CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn

TIẾNG TRỐNG TRƯỜNG

Thứ sáu ngày 14 tháng 12 năm 2012 1:27 PM

Đang say sưa trò chuyện trao đổi với các em trong đội tuyển chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia môn Ngữ văn, tôi giật thót bởi một hồi chuông điện rít lên chói gắt. Ban đầu hơi ngỡ ngàng, cứ tưởng là có báo động gì. Hóa ra không phải. Đó là tín hiệu hết một tiết học. Ngôi trường tan òa, nhộn nhạo và bức bối bởi bị “nhốt” trong một không gian tù túng của những bức tường bê tông. Không một bóng cây. Chỉ có nắng và nóng, cho dù những chiếc quạt điện trên trần vẫn quay tít mù...

Chợt ao ước được ngồi dưới tán lá một gốc phượng già, một cây bàng hay dưới bóng xà cừ râm mát. Rồi bỗng lặng nhớ tiếng trống trường đầm ấm, rộn rã không gian. Tiếng trống từng cộng hưởng, da diết trong thơ:

Có cả cuộc đời rồi bỗng nhớ
Những đoạn đường xa lắc tuổi thơ đi
Bàn chân nhỏ băng qua đồng, qua ruộng
Tiếng trống trường giục giã những mùa thi.
 
Vừa mới đó đã bao năm cách biệt
Bạn bè ơi giờ ở những nơi đâu?
Nghe tiếng trống sao không về tụ lại
Trước sân trường ríu rít nắm tay nhau.

(Chử Văn Long)

Vẫn còn trong tôi hình ảnh những ngày dưới mái trường phổ thông ở một vùng quê sơ tán, đơn sơ giản dị mà quá đỗi thân thương. Cho đến nay, trong ký ức cũng như trong hình dung tưởng tượng của tôi, một mái trường không thể thiếu bóng cây. Cây và “hoa học trò” quấn quýt. Cây bàng già tán tròn, quả xanh chen vàng chát chua, ngai ngái; cây phượng rực lửa gọi hè về, cây xà cừ uy nghi cao sững, tán xòe rợp một khoảng trời… Và, không thể thiếu tiếng trống da trâu, linh hồn của một mái trường. Tiếng trống náo nức buổi khai trường; tiếng trống hân hoan, xốn xang mời gọi giờ tan học; tiếng trống gấp gáp, khẩn trương giục giã những ai sắp chậm giờ; tiếng trống òa vỡ báo hiệu phút nghỉ ngắn ngủi giữa hai tiết học… Tiếng trống chan chứa điều muốn nói, thổi bùng lên bao mơ ước tuổi học trò…

Vậy mà nay, nhiều trường đã thay tiếng trống bằng hồi chuông điện kia, sắc lạnh và vô cảm. Hình như trường càng to, càng cao rộng, tiếng trống trường càng có nguy cơ bị bức tử. Tiếng trống đang lịm dần giữa các bức tường bê tông cốt sắt…

Giật mình tự hỏi, chỉ vài năm nữa thôi, liệu tôi có còn được nghe tiếng trống trường nữa không? Một ngày nào đó không gian học đường trong ký ức tuổi thơ không còn nữa… Sẽ mất mát một không gian học đường mang văn hóa truyền thống nước Việt của tôi, đặc sắc và sang trọng.

Đến thăm nhiều ngôi trường rất to đẹp, rộng rãi và khang trang, nhưng tôi vẫn thấy thiếu một cái gì đó. Cái thiếu ở đây không chỉ là không gian học đường: một hàng cây cổ thụ, một vòm phượng đỏ hay tiếng ve đầu hạ… mà còn là không gian mang ý tưởng, kích thích sự sáng tạo và niềm đam mê, một không gian buộc người ta phải suy ngẫm. Có dịp thăm các trường học đậm không gian văn hóa của một số quốc gia, tôi thấy mỗi ngôi trường đều được thiết kế theo một ý tưởng, một triết lý sâu sắc nhằm gợi ra trong mỗi thầy cô giáo và học sinh nhiều điều suy nghĩ. Trường Trung học bậc cao ở thành phố Thiên Tân (Trung Quốc) là một ví dụ. Ngoài diện tích rộng, có đầy đủ các sân bóng, bể bơi, nhà tập đa năng và nhiều phòng nghe nhìn, phòng studio chuyên dụng, hội trường kiểu nhà hát. Điều tôi chú ý nhất ở đây là “con đường mơ ước” bao quanh. Những bức tượng của các nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà văn, những nghệ sĩ nổi tiếng của thế giới và của Trung Quốc được dựng dọc con đường. Cuối “con đường mơ ước” này là một bệ tượng còn để trống... Một ý tưởng nhằm đốt lên ngọn lửa đam mê, gợi mở một ước mơ, một câu hỏi lớn trong mỗi HS: ai sẽ là người đứng trên bục tượng này? Liệu mình có phải là người đứng trên đó hay không?


(Ảnh tác giả bên cạnh tượng nhà văn Lỗ Tấn
trên "con đường mơ ước" của trường THPT Thiên Tân)

Trước sân tòa nhà chính là chiếc gương tròn khổng lồ lát bằng đá hoa cương đen bóng. Theo lời ông Hiệu trưởng, những đêm trời trong, hàng ngàn ngôi sao hội tụ ở trong lòng tấm gương này. Không cần phân tích ai cũng có thể hiểu được ý tưởng sâu sắc của người thiết kế tấm gương. Quan sát kiến trúc và sự bài trí của ngôi trường, tôi cứ băn khoăn tự hỏi: không hiểu nhiều ngôi trường hiện nay của ta được thiết kế bài trí theo ý tưởng nào đây?

Tôi cũng đã thấy rất nhiều trường treo ảnh của các nhà khoa học được giải thưởng cao quý, chẳng hạn Đại học Humboldt (Đức). Ngay ở tiền sảnh Hội trường lớn họ treo hàng chục tấm ảnh các tác giả được giải Noben … Họ đều là những người đã từng giảng dạy hoặc thỉnh giảng ở mái trường này.

Bỗng chợt nghĩ, trong lịch sử 50, 70, 90 năm thậm chí hàng 100 năm của nhiều trường học nước ta hiện nay, chắc chắn đã có rất nhiều GS nổi tiếng từng là cán bộ của nhà trường; nhiều GS, những nhà khoa học, các nhà văn hóa, văn nghệ sĩ khác cũng đã về giảng dạy, cộng tác và rất nhiều thế hệ các thầy cô giáo tài năng đã cống hiến âm thầm, lặng lẽ cho trường. Bây giờ người còn, người đã ra đi vĩnh viễn. Chính họ đã làm nên thương hiệu của các mái trường này… Không biết trong phòng truyền thống của các nhà trường hiện nay có còn lưu giữ được hình bóng, chân dung của những con người ấy hay không? Hay, chỉ còn hình ảnh của một số đồng chí lãnh đạo của trung ương và địa phương đến thăm trường?

Ngày nay ở các nước phát triển, mỗi quốc gia đều đang đi tìm một triết lý mới cho nền giáo dục của riêng mình. Và từ rất lâu, mỗi trường học, nhất là những trường nổi tiếng, có lịch sử lâu đời, đều trăn trở, suy nghĩ để xác định cho riêng mình một tầm nhìn (the vision) như là sứ mạng mà nhà trường muốn tuyên thệ trước xã hội. Tầm nhìn – sứ mạng ấy thường rất ngắn gọn như một câu khẩu hiệu, đúc kết đúng bản sắc và tinh thần của ngôi trường. Và nó được viết to, treo cao ở vị trí trang trọng nhất…

Riêng mình, tôi vẫn ao ước một ngày nào đó, khi trở lại thăm phòng truyền thống của ngôi trường nơi mình đã học, bên cạnh bao tư liệu quý, bỗng nhận ra tấm chân dung bác lao công, người đã từng đánh trống lâu năm nhất, đánh trống hay nhất trong lịch sử của trường. Liệu trường tôi còn giữ được hình ảnh bác không?

Chỉ biết hôm nay, tôi vẫn hồi hộp theo dõi số phận của tiếng trống trường.

Như rất gần lại như rất xa
Như vừa đó lại vừa là dĩ vãng
Tiếng trống của trường quê bình lặng
Cứ âm vang náo nức bồi hồi
Gợi nhớ về bao kỷ niệm xa xôi...” 

(Thơ Nguyễn Thành Trương)

 

Đ.N.T - Tháng 12/2012 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook