận, tâm thần, ung thư và cơ hội học hành. Tôi hình dung gương mặt Mẹ héo mòn đón đợi. Hơi mưa hay là hơi sương giăng mờ mắt để tôi không thể phân biệt đâu hoa đào rừng, đâu mẫu đơn…

Năm lần tháng Giêng tôi ở rừng. Năm lần nhận bánh chưng Mẹ gửi khi đến tay thì bánh mốc. Chiếc bánh chưng năm sau dần nhỏ hơn bánh năm trước.

Anh Thiện đưa vợ vào Tây Nguyên làm café nông trường, café trang trại. Bỗng chốc nhà lầu xe hơi, vợ bắt tình nhân, chồng thêm vợ bé. Một tháng Giêng bủ Phàn mất, di chúc an táng ở quê khẩn hoang vì sợ mối chúa bazan. Giữ cổng nhà Thầy, con mực thiến giờ đã thay con vện. Con mực sủa u..ông u..ông…u..ông, anh Thiện đứng giữa sân rêu hai tay ôm hai bọc. Bọc hạt café bọc tro cốt bủ Phàn. Cô vợ thêm tóc hoe lấp ló phía sau...

Lắng những tháng Giêng chung riêng. Mỗi tháng Giêng lòng tôi chẳng đổi sắc màu. Tết thì hẳn đã rồi, xuân dài dài. Lẽ nào tôi còn a theo những lễ hội bay bổng cỗ đu tre anh đưa chị nhún? Trí tưởng hồi quang Xuân đấy, nhưng gân xương dẻo bền đâu nữa cho trống rung cờ phất. Đến tháng ba mới có sấm mưa rào, lũ ếch nhái chờ cơ mật phục. Thày mẹ lên rừng ngỡ chỉ vài tháng Giêng, nhưng năm mươi tháng Giêng sau mới trở lại quê nhà. Tháng Giêng nay Mẹ giỗ đầu tròn tháng. Ừ nắng ừ mưa dép xăng đan nhựa xanh Mẹ xếp đôi dưới gậm bàn trà. Thầy thuốc nước ngồi sóng đôi với chiếc bóng trên tường.

Chim di thực bỏ tháng Giêng cánh giăng về chốn cũ. Quất thế đào cành trên xe rác đi rong. Câu thơ thả lên cao vô tăm tích. Tôi đã người tóc bạc. Lớp sơn mới chưa kịp khô trên những tòa tháp thì đã sạm đen bụi phố. Con đường cũ tráng thêm lượt nhựa mới vẫn đi qua những cây cầu cũ, hàng cây và cột cây số cũ. Ngựa tía gầy lắc chuông vục cỏ héo trong túi vải gai. Bánh gỗ vẹt mòn đinh tán. Trẩy hội xuân thì em cưỡi xe hơi. Ông đồ còm ngồi ngã ba cho chữ, gió giật vạt áo lương, giấy điều khăn xếp. Anh lính chiều nay theo tàu ra Trường Sa. Ông thầy vừa xong visa đi Mỹ. Người anh Sài Gòn hẹn cuối tháng bay. Lão họa sĩ râu dài dông dài Tây Bắc. Hẹn tới hẹn lui gã bạn rượu bình văn. Quẻ xăm rút phương xa mồng Hai dự báo...

Sông suối hoang mạc núi đồi trăng tròn trăng khuyết vẫn nguyên khôi nước Việt. Bloc lịch tháng Giêng quên xé, nhưng trang viết tháng Giêng sẽ khai mở những ngôi lời.


N.T.T.K - Ngày 7 tháng Giêng 2014

 

                                                                                    

 

 


[1] Từ chỉ người già giới tính nam.

 

Chia sẻ trên Facebook