1. Mưa Úc
Mấy lần sang Úc, cứ ao ước đến được Sunshine - nơi nghỉ mát nổi tiếng thế giới với bãi biển hoang vu, thơ mộng và đầy nắng gió. Thế rồi “cầu được ước thấy”, lần này trở lại Queensland nước Úc, tôi đến ở và làm việc tại Noosa Campus, một nhánh của Central Queesland University, cách Brisban, thủ phủ của bang Queensland gần 200 cây số. Dù xa cách trung tâm, nhưng điều quan trọng, nơi đây chính là Sunshine coast. Khu tôi ở chỉ cách bãi biển này vài ba cây số. Tưởng là may, thế mà gặp ngay điều rủi: tôi đến Sunshine đúng vào mùa mưa – “mưa mùa hạ” của nước Úc xa xôi.
Mưa tầm tã suốt cả ngày, mây vần vũ giăng giăng bốn phía, trời tối sập ngay giữa ban trưa. Cả bầu trời mọng nước. Đôi lúc chợt hửng, sáng ra được chốc lát, ngay sau đó lại âm u, sập mặt. Ngắm cảnh mưa ở đây lòng lại bộn bề, ngổn ngang mấy câu thơ Nguyễn Bính viết về mưa Huế:
Trời mưa xứ Huế sao buồn thế
Cứ kéo dài ra suốt mấy ngày
Thềm cũ nôn nao đàn kiến đói
Giời mờ ngao ngán một loài mây.
Đã 09 ngày rồi mà mưa cứ triền miên; có phải là quá mưa ở xứ Huế không? Thế mà nơi đây nước Úc gọi là Sunshine Coast (bãi biển đầy nắng!). Nhìn trời mưa, tôi nói đùa với giáo sư Mike Horsley, nên đổi tên nơi đây thành Rainy Coast (bãi biển nhiều mưa) mới đúng. Ông cười và tán thành với nhận xét có vẻ chơi chữ ấy.
Tôi bước đi trong mưa trên đường phố xứ người, một ý nghĩ chợt gõ vào lòng: mưa Úc khác gì mưa nước Việt? Quan sát bốn phía, nhìn ngắm mọi vật dưới mưa… thấy chẳng có gì khác cả, vẫn là những giọt mưa, cây mưa, trận mưa ào ào từ trên trời trút xuống… Vẫn chỉ là nước, trắng trời, trắng đất; vẫn chỉ là nhạt nhòa trong hơi ẩm, lành lạnh giăng mắc khắp không gian. Nhưng rồi cũng nhận ra một điều thật khác: mưa to và kéo dài đến thế mà nước chẳng bao giờ đọng lại; chẳng thấy ngập đường, ngập phố như mình vẫn thường thấy ở Hà Nội.
Noosa Campus khi cơn mưa vừa ngớt và Hà Nội sau khi mưa đã tạnh nhiều giờ
2. Hoa quả và thịt bò
Một vài lần đi siêu thị ở Úc, tôi đứng ngẩn ngơ giữa các gian hàng hoa quả ngập tràn. Thôi thì đủ loại: xoài, nho, nhãn, bưởi,… rồi hồng, lê, cam, táo; đủ mọi sắc màu xanh, đỏ, tím, vàng…Thứ nào cũng tươi rói, mọng nước và căng tràn da thịt; chúng như là hiện thân của một sứ xở yên bình, sung mãn, phì nhiêu… Và tất nhiên bao giờ cũng được ghi rõ nguồn gốc “xuất thân”, hạn dùng và giá cả rõ ràng…
Về hình thức, hoa quả ở đây cũng chẳng khác gì Hà Nội bây giờ. Khác chăng chỉ là ở chỗ: ngay tại cửa hàng, siêu thị nước Úc, bạn có thể yên tâm mà ăn ngay, cắn ngay quả táo vừa mua một cách ngon lành. Liệu ở Hà Nội có được điều đó không nhỉ? Rất khó! Dù không phải là tất cả, nhưng khi mua bất cứ một thứ hoa quả nào trên đường phố hay trong cửa hàng, chợ búa Hà Nội, người ta không thể có cảm giác yên tâm mà sử dụng ngay. Ít nhất trong ý nghĩ, câu hỏi đầu tiên xuất hiện: có phải hàng Trung Quốc? Về nhà vẫn băn khoăn với đống hoa quả vừa mua, lại cho vào nước muối, ngâm rửa hàng tiếng đồng hồ. Lau khô rồi, hình như vẫn chưa tin là đã sạch, bà vợ kiên quyết gọt hết vỏ bên ngoài, chỉ ăn lớp cùi thịt bên trong…Cứ nghĩ, ăn uống thế thì còn ngon ngọt nỗi gì. Mặc dù không phải tất cả hoa quả Hà nội đều bị ô nhiễm và không phải khi nào cũng ăn uống cẩn trọng đến thế, nhưng rõ ràng hoa quả, rau cỏ Hà Nội đã mang lại cho người sử dụng một cảm giác bất an…Chỉ vì một số không ít người sản xuất cũng như người bán vì vô ý hay trục lợi mà phun đầy các thứ thuốc tăng trưởng và bảo quản… Còn người mua, người dùng, thật khó biết đâu là thật giả, nên đành nghi ngờ tất cả thế thôi…
Không chỉ có hoa quả, đã sang đến Úc thế nào bạn cũng nên và phải thưởng thức món thịt bò. Thịt bò Úc là một thương hiệu có tiếng trong số không nhiều thương hiệu như thịt bò Kobe - một đặc sản thuộc vùng Kinki, nước Nhật..
Thịt bò Úc ngon lành và mát bổ, ăn no mà không chán, nhất là khi bạn ăn theo kiểu nhúng qua nồi lẩu, thịt vừa chín tái… Mỗi lần ăn thịt bò Úc tại Úc Đại Lợi, tôi lại nghĩ đến câu chuyện có thật ở quê mình. Có lần, tôi được người bạn dẫn vào một quán phở bò trên đường phố. Vừa vào quán, anh gọi lớn: “Cho hai tô phở trâu nhé”. Tôi băn khoăn hỏi: “phở bò chứ, sao cậu gọi phở trâu?”. Ông bạn tôi nhăn nhó: “ôi dào, cậu có gọi phở bò thì nó cũng làm và mang ra phở trâu thôi, nên tớ gọi luôn như thế cho xong”. Tôi ngớ người ra và cho đến tận khi ăn xong, tôi cũng cứ ngờ ngợ không biết đây có đúng là phở bò không nữa.
Thực chất đó cũng là cảm giác bất an khi thực phẩm không được minh xác, lẫn lộn thật giả lung tung. Chẳng thế mà có nhiều quán phải ghi rõ trên biển là: “ở đây có Phở bò Úc thật”, “ Bò Úc thứ thiệt”… nghĩa là có nhiều phở bò Úc giả.
3. Sách giáo khoa Úc
Người giới thiệu và giảng bài về sách giáo khoa (SGK) suốt thời gian tôi ở đây là GS Mike Hosley. Ông là một GS rất nổi tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu SGK và tư liệu dạy học trong nhà trường, hiện là Phó chủ tịch Hiệp hội quốc tế nghiên cứu SGK và truyền thông giáo dục (IARTEM), Trưởng ban giám khảo giải thưởng các nhà xuất bản GD xuất sắc ở Úc, người có nhiều công trình nghiên cứu về SGK được trình bày tại các diễn đàn quốc tế về SGK và đăng tải trên tạp chí điện tử Research on Textbooks and Educational Media. Mike là một GS tài ba, uyên bác nhưng thật giản dị, chan hòa và thân thiện.
Qua những gì ông trình bày về SGK và các phương tiện truyền thông giáo dục của các nước trên thế giới và đặc biệt ở Úc, tôi thấy thật khác với nước mình.
Điểm giống nhau duy nhất giữa SGK của Úc và SGK Việt Nam có lẽ là: cả hai nước đều coi đó là tài liệu để GV dạy và học sinh học trong nhà trường. Còn lại hầu như rất khác nhau.
Nước Úc với sáu bang và hai vùng lãnh thổ, có một chương trình giáo dục quốc gia, nhưng mỗi bang lại có một chương trình riêng. Chương trình và chuẩn chương trình của bang chỉ một, nhưng SGK thì có rất nhiều bộ khác nhau cho mỗi môn học, mỗi trình độ, lớp học.
Sách giáo khoa của Úc không nhất thiết phải biên soạn tương ứng với tên mỗi môn học trong nhà trường. Cũng là môn Lịch sử nhưng có thể có nhiều cuốn sách mang tên khác nhau, như Thế giới cũ và thế giới mới; Nước Úc ngày nay, Thế giới hiện đại… không nhất thiết cứ phải là Lịch sử lớp 6 hoặc Lịch sử lớp 7 như sách Việt Nam.
Sách giáo khoa của Úc hoàn toàn do các nhà xuất bản, các tổ chức tư nhân đứng ra biên soạn và phát hành. Bộ GD chỉ nêu lên tiêu chí đánh giá và cấp phép. Quyền lựa chọn bộ sách nào là tùy thuộc vào nhà trường và giáo viên; do đó thị trường sẽ quyết định số phận của các cuốn sách, bộ sách.
Quan niệm về Sách giáo khoa ở Úc được hiểu rất rộng, “đó là tất cả các tư liệu giáo viên sử dụng trong bài học, cho bài học”, GS. Mike đã trả lời như thế khi tôi hỏi ông: thế nào là SGK trong nhà trường? Sau đó Mike nêu ví dụ rất cụ thể: một cuốn sách in trên giấy hoặc SGK điện tử, một bản photocopy, một bài soạn của chính GV, một tờ/ bài báo, một tư liệu trên mạng internet… đều được coi là SGK nếu mục đích là phục vụ cho bài học; nếu giúp HS nắm được yêu cầu của chuẩn kiến thức kĩ năng đã quy định trong chương trình. Đó là một khái niệm rất mở về SGK trong nhà trường. Với họ, điều quan trọng là mục đích của việc sử dụng tư liệu chứ không phải bản thân tư liệu.
Người GV ở Úc có thể sử dụng bất kỳ tư liệu ( SGK) dưới bất kỳ hình thức nào và của bất kỳ của ai viết đều được; không bao giờ chỉ căn cứ vào một nguồn tư liệu hoặc chỉ sử dụng một phương thức dạy học quen thuộc mà huy động tổng hợp, vận dụng nhiều phương thức, phương tiện khác nhau: SGK và các phương tiện truyền thông giáo dục (educational media); đặc biệt là internet và các đĩa CD, 3D, videoclip…
Biên soạn SGK là cả một khoa học liên ngành và khoa học giáo dục- sư phạm rộng lớn, mang tính chuyên nghiệp rất cao, chứ không phải chủ yếu là kinh nghiệm chủ nghĩa như của Việt Nam lâu nay vẫn làm. Ít nhất việc biên soạn một cuốn SGK cũng phải dựa trên một số lý thuyết khoa học giáo dục- sư phạm rất cơ bản và thiết yếu như:
- Lý thuyết học tập (Learning theory)
- Lý thuyết quá trình thông tin (Information processing theories)
- Lý thuyết về tri thức văn hóa xã hội (Sociocultural learning theories)
Người biên soạn SGK phải có những hiểu biết về khoa học sư phạm, tâm lý để tôn trọng và biết vận dụng các nguyên tắc về mức tải nhận thức, độ khó, tính khả độc (readability)… những vấn đề có vẻ lý thuyết trừu tượng nhưng đối với họ đều có thể đo và cần đo được một cách cụ thể cả định tính lẫn định lượng. Đó là chưa kể cần biết vận dụng thành tựu khoa học rất hiện đại về sự chú ý và di chuyển của thị giác khi quan sát (Basics of eye Tracking) để trình bày nội dung hình ảnh, biểu đồ, minh họa trong một trang SGK sao cho phù hợp và có hiệu quả nhất.
Từ Việt Nam đi Úc quãng đường chỉ khoảng tám giờ bay. So với nhiều nước như thế là Úc gần ta hơn về khoảng cách cây số… Nhưng sau mấy lần đến được nơi đây, nghĩ về đất nước và con người xứ Kangaroo, tôi cứ thấy “xa xôi”, “diệu vợi” thế nào ấy. “Xa xôi” không phải là khó gần, là xa lạ, lạnh lùng… mà là vì thấy ở nước họ, hình như cái gì cũng thuộc về một đẳng cấp khác với mình. Hình như là thế. Cho nên dễ có cảm giác, khi nhắc đến một số nước châu Phi - những nước mà tôi chưa một lần tới, dù còn xa hơn rất nhiều về khoảng cách địa lý, nhưng vẫn thấy như rất “giống”, rất “gần” với Việt Nam. Còn nước Úc, dù tôi đã năm lần trở lại, nhưng càng đến, càng nghĩ… càng thấy “diệu vợi”, “xa xôi”.
Đ.N.T -Hà Nội những ngày đầu hè 4/ 2013