CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn

NGHĨ KHI NẰM VIỆN

Thứ tư ngày 31 tháng 12 năm 2014 12:00 AM

Cứ theo trí nhớ của tôi thì lâu lắm rồi, dễ đến 50 năm, tôi chỉ đến bệnh viện đi thăm người khác: người thân, bạn bè, đồng nghiệp…còn mình thì chưa phải đi nằm viện lần nào. Cũng có lúc ốm, khi đau, nhưng chỉ là mấy căn bệnh vặt, toàn uống thuốc ở nhà… Có thể nói tôi toàn nhìn bệnh viện qua con mắt của người ngoài, người đến thăm bệnh nhân, chứ không phải bệnh nhân.

Thế rồi đùng một cái, tôi quyết định nằm viện. Cái bệnh của tôi đã có hàng chục năm rồi và hình như ngày càng nặng hơn, nhưng bề ngoài không có biểu hiện nguy cơ gì cả.  Đó là bệnh Hội chứng ngưng thở khi ngủ. Theo các chuyên gia y tế thì mỗi người khi ngủ có thể cho phép ngưng thở một số lần, người bình thường dưới 5 lần/ giờ. Với tôi, sau khi đo giấc ngủ ở phòng chuyên khoa, con số này  lên đến 39 lần/ giờ; lần dài nhất là 1,5 phút. 39 lần ngưng thở/ giờ với các độ dài rất khác nhau tạo nên các cơn ngáy to, nhỏ không đều và bất bình thường cả âm thanh lẫn nhịp điệu. Căn bệnh này làm giấc ngủ của tôi bị vỡ vụn, nhàu nát; oxy lên não rất ít; ngủ không sâu, không yên giấc, mỗi đêm phải tỉnh lại nhiều lần. Cứ thiu thiu sắp ngủ thì dường như có ai đó bịt kín mũi mình, không thở được và phải tỉnh dậy. Có thể nói như là bị tra tấn trong giấc ngủ. Vợ tôi bảo, trông tôi ngủ tthấy còn nhọc nhằn hơn cả đi cày ruộng. Những lần ngưng thở lâu, khi đó sự sống bị de dọa, rất có thể “đi luôn” theo giấc ngủ. Chính lúc ấy, bản năng sinh tồn luôn đánh thức ta dậy với một tiếng e hèm: “ê, mày sắp tắt thở đấy”… Thế là ta bừng tỉnh và thoát ra được tình huống hiểm nghèo… Nhưng rồi lại đâu vào đấy; cứ như thế "đánh vật" với giấc ngủ suốt đêm. Một đêm ngủ mấy tiếng, nhân lên với 39 thì sẽ biết có bao nhiêu lần tôi ngưng thở trong đêm. Chất lượng sống giảm sút, hiệu quả làm việc hạn chế, trí nhớ bị ảnh hưởng… và nhất là ham muốn cái đẹp nguội tắt…nguy cơ đột tử tăng cao… Đó là hậu quả của căn bệnh này.

Nguyên nhân của căn bệnh này là gì? Với trường hợp của tôi; sau khi khám, các bác sĩ kết luận bằng những phán đoán với nhiều thuật ngữ chuyên môn mà chính tôi cũng hiểu lờ mờ: hẹp và vẹo vách ngăn mũi, phì đại cuốn mũi dưới hai bên, hẹp khoảng sau khẩu cái mềm…. Tóm lại có thể hiểu một cách đơn giản là đường thở bị tắc do cấu trúc mũi và vòm miệng của mình không chuẩn. Giải pháp bác sĩ đưa ra là: Mổ vẹo vách ngăn trái, phì đại cuốn dưới hai bên; cắt amiđan, chỉnh hình màn hầu cải tiến. Giải phẫu mũi thì được thực hiện bằng nội soi, nhưng mở rộng khẩu cái mềm và bóc tách amiđan thì phải làm trực tiếp.

Sau khi khám và được giải thích nguyên nhân, giải pháp như trên, tôi quyết định: nằm viện và tiến hành phẫu thuật. Quyết định nhanh ấy bắt đầu với một niềm tin và một tình yêu: tin vào bạn tôi, PGS. TS. Bùi Mạnh Hùng, người đã giới thiệu tôi đến nơi này và yêu bạn bè Sài Gòn, những người anh độ lượng cùng các em chân thành, đầy nhiệt huyết và trách nhiệm. Tin vào Nguyễn Dương Khương, người bác sĩ đã khám, đưa ra kết luận về căn bệnh của tôi và yêu một Nguyễn Thành Thi, người bạn từ thời lam lũ, hiền hậu, thủy chung, luôn sống vì người khác, lo cho người khác…

Có nhiều người cũng gặp căn bệnh này, nhiều người đã giải phẫu, nhưng phần đông vẫn nghi ngại và sợ dao kéo, sợ nguy hiểm, sợ những bất trắc, di chứng, di tật sau khi tiến hành phẫu thuật. Với tôi, khi đã tin và yêu ai đó rồi thì không phải đắn đo gì cả. Tôi sẵn sàng “trao thân gửi phận” cho người mà mình đã tin yêu.

Nói tới hai chữ bệnh viện chắc ai cũng ngại ngùng, muốn tránh, thậm chí rùng mình hoảng sợ. Phần vì phải đi viện là đã mắc ít nhất một thứ bệnh gì đó. Mà ở đời, có bệnh gì khổ bệnh ấy, đến “đau mắt, dắt răng” còn khổ nói gì những thứ bệnh khác…Phần vì tinh thần không thoải mái, những tâm trạng lo âu theo mức độ nặng nhẹ, nhiều ít khác nhau. Phần nữa khổ là do văn hóa ứng xử, phong bì, phong bao trong khi điều trị. Và đặc biệt là hoảng sợ bởi môi trường- không gian bệnh viện…Sau khi đi thăm một người quen bị ung thư , bạn tôi bảo: thôi ông ạ, nếu trời có bắt tội bị bệnh này thì cũng đừng vào đây. Vào đây chưa chắc đã được cứu sống bằng thuốc mà có khi chết trước hoặc chết nhanh hơn vì sự ngột ngạt, ô nhiễm… 4-6 người bệnh ngồi ghé trên một giường để cùng truyền dịch, có lúc cao điểm còn đông hơn ; trải chiếu, ni lông xuống sàn nhà, nằm nha nhển ngủ dọc hành lang, lối đi vào buồng bệnh, lẫn lộn cả người bệnh lẫn người nhà đi theo chăm sóc. Đêm tối mênh mông, thỉnh thoảng vẳng lại tiếng rên la, đau đớn, những ú ớ mê sảng … lúc ấy sao thấy kiếp người khốn khổ và tội nghiệp đến vậy…

Nhưng bệnh viện tôi nằm thì rất khác. Thực ra với tôi, đầu tiên không phải là sự lựa chọn bệnh viện nào mà trước hết là lựa chọn bác sĩ. Tôi chọn bác sĩ quen và chuyên môn tốt để có niềm tin. Không ngờ ông bác sĩ ấy lại làm việc ở bệnh viện này nên đương nhiên là phải nằm ở nơi đây.



Cái nơi mà sau 5 giờ tan thuốc gây mê, vào cuối buổi chiều, khi bắt đầu tỉnh dậy, âm thanh đập vào tôi đầu tiên là tiếng dương cầm. Ai đó đang chơi Jingle Bell – một bản nhạc quen thuộc của mùa Giáng sinh. Rồi tôi bỗng nhớ ra, ở đây người ta vẫn để các Piano ở những sảnh rộng, hàng ngày vẫn thuê các nghệ sĩ đến biểu diễn theo giờ; ở đây các hành lang rộng hai bên đều có ghế xa long dài, đệm mút sang trọng như các khách sạn có hạng; nhiệt độ khắp bệnh viện luôn khoảng 25 độ C; ở đây chỉ có 2 loại buồng bệnh: dành cho 1 người ( phòng đơn) và 2 người ( phòng đôi); giường nằm của bệnh nhân được thiết kế cơ động, có thể điều kiển theo tư thế nằm khác nhau. Hàng ngày một ekip phục vụ từ y-bác sĩ đến các nhân viên hộ lý, người dọn vệ sinh, các nhân viên nhà bếp… hoạt động 24/24 đều đặn, nhẹ nhàng và ân cần chu đáo hết mức; mọi thứ chăn ga gối đệm đều trắng muốt, sạch sẽ, thơm tho… Dĩ nhiên tất cả đều tính vào “giá thành”, kể cả những tiếng dương cầm. Anh bạn tôi, một nhà ngôn ngữ học, dạy ĐHSP thành phố HCM, đến thăm đã nói: trong tổng số tiền ông phải trả cho bệnh viện này có cả mấy triệu tiền nghe dương cầm rồi đấy.
 

Tôi mang chuyện bệnh viện nơi tôi nằm nói với con cái và các em tôi đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài. Chúng nó đều bảo  ở bên Đức và các nước phát triển, tất cả các bệnh viện đều như bệnh viện tôi đang nằm, chất lượng đều như thế cả, vào đó nếu đã đóng bảo hiểm thì đều được hưởng chế độ miễn phí, được chăm sóc tận tình và đầy tinh thần nhân văn. Chẳng thế mà con gái tôi sinh cháu bé lúc 6 giờ sáng thì 10 giờ đã thấy các vị đại diện cho Ủy ban nhân dân thành phố Frankfurt mang lẵng hoa đến để: “Chúc mừng một công dân của thành phố vừa ra đời”.

Tôi nằm trên giường bệnh ở đây mà cứ miên man nghĩ về hình ảnh bệnh viện u bướu nơi chị gái tôi nằm. Mới cách đây nửa năm thôi, tôi đếm thăm chị vào những ngày đau yếu cuối cùng. Lúc đó và ngay cả bây giờ tôi vẫn không hình dung ra nổi tại sao đó vẫn được coi là bệnh viện. Ngay cả có tiền cũng không thể thuê nổi lấy một căn phòng riêng dù nhỏ hẹp…

Bất giác, tôi hỏi người bác sĩ: ở nước ta khoảng bao nhiêu cơ sở chữa bệnh có điều kiện như ở nơi đây?

- Ít lắm, tính trên đầu ngón tay thôi, thưa thầy!

Nghĩa là phần lớn, hầu hết các bệnh viện khác tình trạng đều như bệnh viện chị tôi nằm; đều mang rõ “bản sắc” Việt Nam. Bỗng nhớ tới lời một GS, sau một lần vào nằm bệnh viện Pháp Việt này, ông bảo: “Tôi phải cố gắng phấn đấu có tiền, phòng khi ốm đau vào đây để được chăm sóc như một con người”

Liệu đến bao giờ những người dân bình thường mới được vào những bệnh viện này một cách bình thường bằng thu nhập bình thường của chính mình?

Đến bao giờ khi ốm đau, họ mới “được chăm sóc như một con người”?

 

TP. Hồ Chí Minh, 20-12-2014

 

 

 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook