Edouard Manet sinh ra trong một gia đình quý tộc. Cha ông từng là quan tòa có địa vị cao trong Triều đình. Mẹ ông là con đỡ đầu của Vua Thụy Điển và Na Uy. Theo lệ thông thường thời ấy thì Edouard Manet phải theo nghề của cha. Tuy nhiên số phận đã không quyết định như vậy. Khi còn ở trên ghế nhà trường, Edouard Manet là một học sinh có thể nói là rất bình thường. Nhưng cậu có một biệt tài và chỉ có duy nhất một mối quan tâm: tranh.
Năm 1848, khi tốt nghiệp phổ thông trung học, chàng thanh niên trẻ đã chọn hướng đi cho mình: hội họa. Nhưng nguyện vọng này không được người cha phê chuẩn. Edouard Manet hai lần thử thi vào trường Hàng Hải nhưng đều bị trượt. Cha ông đành nhượng bộ cho ông lập nghiệp trong ngành hội họa.
Chúa sinh ra con người trần trụi và con người phải tự mặc lấy quần áo cho mình. Từ nay Manet đã biết điều đó.
Không có dấu hiệu gì để đoán trước Edouard Manet sẽ trở thành người phát minh ra «hội họa mới ». Đó là một người đàn ông điềm tĩnh, tao nhã, thích giao thiệp và quyến rũ, ít có xu hướng gây những chuyện tai tiếng và nổi dậy chống lại những thể chế. Kẻ hủy diệt chủ nghĩa kinh viện dùng một mắt để quan sát Giorgione, Titien, Vélasquez, Goya, nhưng mắt còn lại thì hướng về tương lai. Họa sĩ Pháp này không bao giờ vẽ vì ngẫu hứng. Ông không chế tạo, mà soạn thảo.
Nhà tư sản này không phát minh ra nghệ thuật hiện đại, mà ông tổng hợp những phương pháp đương thời. Tác phẩm của Manet là sự hoàn thiện, là sự phát triển tột bậc của cả một quá trình cách mạng hội họa dài bắt đầu với Delacroix, và nối tiếp bởi Corot, Courrbet cùng những họa sĩ vẽ phong cảnh ở Barbizon (ở vùng Seine et Marne, gần Paris, là một trong những nơi đã trở thành huyền thoại của hội họa tiền ấn tượng). Những họa sĩ này nổi dậy chống lại tất cả những gì thuộc về quy ước bị lặp đi lặp lại tới mòn mỏi trong nghệ thuật đương đại của đầu thế kỷ 19. Họ đã tạo ra một sự nhạy cảm mới, mở ra một cách nhìn trực tiếp, đơn giản hơn.
Người cùng thời với Manet sửng sốt phát hiện ra một nền hội họa mới đang hình thành. Một phong cách hội họa trong đó người ta ít để tâm tới việc kể chuyện hay miêu tả. Một trường phái thể hiện chủ yếu sự nhạy cảm mới mẻ, một cách nhìn mới mẻ.
Trong Edouard Manet có hai con người. Một bên là người đàn ông dị ứng với nghệ thuật chính thống, là người thuộc chủ nghĩa vô chính phủ. Một bên là người đàn ông tham vọng, một Rastignac của Balzac, một công tử chải chuốt, một kẻ vươn tới thành công. Luôn tồn tại trong Manet một bên là người đàn ông thượng lưu xuất chúng, một bên là người nghệ sĩ. Và lúc nào nghệ sĩ cũng là người bị ngược đãi. Edouard Manet là một ví dụ hoàn hảo về cách mà một xã hội có thể giẫm nát những khát vọng của một con người, của một nghệ sĩ.
Tác phẩm của Manet là những bức tranh đầu tiên gây ra những cuộc luận chiến dữ dội trong giới hội họa. Bị giới phê bình và các thể chế ném ra bãi chăn thả gia súc trước công chúng, tranh của Manet bị giày xéo về mặt tinh thần. Vụ xì-căng-đan về trường phái ấn tượng xảy ra vài năm sau đó chính là hậu quả của sự việc trên. Những cuộc luận chiến ấy đạt tới mức độ dữ dội đỉnh điểm vào thời kỳ triển lãm bức Déjeuner sur l’herbe (Ăn trưa trên cỏ) và bức Olympia.
Olympia - 1863 - Bảo tàng Orsay
Bắt đầu từ khoảng 1863 thì Edouard Manet không còn là một họa sĩ vô danh nữa. Tiếng tăm về ông đặc biệt xấu từ khi ông trưng bày bức La Musique aux Tuileries ở galery Louis Martinet. Sự táo bạo trong cách phối màu, phối hình, những nét bút phóng khoáng, tự do gợi nhớ bức Joyeux Buveur của Frans Hals gây cho người xem một cảm giác bất ổn. Những khán giả này, quá quen với sự trang trọng buồn tẻ, chỉ nhìn thấy trong tác phẩm này của Edouard Manet một mớ bùng nhùng những người trong cả một biển màu trắng, màu đen, hồng và xanh lá cây sậm. Tuy nhiên những lời chỉ trích bức tranh này không thấm thía gì so với vụ xì căng đan do bức Le Bain gây ra sau đó. Bức này họa sĩ đã đặt lại tên vào năm 1867, thành Le Déjeuner sur l’herbe sau khi mà Claude Monet cũng vẽ một bức đặt tên Déjeuner sur l’herbe. Edouard Manet muốn thông qua đó khẳng định mình là người đầu tiên có ý tưởng về một bức tranh như vậy.
Bữa trưa trên cỏ - 1862-1863 - Bảo tàng Orsay
Công chúng cảm thấy rất bị sốc vì hình ảnh một người phụ nữ khỏa thân ngồi giữa hai người đàn ông đều vận y phục. Mà thực ra, chẳng phải là Manet đã lấy cảm hứng từ tác phẩm Jugement de Pâris của Raphael, và đặc biệt là từ bức Concert Champêtre của Titien trong đó cũng có đàn ông vận y phục và đàn bà khỏa thân đó sao ? Nhưng ở tranh của Manet, kỹ thuật vẽ và phối cảnh là nguyên nhân khiến các nhà phê bình phẫn nộ. Lối diễn tả mạnh mẽ, thẳng thừng của Manet làm cho những kẻ yêu nghệ thuật khỏa thân nhạt nhòe kiểu chủ nghĩa kinh viện phải run rẩy vì giận dữ.
Hai năm sau, đến lượt tác phẩm Olympia của Edouard Manet trở thành trung tâm của búa rìu dư luận. « một con vượn cái », « một mụ nịnh thần thối tha », «Trông mụ ta giống như là một con Q bích vừa trong buồng tắm chui ra »… đó là những lời lẽ dành cho Victorine, người mẫu trong bức Olympia. Người ta chỉ trích bàn tay mà Olympia đặt ở bụng dưới trông giống như một con cóc. Người ta phê phán sự hiện diện của con mèo đen và của bó hoa. Tất cả đều cảm thấy khó chịu vì cái vòng Victorine đeo ở cổ tay phải và dải ruy băng đen cô đeo ở cổ. Tóm lại, toàn bộ bố cục của tranh đều bị lên án.
Các nghệ sĩ của thế kỷ 19 vẽ nữ thần trông giống như những con điếm, ở đây Manet vẽ con điếm giống như một người đang phanh phui ruột gan kẻ xem một cách lạnh lùng.
Hôm qua cũng như hôm nay, nghệ thuật sống bằng những quy ước, và cái đẹp thường là một thói quen của nhãn quan. Phải đẩy lùi cái ghế ra đằng sau, để có thể đánh giá về một tác phẩm nghệ thuật.
T.H - Lược dịch bài của Jean-Marie Tasset
Ảnh 1: Le Balcon - (1868-1869) - Bảo tàng Orsay
Ảnh 3: Trích Olympia - Bàn tay