CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn

LÃ NGUYÊN VÀ NIỀM VUI ĐƯỢC NÓI

Thứ hai ngày 10 tháng 2 năm 2014 12:00 AM

Lã Nguyên tên thật là La Khắc Hòa. Vợ anh tên Vân, họ Nguyễn. “Nguyễn ghép với La thành Nguyễn La, nói lái thành Lã Nguyên. Thế thôi”. Ðó là lời giải thích của anh gần 20 năm trước, khi tôi hỏi về bút danh anh dùng trong các bài viết. Nhà nước chỉ mới phong cho anh Phó giáo sư. Nhưng với tôi, anh đã là giáo sư lâu rồi.

Ở xứ ta việc phong học hàm, học hiệu, chức danh… nhiều khi lạ lắm. Có người chẳng dạy dỗ gì hoặc dạy rất ít, nhưng chức to và ít nhiều liên quan đến ngành giáo dục thế là phong nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân…Không đi dạy sao gọi là nhà giáo? Thiết nghĩ, nếu có công lớn với ngành giáo dục thì nên trao cho họ huy chương Vì sự nghiệp giáo dục; huy chương chưa xứng thì tặng huân chương, anh hùng lao động...hay là danh hiệu gì đó chứ nhất quyết không phải là nhà giáo. Về chức danh khoa học (học hàm, học vị) cũng thế; có người chẳng được phong gì như Hoàng Ngọc Hiến, nhưng ai cũng gọi thầy là giáo sư một cách kính cẩn, trân trọng. Trong khi không ít người được nhà nước phong giáo sư hẳn hoi nhưng gọi lên nghe cứ ngượng miệng, buồn cười thế nào ấy. Mà số này lại ngày càng nhiều. Ối người “y phục không xứng kỳ đức”, chẳng thế mà có câu “Ông này giáo sư nhưng mà giỏi”. Ban đầu, tôi nghĩ chẳng qua là họ nhại theo câu “Tay này đảng viên nhưng mà tốt” cho vui, hóa ra về sau thấy cũng có phần đúng thật. Nói đến chuyện này, La Khắc Hòa có cách nhìn riêng. Còn nhớ lần tôi hỏi: sao anh không làm giáo sư? Anh cười và hỏi lại: “ Này nhé có 2 câu, một là: Thằng ấy mà cũng giáo sư à? Và câu thứ 2: Thằng này mà chưa được giáo sư à? thì ông chọn câu nào?”.

Về La Khắc Hòa, khoa Ngữ văn trường Đại học sư phạm Hà Nội từ lâu ai mà chẳng quen; dân lý luận phê bình văn học cả nước ai mà không biết; các sinh viên sư phạm ngữ văn, thạc sĩ, nghiên cứu sinh chuyên ngành này không ai lạ cả… Nhắc đến anh, người ta nghĩ ngay đến một tư duy sắc sảo; luôn tiếp cận, nhìn nhận vấn đề một cách mới lạ và diễn đạt chúng đầy ấn tượng, độc đáo. Anh am hiểu sâu sắc những vấn đề thuộc chuyên ngành của mình, biết và hiểu đến nơi đến chốn những đề tài mà anh say mê, tâm đắc… La Khắc Hòa là người chịu khó nghĩ và có cái để mà nghĩ.  Dường như lúc nào trong đầu anh cũng nung nấu một cái gì đó về học thuật, về những gì anh đang đọc, đang nghĩ. Điều này rất giống giáo sư Trần Ðình Sử. Chẳng thế mà hầu như lần nào gọi điện hay gặp mặt, câu cửa miệng của anh bao giờ cũng là “ Này, tớ đang nghĩ về vấn đề này….”, hoặc “ Mình vừa nghĩ ra tứ cho một bài viết về Nguyễn Duy, đại để thế này, ông xem có được không?”… Rồi anh say sưa nói, nói không biết mệt về những gì anh nghĩ được, chẳng cần chú ý xem người nghe có hiểu hay không nữa. Trong những điều anh nghĩ, có vấn đề rất chuyên sâu, người nghe muốn hiểu cũng phải có ít nhiều tri thức về vấn đề ấy. Mà có phải ai cũng có điều kiện nghiên cứu những gì anh quan tâm đâu. Tôi chẳng hạn, nhiều hôm nghe anh, không hiểu gì. Nhưng nhìn chung là tiếp thu được, vì anh trình bày rất rõ và gọn. Tôi mải mê với công việc tìm hiểu chương trình và sách giáo khoa trong nhà trường phổ thông, ít có điều kiện theo dõi, cập nhật các vấn đề mới về lý luận văn học, nên thỉnh thoảng gặp anh là một dịp đi học lại, bổ túc thêm những gì mới, những gì cần biết về lĩnh vực này. Thường tôi chỉ chăm chú nghe, không rõ thì hỏi lại; còn anh thì mải mê nói, từ đầu chí cuối. Lâu rồi thành quen, hình như không chỉ với tôi mà với nhiều người khác cũng vậy, anh lấy đó làm cách thức để luyện tập tư duy thì phải; luyện bằng cách nêu vấn đề để người khác phản biện và anh tìm cách lý giải… Chính vì thế anh rất thích nêu những gì đang nghĩ cho những người hay cãi, hay phản bác, tranh luận với mình, góp ý cho mình…

Thế nhưng điều cốt yếu, tôi nghĩ, được nói chính là niềm vui của La Khắc Hòa. Cứ nghĩ mà xem, một đầu óc tỉnh táo, một tư duy sắc sảo, một bản tính hướng ngoại, một đam mê truyền bá… lại ham đọc, ham tìm hiểu, biết được bao điều mới lạ mà người khác chưa biết như là những “bí mật”… thử hỏi sao mà giữ yên được? Vợ có cấm thì dứt khoát cũng phải đào một cái hố hoặc tìm cái chum, cái vại trong nhà để mà xả, mà hét cho bõ. Huống chi vợ anh lại là người chủ trương “tự do ngôn luận”. Thế là La Khắc Hòa tha hồ nói, thoải mái trao đổi với bạn bè. Không ít lần tôi nghe anh khoan khoái thổ lộ: “Hôm qua tao vừa trao đổi với ông Sử (T.Ð.S) cả tiếng qua điện thoại” hoặc “Mình vừa nói chuyện rất lâu với Đỗ Lai Thúy”…

Cách đây vài chục năm, tôi đã thấy anh rất hay đưa ra nhiều vấn đề theo kiểu ấy. Gặp ở đâu, bất cứ lúc nào cũng thấy La Khắc Hoà có ý kiến riêng, nói to, rõ ràng và lập luận rất sắc sảo. Những lúc đó tôi nghĩ, ông này mà viết ra tất cả thì thành mấy tập sách ấy chứ. Mà sẽ toàn sách hay, kém gì Trần Ðình Sử. Lâu lâu, sốt ruột, tôi giục: “anh viết thành bài, thành sách đi”; anh cười “chú cứ yên chí…”. Thế rồi, lại một thôi: tao định thế này, tao định thế kia…Rốt cuộc đợi mãi chẳng thấy sách đâu cả. Có lần tôi mang chuyện này nói với giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh. Thầy Mạnh cười và buông một câu nhận xét:“La Khắc Hoà thuộc loại tư duy loe lóe” và ông giải thích: “nó là thằng chịu nghĩ và chịu khó phát hiện; nhưng cứ lóe lên một ý rất hay, sau đó lại tắt ngấm, chẳng thấy triển khai thành bài vở gì cả”.  Không biết có ai nói với anh nhận xét ấy của thầy Mạnh hay không, nhưng sau đó tôi thấy tình hình… vẫn không có gì thay đổi. Anh vẫn say sưa nói và nói rất hay, rất cuốn hút; còn chúng tôi thì vẫn cứ dài cổ đợi sách của anh ra lò. Cũng những năm tháng ấy, một lần cố giáo sư Đỗ Hữu Châu hỏi tôi về một việc gì đó, thay vì nói ý kiến của mình, tôi viện dẫn anh Hòa nói thế này, anh Hòa nói thế kia… Nghe chưa hết câu, giáo sư Châu đã lẩm bẩm: “Ôi giời, mày nghe cái thằng rồng cuốn, rồng leo ấy làm gì”. Nói thế, nhưng tôi biết thầy Châu quý anh Hòa lắm. Ðó là những năm chín mươi của thế kỷ trước…

                                                                         *

Cuộc sống thật khắc nghiệt. Sau một thời gian vất vả, La Khắc Hòa mua được đất, dựng được nhà, có của ăn của để, con cái vừa trưởng thành thì bỗng một hôm anh bị quật ngã… tưởng đã về với tổ tiên vì bệnh tim mạch. Tôi vào thăm anh trong bệnh viện quân đội 108, sau gần 10 ngày hôn mê rồi mà vẫn không hay biết gì. Trên người chỉ đắp một mảnh vải trắng. Hỏi mới biết động mạch chính trong ngực anh đã thành con “sông lấp”, chẳng còn tác dụng gì, chuyển máu về tim chỉ là một nhánh phụ rất nhỏ và có thể tắc bất cứ lúc nào. May mắn thay, nhờ sự nỗ lực can thiệp kịp thời của bệnh viện và cũng nhờ tiên tổ phù hộ, anh đã trụ lại được...

Nhưng cũng thật lạ, chính sau lần bị đốn ngã này, dù vẫn phải cảnh giác, đề phòng với bệnh tình, nhưng anh đã trở lại với lĩnh vực chuyên môn của mình một cách đĩnh đạc, sung sức và dường như mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Bút danh Lã Nguyên xuất hiện nhiều hơn, nhất là với những bản dịch về các vấn đề lý luận văn học hiện đại. Anh say sưa đắm mình vào các trang mạng nổi tiếng, cập nhật, thu thập thông tin về các trào lưu, xu hướng đổi mới lý luận văn học…Anh làm việc còn nhiều hơn cả giai đoạn trước khi bị đốn ngã. Kết quả là chỉ vài ba năm sau khi tạm bình phục, thành quả lao động của Lã Nguyên lại nhiều hơn những gì làm được trong khoảng thời gian trước. Năm 2010 anh tham gia dịch và cho ra cuốn Đường sống, tuyển tập văn thư nghị luận chọn lọc của L.Tolstoi.  Cuốn sách gần 1200 trang do Phạm Vĩnh Cư chủ biên. Năm 2012 nhà xuất bản Đại học sư phạm Hà Nội in cuốn Lý luận văn học- những vấn đề hiện đại do Lã Nguyên chọn dịch. Ðúng hơn là một số vấn đề lý luận văn học hiện đại dưới con mắt Lã Nguyên. Hơn 300 trang, sách giới thiệu với bạn đọc hàng chục bài viết của những tên tuổi lớn về những vấn đề lý luận hiện đại: từ M Bakhtin với vấn đề thể loại lời nói và các tiểu luận của Tz. Todorov; J. Kristeva; M.L. Gasparov bàn về di sản của Bakhtin đến các công trình nghiên cứu của Iu.M. Lotman với hàng loạt các khái niệm then chốt như: “ký hiệu quyển”, “văn bản”, “ngôn ngữ nghệ thuật”, “kết cấu tác phẩm nghệ thuật ngôn từ”, “nguồn gốc truyện kể”; từ các tiểu luận bàn về “phê bình”, “nhà văn”, “người viết”, “tiến trình văn học”, “chủ nghĩa cấu trúc” của R.Barthes; Tz.Todorov; Al.V. Mikhailov đến hai công trình thực hành phân tích cấu trúcgiải cấu trúc của M.I.Gasparov và Iu.V.Satin…

 

Cuốn sách ra đời đúng lúc và rất cần thiết cho giới lý luận phê bình Việt Nam. Trong bối cảnh thế giới thay đổi như vũ bão, tràn ngập thông tin thật giả, hay dở lẫn lộn; nhiều người biết ngoại ngữ nhưng cũng rất nhiều người mù tịt; ngoài ra phần lớn là biết không đến nơi đến chốn…thì nội dung cuốn sách trên là thật sự cần thiết; nó “không chỉ cung cấp nhiều khái niệm công cụ quan trọng mà còn giải quyết hàng loạt vấn đề lí thuyết, đặt nền tảng cho khoa nghiên cứu văn học học hiện đại” như Lã Nguyên đã dẫn dụ ngắn gọn trong mấy lời mở đầu cuốn sách.

Có người nói, La Khắc Hòa chủ yếu dịch cái của người khác. Ðúng thế. Nhưng họ quên mất một điều: vấn đề là dịch cái gì và dịch như thế nào? Đọc tập sách Lã Nguyên dịch, ngẫm kỹ sẽ thấy, riêng để xác định dịch cái gì, bài nào, của ai là cả một tầm nhìn, một trình độ hơn người. Ðây không phải là một tập sách dịch nguyên văn của một ai đó ở nước ngoài đã tuyển hộ, mà là thông qua sự đọc, thông qua nghiên cứu, tìm tòi, có thể nói “trên đường học tập và nghiên cứu” anh đã thu thập, tổng kết, chọn lựa và sau đó mới là chuyện dịch. Và ngay cả chuyện dịch cũng không phải đơn giản, đánh đồng tất cả. Để dịch được các vấn đề của các tác giả nêu trên, trước hết người dịch phải có một trình độ lý luận văn học uyên bác, không hiểu hoặc hiểu lõm bõm thì làm sao dịch nổi. Ngay cả với bản tiếng Việt, dịch ra rồi, nhiều người đọc vẫn không hiểu, chứ nói gì đến đọc từ nguyên bản. Giỏi chuyên môn chưa đủ, để dịch hay phải có một trình độ ngoại ngữ tương ứng, cộng với một vốn liếng tiếng Việt phong phú, đa dạng và một năng lực diễn đạt, chuyển ngữ hết sức linh hoạt nữa… Lã Nguyên là một dịch giả như thế. Anh chuyển dịch chủ yếu từ nguyên bản tiếng Nga, thứ tiếng gắn bó với anh từ ngày làm luận án bên đất bạn, cho tới giờ anh vẫn chung thủy, sắt son với nó. Lã Nguyên là một trong số ít dịch giả Nga ngữ có uy tín, nhất là về các vấn đề lý luận văn học. Trong lúc nhiều người cũng đi học ở Nga, làm luận án bên Nga…nhưng từ khi về nước, chẳng mấy nỗi, đã quên luôn cả tiếng Nga; có cán bộ giảng dạy, mang danh nhà nghiên cứu, thậm chí được phong giáo sư, cũng ở Nga về… thế mà cả năm chưa chắc đã đọc nổi vài chục trang sách bằng tiếng nước ngoài, kể cả tiếng Nga…Vâng, trong bối cảnh ấy, những người như Lã Nguyên không nhiều và các bản dịch của anh thật có ý nghĩa.

Bây giờ thì anh đã về hưu, mỗi ngày vợ chỉ định phải uống mấy loại thuốc; phải ăn theo thực đơn vợ chuẩn bị; phải làm một số việc “động chân động tay” do vợ đề ra; vì “chỉ có thế mới nhấc ông ấy ra khỏi chiếc máy vi tính” như lời vợ anh giải thích. Nghĩa là bị kiểm soát khá chặt chẽ. Chế độ mẫu hệ vốn được thiết lập từ lâu trong nhà anh, nay được dịp củng cố và phát huy mạnh mẽ. “Kính vợ đặc yên thân” là tư tưởng chiến lược được anh quán triệt thông suốt từ lời nói đến việc làm... Duy chỉ có những suy nghĩ miên man là vợ anh không kiểm soát được và thật may, chủ trương “tự do ngôn luận” vẫn được duy trì. Nghĩa là anh vẫn còn niềm vui được nói; vẫn say sưa, bất tận với những ý tưởng mới mẻ, những dự định mà anh đang “ âm mưu” biến thành hiện thực. Điều anh ấp ủ và chủ trương hướng tới vẫn là vận dụng khung lý thuyết hiện đại vào nghiên cứu văn học dân tộc. Từ những nghiên cứu về Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng trước đây đến Nguyễn Xuân Khánh, Đặng Thân gần đây. Tác giả anh mê hơn cả vẫn là Nguyễn Huy Thiệp; gần đây hơn anh đang ấp ủ bài viết về Nguyễn Duy và nhận thấy rất cần nghiên cứu về thơ Nguyễn Quang Thiều…

Nhắm mắt lại, bên tai tôi vẫn văng vẳng những diễn ngôn sôi nổi, say sưa, bất tận của La Khắc Hòa về những ý tứ thâm trầm, về các tác giả, tác phẩm văn học mà anh định viết. Vẫn là những tia chớp loé sáng rất lạ, nhưng hy vọng chúng không chỉ “loe lóe” rồi tắt mà sẽ được thổi bùng lên thành những bó đuốc rực sáng. Chỉ cần trời cho anh sức khỏe. Thế thôi.
      

Đ.N.T - Hà Nội mồng 5 tết con Ngựa

 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook