Chủ nhật, một mình ở nhà, buồn. Đọc mãi cũng chán. Cứ
ngồi trước máy tính, 10 phút lại check mail một lần. Dễ đến mười lần rồi mà vẫn
không thấy cái thư mình mong đợi. Chả là chờ email của một người... làm ở nhà
xuất bản Giáo dục. Do yêu cầu của công việc, tôi cần bản mềm của một cuốn sách
đã xuất bản. Gọi điện năm lần bảy lượt, lần nào người ấy cũng hứa như đinh đóng
cột :“sẽ gửi ngay qua email”. Hôm qua
phải đến tận nơi gặp gỡ hỏi han và nhờ vả trực tiếp xem sao...vừa thấy mặt, anh
ta đã lại hồ hởi rồi cả cười, lớn tiếng: “Dứt khoát là hôm nay sẽ gửi”, “gửi ngay
bây giờ đây”...
Thế là mình yên tâm về và ngồi đợi... Bây giờ đã là 9
giờ đêm, chắc anh ta lại thất hứa rồi. Gọi điện thì người ấy tắt máy... Thế là công
việc của mình lại trễ, đành lỡ hẹn và làm lỡ việc của bạn ở phương xa. Chung
quy chỉ tại vì mình quá tin vào lời hứa. Buồn quá. Buồn do không xong công việc
thì ít mà buồn vì sự thất hứa thì
nhiều. Buồn vì nghĩ mãi mà vẫn không hiểu nổi tại sao lại có người coi rẻ lời
hứa của họ đến vậy!
Người xưa rất cọi trọng chữ tín, “ Một lần bất tín, vạn
sự bất tin”. Điều gì làm nên chữ tín? Chính là biết giữ lời hứa, không thất
hứa, thất hẹn...nói phải đi liền với làm. Ngày nay không hiểu sao chuyện sai
hứa thất hẹn là chuyện rất bình thường, hứa hẹn rất nhiều, hẹn hứa như không,
rất nhanh và rất dễ, nhưng hẹn xong rồi quên luôn, hứa thật nhiều nhưng không
làm gì cả... Vừa thất hứa hôm qua, hôm nay gặp lại cũng chẳng thấy bối rối hay
ngượng ngùng gì. Cứ như không. Cứ như là không hẹn hứa, hứa hẹn gì... Nhiều khi
cũng đành chua chát buông câu thơ ngán ngẩm của THB “Cứ thêm một lời hứa / Lại một lần khả nghi”.
Sao thế nhỉ? Hay là do mình“cũ”quá nên cứ một mực đề cao chuyện hẹn hứa thề nguyền? Chỉ một lần hẹn bạn đi chơi, do công việc bận phải
trì hoãn mãi, thế mà khi thực hiện được rồi vẫn thấy thật ngượng ngùng... Rồi
một lần khác vốn chỉ thầm hứa sẽ viết
một bài về tập sách bạn mới tặng, ý đã có mà bài mãi vẫn chưa thành, mỗi lần
nhìn cuốn sách cứ thấy như mình mắc lỗi...
Có phải mình đã quen sống thế rồi chăng mà mỗi lần bị
người thất hứa, sai hẹn... cứ dằn vặt băn khoăn... Rồi nghĩ ngợi mông lung về
chuyện hẹn, hứa, thề, nguyền. Bốn từ
này trong tiếng Việt, thường dùng để chỉ sự giao kết giữa con người với con người;
con người với đất trời; với thần linh, sông núi... Bốn từ ấy ở 4 cấp độ khác
nhau, có thể xếp theo thứ tự :
Hẹn -> Hứa -> Thề -> Nguyền
Hẹn là cấp độ thấp nhất của sự giao kết giữa người này và
người khác.
Hẹn có thể cho phép sai lệch ít nhiều (sai hẹn, thất
hẹn, lỡ hẹn...), cho dù là không nên. Còn một khi đã âm thầm mong mỏi “Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé ” như cố
thi sĩ Hồ ZDếnh đã từng Ngập ngừng
thốt ra lại là chuyện khác. Vì thế mặc dù ở cấp thấp nhất của sự giao kết,
nhưng với cha ông ta, hẹn và thực hiện đúng lời hẹn vẫn là một tiêu chí để đánh
giá nhân cách, để khen chê, trách móc, thế mới có câu:
“Người sao
một hẹn thì nên,
Người sao chín hẹn mà quên cả mười” ( ca dao)
Hẹn đã thế, hứa còn quan trọng hơn. Hứa là cấp độ cao hơn hẹn. Hứa thường chỉ sự cam kết giữa người này với người khác, bên
này với bên kia, có khi với chính mình “thầm hứa”. Hứa đã bắt đầu có sắc thái trịnh trọng, nghiêm túc. Nhìn chung
đã hứa thì cố gắng thực hiện,
không nên thất hứa...
Thề là cấp độ thứ 3, cao hơn hứa nhưng thấp hơn nguyền. Thề chỉ sự cam kết giữa người này và người khác, cá nhân và tập
thể, con người với thần linh, sông núi “thệ
hải minh sơn”, nhưng có khi chỉ thề với chính mình. Thề mang màu sắc trang trọng, thành kính; như Lời thề Hypocrat. Đã thề là phải thực hiện cho được dù
phải trả giá đắt. Ở
đời thề là tốt, nhưng không
nên vung phí lời thề. Nhất là thề rồi không làm được gì," Thề
cá trê chui ống". Phải thật thận trọng và cân nhắc trước khi thề .
Nguyền là cấp độ cao nhất của sự cam kết. Nguyền chỉ sự cam kết giữa con người
với đất trời, thần linh, sông núi... cũng có khi nguyền với chính mình. Lời nguyền thiêng liêng và
"độc" lắm; nó mang sắc thái thiêng liêng, cao cả. Một đời người rất
hiếm khi nguyền; nếu có thì cũng chỉ được nguyền một lần. Không phải khi nào và việc gì cũng nguyền được cả. Có khi cả đời vẫn
không sử dụng tới lời nguyền,
cả đời không có một lời nguyền,
không nghĩ đến lời nguyền.
Liệu có thể bước qua lời nguyền hay giải phóng lời nguyền được không ? Tôi nghĩ có thể
giải lời nguyền của một giai cấp, một dòng họ, một bộ tộc ...nhưng đối với một
cá nhân hình như thật khó bước qua được lời nguyền. Khi một con người nào đó đã cất lời nguyền thì chỉ hoặc là chết hoặc là
làm đến cùng vì lời nguyền ấy
.
Hẹn, hứa, thường chỉ sự giao kết,
cam kết giữa con người với con người, tập thể và cá nhân... Nhưng thề và đặc biệt nguyền
chủ yếu là sự cam kết thiêng liêng giữa con người với đất trời, thần linh ...
Không nên đùa với lời nguyền .
Có phải vì thế mà trong sự kết hợp từ, hứa hẹn thường đi với nhau và thề nguyền thường là một cặp. Thật hiếm
nếu như không muốn nói là không có các kết hợp: hứa thề, thề hứa; hứa nguyền, nguyền hứa; hẹn thề, thề hẹn; hay hẹn nguyền và nguyền hẹn…
Ngồi
buồn, ghi lại đôi điều về chuyện hẹn hứa
thề nguyền, chẳng biết thế có đúng không, nhưng cứ viết ra biết đâu vợi bớt được nỗi
buồn.
Đ.N.T
body {padding:0;margin:0;}