CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
TRANG VIẾT CỦA BẠN

CẢM HỨNG VÀ CÔNG PHU - GS TRẦN THANH ĐẠM

Thứ hai ngày 23 tháng 9 năm 2013 12:00 AM

(Về những bản dịch thơ Đường ra lục bát của Vũ Khánh)

Tại thành phố Hồ Chí Minh, tôi nhận được từ thành phố Vĩnh Yên xa xôi một bưu phẩm quý: tập sách Lục bát với thơ Đường của dịch giả Vũ Khánh, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Sách in đẹp, trang nhã, có tranh minh họa, nội dung là 150 bài thơ Đường được dịch thành thơ lục bát. Dịch giả gửi tặng tôi, kèm theo một bản thảo vi tính dày gần 300 bài thơ Đường được dịch giả dịch bổ sung và nhuận sắc các bản dịch cũ, dự tính để tái bản. Thế là gần như đã có cả một tập Đường thi tam bách thủ gồm nguyên tác, phần dịch nghĩa và dịch thơ cũng toàn bằng thơ lục bát. Tuy gồm những bản dịch khiêm nhượng, nhỏ nhắn, song gom lại thì thành cả một công trình dịch thuật đồ sộ, hiếm có. Tôi chưa có hân hạnh được quen biết dịch giả Vũ Khánh, song kèm theo hai ấn phẩm, anh có viết cho tôi một bức thư mong được tôi góp ý, thẩm định và viết lời giới thiệu dịch phẩm của anh. Trước tấm lòng quý mến và tín nhiệm có phần cao quá thực chất của tôi, tôi rất cảm kích. Tôi đã đọc các bản dịch của anh và thể theo nhã ý và thịnh tình của anh, tôi xin viết sau đây vài lời giới thiệu, có lẽ cũng không thật cần thiết đối với những gì anh đã làm mà theo tôi đã có được chất lượng dịch thuật rất đáng quý.

Trong vòng hơn một trăm năm trở lại đây, thơ Đường đã được dịch ở Việt Nam. Nhiều lần dịch và nhiều người dịch. Đã có những bản dịch thành công của nhiều dịch giả nổi tiếng, làm cho nhiều bài thơ Đường, nhiều nhà thơ Đường dường như được sống lại một cuộc đời thứ hai ở Việt Nam, trong lòng yêu thơ của các người đọc Việt Nam, của các nhà thơ Việt Nam. Tuy vậy, sang thế kỷ XXI này, công việc này vẫn được tiếp tục, và có lẽ sẽ còn tiếp tục mãi. Cùng với thời gian, thơ Đường vẫn là tình yêu đồng thời là thách đố đối với các nhà thơ và những người yêu thơ Việt Nam. Có lẽ có phần khác với thơ các nước khác vào Việt Nam, người Việt Nam yêu thơ Đường, tiếp xúc với thơ Đường thường có một nguyện vọng như là sự thôi thúc nội tâm: đọc thơ Đường, hiểu thơ Đường chưa đủ mà còn tìm cách dịch thơ Đường nữa. Có thể xem đó là sự tiếp nhận đặc biệt ở Việt Nam đối với thơ Đường. Chuyển thơ Đường thành thơ Việt, đó là cảm hứng và nguyện vọng và cả công phu từ nhiều thế hệ.

Dịch giả Vũ Khánh có lẽ là một người có cảm hứng như thế với công phu như thế.

Như mọi người đều biết, người dịch thơ Đường phải vừa là một học giả, vừa là một thi sĩ. Phải hiểu nguyên tác, lời thơ vốn vừa thi vị vừa hàm súc, đó là đặc điểm của tất cả các bài thơ Đường, làm nên sức quyến rũ sâu sắc, đậm đà của mỗi bài thơ. Chính các đặc điểm đó gợi cảm hứng của người đọc thơ Đường, thúc giục người đọc hiểu thơ Đường và mong diễn tả cảm hứng nhận được từ thơ Đường sang thơ Việt. Công việc này vừa kỳ khu, vừa say mê như công việc của người giải mã một bí ẩn nghệ thuật. Dịch mỗi bài thơ như giải một bài toán ngôn từ và thi tứ, vừa khổ công vừa hứng thú, có niềm vui của sự tìm tòi và phát hiện, cả những sự bất ngờ sung sướng khi thành công và sự băn khoăn khi chưa giải mã được hoặc giải mã chưa hoàn toàn thỏa mãn. Có lẽ chính điều đó đã hấp dẫn bao nhiêu nhà thơ Việt xưa nay không ngừng tiếp nhận và phiên dịch thơ Đường, có niềm vui thú và cả những lao tâm khổ tứ vì công việc đó. Đó cũng là điều thú vị của nhiều thế hệ người đọc Việt Nam khi đọc thơ Đường và các bản dịch thơ Đường, một niềm vui của sự không bao giờ thỏa mãn.

Các dịch giả thơ Đường thường dịch theo nhiều cách. Thường thì dịch theo nguyên thể: luật thi thì dịch sang luật thi, cổ phong thì dịch sang cổ phong. Lối dịch này thường dễ đạt, song khó hay vì phải gò gẫm từng ý, từng câu, từng vần, khó dịch thoát được nguyên ý, nguyên tác.

Cũng phải thừa nhận rằng có nhiều dịch giả thành công trong cách dịch này. Phần lớn các vị đều là các bậc thầy của thể thơ luật. Tuy vậy, vẫn hiếm có bài được toàn bích, vừa diễn được ý tình lẫn nhạc điệu của nguyên tác.

Dường như mỗi khi dịch theo nguyên thể gặp khó khăn hay bế tắc, các dịch giả lại xoay sang dịch theo thể thơ dân tộc, nhất là thể lục bát hay song thất. Khi làm thế, thường thấy rõ hơn  sự khác nhau giữa hai thứ tiếng và hai nền thơ, mỗi bên có đặc sắc riêng. Tính cách uyển chuyển, mềm mại của thể thơ này xem ra thích ứng nhiều hơn với các trường hợp cần chuyển ý, chuyển tình của nguyên bản sang dịch phẩm, và nhiều dịch giả đã thành công. Lối dịch này có ưu điểm là người xem thơ không cần thiết phải so sánh với bài thơ cùng nguyên thể mà thưởng thức bản dịch một cách độc lập. ở đó dịch giả có thể sáng tạo nhiều cách dịch bất ngờ, thú vị. Tuy nhiên, thơ dịch thơ vẫn chưa thực sự thoát khỏi sự khống chế về vần điệu cho nên người dịch vẫn phải tìm cách thoát ra để đạt được những câu thơ thông thuận, mượt mà. Cái tài ở đó, mà đôi khi khi cái may cũng ở đó.

Chỗ đặc biệt nổi bật của Vũ Khánh là anh có dụng tâm và quyết tâm dịch tất cả các bài thơ Đường ra thơ lục bát. Thực ra trước anh, có Nhượng Tống đã từng làm điều tương tự khi ông dịch một số lớn thơ Đỗ Phủ ra lục bát, song chỉ thơ  Đỗ Phủ thôi và cũng không phải tất cả là thơ lục bát. Tôi cũng biết gần đây  có dịch giả Cao Bá Vũ ở thành phố Hồ Chí Minh làm công việc này - tập Thơ Đường chuyển lục bát, 100 bài, Nxb Văn học, H.2012. Nay đến lượt dịch giả Vũ Khánh với 300 bài thơ dịch cũng toàn lục bát của anh, tôi thấy cách làm này cũng đáng được tán dương. Công phu nhiều, thành tựu cũng không ít. Tôi tin rằng tập thơ dịch của anh sẽ được độc giả yêu thơ Đường, yêu các bản dịch thơ Đường đón nhận một cách xứng đáng.

Tôi nhận thấy: Vũ Khánh dịch thơ Đường không phải chỉ làm một công việc tùy hứng, tùy thích. Nhiều người trước nay làm như vậy, kể cả các dịch giả đã thành công. Bởi vì thật sự thì thơ Đường có những bài dễ dịch mà cũng có những bài khó dịch, thậm chí rất khó dịch. Vũ Khánh khi quyết tâm dịch hàng trăm bài thì không thể chỉ chọn những bài thuận lợi. Phải đương đầu với những bài khó, phải chấp nhận khó khăn, thiếu sót, thậm chí thất bại. Song anh đã kiên trì đối diện với khó khăn để khắc phục, để vượt qua. Và phải nói rằng: những lần vượt qua khó khăn của anh là rất nhiều, hầu như ở tất cả các trường hợp, anh đã tìm được cách vượt qua để bài thơ dịch “đứng” được, có những trường hợp sự cố gắng của anh được đền bù bằng những thành công.

Độc giả đọc kỹ các bản dịch, đối chiếu với nguyên tác, soi xét từng câu thơ, ý thơ, nhận thấy những chỗ khó, những chỗ “hiểm”, có thể thấy những chỗ dịch giả đã vượt qua để được bản dịch đến hoàn thành - tôi nói hoàn thành trong trường hợp chưa thật thành công, chỉ đạt được đến chỗ có thể đạt được.

Lần lượt đọc gần 300 bài thơ Đường dịch sang lục bát - có hai bài theo thể song thất: Tái hạ khúcTrường Can hành của Lý Bạch - đọc đi đọc lại nhiều lần, đối chiếu với nguyên bản, tôi rất vui mừng và khâm phục nhận thấy dịch giả phần lớn đã thành công. Nếu chỉ đôi ba bài thì tôi có thể nêu ví dụ để phân tích những chỗ được hay chưa được. Song số lượng bài dịch khá nhiều, số bản dịch đạt cũng không ít, tôi đã gặp nhiều phân vân khi chọn lựa để phẩm bình. Tôi hy vọng và tin cậy vào các bạn đọc như tôi đặt một chút tế tâm vào từng bản dịch của dịch giả để cảm thông với chỗ đạt và chưa đạt của anh. Tôi chỉ xin chọn ra sau đây một số trường hợp tiêu biểu - thật ra thì cũng là chọn lựa ngẫu nhiên chứ chưa hoàn toàn là tiêu biểu.

Ví như của Lý Bạch: Bài “Nguyệt hạ độc chước”

Hoa gian nhất hồ tửu,
Độc chước vô tương thân.
Cử bôi yêu minh nguyệt,
Đối ảnh thành tam nhân.
Nguyệt ký bất giải ẩm,
ảnh đồ tùy ngã thân.
Tạm bạn nguyệt tương ảnh,
Hành lạc tu cập xuân.
Ngã ca nguyệt bồi hồi,
Ngã vũ ảnh linh loạn.
Tỉnh thì đồng giao hoan,
Túy hậu các phân tán.
Vĩnh kết vô tình du,
Tương kỳ mạc Vân Hán.

Vũ Khánh dịch:

Trong hoa sẵn rượu một vò,
Một mình uống với ai mà có ai.
Này trăng ta có chén mời,
Bóng ta, ta nữa với người là ba.
Rượu kia trăng có mặn mà,
Còn đây bóng quẩn chân ta dưới này.
Lấy trăng với bóng bạn bầy,
Cùng nhau vui thú kíp ngày xuân tươi.
Ca lên trăng cũng bồi hồi,
Múa thôi thấy bóng như người cuồng điên.
Chưa say trăng bóng còn bên,
Say rồi ai nấy lại quên nhau mà.
Vong tình giao kết ba ta,
Hẹn nhau ở tít Ngân Hà trên kia.

Bài quen thuộc là “Khúc giang” của Đỗ Phủ:

Nhất phiến hoa phi giảm khước xuân,
Phong phiêu vạn điểm chính sầu nhân.
Thả khan dục tận hoa kinh nhãn,
Mạc yếm thương đa tửu nhập thần.
Giang thượng tiểu đường sào phỉ thúy,
Uyển biên cao trủng ngọa kỳ lân.
Tế suy vật lý tu hành lạc,
Hà dụng phù danh bạn thử thân.

Bài này đã nhiều người dịch nguyên thể. Vũ Khánh dịch cả hai bài ra lục bát:

Hoa bay thêm vẻ xuân gầy,
Tả tơi trước gió não thay dạ người.
Ngùi trông sắc nhạt hương phai,
Cảm thương lắm nỗi mềm môi chớ nề.
Lều sông chim trả đi về,
Mả cao vườn ngự thân nghê dãi dầu.
Xét ra nào phải cơ cầu,
Lụy chi tiếng hão cho rầu tấm thân.

Dịch thoát được ý như thế là giỏi lắm. Cả bài “Khúc giang” II cũng vậy.

Vũ Khánh dịch bát cú ra lục bát nhiều trường hợp thành công. Sau đây là một trường hợp của Bạch Cư Dị, bài “Vịnh Vũ hầu”:

Tiên sinh hối tích ngọa sơn lâm,
Tam cố na phùng thánh chủ tầm.
Ngư đáo Nam Dương phương đắc thủy,
Long phi thiên ngoại tiện vi lâm.
Thác cô ký tận ân cần lễ,
Báo quốc hoàn khuynh trung nghĩa tâm.
Tiền hậu xuất sư di biểu tại,
Linh nhân nhất lãm lệ triêm khâm.

Vũ Khánh dịch:

Tiên sinh nằm khểnh sơn lâm,
Chúa hiền lều cỏ ba lần tới lui.
Nam Dương cá được nước rồi,
Rồng bay Tây Thục giữa trời làm mưa.
Con côi thống thiết cậy nhờ,
Dốc lòng báo quốc dám ngờ tấc son.
“Xuất sư” hai biểu hãy còn,
Mỗi lần xem đến lại tuôn lệ ròng.

Dịch tứ tuyệt thành lục bát thường dễ gặp. Dịch bát cú ra lục bát thường khó hơn. Vũ Khánh thành công ở nhiều bài của Lý Bạch. Tôi muốn dẫn thêm bản dịch bài thơ nổi tiếng của Hàn Dũ:

Nhất phong triêu tấu cửu trùng thiên,
Tịch biếm Triều Châu lộ bát thiên.
Bản vị thánh triều trừ tệ sự,
Cảm tương suy hủ tích tàn niên.
Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại,
Tuyết ủng Lam Quan mã bất tiền.
Tri nhữ hữu lai ưng hữu ý,
Hảo thu ngô cốt chướng giang biên.

Vũ Khánh dịch:

Sáng dâng lên bệ tờ tâu,
Chiều đày muôn dặm Triều Châu mịt mù.
Chỉ là tệ hại muốn trừ,
Ngoài ra dám tiếc tuổi thừa này sao.
Mây giăng Tần Lĩnh nhà đâu,
ải Lam tuyết ngập vó câu dùng dằng.
Cháu từ xa đến hẳn rằng,
Bờ sông nhặt nắm xương tàn chú đây.

Dịch luật thi bát cú ra lục bát như vậy cũng thật là thoát ý, thấu tình lại xuôi lời, hợp cảnh, khó có thể khác. Vũ Khánh vận dụng thể thơ dân tộc như vậy là nhuần nhị, vững vàng vượt qua được các chướng ngại.

Ở trên là các trường hợp khó dịch. Các trường hợp khác, dịch giả cũng nhiều lần vượt khó thành công, có khi bất ngờ. Cũng trường hợp Bạch Cư Dị, bài “Đại Lâm tự đào hoa”:

Nhân gian tứ nguyệt phương phi tận,
Sơn tự đào hoa thủy thịnh khai.
Trường hận xuân quy vô mịch xứ,
Bất tri chuyển nhập thử trung lai.

Tản Đà dịch:

Tháng tư hoa đã hết mùa,
Hoa đào rực rỡ cảnh chùa mới nay.
Xuân về kín chốn ai hay,
Biết đâu lẩn khuất trong này núi non.

Tôi cho rằng Vũ Khánh dịch sát hơn và thoát hơn:

Muôn hoa tàn tạ tháng tư,
Riêng đào mơn mởn sân chùa núi đây.
Tiếc xuân tìm kiếm bấy nay,
Hóa ra xuân trốn trong này biết đâu.

Dịch thơ Đường như trên, tưởng khó mà hóa ra dễ nếu gặp may. Vũ Khánh đã gặp may ở cái ý “xuân trốn trong này” mượn của Tản Đà mà lại “qua mặt” được Tản Đà một cách bất ngờ.

Cũng có trường hợp, tưởng dễ mà khó không thể vượt qua. Đó là trường hợp bài thơ viết như chơi của Lý Bạch khi từ biệt bạn bè ở Kim Lăng:

Phong xuy liễu hoa mãn điếm hương,
Ngô cơ áp tửu hoán khách thường.
Kim Lăng tử đệ lai tương tống,
Dục hành bất hành các tận thương.
Thỉnh quân thí vấn đông lưu thủy,
Biệt ý dữ chi thùy đoản trường.

 

Bốn câu trên Vũ Khánh dịch tương đối đạt:

“Liễu hoa” quán gió hương bay,
Gái Ngô mời nếm khách say với tình.
Kim Lăng bạn tới vây quanh,
Muốn đi không được chén đành lại nâng.
Hỏi anh dòng nước về đông,
Với tình lưu luyến mà trông vắn dài?

 Hai câu cuối bài thơ này đưa người dịch vào “tử vận”. Vũ Khánh dịch được câu sáu song sang câu tám không “áp vận” được cái vần “đông” để diễn cái ý “Biệt ý dữ chi thùy đoản trường”. Cái vần “đông” ấy hóa ra “tử vận” làm cho câu cuối của anh thành vô nghĩa. ở đây, ta phải tìm về bản dịch nguyên thể của Khương Hữu Dụng, tưởng là duy nhất, là độc đáo không thể dịch khác cái ý “thùy đoản trường”:

Quán ngạt ngào hương gió liễu bay,
Cô hàng rượu đẹp ép người say.
Kim Lăng bạn trẻ ra đưa tiễn,
Kẻ ở người đi cạn chén đầy.
Nhờ ai hỏi nước Trường Giang thử,
Nước ấy tình kia ai vắn dài ?

Cái ý “Thiếp ý quân tâm thùy đoản trường” này trong Chinh phụ ngâm, Đoàn Thị Điểm cũng phải thoát ra:

Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

Khương Hữu Dụng thoát được tử vận ấy nhờ dịch theo nguyên thể, còn Vũ Khánh dịch ra lục bát thì kẹt trong đó, chỉ vì cái vần “đông” hiền lành, tưởng dễ mà cực khó không tìm ra được chữ nào khác để thay:

Hỏi anh dòng nước về đông
Với tình lưu luyến mà trông vắn dài?
 

Nhưng ở một bài khác, anh đã tìm cách thoát khỏi “tử vận” một cách thông minh. Dịch bài “Sơn hành” của Đỗ Mục:

Viễn thướng hàn sơn thạch kính tà,
Bạch vân sinh xứ hữu nhân gia.
Đình xa tọa ái phong lâm vãn,
Sương diệp hồng ư nhị nguyệt hoa.

Tương Như dịch bài tuyệt cú này theo nguyên thể:

Lên đỉnh non thu chếch nẻo ngoài,
Giữa vùng mây trắng thoáng nhà ai.
Dừng xe, chiều ngắm rừng phong thẳm,
Lá đỏ hơn hoa giữa tháng hai.

Dịch thế là thoát được “tử vận” nhị nguyệt hoa. Còn Vũ Khánh dịch ra lục bát có thoát được không? Anh dịch:

Xe lên đường núi chênh chênh,
Xa trông mây trắng vờn quanh mấy nhà.
Rừng phong thu nhuộm bóng tà,
Lá sương đỏ thắm hơn hoa giữa mùa.

Nhị nguyệt hoa mà dịch là hoa giữa mùa là cùng với cả bản dịch thoát ra khỏi “tử vận” đồng thời đạt được nguyên ý và vẻ đẹp của bài thơ chuyển sang lục bát.

Nếu đọc kỹ các bản dịch của Vũ Khánh đối chiếu với nguyên tác, bạn đọc có thể gặp nhiều trường hợp “thoát hiểm”, “vượt khó” tương tự của anh khi dịch để đồng cảm với cố gắng và công phu của anh.

Tôi đã nói ở đầu bài: dịch một vài bài thơ Đường cho đạt tuy khó mà vẫn dễ, dịch hàng loạt bài thơ Đường từ nguyên thể khác nhau sang đồng loạt thơ lục bát thì thật là kỳ công. Dịch thế là có chủ ý chứ không phải là ngẫu hứng. Dịch thơ ở đây thành một thứ công phu, một việc lao động miệt mài để tạo nên thành tựu.

Viết vắn tắt mấy lời bình phẩm lối dịch thơ Đường ra lục bát của Vũ Khánh, tôi muốn kết thúc bài viết của mình bằng một nguyện vọng đối với anh: vì công việc của anh không phải là ngẫu hứng cho nên mong anh nên tiếp tục lâu dài cách dịch này đối với nhiều bài thơ nữa để có một công trình dịch thơ Đường sang lục bát có quy mô, có tầm cỡ, như một công trình không chỉ về dịch thuật mà còn về học thuật, độc đáo và hiếm có. Thơ Đường còn rất nhiều bài cần dịch, nhất là thơ của các nhà thơ lớn - Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Vương Duy, Đỗ Mục, Lý Thương Ẩn,... Nếu được đồng loạt dịch sang lục bát với chất lượng dịch thuật tốt như anh đã làm và đang làm thì đó là một cống hiến rất quý của anh cho văn học dịch nước nhà. Vũ Khánh đang còn trẻ, sung sức và có năng khiếu. Tôi tin anh sẽ tiếp tục công việc của mình và có những thành công lớn hơn.

TP. Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 5 năm 2013 - TRẦN THANH ĐẠM

 

Chia sẻ trên Facebook