CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tùy Bút

MIỀN TRÁI NGỌT

Thứ sáu ngày 29 tháng 6 năm 2012 7:58 PM

Nhìn bản đồ Bắc Việt Nam: Việt Trì là điểm son, đỉnh châu thổ Bắc Bộ phì nhiêu nối liền dải trung du gập ghềnh nương đồi, ngút ngàn chè cọ và hoa trái nhiệt đới ngọt sắc.

Thì, chỉ một cái nhíu mày nữa trên tấm bản đồ 1/25.000.000 vân vi xoáy chỉ nâu những bình độ, ta thấy một địa danh cổ xuất hiện từ Trần triều: Phù Ninh. Đó là cái tên mong muốn phù trợ của Tạo hóa và linh hồn các Vua Hùng cho sự sáng suốt, giàu sang lâu bền nhân quần ở dải đất gò đồi, nương bãi ven sông Lô, phía Đông Bắc dưới chân núi Nghĩa Lĩnh.

Khúc quanh Phù Ninh. Mặt đường loang nắng mưa. Mái nhà ẩn khuất. Bờ rào cây xanh. Ngõ hút sâu. Vườn cây ăn trái rờn rỡ lan man về khắp các ngả đồi cao thấp. Chiếc quán tre gầy, chõng tre nhỏ đặt liền nhau, mùa nào cũng chất ngất hoa trái đã níu giữ không biết bao nhiêu khách qua dừng xe, nghỉ bước bởi hương sắc đặc thù  trái chín Đất Tổ không thể phai lẫn với các vùng miền khác.

Nắng trung du gắt nhức, vàng mắt, sém da. Mưa trung du gõ vỡ chum sành. Rét trung du tím sỏi ong, khô kiệt đất đồi. Và mùa thu trung du thì thông thênh cao rộng bầu trời, mặt đất cuộn sóng  bâng khuâng. Và đất. Đồi sỏi khô cằn, vốn chỉ dành cho sim mua cỏ tế và cỏ lau với mối tình học trò mực tím. Người nông phu bặm môi bổ nhát cuốc, lưỡi  cuốc bật nẩy ngang mặt vì rễ hoang lẫn đá gan gà.

Nhưng một khi mầm cây được ươm xuống Đất Tổ, chịu đựng qua đủ bốn tiết trong năm thì trằn sâu vào địa tầng rễ cái rễ con, bừng bừng cành nhánh vươn cao mãnh liệt, y hệt tính cách con người trung du được trui rèn qua lửa đỏ can qua. Đơm hoa và đậu quả dâng mật chỉ còn là vấn đề thời gian.

Thời tiết ấy, đất đai ấy. Thứ nào cũng rành mạch, rõ ràng cảm giác, màu sắc, đường nét giao thoa, nên một khi đã kết hợp được nguyên khí của Trời và Đất vào trong bất kỳ một thứ trái cây nào thì lập tức thứ trái cây ấy trở thành vưu vật của trung du.

Tôi có thể kể triền miên với em trong cơn mộng du trái chín miền Phù Ninh. 

Này nhé! Trám Liên Hoa. Trám xanh, trái bầu, mọng, cùi dày, hạt nhỏ mà róc, ngậy ngầy bùi bùi, chua dịu. Khi kho cá trải mấy lửa miếng trám vẫn nguyên hình. Đưa lên cắn nhẹ cùi bở mà dai. Trám đen. Đen hạt huyền, thuôn dài, trắng phấn, cùi vàng mỡ gà dày như miếng cau tơ. Chỉ hai mươi quả đong đầy một đấu gỗ mít tiện. Khi ỏm để nguội vỏ lụa không trợt. Chấm muối vừng ăn chơi, hay đồ xôi đều được. Vị béo, ngậy, bùi và thơm chát dịu đặc trưng kích thích dịch vị.

Quả cọ bầu Trạm Thản có thể sánh ngang với cọ bầu bên kia Sông Thao danh tiếng. Vị cọ Trạm Thản, tuy béo, nhưng mát, ăn nhẹ bụng như là trám đen. Khi cầm trái trám, trái cọ xứ Phù Ninh người ta cứ phải ngậm ngùi thương nhớ đến người thân nơi xa. Gửi làm quà cho người xa xứ chẳng phải là cao lương nhưng là mỹ vị. Một giỏ trám chua, trám đen. Một giỏ trái cọ bầu bọc trong móm cọ. Thì ra, vị chát chát chua chua bền dai ám ảnh, day dứt người Phù Ninh hơn bất cứ  mật đường nơi đồng đất người ngoài.

Rồi trái tai chua phơi khô sỏi tím, rồi quả dọc chín lưng đồi. Những là thương nhớ mãi vị quê nào với trái dọc nướng cháy nấu canh chua cá chình sông Lô này nữa. Miền thương nỗi nhớ lẩn vào mỗi lần đũa lùa cơm. Gạo dé Phù Ninh thơm dẻo tần ngần, nhưng dễ gì mắt bầm ta bắt ra khỏi rá tre hết sạn cát sân rêu.

Hạt gạo trắng hồng màu hạt lựu, căng dài như nhộng ong, nở chín hết cỡ trong nồi gang vẫn không nứt vỡ dáng hình. Miếng cơm quê rùng rùng thơm mãi. Ta bỗng nôn nao thấy chân ruộng cao ven đồi, cha tát nước cày bừa, mẹ nhổ mạ, em cặm cụi bón chăm, trong nắng xiêu khoai có tiếng chim bắt tép kho cà.

Trên đây mới chỉ là chút cây trái thường dùng trong bếp múc. Còn thứ cây trái khác tuy phổ diện khắp miền đất nước, nhưng để có ấn tượng với thực khách hạng sành thưởng thức lại không nhiều. Đó là mít và dứa Phù Ninh.  Sản lượng khiêm tốn, mít, dứa Phù Ninh chủ yếu được các chủ vườn trồng ăn chơi không hết mới biến thành hàng hóa bày bán ven quốc lộ số Hai chào mời xuôi ngược.

Ngồi trên bất cứ phương tiện giao thông nào về mùa quả chín, nhìn từ  xa thấy rập rờn bướm bay quẩn một chỗ ven lộ, thì nơi đó chắc chắn đang bày bán dứa, mít Phù Ninh.

Dứa Phù Ninh, ấy là giống dứa gai tím sắc vuốt mèo, lá cứng như chông, quả khi chín to lắm cũng chỉ nhỉnh hơn chiếc ấm đất pha trà mạn. Trái dứa mắt nhỏ mà thưa, hung hung màu cam sành, chắc, nặng như quả lựu đạn tấn công vỏ gang ẩn mình sau chùm lá tua tủa hăm dọa, mùi thơm tương tự như của mật ong dâng lên lãng đãng với vài ba cánh bướm vẽ vòng.

Đừng bộp chộp đưa tay em nhé,  bởi muốn hái quả phải dùng thanh tre nhỏ đè đám lá gai xuống, dùng tay kia đẩy nhẹ. Khậc. Trái dứa gục xuống, túm búp quả nhấc lên. Da tay em vẫn nuột nguyên chẳng bị gai sắc cào xé. 

Lưỡi dao bài nhỡ, bén sắc có thể cạo râu lướt soàn soạt tước bỏ lớp mắt dứa. Cùi dứa bỗng vàng tươi sáng lóa, mùi thơm của loài trái được mệnh danh là Nữ hoàng hoa quả chinh phục mọi xúc cảm ta, bủa vây ta và tỏa dấm dứt mãi dưới vòm cây theo gió động. Nước mật dẻo quánh tứa bám lưỡi dao khía những chấm mắt quả nâu nâu. Mật dứa Phù Ninh nếu vô tình lưu giữ trên quần áo, thì dẫu có ngâm xà phòng Tide vẫn còn hương lưu luyến cả mấy ngày mưa nắng.

Đĩa sứ trắng muốt nâng niu miếng dứa hình vành trăng óng ánh sáng trong đêm trăng cuối hạ, hương thơm mỹ miều của trái chín bị vướng lẫn một chút thơm hoa ngâu, một chút vị chát chè xanh Phú Hộ.

Những tưởng sự chen ngang ấy sẽ làm hỏng cảm giác, nhưng không, nó chỉ tôn vinh thêm ngôi vị của Nữ hoàng hoa trái. Chưa thưởng thức ta đã cảm nhận được vị ngọt đậm, nhưng không chói, thoảng chút chua chua của mật ong hoang sẽ còn mãi một dư ba nồng hậu nơi đầu lưỡi.

Đó là vị dứa chín tới Phù Ninh. Nào, thực khách dù là giai nhân hay công tử thì xin hãy dùng tay.

Dù tham vọng, ta cũng không thể khảo tả hết những cảm giác khi thưởng lãm hoa trái miền đồi. Quên sao được, mít ống Phù Ninh.

Tại sao gọi là mít ống? Do tạo hình múi mít dai hình trụ, và do mật quả đọng bên trong múi mít mà người ta gọi như vậy chăng?. Cây mít ống thường không là cổ thụ, mọc xế kẽm đồi, xô nhiều đất mùn, nhưng nắng dãi bốn mùa. Quả thường mọc ngang tầm với người lớn. Gốc và những phần bạnh rễ nổi trên mặt đất. Mít ống không nhiều quả. Nhưng quả to nhất cũng tầm năm đến sáu kilogam, thoăn thoản như dứa hấu Nam bộ.

Sớm mai hạ nắng chớm nồng, góc vườn đồi nào râm mát bướm khoe màu lượn lượn bay bay trong tiếng chim khách véo von là chủ vườn biết ngay trên cây mít ống đã ngỏ lòng chín.

Ngắt trái mít ống chín, bê khệ nệ băng qua nương chè vạt chuối, chủ vườn vô tình gieo bao nhiêu mùi thơm lìm lịm vào gió khắp một triền đồi xa. Người tinh chỉ cần liếc qua vỏ gai, thưa, căng, mỏng, nây đều, sắc vàng tuyền hoặc nâu tuyền. Mùi thơm càng quen thì càng thấy nồng đượm. Đây đích thị là mít ống thứ thiệt. Quả này có thể đem biếu thông gia hoặc thầy bảo học lũ trẻ.

Khi bổ mít ống, chỉ cần mũi dao khía một đường vòng quanh thân quả theo chiều dọc. Hai tay ôm chắc quả mít, dùng hai ngón cái khẽ bửa về hai phía ngược chiều là đã mở òa ra một miền quả tênh hênh xếp hàng chen nhau vàng ruộm, óng ngời ngợi, phưng phức thơm. Xơ mít mỏng dẹt, nhạt màu điểm xuyết đây đó giữa hai múi mít như để nhắc nhở rằng đây là mít ống chứ không phải là sầu riêng cơm vàng hạt lép Cần Thơ.

Ruột cùi cắt vừa sát đầu múi, nhựa trắng lăn phăn ứa ra, một vài chiếc lá mướp hương tươi lau lướt là có thể nhón tay tách múi mít ống đầm đẫm những nước mật quánh dính. Vừa đặt múi mít lên ngang miệng, ta bỗng rùng mình vì cái sự ngon ngọt hấp dẫn đang chờ phút giây.

Và, bây giờ đã đến lúc ta trở lại địa danh Gia Thanh với cội hồng già cỗi vẫn cho trái đặc sản. Hồng không hạt Phù Ninh. Thứ hồng quả lớn hơn hồng Hạc. Hồng Gia Thanh có thể gọt vỏ ăn giòn khi đem ngâm nước tro bếp hoặc để chín tự nhiên trên cây. Một đặc tính quý khác thường mà hồng Hạc không thể sánh.

Trong mưa phùn gió bấc cuối đông, cây hồng Gia Thanh cằn cội đen thui không mảy may nảy lá vẫn lúc lỉu quả uốn đầu cành. Trái hồng ngậm cái rét, cái nóng, cái hanh hao bức sốt và cả những vi chất dưỡng sinh trong đất vào thịt quả phản ánh qua màu sắc da cam mỗi ngày một đỏ hường của vỏ.

Trái hồng chuyển hóa từng giờ từng ngày cho đến cận Tết ta, nó bỗng rực sáng lên màu hồng ngọc, căng mọng, hạt thịt quả nổi cát lấm tấm như đường dưới lớp vỏ lụa mỏng tang như khăn tissue của quí bà. Người ta nhẹ khứa mỏng tay là lớp vỏ đã nứt lộ ngời ngợi những gờ múi quả mát lành, dịu hồng như phiến lưõi con trẻ thôi nôi.

Đây đó trong các khu vườn Gia Thanh đào cúc xanh mướt ngò hành húng dổi bỗng rực lên trong mắt nhìn khách lạ những xum xuê  chấm sáng trái hồng chín cây thổn thức như bao lời mời còn e ấp chưa nói nơi môi người thiếu nữ.

Ơi là trái hồng Gia Thanh! Đã đặc sắc nay lại thêm phần phong vị khó diễn tả, dưới mỗi gốc trái đều tiềm ẩn di chỉ văn hóa người tiền sử. Khảo cổ học tìm thấy di cốt của người thiếu phụ với những đồ trang sức đặc sắc cách đây cả mấy nghìn năm tuổi dưới tầng rễ cây hồng. Phải chăng, thiếu phụ xưa cũng đã từng gieo trồng và hái trái hồng chín mỗi độ xuân.

Lẽ tự nhiên ở miền đất nhiều hoa thơm trái ngọt thì con người cũng là sự phán ánh chân thực những giá trị tự nhiên. 

Hãy còn bao điều chưa nói hết một lần. Đấy là chưa kể đến lễ hội Hát Xoan, sản phẩn văn hóa dân gian đặc sắc duy nhất chỉ có ở Đất Tổ. Vùng Xoan gốc là xã Kim Đức, với các phường Xoan nổi tiếng: Phù Đức, Kim Đới, Thét và An Thái. Nhắc đến lễ hội hát Xoan mở đầu một năm mới, mở đầu cho những điều tốt lành, mở đầu cho mùa khai hoa đậu quả mới thì người Phú Thọ hình dung ngay làn điệu Xoan nổi tiếng của miền Phù Ninh cội rễ.

Về Phù Ninh miền trung du của trung du. Về miền cọ xanh, nón trắng. Về Phù Ninh miền trái ngọt đi em. Ta đón đợi. Về nơi tình người, phẩm cách người hiển hiện vào vị thơm hoa trái.

Nước sông Lô mãi còn xanh thắm. Nước sông Thao mãi đắp phù sa. Trang giấy trắng Bãi Bằng mỗi ngày viết dài thêm một điều hay và tử tế. Câu ca Xoan trên môi em đã đằm lại nồng thơm mùi hoa trái ngây ngây.

N.T.T.K

Ảnh: Tư liệu 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook