CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
TRANG VIẾT CỦA BẠN

VĂN HÓA TRÀ TỎA HƯƠNG - HOÀNG ANH SƯỚNG

Thứ bẩy ngày 1 tháng 12 năm 2012 12:00 AM
 body {padding:0;margin:0;} body {padding:0;margin:0;} body {padding:0;margin:0;}

Văn hóa ẩm thực là cơ sở hàng đầu của sự sống. Nó cải tạo thể chất và tinh thần con người, đồng thời làm tiền đề cho sự phát triển của xã hội, của văn hóa và văn minh. Văn hóa ẩm thực nảy sinh đồng thời với sự xuất hiện của loài người và ngày càng phong phú theo sự phát triển của văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Từ xưa đến nay, loài người đã xây dựng, tích lũy, bồi đắp được nhiều tri thức sâu sắc, đa dạng và độc đáo xung quanh chuyện ăn uống thường ngày. Đặc biệt, nghệ thuật ẩm thực của người Á Đông thấm đượm quan điểm chỉnh thể, lấy sự quân bình âm dương và hòa hợp thiên nhiên làm nền móng, trong đó nghệ thuật thưởng trà là một trong những nghệ thuật ẩm thủy hàng đầu với 3 nền văn hóa lớn: văn hóa trà Trung Quốc, văn hóa trà Việt Nam và Trà đạo Nhật Bản.

Trong "Từ điển dược học", người Trung Hoa coi trà như một thần dược. Họ biết đến trà từ 3000 năm trước (từ thời kỳ nhà vua Shen Nung) và thịnh nhất vào đời nhà Đường (thế kỷ thứ VII). Chén trà đã được nâng lên một trình độ nghệ thuật rất cao, thâm nhập vào thi ca, hội họa, âm nhạc và đồ gốm. Đặc biệt, trà đã trở thành đối tượng nghiên cứu của các trà sư tài danh, trong đó, trà sư Lục Vũ với kiệt tác "Trà kinh" đã được mệnh danh là bậc "thánh trà". Bởi ông đã dạy cho con người biết cách trồng chè, biết nghệ thuật chế biến, pha chế trà, biết nhiều về tinh thần chén trà, coi thưởng trà như một thú vui tao nhã. Trà đã đi vào đời sống thường ngày của mọi tầng lớp, từ thành thị đông đúc đến rừng núi xa mờ, từ những bậc vương tôn công tử đến những người một nắng hai sương. Chén trà được xem như một người bạn tri kỷ.

Hương vị của chén trà bay xa dần. Đến thế kỷ thứ VIII, một học giả người Nhật Bản là Idesai Delfi đã tới những trú đình của người Trung Quốc để học cách uống trà và đem hạt giống về trồng ở vùng Uji gần Tây Kinh. (Hiện nay, vùng trà này ngon nổi tiếng thế giới). Và từ đó, chén trà đã trở thành chiếc cầu nối liền tình cảm giữa hàng ngàn quần đảo cách biệt nhau. Đến thế kỷ thứ XV, Senno Rikyu (1522 – 1591) đã sáng lập ra Trà đạo Nhật Bản. Đó không chỉ là một cách thức uống trà, chế tác trà độc đáo mà còn là một cách thức để tu thân dưỡng tính, đề cao yếu tố văn hóa trong sinh hoạt giao tiếp xã hội. Một bữa trà thường được tổ chức tại một phòng trà đơn giản và trang nhã. Cửa vào phòng trà rất thấp được che bằng rèm. Khách uống trà phải cúi gập người chắp tay bò vào để biểu thị sự khiêm tốn còn chủ trà thì quỳ trước cửa đón tiếp một cách cung kính, trân trọng. Trong phòng trà, trên bốn bức tường treo những bức thư họa. Và không thể thiếu hoa, được cắm tỉa theo những qui tắc của “hoa đạo”. Khi thực hiện bữa trà, chủ và khách cùng trầm tư mặc tưởng trong một thời gian dài cho đến khi trà nô mang trà ra, người chủ sự nâng bát trà với một tấm lòng cung kính. Họ xoay tròn nhiều lần bát trà để tìm góc đẹp nhất dâng trà mời khách. Tiệc trà diễn ra trong một không khí đầm ấm, thân mật và đầy trang trọng. Do vậy, trà đạo Nhật Bản là sự kết tinh của nhân tố nghệ thuật, triết học, đạo đức, là chất keo gắn kết tình cảm giữa chủ và khách. Nó trở thành tố chất không thể thiếu trong hành trang của các thiếu nữ Nhật Bản khi bước chân về nhà chồng. Đó là vẻ đẹp mang đậm bản sắc dân tộc đất Phù Tang.

Ở Việt Nam, tục uống trà cũng có từ rất lâu đời.  Người Việt Nam biết đến trà sớm hơn nhiều so với các nước. Theo một tài liệu khảo cứu của Ủy ban khoa học xã hội thì người ta đã tìm thấy những dấu tích của  lá và cây chè hóa thạch ở vùng đất tổ Hùng Vương (Phú Thọ). Xa hơn nữa, họ còn nghi ngờ cây chè đã có từ thời kỳ đồ đá sơn vi (văn hóa Hòa Bình). Cho đến nay, ở vùng Suối Giàng (Văn Chấn - Nghĩa Lộ), trên độ cao cả 1000m so với mặt biển, có một rừng chè hoang khoảng 40.000 cây chè dại, trong đó có 1 cây chè cổ thụ lớn nhất, 3 người ôm không xuể. Đã có những kết luận khoa học trong và ngoài nước khẳng định rằng: Việt Nam là một trong những "chiếc nôi" cổ nhất của cây chè thế giới.

Tục uống trà ở Việt Nam rất phong  phú. Từ cách uống cầu kỳ cổ xưa đến cách uống bình dân, hiện đại. Thường một bộ đồ trà có 4 chén quân, 1 chén tống để chuyên trà. Nước pha trà phải là thứ nước mưa trong hoặc thứ sương đọng trên lá sen mà người đi thuyền hứng từng giọt vào buổi sớm. Phương ngôn còn lưu truyền những lời dạy về cách uống trà như " trà dư, tửu hậu", rượu ngâm nga, trà liền tay", "Bán dạ tam bôi tửu. Bình minh nhất trản trà"...

Nói đến nghệ thuật thưởng trà Việt Nam là người ta lại nhắc đến thú uống trà của người Hà Nội. Vẻ thanh lịch, trang nhã,  sự cầu kỳ trong ẩm thực của người Hà Nội đã nâng tính thẩm mỹ của chén trà lên một trình độ rất cao. Nếu người dân vùng khác thích uống trà "mộc" (trà không ướp hương) thì nhiều gia đình Hà Nội xưa lại thích uống trà ướp sen, trà nhài, trà ngâu, trà cúc, trà sói... Đặc biệt trà sen là một thứ trà quý chỉ dùng để tiếp khách tri âm hoặc làm quà biếu. Trà sen tựa thứ trà mạn Hà Giang, mỗi cân ướp từ 1000 - 1200 bông sen Tây Hồ và phải là thứ sen chưa bóc cánh với "độ" hương cao nhất. Trà sen loại đặc biệt giá lúc nào cũng ở mức 2 - 3 chỉ vàng. ở Hà Nội hiện còn khoảng 30 gia đình làm loại trà này.

Ở nông thôn, người bình dân hay uống trà xanh. Đó là những lá chè tươi, rửa sạch, hâm trong nước sôi sủi tăm cá, nước trà thơm dịu, xanh ngắt. Uống trà bằng bát sành, hút thuốc lào và nếu sang hơn, có chiếc chè lam hoặc kẹo "cu đơ" xứ Nghệ. ở Nghệ An còn có tục uống "chè gay", hái cả cành lẫn lá hâm trong nước sôi. Trà được ủ nóng trên bếp than, lúc khát, chắt nước trong nồi ra uống.

Người Việt Nam hiện nay uống chủ yếu là trà xanh sơ chế bằng phương pháp thủ công mà người đời thường gọi là "trà mộc","trà sao suốt" hay "trà móc câu". Gọi là "trà móc câu" vì cánh trà sao quăn giống hình chiếc móc câu. Song người sành trà lại bảo phải gọi là "trà mốc cau" mới đúng vì chè tròn cánh, trôi tay, có mốc trắng như mốc cây cau. Còn "trà sao suốt" là phương pháp sao trà bằng nhiệt, tách nước (giảm bớt thủy phần) bằng tay với ngọn lửa liên tục, đều đặn, không to quá, không nhỏ quá. Người ta sao trà bằng chảo gang. Những thứ trà ngon thường được gọi chung là "chè Thái". Nhưng thực ra, trà bán ở thị trường hiện nay có rất nhiều nguồn gốc: trà Tân Cương, trà Mạn Hà Giang, trà Vị Xuyên, trà Lục Yên Bái, trà Suối Giàng.... Song trà dù được chế biến, được uống bằng cách nào (độc ẩm, đối ẩm, quần ẩm) vẫn biểu thị một thứ "đạo". " Đạo trà" Việt Nam thật trân trọng ở cách dâng mời đầy ngụ ý. Dù lòng vui hay buồn, dù trời mưa hay nắng, khách cũng không thể từ chối một ly trà nóng khi chủ nhà trân trọng dâng mời bằng hai tay. Dâng trà đã là một ứng xử văn hoá phổ quát biểu hiện sự lễ độ, lòng mến khách. Uống trà cũng là một ứng xử văn hóa. Uống từng ngụm nhỏ nhẹ để cảm nhận hết cái thơm ngọt của trà, cái hơi ấm toát ra từ 2 bàn tay dâng chén hoặc ủ nóng bàn tay khi mùa đông lạnh giá. Uống để đáp lại lòng mến khách của người dâng trà, để bắt đầu một tâm sự, một nỗi niềm, để bàn chuyện gia đình, xã hội, nhân tình thế thái, để cảm thấy trong trà có cả hương vị của trời đất, cỏ cây. Dâng trà và dùng trà cũng là một biểu hiện phong độ văn hóa, sự thanh cao, tình tri âm, tri kỷ, lòng mong muốn hòa hợp và sự giảm bớt, xóa đi những đố kỵ, hận thù. Uống trà là một cách biểu thị mức độ tâm đắc cùng người đối thoại, tình yêu, học vấn.

Những khía cạnh cuả văn hóa ứng ứng xử Việt Nam rất phong phú và biểu hiện tập trung nhất ở tục uống trà. Người ta có thể uống trà một cách im lặng và nhiều khi, im lặng là "nói" rồi. Người ta có thể xét đoán tâm lý người đối thoại khi dùng trà. Khi đã trở thành một cái thú thì người ta không thể quên nó, vì trà đồng nghĩa với sự sảng khoái, tỉnh táo, tĩnh tâm để mưu điều thiện, tránh điều ác. Tuy nhiên, trà cũng rất cần sự tiết độ. Người Việt Nam không uống trà ừng ực, đặc quá và cũng không thể uống liên tục suốt ngày. Vì trà là một triết học về sự tế nhị, nhạy cảm, thanh tao, sự suy ngẫm và óc tỉnh táo. Trà là một sự giao hòa với thiên nhiên, sự ứng xử hợp lý với thời gian, sự tiếp cận đầy nhân tính với không gian, với môi trường và con người. Ở Việt Nam luôn tồn tại một nền văn hóa trà thanh lịch và tỏa hương.

H.A.S

Ảnh tư liệu

Chia sẻ trên Facebook