CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn

NHỚ VỀ CUỐN SÁCH ĐẦU TIÊN

Thứ tư ngày 7 tháng 11 năm 2012 11:59 AM

(Viết nhân 55 ngày thành lập NXB Giáo dục Việt Nam)


Năm 1992, tôi viết cuốn sách đầu tiên cho nhà xuất bản Giáo dục - cuốn Muốn viết được bài văn hay. Sách do GS Nguyễn Đăng Mạnh làm chủ biên cùng hai tác giả là Tôi và anh Lưu Đức Hạnh, chuyên viên phụ trách môn Văn của Sở GD & ĐT Thanh Hóa.

Thấm thoát, vậy mà đã 20 năm. Khoảng thời gian 20 năm ấy tôi đã viết, biên soạn gần 130 đầu sách cho nhà xuất bản GD, trong đó 75 cuốn làm chủ biên và đồng chủ biên. Mặc dù thế, cuốn sách đầu tiên ấy vẫn là một kỷ niệm đáng nhớ nhất. Nói như nhà thơ Lưu Trọng Lư:

Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên

Không nhớ sao được, thuở chân ướt chân ráo từ Thanh Hóa ra Hà Nội làm nghiên cứu sinh (1990). Vốn liếng giắt lưng là chút kinh nghiệm dạy học ở nhà trường phổ thông, cho dù đó là trường THPT chuyên Lam Sơn, một mái trường nổi tiếng của xứ Thanh. Cũng biết, dạy văn và viết sách dạy văn có liên quan gắn bó với nhau, nhưng mỗi việc vẫn là một thách thức khác nhau. Mà việc viết sách thì trước đó tôi chưa từng làm. Chỉ nhìn tên tác giả in trên bìa các cuốn sách với một thái độ ngưỡng vọng và dường như chỉ là những ao ước, xa xôi…Thế mà đùng một cái lại được mời viết sách, mà lại cùng viết với một GS nổi tiếng, một người rất nghiêm khắc trong chuyện chữ nghĩa, viết lách - GS Nguyễn Đăng Mạnh. Tôi nhận viết với một tâm trạng đầy lo âu, phấp phỏng, với ý nghĩ những gì mình viết ra người đọc trước tiên sẽ là ông Mạnh. Ông ấy làm chủ biên và dĩ nhiên phải đọc để xem xét, góp ý, sửa chữa… Như thế trước hết phải thông qua ông, phải lọt qua được sự “kiểm duyệt” của vị GS này.


Bìa sách qua nhiều lần tái bản

Có lẽ do sự lo lắng ấy mà tôi đã phải cố gắng vượt lên, viết với tất cả sự hiểu biết và sự đam mê của chính mình; và vì thế cuối cùng bản thảo phần tôi viết thấy không mắc nhiều lỗi dưới lăng kính của vị chủ biên khó tính. Tôi đem bản thảo về nhà, đọc lại thật kỹ, xem xét những chỗ GS Mạnh gạch xóa và sửa chữa; những chỗ ông đề nghị bổ sung, làm rõ…kể cả chỗ ông thay một vài chữ. Chẳng hạn, có chỗ ý tôi muốn nói Tô Hoài là người biết nhiều chuyện và rất thích thú, say sưa kể cho người khác nghe những chuyện ấy, nhưng không hiểu sao lại viết: “Tô Hoài là người rất lắm chuyện”. Câu ấy bị GS chủ biên gạch đi chữ lắm và thay vào là chữ vui thành Tô Hoài là người rất vui chuyện”. Vâng, trong viết lách, đôi khi chỉ thay đổi một chữ thôi mà khác nhau nhiều lắm, mà là hai trình độ thầy - trò…Và cứ thế, qua nhiều lần viết chung với những người giỏi hơn mình, tôi âm thầm học hỏi các bậc thầy của mình, dần dần trưởng thành và lớn lên từ những bài học ấy.

Những năm tháng gần đây, khi đã được mời làm chủ biên hoặc đồng chủ biên nhiều cuốn sách, tôi vẫn nhớ về những trang viết thuở ban đầu. Mỗi khi cầm bút viết tôi vẫn nghĩ về bài học mà GS Mạnh đã từng tâm sự với tôi: Khi viết bao giờ cũng nghĩ bài viết này Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Hoài Thanh, Chế Lan Viên…. và những người giỏi hơn mình sẽ đọc. Và vì thế phải cố gắng đến tận cùng, phải gắng hết sức, “giống như sư tử khi bắt mồi, dù chỉ là con thỏ nó cũng dùng hết sức của chúa sơn lâm”…Có điều cần nói rõ thêm, gắng hết sức để viết cho hay, không đồng nghĩa với việc viết cho thật uyên bác, uyên thâm và càng không phải viết cho thật cầu kỳ, rắc rối, khoe chữ, uyên bác một cách tăm tối… nhất là viết cho học sinh và giáo viên phổ thông- đối tượng chính của nhà xuất bản GD. Gắng hết sức viết cho hay ở đây, trước hết phải phù hợp với đối tượng, phải biết diễn đạt những gì phức tạp, thâm sâu một cách đơn giản và dễ hiểu…Tuy nhiên ai cũng biết, khoa học có những vấn đề vốn rất phức tạp, cho nên viết cho hay theo tinh thần như thế cũng không phải là cố tình đơn giản hóa những vấn đề phức tạp mà là biết diễn đạt những vấn đề phức tạp một cách dễ hiểu… Với tôi đây là bài học rất quan trọng, một kinh nghiệm quý báu có được từ cuốn sách đầu tiên viết cho nhà xuất bản GD.

Cuốn sách ấy, vốn ban đầu nó chỉ là cuốn sách tham khảo in dưới dạng liên kết giữa NXB Giáo dục và công ty sách Hà Nội. Người đứng ra tổ chức ký kết là anh Lê Ngọc Y, lúc đó là trưởng ban Văn của NXB Giáo dục. Bản thảo đầu tiên và suốt đến tận sau này đều do anh Phạm Văn Trọng biên tập; chịu trách nhiệm xuất bản lần đầu là Giám đốc Trần Trâm Phương và Tổng biên tập Nguyễn Khắc Phi. Muốn viết bài văn hay in liên kết và tái bản được 3-4 lần với số lượng khá lớn thì được nhà xuất bản GD coi là sách tham khảo chính, chỉnh lý lại bản thảo thay bìa khác vào năm 1996 dưới thời kỳ giám đốc Phạm Văn An và Tổng biên tập Nguyễn Như Ý. Năm 2001 sách tái bản lần sáu dưới thời Giám đốc Ngô Trần Ái và Tổng biên tập Vũ Dương Thụy và đến 2008, sau lần Đổi mới CT và SGK phổ thông theo nghị quyết 40/QH khóa X, cuốn sách lại được bổ sung, chỉnh lý và tái bản với bìa khác, dưới thời giám đốc Ngô Trần Ái và Tổng biên tập Nguyễn Quý Thao. Nếu tính tất cả từ khi nó mới ra đời đến nay 2012 cuốn sách này đã chỉnh lý, bổ sung và tái bản gần 20 lần trong vòng 20 năm. Cuốn sách có thể không cần với nhiều người nhưng cần thiết với nhiều GV và HS học văn.

Trong cuộc sống mỗi người có một việc, mỗi người có một năng lực khác nhau, rất khó so sánh hơn kém. Trong viết lách nói chung và biên soạn sách cho nhà xuất bản GD nói riêng, mỗi tác giả có một tài năng, trình độ khác nhau; mỗi loại sách có vai trò và tác dụng khác nhau… cũng thật khó so sánh hơn kém. Dù khác nhau thật nhiều, nhưng có một điểm chung cần phải vươn tới, đạt được – đó là tinh thần trách nhiệm trước bạn đọc - với nhà xuất bản GD, bạn đọc là hàng triệu GV và HS trong cả nước. Phải có trách nhiệm và dám chịu trách nhiệm trước bạn đọc thì mới có được những cuốn sách hay, có chất lượng.

Hai mươi năm trôi qua, cuốn sách đầu tiên tôi viết cho nhà xuất bản GD tuy nhỏ bé, giản dị nhưng là cuốn sách mang lại cho tôi thật nhiều bài học; tái bản nhiều lần và cũng nhờ đó bạn đọc biết đến tên tôi, nhất là với GV, HS bậc trung học trong cả nước. Đấy chẳng phải là một hạnh phúc hay sao? 

Hà Nội, 22 tháng 10 năm 2012

Đ.N.T

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook