CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn

WASHINGTON D.C - BẢY NĂM SAU TRỞ LẠI

Thứ sáu ngày 27 tháng 6 năm 2014 12:00 AM

Chiếc Boeing 777- 200 khổng lồ của hãng hàng không Korean Air rùng mình lao trong không trung. Như con cá lớn vẫy đuôi, thỉnh thoảng nó rung lắc mạnh khi qua những vùng thời tiết xấu. Ðêm mênh mông, thăm thẳm và lê thê trên chặng đường bay hàng chục ngàn dặm. Tôi ngả vào thành ghế, không ngủ được… ngồi thức đợi trời sáng, chờ Washington hiện ra qua cửa sổ máy bay. Chắc thành phố thủ đô này đã thay đổi nhiều lắm sau 7 năm tôi trở lại.

Hơn năm giờ sáng, chân trời dần ửng hồng báo hiệu bình minh đang lên bên kia bán cầu, cũng là lúc tiếp viên thông báo máy bay đang giảm dần độ cao để đáp xuống sân bay thủ đô nước Mỹ.  Qua ô cửa sổ, nhìn xuống làng mạc, phố phường xung quanh Washington D.C trắng xóa một màu lạnh giá. Tuyết phủ kín trên khắp đồi núi, ruộng đồng, cứ như ai đó đổ nước vôi trắng lênh láng trên mặt đất, nhìn xa hơn lại giống những khay socola trắng khổng lồ… Thế rồi máy bay cũng kịch đất, rung nhẹ trên đường băng… Chúng tôi đã đến đất Mỹ sau gần 20 tiếng đồng hồ.


Trước Nhà Quốc Hội

Mặc dù rất lạnh, ngoài trời chỉ -7 độ, Washington vừa qua trận bão tuyết ghê gớm, có chỗ tuyết dày hơn 1 mét; và cho dù thức suốt đêm qua trên máy bay, tôi vẫn náo nức muốn đi thăm ngay thành phố, nơi tôi đã đến đây bảy năm về trước. Rất may, khách sạn Club Quarters Washington D.C, nơi chúng tôi ở gần ngay trung tâm thành phố. Từ đây đến Tòa Bạch Ốc (
White House) đi bộ chỉ mất khoảng 5-7 phút đồng hồ.

 

Trước Nhà Trắng

Tôi bước đi thong thả trên đường phố Washington giữa lúc chính ngọ. Trời nắng rực rỡ nhưng vẫn rất lạnh, nhất là khi những gió chợt đến. Mải mê ngắm nhìn những con đường, phố xá, nhà cửa, cứ ngỡ như khó nhận ra những nơi mình đã đến vì sự đổi thay nhanh chóng và mạnh mẽ của thế giới hiện đại- một ngày có khi bằng mấy chục năm. Thế nhưng càng đi, tôi càng ngộ ra một điều hóa ra mình nhầm tưởng. Washington dường như không có gì thay đổi. Vẫn con phố ấy, quảng trường ấy. Bên trong hàng rào sắt, tòa Bạch ốc (còn gọi là Bạch cung hay Nhà trắng) vẫn im lìm, lạnh lùng như kem, uy nghi đứng đấy trên đại lộ Pennsylvania NW
; số nhà 1600; dường như nó vẫn nguyên vẹn từ khi khởi công năm 1792 đến bây giờ… 



Cùng các nhà khoa học giáo dục Hoa Kỳ

Vẫn là công viên xanh National Mall- trái tim của nước Mỹ; nơi tập trung các các cơ quan quyền lực, chính trị và văn hóa lâu đời của Hoa Kỳ: nhà Quốc Hội, tòa Bạch Ốc và những đền đài anh hùng dân tộc, các bảo tàng lưu trữ những báu vật lịch sử quốc gia. Đây cũng là nơi thường diễn ra các sự kiện trọng đại, những lễ hội lớn nhất của nước Mỹ.

Tôi lặng ngắm nhìn Điện Capitol hay Tòa nhà trụ sở của Quốc hội Hoa Kỳ. Nó tọa lạc trên đồi Capitol ở cuối phía đông của Natioanal Mall. Nổi tiếng về mái  vòm lớn đứng trên rotunda, với hai cánh cho mỗi viện Quốc hội: bắc là Thượng nghị viện và nam của Hà nghị viện. Từ khi George Washington đặt viên đá góc, đánh dấu ngày khởi công xây dựng (1793), cho đến nay nó vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, sừng sững giữa trời không một đổi thay. Và điều đặc biệt là Điện Capitol trở thành hệ quy chiếu cho quy hoạch thành phố; năm 1910 quốc hội thông qua Đạo luật về chiều cao của nhà cao tầng (Heights of Buildings Act of 1910) quy định không có bất cứ toà nhà nào của thủ đô Washington được phép xây cao hơn ngôi Điện Capitol này. Một ý tưởng mang đầy ý nghĩa, triết lý về thượng tôn pháp luật của xứ xở này.

Vẫn còn đó, không có gì đổi khác là Đài tưởng niệm Washington (Washington Monument)- một cây bút chì khổng lồ màu trắng đứng kiêu hãnh tại phía cạnh phía Tây của khu National Mall. Có lẽ vì thế nó còn có tên là Tháp Bút chì. Đây là một công trình lớn, cao 169,29m bằng đá Cẩm thạch, granite... được xây dựng để tượng niệm tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ: George Washington. Tượng đài là cấu trúc công trình nền cao nhất trên thế giới, Người thiết kế tượng đài này là Rober Mills, một kiến trúc sư tài danh nổi bật của Hoa Kỳ cuối thập niên 1840 .

Không chỉ mình Đài tưởng niệm Washington, nằm trong khu công viên xanh mát National Mall bên cạnh dòng sông Potomac ở trung tâm thủ đô Washington, D.C… còn có rất nhiều đài kỷ niệm khác nhằm vinh danh tưởng nhớ những vị tổng thống có công với đất nước, những chiến sĩ hy sinh trong các cuộc chiến như Ðài tưởng niệm Lincoln, Ðài tưởng niệm Jefferson, Ðài tưởng niệm người lính trong Thế chiến thứ II, Đài tưởng niệm Franklin Delano Roosevelt, Đài tưởng niệm Cựu chiến binh Triều Tiên, Đài tưởng niệm Cựu chiến binh Việt Nam, Đài tưởng niệm chiến tranh của Quận Columbia và Đài tưởng niệm Albert Einstein,  Cục lưu trữ Quốc gia lưu giữ hàng ngàn tài liệu cho từng thời kì của lịch sử Hoa Kỳ, trong đó có những tài liệu vô giá như Tuyên ngôn độc lập, Hiến pháp Pháp lệnh về các Quyền ( Bill of Rights )... Tất cả những đài tưởng niệm, dinh Tổng thống, Toà nhà Quốc Hội, Pháp Viện tối cao cũng như các viện bảo tàng; Thư viện Quốc hội … đều quy tụ ở khu trung tâm này. Và tất cả dường như không có gì đổi khác.



Cảnh sát Mỹ tuần du trên đường phố Washington, DC.

Cứ nhìn vào bề ngoài của Washington như trên thì có vẻ như mấy năm qua Hoa Kỳ không phát triển; Thủ đô chẳng được mở rộng thêm như Hà Nội của Việt Nam; nhà cửa chẳng thấy xây cất thêm được gì mới, đường phố vẫn như xưa… Nhưng ai cũng biết đó chỉ là hình thức, thực chất hoàn toàn không phải thế. Sự ổn định “vẫn như xưa”,“không có gì đổi khác”của thủ đô nước Mỹ cho thấy tầm nhìn xa rộng của Washington- một tầm nhìn vượt thời gian, mang tính ổn định, lâu dài cả nội dung lẫn hình thức. Phải chăng vì thế mà Washington dường như không có gì thay đổi mà vẫn luôn luôn mới; luôn luôn trẻ; luôn đồng hành được với mọi thời…Nó là nền tảng ổn định cho sự tăng trưởng đều đặn mà vô cùng vững chắc của một quốc gia đứng đầu thế giới. GDP của Hoa Kỳ khi lần trước tôi đến, năm 2006 là 13.000 tỷ USD. Chỉ cần mức tăng trưởng 1% của nền kinh tế đó đã lớn hơn cả tổng GDP của Việt Nam. Mỹ hiện vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới với GDP 2013 khoảng 16.700 tỷ USD – gần gấp đôi quốc gia xếp sau là Trung Quốc (8.940 tỷ USD); 1/3 triệu phú và 40% tỷ phú trên thế giới có quốc tịch Mỹ…

Giáo dục là động lực thúc đẩy sự phát triển cho bất kỳ một quốc gia nào. Giáo dục Hoa Kỳ đề cao tính công bằng và khuyến khích tối đa tự do sự sáng tạo. Một nền Giáo dục mở rộng cho mọi đối tượng tham gia đều phát huy hết tiềm năng, sở trường của chính mình. Hàng năm Hoa Kỳ vẫn là nước đứng đầu tổng số các phát minh sáng chế. Riêng năm 2013, theo báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới Liên Hợp Quốc (WIPO) có 205.300 đơn xin cấp bằng sáng chế theo Hệ thống hiệp ước hợp tác sáng chế (PCT), thì tỷ lệ đơn của Mỹ đã chiếm tới 56%. Hoa Kỳ cũng là quốc gia có nhiều người giành được giải Nobel nhất thế giới. Riêng trong giáo dục phổ thông, Hoa Kỳ không phải là nước đứng đầu kỳ khảo sát đánh giá học sinh quốc tế (PISA), nhưng luôn đứng đầu tuyệt đối trong các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc tế dành cho học sinh trung học do Intel tổ chức ( Intel ISEF). Chỉ xin dẫn ra kết quả gần đây nhất của kỳ thi Intel ISEF năm 2014: số nước và vùng lãnh thổ tham dự là 76 trong đó 38 nước có giải. Hoa Kỳ là nước đứng đầu với 27/38 giải Nhất; 54/73 giải Nhì; 87/111 giải Ba và 274/ 366 giải Tư. Tổng số giải của Hoa Kỳ là 548/732 giải. Việt Nam mới tham gia kỳ thi này lần thứ 2, mặc dù chỉ đạt 2 giải tư nhưng đã được coi là một nỗ lực rất lớn.

Tạm biệt Washington DC. Với tôi, điều bất ngờ nhất sau 7 năm trở lại chính là cái bề ngoài không có gì thay đổi của thủ đô một đất nước được coi là cường quốc số Một này.

Hà Nội, tháng 2-2014

 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook