CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
TRANG VIẾT CỦA BẠN

ALAN TURING - NGHIỆT NGÃ THAY SỐ PHẬN MỘT THIÊN TÀI! - THI HƯƠNG

Thứ sáu ngày 8 tháng 3 năm 2013 12:00 AM

Alan Turing, cái tên xa lạ đối với tôi trước khi được mời đi xem bộ phim tài liệu về ông. Con người vĩ đại nhường ấy, có công lao đóng góp lớn lao nhường ấy vào hòa bình nhân loại, vào sự phát triển kiến thức siêu đẳng như thế mà bị vùi dập vào địa ngục. Thật xót xa.

Codebreaker – người phá mật mã – là tiêu đề bộ phim tài liệu bi kịch về Alan Turing do Clara Beaven đạo diễn.

Những người nghiên cứu về toán học có lẽ không thể không biết tới Alan Turing. Thiên tài toán học người Anh này được coi như cha đẻ của ngành khoa học máy tính. Ông là người đầu tiên khởi xướng đề cập tới vấn đề trí tuệ nhân tạo (artificiel intelligence). Quan điểm của ông được trình bày trong bài viết rất nổi tiếng «Vi tính máy móc và trí thông minh» (Computing machinery and intelligence). Alan Turing cũng là nhà khoa học đã đặt nền tảng đầu tiên cho những nghiên cứu sinh toán học. Ông đặc biệt quan tâm đến mảng hình thái học. Vì sao những con ngựa vằn lại có những dải lông xen kẽ màu như vậy? Vì sao trên cánh bướm có những đốm khác nhau ở những loài khác nhau? vì sao cánh hoa được sắp xếp theo một trật tự nhất định ??? Đó là những câu hỏi mà Alan Turing từng mong muốn tìm ra lời giải.

Tuy nhiên, theo như tiêu đề bộ phim tài liệu, điều mà đại chúng có thể biết đến nhiều nhất về Alan Turing là ông đã tìm ra giải pháp « phá » mật mã của quân đội Phát xít Đức trong chiến tranh thế giới lần 2. Tuy lúc đó mới khoảng 30 tuổi, nhà toán học trẻ này đã phát minh, sáng chế ra nhiều kỹ thuật có thể đọc được mật mã vô cùng tinh xảo được chuyển bằng bộ máy bí hiểm Enigma của quân đội Đức. Đóng góp này của Alan Turing và đồng nghiệp hẳn đã cho phép Đệ nhị Thế chiến rút ngắn lại, tránh được thương vong cho hàng triệu người. Với công lao ấy, Alan Turing đã được tặng huy chương danh dự OBE (order of British Empire) vào năm 1945.

Cuộc đời nhà thiên tài bắt đầu biến thành địa ngục khi ông công khai có những quan hệ của người đồng tính. Alan Turing từ sớm đã biết mình có xu hướng này. Tuy nhiên vào năm 1941 ông đã từng cầu hôn với bà Joan Clarke, một đồng nghiệp cùng tham gia đội phá mật mã. Nhưng chỉ vài tháng sau đó, Alan Turing đã quyết định hủy bỏ ý định hôn nhân vì muốn thành thực với bản thân.

Anh Quốc là một đất nước hà khắc với vấn đề đồng tính luyến ái. Quan hệ đồng tính giữa hai người nam giới ở nước này chỉ được coi là hợp pháp vào năm 1967, với điều kiện hai người đó phải trên 21 tuổi, và chỉ quan hệ trong phạm vi riêng tư. Năm 1994, quan hệ tình dục đồng tính giữa hai nam giới được coi là hợp pháp bắt đầu ở tuổi 18. Tới năm 2000 thì hành vi này mới được coi là hợp pháp đối với cả nam và nữ từ 16 tuổi trở lên.

Cú đòn định mệnh đối với Alan Turing xảy ra vào năm 1952. Căn hộ của thiên tài toán học bị đột nhập và trong những đồ bị đánh cắp có chiếc đồng hồ đeo tay, kỷ vật thiêng liêng do cha ông để lại. Alan Turing quyết định trình báo với cảnh sát. Trong quá trình điều tra, ông đã không dấu giếm việc có bạn tình là nam giới. Với lời thú nhận này, nhà chức trách nước Anh cho ông hai lựa chọn : hoặc là ngồi tù, hoặc là quản thúc tại gia với điều kiện phải điều trị hóc môn, hay còn gọi là thiến hóa học (chemical castration). Alan Turing đã chọn giải pháp thứ 2, chấp nhận sử dụng hóc môn nữ để giảm nhu cầu tình dục. Phản ứng phụ của liệu pháp này là một thảm họa. Bộ phận sinh dục nam của Alan Turing bị teo đi. Vú lại phát triển hơn lên. Và đặc biệt là về mặt trí tuệ, ông hoạt động kém hiệu quả hơn trước rất nhiều. Mặt khác, dù là quản thúc tại gia nhưng Alan Turing cảm thấy hoàn toàn mất tự do.

Hai năm sau khi bắt đầu điều trị hóc môn, ngày 8/6/1954, người ta tìm thấy Alan Turing chết trên giường ngủ của mình, bên cạnh là một quả táo đang cắn dở. Khám nghiệm tử thi người ta biết ông bị ngộ độc xianua. Có phải Alan Turing đã tự sát bằng cách ăn quả táo tẩm độc như trong chuyện cổ tích ông hằng yêu thích «Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn » không? Câu hỏi này mãi mãi vẫn chỉ là giả thuyết.

42 tuổi. Kết thúc một cuộc đời tài ba. Nếu như Alan Turing sớm được giới khoa học công nhận và tôn vinh, thì lại bị nhà cầm quyền hắt hủi chỉ vì ông là người đồng tính luyến ái. Tới tận năm 2009 chính phủ Anh mới lên tiếng : «Xin lỗi. Anh xứng đáng được đối đãi tốt hơn thế.»

T.H - Từ Paris

Chia sẻ trên Facebook