CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn

NHỚ NGƯỜI DƯNG

Thứ tư ngày 19 tháng 11 năm 2014 12:00 AM

Lâu rồi, không biết tự lúc nào, câu ca dao này đã thấm vào mình, nhiều khi cứ ngân nga, văng vẳng:

“ Gió sao gió mát sau lưng
Dạ sao dạ nhớ người dưng thế này ”

Trong cuốn Tục ngữ ca dao Việt Nam của Vũ Ngọc Phan, chữ dạ được thay bằng chữ bụng,“Bụng sao bụng nhớ người dưng thế này”. Mình không thích chữ bụng, nó có vẻ cụ thể, nặng nề và hơi thô tháp; chữ dạ nhẹ nhàng và thanh thoát hơn. Có người bảo: ôi dào, bụng dạ chỉ là một thôi. Từ điển tiếng Việt cũng giải thích như thế. Nhưng nếu là một thì sao dân gian không viết :

Thuyền ơi có nhớ bến chăng
Bến thì một bụng khăng khăng đợi thuyền

Rõ ràng là nghĩa của bụng dạ có điểm chung nhưng có điểm khác biệt, có điều nghĩa của cả câu ca dao đầu thì về cơ bản bụng hay dạ vẫn thế thôi. Nó chỉ một trạng thái tình cảm oái ăm, có vẻ vu vơ, vô lý. Cấu trúc lặp “gió sao gió/ dạ sao dạ” thể hiện rất rõ nỗi nhớ thầm kín nhưng quằn quại, da diết, mãnh liệt về một cái gì đó xa xôi, mơ hồ nhưng lại cũng hiện hữu, có thật…

Cứ tưởng chuyện đó ông bà nói vu vơ cho vui, hóa ra càng sống, càng thấm thía; nhiều khi thấy thật đúng với tâm trạng của mình.

Thỉnh thoảng xem phim, nhất là phim dài nhiều tập, rất nhiều nữ diễn viên mình không nhớ nổi tên nữa; chỉ biết họ vừa đẹp người, đẹp nết, số phận éo le, trăm đắng ngàn cay, lên thác xuống ghềnh… mà vẫn lung linh trong gian truân vất vả. Xem xong, thậm chí phim hết lâu rồi, thế mà nhiều lúc họ vẫn cứ ám ảnh mình mãi. Cứ chập chờn hiện lên những khuôn mặt rạng ngời, hàm răng tỏa nắng, mắt trong vắt hồ thu; như những bông hoa ngạt ngào hương sắc. Nhất là khi ngồi một mình, không gian im lặng, những khuôn mặt ấy lại tràn về, và không hiểu sao những lúc ấy lòng lại quặn thắt, dội lên da diết nhớ…

 

Thế chẳng phải là nhớ người dưng?

Mùa thu Hà Nội đẹp đến mê hồn, nhưng đôi khi với mình lại rất buồn. Thỉnh thoảng đi ra đường bắt gặp một thiếu nữ xinh đẹp, thanh thản và vô tư, rạng ngời trong nắng vàng chiều thu Hà Nội. Rõ ràng là chẳng quen biết gì, rõ là người dưng… sao bỗng thấy xao xuyến, nhớ nhung và lại cứ như thấy đau ở chỗ nào đó trong sâu thẳm lòng mình.

Chẳng phải thế là nhớ người dưng?

Mà cũng chẳng phải riêng mình. Còn nhớ trong một cuối chiều đợi xe tan tầm trên đường Hà Nội, Nguyễn Quang Thiều cũng có cảm giác này:

“ Các cô gái đẹp mặc váy cưỡi xe máy phóng qua
   Như dao sắc phất vào tôi tứa máu”            

(Câu hỏi cuối ngày )[1]

Lại có lần tình cờ trò chuyện qua điện thoại với một cô ở tận đẩu, tận đâu, xa lắc. Chưa bao giờ gặp mặt, cũng chẳng biết tên… chỉ là qua giọng nói. Sao cái giọng nói của cô ấy dễ thương đến thế; thật ngọt ngào, chân thật, hồn nhiên… nghe cứ như quen biết tự bao giờ, như thân thiết đã lâu. Thế rồi đôi ba ngày qua đi, cứ quanh quẩn, quẩn quanh ra vào, đứng ngồi tư lự, công việc chất đầy mà chẳng muốn làm gì … hóa ra là nhớ cái giọng nói ấy, nhớ tiếng cười vô tư trong trẻo ấy. Nhớ thật! Nhớ đến muốn gọi điện ngay… nhưng rồi sực tỉnh vì chẳng biết gọi để nói chuyện gì.

Thế chẳng phải cũng là nhớ người dưng?

Một bận khác, khi dạy cho một lớp nghiên cứu sinh, cứ nghe học trò kể về cô giáo HQ, cô giáo mà các em đã gặp khi học thạc sĩ. Cứ theo lời kể thì cô HQ ấy thật tuyệt vời, không chê vào đâu được. Chỉ thế thôi, thế là trong mình hiện lên một cô HQ thật lý tưởng, thánh thiện và bao dung vô cùng…

Những lúc ngồi một mình, bỗng dưng lại nhớ, trong dạ bồn chồn nhớ cô giáo ấy. Một nỗi nhớ thực sự, hữu hình, mặc dù cho đến lúc này mình vẫn chưa biết mặt ngang, mũi dọc HQ. Thế mà cứ nhớ, cứ mong một lần gặp mặt; cứ mong có dịp ngồi bên Hồ Tây sương khói, uống cà phê vào một sáng mùa thu.

Chẳng phải thế cũng là nhớ người dưng?

… Biết chuyện, bạn tôi bảo, thế là ông mắc bệnh rồi : Bệnh tương tư - nhớ thương một chiều, yêu thầm nhớ trộm.

Nếu đã là bệnh, thì bệnh gì cũng nguy hiểm. Nhưng với bệnh nhớ người dưng này, mình chỉ thấy tâm hồn thêm phong phú, thấy yêu thương, nhân ái; thấy ân tình, ân nghĩa nhiều hơn; thấy bớt đi những căm giận, buồn phiền, cáu gắt. Và ít nhất là thấy cuộc sống này vẫn còn có những điều hấp dẫn, đáng để sống và để đợi chờ.

Thế thì thỉnh thoảng có nên nhớ người dưng ?

 Hà Nội, những ngày đầu thu 2014



Ảnh tư liệu

[1]  Dẫn từ tập thơ  Sự mất ngủ của lửa -1992, NXB Lao động.

 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook