CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
TRANG VIẾT CỦA BẠN

LEONARD DE VINCI - NGHỆ SĨ, HUYỀN THOẠI VÀ NHÀ THIÊN CẢM

Thứ bẩy ngày 17 tháng 11 năm 2012 2:41 PM

Thi Hương lược dịch từ bài viết của Pietro C. Marani - Giáo sư bộ môn lịch sử nghệ thuật trường Đại học Bách khoa Milan, phó Chủ tịch bảo tàng quốc gia Breca tại Milan. Ông cũng là đồng giám đốc công trình phục chế bức La Cène của Léonard de Vinci, thành viên Ủy ban quốc tế công trình phục chế bức Sainte Anne ở bảo tàng Louvre.

Leonard De Vinci chết đi và đem theo ông biết bao nhiêu giai thoại cùng những bí ẩn. Nhà sáng tạo, pháp sư, triết gia, ông khoác trên mình tất cả những vai trò của một con người vĩ đại theo hình mẫu mà thế kỷ 19 đã định ra.  Nhưng trên cả huyền thoại và truyền thuyết, Leonard de Vinci phủ bóng trên lịch sử nghệ thuật bởi ông đã biết diễn đạt sự phức tạp của thiên nhiên trên tranh họa.

Vì sao những tác phẩm hội họa của Leonard de Vinci lại có thể gây ra những cảm xúc mạnh như thế cho công chúng trên toàn thế giới? Cái gì đã làm cho những bức tranh của ông vừa không thể bắt chước được, lại vừa gần gũi đến thế với sự nhạy cảm của chúng ta? Vì sao bất kể ai cũng bị thế giới của Léonard mê hoặc? Ông có phải là một người «hiện đại» không? Hay một nhà tiên tri? Tới độ có thể là hiện thân của những nỗi sợ hãi, những  mâu thuẫn và những khát vọng của con người đương đại? Các tác phẩm hội họa của ông có vị trí nào trong hình ảnh của Người nghệ sĩ toàn năng? Trước hết chúng ta cần nhớ rằng ông là một con người, một nghệ sĩ sống giữa một thời kỳ trung chuyển. Thời kỳ muốn bao trùm trật tự thế giới, sự huyền bí của các sinh vật (bản thể), đồng thời toát hiện ra những định ước, những nguyên tắc được thiết lập vào cuối thời Trung Cổ. Giai đoạn này, được đánh dấu bằng những tín ngưỡng sắt đá và những lý giải mang tính quyết đoán, lại hoàn toàn được hội nhập trong tác phẩm cũng như trong tinh thần của Léonardo de Vinci. Ông đã hoàn toàn hấp thụ những giả định lý luận, triết học và khoa học của thời đại mình.  

Tuy nhiên có một yếu tố làm nên sự khác biệt giữa ông với những thiên tài cùng thời đại. Đó là việc ông đề cập tới kho báu kiến thức thời Trung Cổ một cách rời rạc và có phần nào ngây thơ. Do biết rất ít tiếng La tinh và không hề nắm được ngôn ngữ Hy Lạp nên ông đã không tiếp cận được tới một phần các tác giả. Ở một phương diện nào đó, việc tự mầy mò trong sáng tác đã dẫn đến việc Léonard tiếp tục lệ thuộc vào phong cách truyền thống bác học. Và như vậy là tâm trí và tính nhạy cảm của ông được nuôi dưỡng bằng việc quan sát thiên nhiên, cội nguồn tươi mát và mới mẻ của kiến thức vũ trụ. Thiên nhiên là một cuốn sách khổng lồ mà ai cũng đọc được ngay cả khi không biết chữ : Hy lạp, La tinh hay Ả rập. Trong tay một nghệ sĩ như Léonard, họa và tranh, vốn là phương thức miêu tả thiên nhiên, sẽ trở thành công cụ khám phá thế giới, những dụng cụ để tìm hiểu và kiểm chứng những quy luật.


La Cène (1494-1498)

Chính là thế kỷ 19 đã làm méo mó hình tượng về Léonard de Vinci và tạo ra một « huyền thoại » về ông. Léonard de Vinci được những người cùng thời đại mình và các nhà văn của thế kỷ 16, 17 – từ Giorgio Vasari tới Félibien, miêu tả như nhà  sáng lập của một «kiểu cách hiện đại», vì ông đã phát minh ra lý thuyết về sự vận động và về những nỗi đam mê được phản ảnh qua thái độ và cách biểu cảm. Sang đến giữa thế kỷ 19, ông đột nhiên biến thành thiên tài toàn năng. Chính vào thời điểm này các nhà văn như Théophile Gautier, Charles Baudelaire và Walter Pater đã kiến tạo ra truyền thuyết về một nghệ sĩ bí ẩn, khó hiểu, khó giải mã. Họ chủ yếu dựa trên sự diễn giải võ đoán nhưng cực kỳ hấp dẫn và có sức mê hoặc về bức họa La Joconde. Léonard de Vinci, (mà theo cách gọi của Beaudelaire là «tấm gương sâu và tối» của thiên nhiên), hình như đã tạo ra hình ảnh một con ma cà rồng ở ngoài mọi thời đại, sinh tử triền miên không dứt (theo Pater), bằng việc đội lốt huyền thoại của «La femme fatale» (theo Gautier). Từ đó trong trí tưởng tượng tập thể La Joconde đã trở thành hình ảnh tượng trưng cho sự ưu việt của Léonard de Vinci, thay thế vị trí của tấm tranh tường La Cène. Đơn giản vì tác phẩm này được đặt ở một chỗ mà các nhà viết tiểu sử, du khách, và các nhà phê bình ai cũng nhìn thấy, còn La Joconde thì nằm trong một buồng tắm hay một căn phòng khép kín nào đó cho tới tận năm 1797.

Vậy nhưng La Cène mới chính là tác phẩm trong đó Léonard de Vinci bày tỏ đầy đủ nhất thuyết của ông về «sự vận động tinh thần», hay «sự vận động của tâm hồn », được thể hiện thông qua những gương mặt, những cử chỉ và thái độ của các nhân vật. Chắc chắn đây là tác phẩm mà Léonard de Vinci tạo ra để làm tuyên ngôn cho nghệ thuật của mình, để sau đó lại đưa lý thuyết đó vào Hiệp ước hội họa của ông. Từ chuyện này mà có ý kiến cho rằng Léonard de Vinci đã nhìn thấy trước một số nguyên tắc của tâm lý học hiện đại.

Thực ra cũng không cần chờ đến La Cène (1494-1498) để Léonard tỏ ra là nghệ sĩ canh tân trên nhiều phương diện khác của hội họa. Ví dụ ông đã cải tổ lại cách xây dựng bức tranh đặt sau lưng bàn thờ - La vierge aux rochers (1483-1486) - hiện đang được trưng bày ở bảo tàng Louvre, Paris. Thay vì tổ chức bức tranh theo kiểu truyền thống Lombardi như Butinone, Foppa hay Zenale từng làm, nghĩa là lắp ghép các hình khối vào với nhau theo chiều dọc, hoặc để chồng lên nhau (mà sau này trong Hiệp ước Hội họa Léonard de Vinci so sánh với những hộp đựng hoa quả), thì ông xây dựng bức tranh với một mặt phẳng duy nhất, trong đó chiều sâu của không gian được tạo ra không phải bởi sự nối ghép những hình khối, mà chỉ bởi cách sử dụng màu sáng-tối. 

Cùng lúc đó ông cũng đưa ra những bước cải cách cho những «chân dung» hiện đại. Những bức chân dung do Léonard de Vinci thực hiện theo truyền thống Lombardi quả thực là khác một cách căn bản với những tác phẩm của giai đoạn Flô răng xơ trước đó, hay đúng hơn là khác với tác phẩm duy nhất được thực hiện ngay trước đó mà chúng ta biết: Chân dung Ginevra de’Benci, được vẽ vào khoảng năm 1475 (Phòng triển lãm nghệ thuật quốc gia ở Washington). Ngoại trừ phương thức tạo hiệu quả làm ánh tóc và kỹ thuật dùng đầu ngón tay xoa màu ở bề mặt tranh, tại những vùng có gam màu hồng và những nơi cần tạo hiệu ứng «không khí» trong những vùng phong cảnh, thì ba bức chân dung do Léonard de Vinci thực hiện ở Milan hầu như không còn mang nét gì khác của cái ý niệm Bắc Âu lạnh lẽo kia nữa. Có chăng thì nó chỉ còn rơi rớt một chút xíu trong bức chân dung đầu tiên của ông - Chân dung một nhạc sĩ (Portrait d’un musicien - Milan, Pinacoteca Ambrosiana) - chứ không còn thấy ở hai bức vẽ sau đó là Người đàn bà ôm chồn (La Dame à l’hermine – Cracovie, Muzeum Narodowe, Muzeum Czartoryskich) và bức La Belle Ferrorière (Paris, bảo tàng Louvre). Ở ba bức chân dung này đều không hề có thêm phong cảnh, và các nhân vật được đặt trên một phông hình trung tính (sậm dần và tối, ít nhất là trong hai bức đầu), như thể những nhân vật ấy đang ở trong một căn phòng. Tư thế các nhân vật cũng khác cơ bản : Gương mặt của Ginevra de’Benci được vẽ gần như chính diện, trong khi đó ba chân dung kia mặt đều nghiêng khoảng ¾, và cách xây dựng hình họa toàn thân thì ngày càng phức tạp, tới độ thành gần như hình xoắn ốc và hình rắn ở bức Người đàn bà ôm chồn. Tác phẩm này, được thực hiện trong khoảng 1489-1490 đã được đánh giá như «bức chân dung hiện đại đầu tiên trong lịch sử» (Cecil Gould, 1975), nhờ vào cách nhìn về cái gọi là «tự nhiên», và vì đây là lần đầu tiên mà «sự vận động của tâm hồn» được thể hiện gần như dưới dạng sơ đồ trong một bức chân dung vẽ cho một cá nhân. Ở bức chân dung La Belle Ferronière, được thực hiện vài năm sau đó (khoảng 1495), và được thể hiện một cách có vẻ đơn giản hơn, thì dường như tác giả muốn tạo hiệu quả như một pho tượng, nhưng với dụng cụ sáng tác của họa sĩ, bằng việc áp dụng những kết quả đạt được từ những thử nghiệm quang học và những hình ảnh phản chiếu có màu sắc mà Léonard de Vinci bắt đầu dùng từ những năm đầu 1490.

Bức «Chân dung một nhạc sĩ» (Portrait d’un musicien) là tác phẩm theo đơn đặt hàng tư nhân đầu tiên mà Léonard de Vinci thực hiện từ khi ông đặt chân tới Lombardie – khoảng năm 1485. Nó được coi như tác phẩm chín muồi rất sớm trong bước đầu trưởng thành của nghệ sĩ. Bức tranh cho thấy Léonard de Vinci dần dần bứt ra khỏi những hình mẫu lý tưởng của nghệ thuật chân dung thời đại bấy giờ, và đặc biệt là ông có phong cách đối lập với tác giả những chân dung các nhân vật trong triều đình Sforza. Không phải là chân dung «nhìn nghiêng», theo nghệ thuật huy hiệu và bất động, mà là nghiêng ¾, và tuy rằng không có một cử động nào được phác ra, nhưng «sự vận động tinh thần» lại có thể cảm nhận được từ hướng nhìn của nhân vật, về phía ngoài bức tranh, và từ cặp mắt vừa dứt khỏi bản nhạc mà nhạc sĩ đang cầm trong tay phải để nhìn lên trên.

Vậy là trong những bức chân dung vẽ ở Milan, rất lâu trước sự ra đời của La Joconde, Léonard de Vinci đã pha trộn truyền thống Flô-răng-xơ với truyền thống Fla-măng và của Antonello. Ông đồng thời thổi thêm vào đó không chỉ sức sống hình thành nhờ sự am hiểu sâu sắc của mình về giải phẫu học mà cả sức sống mãnh liệt từ nội tâm. Tóm lại là một phương pháp nội quan tâm lý mới, thành quả của sự kết hợp không thể tách rời giữa nghệ thuật và nghiên cứu khoa học về thiên nhiên, con người.

Léonard de Vinci còn có một phát minh nữa về cách sử dụng màu và sfumato (thủ pháp làm mờ ranh giới). Qua việc phục chế lại bức La Cène (1978-1999) người ta đã nhận thấy rõ là từ thế kỷ 15, Léonard de Vinci đã sử dụng màu không chỉ như một chất liệu đơn thuần, mà như một chất liệu có vai trò kiến tạo không gian.

Sfumato theo định nghĩa của Léonard de Vinci là tạo ra đường viền các gương mặt giống như làn khói, không ấn định ranh giới cho đường viền này bằng hình vẽ, và cũng không đặt kề các màu sắc một cách rõ ràng. Kỹ thuật này được Léonard de Vinci sử dụng một cách nhuần nhuyễn nhất là trong những bức tranh ông vẽ trong khoảng hai thập kỷ cuối trong sự nghiệp sáng tác của mình, ví dụ ở bức La Joconde, Saint Jean-Baptiste và bức Sainte Anne ở bảo tàng Louvre. Trong những tác phẩm này, gương mặt các nhân vật hiện ra sau một lớp không khí dày, ẩm ướt và đầy hơi nước. Như vậy là dưới con mắt của khán giả, những gương mặt kia dường như xuất hiện một cách gián tiếp. Như thể người ta nhìn thấy chúng qua một lớp lọc làm dịu bớt sắc màu, với một thứ ánh sáng làm những gương mặt ấy lộ ra từ bóng tối.

Mỗi một phần tử nước trong không khí, như một lăng kính nhỏ xíu, được ánh sáng xuyên qua, phản chiếu và hắt lại ánh sáng lên các đồ vật. Chúng hợp nhất, có thể nói là hòa trộn không khí với các nhân vật, hòa trộn các nhân vật với với không gian chứa đựng họ, hoà trộn những cảnh tiền và cảnh hậu của phong cảnh, phong cảnh ở đây không mang giá trị phối cảnh đơn thuần, mà là hình ảnh một «continum», nơi mà thiên nhiên thay đổi và biến dạng, nơi mà thiên nhiên cũng có những giá trị như một cơ thể sống, như các nhân vật.

Nếu ai có may mắn được quan sát bức La Joconde ở gần thì sẽ nhận thấy một điều kỳ lạ: người ta có cảm giác sải tay ra là có thể chạm vào độ sâu ảo của không gian do họa sĩ tạo ra. Cảm giác này không giống như khi người ta muốn đưa tay vào «trong » hình ảnh phản chiếu qua tấm gương, mà nó gần hơn với cảm giác khi người ta nhúng tay vào nước trong một cái chậu hay trong một dòng thác nơi mà người đàn bà đó vẫn đang cựa quậy, đang sống (không chết như Ophélie, mà như một nữ thần muôn đời tái sinh). Ta sẽ có cảm tưởng như có thể chạm vào thân thể đó, gương mặt với nụ cười ranh mãnh đó, và có ý muốn kéo người phụ nữ đó về với thời đại của mình.

Như vậy mới thấy Léonard de Vinci khéo léo, tài ba đến mức nào, tới độ có lẽ chưa một nghệ sĩ nào khác đạt tới.

Nếu không phải là nhà sử học, có lẽ sẽ chẳng ai quan tâm đến chuyện thực tế người đàn bà đó là ai, liệu đó có phải là Lisa Gherardini del Giocondo (như đã được chứng thực) được Léonard de Vinci vẽ lên thành hình ảnh lý tưởng về một người phụ nữ đức hạnh, những đức hạnh vượt qua mọi thời đại, hay là một người phụ nữ khác. Nhưng bức tranh này chỉ biểu lộ được hết ý nghĩa của nó khi tác phẩm được đặt vào trong hoàn cảnh khi nó được sinh ra.

Quan niệm của Léonard de Vinci về việc hợp nhất tinh thần giữa nghệ thuật và khoa học chính là điều làm nên sự khác biệt của tinh thần de Vinci, nghệ thuật de Vinci. Tài năng thực thụ của Léonard de Vinci là ở chỗ ông đã biết diễn giải trên tranh những gì mà ông cảm nhận được từ sự phức tạp của thiên nhiên. Thực ra là ông đã nhân tính hóa thiên nhiên, làm cho thiên nhiên trở thành một thứ gì đó có thể giải mã được, nhờ vào những cấu thành khác nhau của bức tranh, với những công cụ đơn sơ mà ông có, và chủ yếu là công cụ nhãn quan, đặc biệt sinh động và sắc sảo ở Léonard de Vinci.

Trong công cuộc tìm tòi giải mã các quy luật thiên nhiên, nghệ thuật được Léonard de Vinci sử dụng như một công cụ phân tích và diễn giải, và nghệ thuật ở đây dường như trở thành khoa học. Nhưng trên con đường này, còn lẩn quất những mảng tối rất sâu mà nghệ sĩ đã không biết, hay không thể giải thích, đó chính là mảnh đất cho người đời đến tận ngày nay tiếp tục gắn cho tác giả những điều huyền bí dễ dãi.

Tất cả những gì ông đã sáng tác trong nghệ thuật, trên thực tế là để trả lời cho nhu cầu tháo bỏ tấm màn che phủ, hoặc nhu cầu cần chia sẻ về những quy luật cũng như hiện tượng thiên nhiên, chứ không phải để tìm hiểu và giải quyết những điều huyền bí. Chính vì thế mà các tác phẩm của ông quyến rũ mê hoặc được cả công chúng ngày nay và thời xưa. Trong sự quyến rũ mê hoặc kéo dài từ 5 thế kỷ nay có chứa đựng lý do cho thành công vĩnh cửu của những tác phẩm ấy.

 Pietro C. Marani - dịch bởi Thi Hương 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook