CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
TRANG VIẾT CỦA BẠN

NĂM NAY CÓ TẾT KHÔNG? THI HƯƠNG

Thứ bẩy ngày 9 tháng 2 năm 2013 12:00 AM

- Năm nay nhà mình sẽ không có Tết đâu nhé!

Bố thường gióng lên như vậy mỗi khi Tết sắp về. Bố nói thế nhưng chị em tôi đều biết mình sẽ vẫn được « ăn Tết ». Chỉ có điều ngày ấy, nhà chẳng bao giờ có cái Tết rôm rả. Để các con đỡ thất vọng, bố luôn chuẩn bị tinh thần cho mấy chị em bằng cách ấy.

Tết là gì? Với tôi hồi nhỏ, Tết là nồi bánh chưng. Tết « to » hay không phụ thuộc vào kích cỡ nồi bánh chưng! Ngày ấy trong xóm khi đi chúc Tết nhau từ nhà này sang nhà khác, câu chào cửa miệng luôn là : « Nhà năm nay Tết to không ? gói được bao nhiêu chiếc bánh chưng? » Khi bố nói nhà không có Tết, chúng tôi đều ngầm hiểu nhà mình năm nay sẽ không gói bánh chưng. Nhưng cuối cùng thì bằng cách gì bố mẹ cũng xoay xở để chúng tôi « có Tết », dù là nhỏ.

Cái thời mà cả nước nghèo khổ ấy, chúng tôi ở trong một xóm nghèo ngoại thành Hà nội. Tôi luôn nghĩ đó là cái xóm nghèo nhất nước, và nhà tôi lại là nhà nghèo nhất trong những nhà nghèo đó. «Xóm Mới », đó là tên của xóm tôi. Xóm của những gia đình thường niên bị lụt ngoài chân đê sông Hồng chạy vào. Gia đình tôi là một trong những « thành viên sáng lập » ra xóm này vào năm 1972. Khi ấy tôi lên 2 tuổi. Gọi là xóm nhưng thực ra khu dân cư chúng tôi thuộc đơn vị hành chính là thị trấn Gia Lâm. Trong xóm không có một hộ nào làm nông nghiệp. Tuy nhiên, cái « xóm Mới » của chúng tôi về mặt địa lý thì lại nằm lọt thỏm trong vùng nông thôn. Vây quanh là những làng mạc với dân cư làm nghề nông, là những con mương, là những cánh đồng. Tới hai chục năm sau những ngôi nhà cấp 4 được xây dựng thô sơ, đã xiêu vẹo qua nhiều mùa mưa bão, đã nhiều lần được thay tường, đảo mái… nhưng xóm nhỏ nghèo vẫn mang tên Xóm Mới.

Mặc dù chỉ cách Hồ Hoàn Kiếm chừng trên 4 km, nhưng địa bàn nông thôn huyện Gia Lâm cứ như thể là vùng xa xôi hẻo lánh tận đẩu tận đâu vậy. Mãi tới năm 1985 cầu Chương Dương mới thông thương và con đường Nguyễn Văn Cừ mới được mở. Sau đó một thời gian thì những ngọn đèn điện đầu tiên cũng xuất hiện trong xóm. Chỉ có một số ít nhà có khả năng mắc được điện ngay lúc đó. Mãi tận khi tôi vào Đại học rồi thì gia đình tôi mới được « khai sáng » bằng năng lượng hiện đại. Chiếc đèn dầu làm bằng tôn do bố tự chế là người bạn nhỏ suốt những năm đèn sách của tôi.

Cho đến tận khi tôi học cấp II, trong xóm chỉ có độ vài ba chục hộ. Cả xóm biết nhau. Các cụ ông thay nhau tổ chức các tuần trà mời quanh. Bọn trẻ con chúng tôi làm sứ giả. Chiều chiều lại có vài đứa dắt nhau chạy một vòng trong xóm để chuyển lời mời tới từng nhà. Đôi khi tuần trà được thay bằng tuần rượu. Chỉ có quốc lủi và lạc rang. Có khi còn rượu suông. Nhưng ai cũng vui thế ! nói cười rôm rả. Cứ như thể không có bữa gạo phải lo cho ngày hôm sau!

Thời kỳ bao cấp từ 1976 đến cuối 1986 được coi là một giai đoạn thất bại và tù đọng nhất của kinh tế Việt nam trong thế kỷ 20. Với tôi mùa hè 1985 sau khi Việt Nam đổi tiền là thời điểm tôi cảm nhận rõ nhất sự nghèo túng. Chưa khi nào bố mẹ để chị gái tôi, tôi và em trai, lúc ấy 17, 15 và 11 tuổi, phải trực tiếp kiếm tiền. Trước đó cả mấy chị em vẫn hàng ngày giúp bố làm ở xưởng gò. Người nào làm việc phù hợp với khả năng, sức lực của người đó. Nhưng mùa hè năm ấy, công việc của bố cũng rất hiếm hoi. Dân tình đã bắt đầu chuyển sang dùng đồ nhựa chứ không dùng những xô, chậu bằng tôn nữa. Tiền lương hưu của mẹ không đủ cho cả nhà. 3 tháng hè không ngày nào chị em tôi không đi mò cua bắt ốc. Trước đó thi thoảng chị em vẫn rủ nhau đi, như một thú vui, bắt về để mời các bạn hàng xóm sang ăn cùng. Cả chục người ngồi quanh nồi ốc luộc khói nghi ngút ăn say mê. Nhưng hè năm 85 thì không như vậy. Bữa gạo hàng ngày của cả nhà trông vào rổ ốc của chị em tôi. Trừ khi trời mưa bão, còn thì ngày nào mấy chị em cũng mỗi người một cái chậu, một cái rổ đội đi. Đi hết đầm này đến ao khác. Người lúc nào cũng trong tình trạng nước ngập đến tận cổ. Chân trần tay trần. Cứ ngâm mình như vậy dưới nắng hè. Thực ra sau này nhìn lại thì thấy ngày ấy vất vả, chứ lúc đó mấy chị em còn vui, còn thấy tự hào. Chiều nào về bố mẹ cũng ra ngõ đứng ngóng. Lòng cảm thấy ấm áp lạ. Vào năm học mới, tôi vào lớp 11. Bạn bè hỏi «sao mày đen thế? cả mùa hè đi biển à ? » Tôi cười cười chẳng ra gật cũng chẳng ra lắc. Hồi ấy nếu các bạn biết là tôi phải đi bắt ốc để lấy tiền đong gạo thì tôi sẽ xấu hổ lắm. Mà lẽ ra tôi không có gì phải xấu hổ. Bố mẹ đã dạy chúng tôi rất kỹ : « nghèo nhưng không hèn, đói cho sạch, rách cho thơm ». Chỉ vài chữ thôi nhưng tôi thấm thía cái nhân cách làm người. Làm được thế thì mình luôn có thể ngẩng cao đầu.

Ngay cả vào cái năm khó khăn nhất ấy, bố mẹ vẫn lo được nồi bánh chưng. Nho nhỏ thôi. Nhưng cũng đủ làm chị em chúng tôi vui. Cả nhà vẫn có dịp quây quần bên nồi bánh chưng thơm phức, cùng thức thâu đêm ôn lại chuyện của năm qua. Toàn những kỷ niệm vui. Thời thơ ấu của tôi nghèo mà ngọt ngào. Nhớ da diết những chiều hè trải chiếu bên bờ mương đọc sách, đánh bài lơ khơ… Nhớ da diết những lần cùng lũ trẻ trong xóm sang cánh đồng lúa trước nhà hái trộm đòng đòng… Nhớ da diết mùi lúa non thơm ngọt…

Ngày ấy Tết chỉ mong gói được vài chiếc bánh chưng trước là cúng ông bà tổ tiên, sau là để tận hưởng cái hương vị Tết cổ truyền đậm đà của bánh chưng thịt mỡ dưa hành. Cả năm bóp mồm bóp miệng để dồn vào ăn mấy ngày Tết.

Ngày nay ở thành phố hiếm người còn gói bánh chưng. Nhà nhà có cái để ăn quanh năm không còn thèm ăn vào dịp Tết nữa. Không khí Tết phai nhạt dần. Vài năm trở lại đây, người dân thành thị ở Việt Nam lại có xu hướng quay về tự gói bánh. Thứ nhất là để tìm lại không khí Tết ngày xưa, thứ hai là để đảm bảo an toàn vệ sinh. Bây giờ người ta không lo không có tiền gói bánh nữa, mà lo không mua được thịt lợn «sạch» để gói bánh chưng.

Năm nay ăn Tết xa nhà. Liệu có bánh chưng « sạch » mà ăn không nhỉ ?

Thi Hương - Paris, tháng Giêng 2013

Chia sẻ trên Facebook