CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn

NHỚ MỘT CHUYẾN ĐI

Chủ nhật ngày 1 tháng 12 năm 2013 12:00 AM

Đã 7-8 tuần trôi qua kể từ lúc tôi rời nước bạn trở về Việt Nam. Khi cảm xúc và ấn tượng về một đất nước lần đầu tiên đặt chân đến còn nguyên vẹn, tinh khôi, cứ nghĩ đặt bút xuống là viết được…thì lại không có thời gian. Vùi đầu vào công việc sau chuyến đi, để rồi ấn tượng và cảm xúc ngày càng lùi xa… Lại tiếp nối một chuyến sang xứ Kim chi, chứng kiến sự phát triển kỳ diệu của “huyền thoại sông Hàn”... Kỷ niệm chất chồng lên nhau, nặng trĩu…Mãi sáng nay thoáng thấy một dòng chữ chạy trên mép TV thông báo giá Cà phê Nam Mỹ đang lên, bỗng bồi hồi nhớ xứ sở Colombia xa xôi bên kia bán cầu, chuyến đi phải vượt nửa vòng trái đất.

Có lẽ ấn tượng đầu tiên là về một chuyến bay quá dài và vất vả. Phải mất 12 giờ bay qua Paris, chờ chuyển tiếp bốn tiếng nữa rồi lên máy bay đi Nam Mỹ. Thêm 12 giờ bay tiếp, chúng tôi mới xuống sân bay thủ đô Bogota của Colombia. Làm thủ tục xuất nhập cảnh xong lại chờ tiếp bốn tiếng để chuyển máy bay nội địa đi đến tỉnh Caldas. Sau một giờ trên máy bay cánh quạt, xuống sân bay dã chiến Peraira, lại lên xe ôtô, một chiếc xe ca đã quá cũ đi tiếp 60 km nữa mới đến nơi cần đến - thành phố trung nguyên Manizales xinh đẹp. Tôi gọi trung nguyên vì toàn bộ thành phố tọa lạc trên những ngọn đồi thoai thoải, đường phố giống như Đà Lạt hay Buôn Mê Thuột của Tây Nguyên. 60 cây số đường đồi dốc, lắc lư với chiếc xe cũ kỹ ấy, chiếm thêm 2 tiếng nữa. Tính tổng cộng thời gian di chuyển, hết 34 giờ đồng hồ. Làm thủ tục xong, nhận phòng ở đã 12 giờ đêm trên đất bạn, tức 12 giờ trưa ở Việt Nam. Mệt mỏi, muốn đi ngủ ngay, nhưng mắt vẫn cứ trơ ra, không hiểu vì sao.

Sáng mai 8 giờ thức dậy, thời tiết se lạnh, bước ra ban công, bên ngoài rực rỡ mặt trời và xanh ngắt màu xanh cây cối. Thiên nhiên tươi tắn trong lành, bỗng nhận ra đây là một khu resort đẹp tuyệt vời.



Buổi sáng ở Manizales
 

Bữa sáng ăn theo thực đơn của người bản xứ. Nhìn chung nhiều món rất khó hợp với khẩu vị của người Việt chính hãng. Tôi chỉ dùng được một món trứng dở rán, dở xào lổn nhổn ăn với mấy lát bánh mì… còn lại không hợp. Cà phê Colombia cũng không có gì đặc sắc, kém xa cà phê Việt Nam, nhất là khi ta uống tại các tỉnh Cao nguyên Trung phần. Anh bạn tôi hỏi ông Chủ tịch hiệp hội : “Cà phê ở đây đâu là ngon nhất ?” Ông cười và bảo đây là ngon nhất rồi đấy.

Chín giờ sáng bắt đầu cuộc làm việc giới thiệu mô hình Trường học mới – ESCUELA NUEVA. Một mô hình trường học khá nổi tiếng ở các nước Nam Mỹ mà Việt Nam đang thử nghiệm gần xong ở cấp Tiểu học, nay định tiếp tục triển khai ở cấp THCS- mô hình VNEN (Viet Nam Escuela Nueva).

Người Colombia nói tiếng Tây Ban Nha, nhịp điệu rất nhanh và ngữ điệu  véo von gần giống tiếng Ý, nhiều từ ngữ gần với tiếng Pháp và tiếng Anh.

Bắt đầu buổi làm việc bằng thủ tục tặng quà. Chúng tôi được ông Chủ tịch tặng mỗi người một túi, trong đó có các loại cà phê và đặc biệt là một chiếc mũ trắng đan bằng chất liệu thảo mộc mềm mại, giống như mũ của những chàng chăn bò (cowboy) ở miền Tây nước Mỹ. Đoàn Việt Nam cũng tặng bạn quà lưu niệm trong đó có chiếc đĩa gốm lớn mang hình tháp rùa và hồ Gươm, biểu tượng của trung tâm thủ đô Hà Nội.



Những chiếc mũ cowboy
 

Ban đầu tôi không hiểu sao Trường học mới lại liên quan đến Hiệp hội những người trồng cà phê. Sau bài phát biểu của ông Chủ tịch, tôi mới hiểu. Vốn là mô hình trường học mới này do Hiệp hội cà phê đề xuất và quan trọng hơn là được họ bảo lãnh, cung cấp toàn bộ kinh phí từ cơ sở vật chất , lớp học đến trang thiết bị, sách vở và tài liệu học tập. Không những thế họ còn nuôi (ăn trưa) và miễn học phí cho tất cả HS vào học những trường này, từ lớp 1 cho đến khi học tiếp đại học nếu học đúng ngành Cà phê và tình nguyện phục vụ trong ngành này. Vì thế không có gì khó hiểu bên cạnh các môn học kinh điển, truyền thống như Toán, Tiếng Tây Ban Nha, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội… họ có hẳn môn học Nhà trường và cà phê. Ở môn học này, HS được làm quen với cây cà phê, được trang bị toàn bộ các tri thức, hiểu biết về cây cà phê,  kỹ năng trồng và chăm sóc cây cà phê, những sản phẩm và giá trị của cà phê  cũng như thái độ, tình cảm đối với cây cà phê, ngành cà phê… Tất cả các HS học trường này từ phổ thông đến đại học, cao đẳng đều được thu nạp vào ngành cà phê (các đồn điền, xí nghiệp chế biến, xuất nhập khẩu…), từ việc làm công nhân, cán bộ kĩ thuật, đến kỹ sư, tiến sĩ về cây cà phê, ngành cà phê. Đã hơn 30 năm họ làm thế và hệ quả là, ngành cà phê bỏ vốn ra nhưng họ thu lại được những thế hệ công nhân có trình độ, qua đào tạo một cách hệ thống, bài bản; vừa giải quyết được công ăn việc làm, vừa tạo ra chất lượng của người lao động và hiệu quả, năng xuất lao động tăng lên rõ rệt. Bên cạnh môn Nhà trường và cà phê, họ còn có cả môn An ninh lương thực; một môn học tương tự như Nhà trường và cà phê nhưng hướng tới các loại cây lương thực như lúa, ngô, khoai, sắn… Gắn nhà trường với các đặc điểm địa phương, đáp ứng yêu cầu sức lao động và giải quyết công ăn việc làm là chủ trương của mô hình trường học này. Như vậy, không phải đào tạo lại, không mất một nguồn kinh phí khổng lồ để dạy nghề cho người lao động, nông dân, công dân như ở Việt Nam vẫn đang làm.

* * *

Ngày thứ 2 bắt đầu bằng một chuyến đi thăm một trung tâm học tập theo mô hình trường học mới, cách trung tâm thành phố 60-70 km. Ban đầu tôi cứ nghĩ đi mất khoảng 60 -70 phút là cùng. Thế mà đi mãi, đi mãi gần 3 tiếng đồng hồ chúng tôi mới tới được khu trường này, trường Hojas Anchas. Đó là một trường học nằm trên vùng núi cao; phải vượt qua nhiều dốc đèo heo hút không khác gì những vùng núi cao của Việt Nam. Đường nhỏ, cua gấp liên tục; gập ghềnh, mấp mô, liên tiếp ổ trâu ổ bò; xe lắc lư vật vã trái phải liên hồi; có chỗ hai chiếc xe đối đầu không tránh nhau được, một chiếc đành phải lùi lại nép sát vào bên đường hẹp mà bên dười là vực sâu, sườn dốc… Một vài người trong đoàn đã không chịu được, bắt đầu chóng mặt, buồn nôn…Đây là vùng tranh chấp giữa chính phủ và quân phiến loạn, những băng cướp và buôn bán ma túy vẫn hoạt động… thành thử lúc này tôi mới hiểu tại sao đi theo chúng tôi từ sáng sớm lại có hai cảnh sát, máy bộ đàm và súng ống luôn sẵn sàng. Tôi nói với anh Bùi Mạnh Nhị, ngồi bên cạnh, lần này đi học mệt quá.



Hai cảnh sát phục vụ đoàn

Mãi rồi cũng đến nơi cần đến. Một không khí hết sức nhộn nhịp, òa vỡ vì tiếng reo vui, hát hò, vẫy cờ của học sinh ra chào đón đoàn. Chúng tôi chìm ngập giữa những gương mặt nhễ nhại mồ hôi, tươi rói nụ cười và pha lẫn hiếu kỳ. Khuôn viên trường Hojas Anchas chỉ rộng chừng vài ngàn mét vuông, có 2 dãy lớp học, tổng cộng khoảng hơn chục phòng học, trang thiết bị đơn sơ, chẳng thấy phòng thí nghiệm, thư viện đâu cả; nhà lợp mái tôn, thấp và nóng kinh khủng… Tôi hơi ngỡ ngàng khi được giới thiệu nơi đây đào tạo từ tiểu học đến tận trình độ đại học, dù chỉ là đại học về cây và ngành cà phê. Nhất là khi nhớ tới những khuôn viên và cơ sở vật chất của nhiều trường đại học lớn trên thế giới mà mình đã có dịp ghé thăm.



Giờ chúng tôi đến đã là gần trưa, nên chỉ giao tiếp sơ qua thế là vào phòng ăn luôn. Thết đãi chúng tôi như thượng khách là một bát súp gà (gà do chính các HS nhà trường nuôi) nấu với những khúc sắn và ngô bắp; ngoài ra còn một số món tôi không biết là món gì. Ăn xong là vào công việc luôn, giới thiệu, trao đổi, hỏi đáp, thăm quan phòng học, trại chăn nuôi, vườn cà phê… là những nơi học và thực hành luôn. Cuối cùng là cuộc gặp gỡ với phụ huynh. Tôi thấy phụ huynh nào cũng phát biểu rất say sưa và khá giống nhau, ca ngợi nội dung và cách thức đào tạo của nhà trường, biết ơn hài lòng với mô hình trường học mới đã giúp con cái họ học hành và trưởng thành, có công ăn việc làm… Nhưng khi tôi nêu một câu hỏi: Hàng năm trường có bao nhiêu em HS thi đỗ vào các trường đại học lớn ở thủ đô Bogota? Bà Hiệu trưởng trả lời ngay: không có HS nào cả. Một phụ huynh nói thêm: có đỗ chúng tôi cũng không có tiền để cho các cháu ăn học.



Học sinh trường Hojas Anchas

Một cơn giông nổi lên khi đoàn chia tay nhà trường, lại trở về thành phố với con đường lắc lư, vất vả như đường vào đất Thục (Thục đạo nan). Ngồi trên xe, tôi cứ nghĩ mãi về mô hình trường học này, một mô hình trường học đầy tính thiết thực, nhưng có lẽ nó chỉ phù hợp với GD đại trà, rất tốt cho những vùng nông thôn, khó khăn, kém phát triển. Liệu họ đang mở rộng mô hình này về thành phố có mang lại hiệu quả như mong đợi hay không?

* * *

Vài ngày sau, chúng tôi lại đi thăm mô hình trường học này ở vùng đồng bằng và thành phố. Mặc dù được giới thiệu là mô hình này vẫn có hiệu quả tốt với tất cả mọi vùng, nhưng không hiểu sao tôi vẫn không thay đổi được ý nghĩ ban đầu, khi đến thăm trường Hojas Anchas.



Thành phố khi mặt trời lặn
 

Chiều tối, thành phố Manizales vẫn nhộn nhịp và ầm ào xe cộ. Bạn đưa đến một điểm du lịch ngắm khung cảnh thành phố khi mặt trời lặn đẹp mê hồn. Sáng mai chúng tôi sẽ rời thành phố này về thủ đô Bogota, trước khi rời Colombia về Hà Nội. Tạm biệt Manizales xinh đẹp, ồn ào, náo động bởi tiếng gầm rít lên dốc của xe cơ giới, của những điệu nhạc Mỹ La Tinh sôi động trong những quán bar, trên những đoàn xe nhạc lưu diễn khắp đường phố. Tạm biệt và nhớ mãi một chuyến đi.


Tháng 10/2013

 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook