CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn

CHỊ TÔI

Thứ tư ngày 30 tháng 4 năm 2014 12:00 AM

Tôi ngồi viết những dòng này đúng lúc chị tôi đang lâm bệnh nặng- căn bệnh ung thư quái ác đang hoành hành, tàn phá cơ thể chị vào giai đoạn cuối cùng. Từ Hà Nội, nhiều lần gọi điện thăm hỏi, lần nào chị cũng gượng cười, nói là vẫn khỏe và động viên tôi yên tâm công việc. Tôi biết chị gắng gượng lắm mới nói được mấy câu như thế. Cứ mỗi lần nghe chị thì thào qua điện thoại, mắt tôi lại rưng rưng, nhòa lệ. Tôi chưa kịp động viên thì chị lại đã an ủi tôi rồi…

Mẹ mất sớm, là con gái đầu, chúng tôi coi chị như mẹ “chị cả giả mẹ” và chị sống cũng với tấm lòng, tình cảm của người mẹ: tần tảo, hiền từ, nhỏ nhẹ, bao dung… Hình như chị chưa mắng chửi chúng tôi bao giờ.

Sinh ra trong một gia đình bố mẹ nghèo lại đông con, chị đã chịu quá nhiều thiệt thòi, vất vả. Lớn lên trong hai cuộc kháng chiến, trăm thứ thiếu thốn, khó khăn. Nhớ lại chỉ thấy những trận đói dài và áo quần xơ xác. 18 tuổi, thân hình gầy gò, nhỏ bé, chị tình nguyện đi thanh niên xung phong, vào tuyến lửa Quảng Bình. Ngụp lặn trong khói lửa đạn bom; ơn trời, chị không bị thương, nhưng sức lực cạn kiệt vì những thử thách khắc nghiệt của cuộc sống chiến tranh. Hết nghĩa vụ, chị trở về quê, rồi lấy chồng vào xứ Nghệ. Mấy chục năm trời còng lưng làm lụng, nuôi lớn bốn mặt con.

Những năm bảy tám mươi của thế kỷ trước, kể cả khi Nam - Bắc đã sum họp một nhà, quê hương vẫn triền miên trong đói kém xanh xao, chị tần tảo, làm lụng gánh trên vai cả gánh nặng gia đình. Thời ấy, tôi đi đại học, lâu lâu lại đến thăm chị một lần. Thực ra đến thăm thì ít mà mong đợi chị cho dăm ba đồng bạc hay ít lương thực thì nhiều. Đã 40 năm trôi qua, nhưng vẫn còn hằn sâu trong trí nhớ tôi hình ảnh chị dúi vào tay thằng em trai mấy đồng bạc lẻ, nói mấy câu bâng quơ, vội vã : “em cầm lấy đi tàu”…

Rồi chị tiễn tôi đi ra đầu cánh đồng xanh lúa, chia tay trong bóng chiều nhạt nhòa nắng, nhạt nhòa nước mắt thương em… Những năm sau này, mỗi lần tôi biếu chị ít tiền, chị nhận nhưng bao giờ cũng nói “tiền đâu mà cậu cho chị nhiều thế”. Tôi cứ lặng người nhớ lại những đồng bạc lẻ của chị năm xưa - những đồng tiền nhỏ nhoi thôi nhưng đã góp phần nuôi tôi ăn học, để đi xuyên qua những tháng ngày gian khó; những đồng bạc thấm đẫm mồ hôi mặn nồng của chị. Giờ tôi lớn khôn, giúp chị ít nhiều có đáng là bao so với những gì chị dành cho tôi thuở hàn vi ấy. “Một nắm khi đói bằng một gói khi no”, ông bà, cha mẹ dặn thế, tôi làm sao quên được !

Vài chục năm gần đây, tuy không thiếu thốn như xưa, nhưng chị vẫn sống trong cảnh thanh bần, không lấy gì sung túc. Con cái lớn lên, chị dựng vợ gả chồng. Cả 4 đứa đã lập gia đình, đã thành gia thất, con cái đàng hoàng nhưng chưa đứa nào khấm khá. Các em xa gần thương chị cho ít tiền dự phòng lúc ốm khi đau, chị gật đầu đồng ý. Thế rồi dăm bữa nửa tháng, thấy con cái vay mượn, thiếu thốn, những đồng tiền dự phòng của chị lại dồn về cho con tất cả. Nếu thiếu nữa, chị lại tất tả ngược xuôi giữa Nghệ và Thanh, lại nói khó, ngượng ngùng nửa vay, nửa xin hết dì, lại cậu. Chị lo cho mình thì ít mà lo cho con, cho cháu thì nhiều. Suốt ngày không chịu ngồi yên, khi vào bếp, lúc ra vườn, nuôi con gà, con vịt, cuốc luống đất trồng rau … để rồi đến ngày giỗ bố mẹ, ông bà trong Nghệ cũng như ngoài Thanh, không có tiền chị đành góp của. Của ít thôi nhưng từ tấm lòng thành thật, thảo thơm.

Năm tháng trôi đi, mưa nắng gian lao, khó khăn vất vả đã lặn vào người chị, ngấm mãi mà thành bạo bệnh. Khăn gói ra Hà Nội, vào bệnh viện u bướu, rồi cắt mổ, truyền, xạ, điều trị mấy tháng trời… Thế rồi chị trở lại mạnh khỏe như xưa, tóc rụng hết rồi mọc xanh trở lại, tốt và dày dặn hơn; ăn ngủ bình thường, điều độ… Mọi người mừng chị tai qua nạn khỏi đã được bốn năm năm…

Thế mà bỗng nhiên sau tết này, căn bệnh hiểm nghèo trở lại. Giông bão lại nổi lên. Ba tháng rồi chị chống trả với bệnh tật, nhưng sức mỗi ngày một yếu không biết có trụ nổi nữa không? Ở xa chị, tôi luôn phấp phỏng, lo lắng từng ngày; luôn cầu nguyện mong chờ điều kỳ diệu đến với chị tôi… Đứa em gái út ở tận trời Âu, nóng ruột nóng lòng, bỏ hết cả công việc buôn bán kinh doanh cùng con trai bay về thăm chị. Cả nhà lo lắng, thương chị vô cùng, nhưng chỉ biết dồn tiền, góp của, động viên, an ủi, đưa chị đi chạy chữa khắp nơi; còn sống chết đành nhờ vào may rủi số trời.

Tính hay cả nghĩ, tôi ngồi lặng đi trong bóng đêm, nhắm mắt lại và hình dung về điều xấu nhất xảy ra với chị. Là người ai chẳng ham sống và muốn sống, nhất là khi cuộc sống bắt đầu ổn định, con cái đã trưởng thành… Nhưng ở đời, ai rồi cũng già và vĩnh viễn ra đi “sinh, lão, bệnh, tử”- vòng đời ấy ai mà cưỡng nổi ? Nhưng lại nghĩ tới câu “Sống ở thác về”: sống ở trần gian với cháu con, chị em, bè bạn… thác về cửu tuyền với tiên tổ, cha mẹ, ông bà... Cứ nghĩ thế để cho lòng thanh thản, để động viên chính mình trước nỗi đau khi người thân ra đi vĩnh viễn. Cứ nghĩ chị không chết mà chỉ hóa mây trời; hình bóng chị in hằn vào nhà cửa, vào cây cau, giếng nước, vào ngọn cỏ quanh nhà… Đâu đâu cũng thấy hình bóng chị tôi…

2. Không hiểu sao, cứ mỗi lần vào bệnh viện thăm những người thân, hoặc mỗi lần tiễn đưa người đã mất về nơi an nghỉ cuối cùng, tôi lại thấy lòng trống rỗng, thấy cuộc sống thật ngắn ngủi và nhiều khi vô nghĩa. Mà lạ, toàn phải tiễn đưa những người hiền lành như hạt lúa, củ khoai; bình dị, đơn sơ như tấm áo nâu mẹ mặc năm xưa… Trong khi bao ác nhân, tàn bạo; bao nghịch tặc, côn đồ vẫn vênh váo, trơ trơ; vẫn sống nhởn nhơ và ngang ngược, tung hoành? Sao cứ bảo “ở hiền gặp lành”, “ ác giả ác báo”? Chị tôi sống thế, ăn ở hiền lành là thế, một con kiến cũng không nỡ giẫm lên… sao lại mắc bệnh hiểm nghèo? Sao lại có thể phải ra đi sớm thế ???

Cũng chẳng có gì mới khi cất lên mấy câu hỏi ấy, chỉ vì quá đau buồn mà phẫn uất thế thôi. Xưa nay, những nỗi bất công, buồn phiền, cay đắng, xót xa, những “nỗi hờn kim cổ” vốn đã là “thiên nan vấn”. Mà đã “khó hỏi trời” thì chỉ biết quay lại hỏi chính mình. Để rồi bỗng thấy thương yêu hơn, vị tha và bao dung hơn với những người xung quanh. Chức tước, địa vị, giàu sang; của cải, tiền nong, vàng bạc… rồi sẽ vô nghĩa tất khi người ta nằm xuống. Cái còn lại là sau khi ra đi, về lại với ông bà tiên tổ, ta có để lại gì đẹp đẽ sâu nặng trong mỗi người thân? Một chút yêu thương, một kỷ niệm đẹp, một nỗi nhớ dịu dàng, da diết; một tiếng nói, nụ cười hay một nghĩa cử nặng nghĩa, vẹn tình… cứ ngời sáng lên, đọng lại mãi mỗi khi người thân, anh em, con cháu, bạn bè, nhắc lại và nghĩ về người đã khuất.

Nếu thế là hạnh phúc thì tôi tin chị tôi lại là người hạnh phúc.

Ơn trời !

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook