CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn

CÔNG DÂN TOÀN CẦU

Thứ bẩy ngày 29 tháng 9 năm 2012 12:00 AM

Con gái tôi sau 8-9 năm du học ở Cộng hòa liên bang Đức đã yêu và lấy một anh chàng người Đức. Học cùng chuyên ngành, cùng trường, cùng tuổi và có cái tên không đến nỗi khó nhớ: Denis. Tất nhiên đó là chưa gọi họ và tên đệm.

Denis không thuộc lớp người thuần Germany. Ông nội người Đức, chiến tranh thế giới thứ 2 lưu lạc sang Nga, lấy vợ rồi sinh ra bố Denis. Ông bố ấy  lấy người vợ Nga và sinh ra anh em Denis. Tóm lại là Denis mang trong mình hai dòng máu: Đức và Nga. 15 tuổi Denis theo gia đình trở lại quê nội - nước Đức, làm một công dân Đức. Nhưng khi tôi liếc xem Lý lịch tóm tắt (CV) vẫn thấy Denis ghi rõ trong mục ngôn ngữ: tiếng Nga và tiếng Đức đều là tiếng mẹ đẻ (motherton language). Ngoài ra Denis còn sử dụng tốt cả tiếng Anh và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Lấy vợ đã 5 năm, có con gái hơn 1 tuổi, nhưng mỗi khi gặp, Denis vẫn chưa nói thêm được tiếng Việt nào, trừ hai từ ba mẹ. Lấy con gái Việt, sinh ra một công chúa, Denis và vợ đặt tên cho con là My – Lena, với suy nghĩ cái tên con cũng phải mang bản sắc hai dân tộc. Nhưng đó là tên khai sinh, trên giấy tờ, còn hàng ngày mọi người vẫn gọi tên cháu một cách thân thương là Bonny (mạnh khỏe, xinh đẹp, dễ thương). Bonny mang trong người ba dòng máu: Đức-Việt-Nga. Không hiểu lớn lên cháu sẽ mang tâm hồn và tính cách dân tộc nào đậm nét hơn? Và cháu sẽ thành thạo thứ tiếng nói nào trước hết ?


Bonny lúc 6 tháng tuổi

Những lần hai gia đình gặp nhau, rộn ràng đủ thứ tiếng: Nga, Đức, Việt, Anh và tất nhiên còn thêm cả body language nữa. Thế cũng vui… Nhưng vấn đề phức tạp bắt đầu nảy sinh khi cô cháu gái bé bỏng của tôi bắt đầu tập nói. Các thành viên trong hai gia đình lớn bắt đầu có những phản ứng, biểu thị thái độ và tình cảm khác nhau.

Do mẹ là người Việt lại được bà ngoại sang chơi đúng lúc cô bé tập nói nên Bonny bắt đầu nói được một số tiếng Việt: MẸ, BÀ, BA, ÔNG, CẬU và lặp lại một số tiếng thông thường khác…

Khi Bonny nói những từ trên, tôi thấy con gái và vợ tôi rất sung sướng, phấn khởi và tự hào ra mặt…Trái lại bà nội, tức mẹ Denis cau mày, buồn bã. Bà bắt đầu sốt ruột vì cô cháu nội vẫn chưa nói được từ nào bằng tiếng Nga. Mặc dù bà vẫn nói với cô cháu thứ tiếng Nga đầm ấm ấy mỗi khi bế nó. Nhưng kết quả vẫn chưa có gì khả quan, nhiều lúc bà đã có vẻ nổi cáu… trong khi đó Bonny vẫn cười vô tư như chẳng có chuyện gì xảy ra...

Denis vốn là người ôn hòa, hiền lành, vô tư và có vẻ rất thoải mái, chiều chuộng vợ… thế nhưng hình như cũng đã bắt đầu sốt ruột vì Bonny chưa nói được tiếng Đức nào. Nhiều lúc Denis nhìn thẳng vào con, nói liến thoắng hàng tràng dài tiếng Đức, như muốn con gái trò chuyện với mình bằng tiếng Đức, nhưng Bonny vẫn chỉ cười vô tư như chẳng có chuyện gì xảy ra...

Tôi lặng lẽ quan sát mọi người và thầm nghĩ, có gì mà phải vội vã, sốt ruột, cô cháu gái của tôi rồi sẽ nói cả tiếng Việt, tiếng Đức, tiếng Nga và còn thêm cả tiếng Anh nữa. Có gì đâu, chỉ mấy ngày nữa cháu đi nhà trẻ, chắc chắn là nó sẽ quen dần với tiếng Đức. Về nhà mẹ nó sẽ dạy nó nói tiếng Việt và khi vợ tôi về Việt Nam rồi, bà nội nó sẽ dạy cho nó tiếng Nga và lớn lên chút nữa thế nào nhà trường cũng yêu cầu nó học tiếng Anh như là một ngoại ngữ.

Thế thì có gì mà phải sốt ruột. Lo làm gì khi những đứa trẻ này sẽ lớn lên như một công dân toàn cầu; một thế hệ 3.0 hoặc đời mới hơn nữa. Một lớp người mà chúng có thể làm việc, sinh sống, giao tiếp, vui chơi ở bất cứ nơi nào, bất cứ với ai; hòa đồng dưới một mái nhà chung không phân biệt màu da, tôn giáo, dân tộc...

Bỗng nghĩ đến một thời, miền Bắc vào những năm tháng chống Mỹ, chỉ cần đi bên, tiếp xúc hoặc nói chuyện với một người nước ngoài nào đó thì đã có thể bị coi là gián điệp, chỉ điểm... có thể bị bắt giữ hoặc bỏ tù như chơi; nói gì đến chuyện lấy vợ hoặc chồng là người nước ngoài. Một đồng nghiệp lớn tuổi của tôi có con đi học nước ngoài và lấy vợ người Ba-lan. Ngay lập tức bị coi là phản bội Tổ quốc. Trường hợp của GS Nguyễn Tài Cẩn chỉ là ngoại lệ hiếm hoi, hơn nữa đó lại là một phụ nữ Nga, là phe ta - phe xã hội chủ nghĩa. Không những thế bà còn là một trí thức - giáo sư Nonna Stankevitch, nhà ngôn ngữ học có uy tín, có nhiều nghiên cứu về tiếng Việt.

Nói là thế kỷ trước nhưng thực ra cũng mới gần đây thôi. Nhiều chuyện bây giờ nghĩ lại cứ như là cổ tích, hoang đường; không hiểu sao lúc ấy con người vẫn sống được; cứ như là trong mơ...

Cùng với thời gian rất nhiều điều không thể nay đã thành có thể. Ơn trời.

 

Đ.N.T - Frankfurt 10-8-2012

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook