CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Không gian thơ Mai Văn Phấn

CỬA MẪU (tiếp)

Thứ năm ngày 6 tháng 9 năm 2012 10:23 AM
KỲ II


“Cửa mẫu là một trường đoạn của ký ức và những siêu nghiệm trong cấu trúc bề sâu của quy luật vận động đời người: sinh – lão – bệnh – tử. Cấu trúc này không mới, nhưng độc đáo ở cách thể hiện trên cơ sở những phát hiện của tác giả về tính tương đồng của nhân sinh trong những giới hạn của cõi người. Các phân đoạn nhỏ cho ta hình dung về những chặng đời của con người từ thuở sơ sinh (I, II), dần lớn lên (III), đấu tranh để sinh tồn (IV, V), già lão và tật bệnh run rẩy những khấn nguyện (VI, VII), hoài niệm ấu thơ (VIII), lời kinh cầu siêu thoát (IX). Điều khiến người đọc thấy bất ngờ nhất chưa phải là sự lập thể của hình ảnh, hình tượng mà chính là sự đồng hiện của kiếp người qua hai hình tượng cha và con. Con là ấu thơ, là ký ức của cha, cha là hình ảnh tương lai của con. Con là sớm, cha là chiều, con là ra đi, cha là lúc trở về. Cửa mẫu là xuất phát điểm cũng là nơi kết thúc một hành trình vừa nhiệm màu vừa khổ ải. Hai hình tượng ấy dìu đỡ nhau cùng biểu đạt quy luật của đời người là tứ thơ độc đáo của Mai Văn Phấn. Chính mối liên hệ mang tính huyết thống đã chuyển tải tối ưu ý niệm về sự liên tục của đời người. Đồng hiện để tự thức nhận là mục đích của tác giả khi xây dựng hai hình tượng cha và con. Người đọc tự thấy quy luật đời sống nơi bản thân mình và cha trong khoảnh khắc cả không gian, thời gian của quá khứ, tương lai được kéo gần lại bên nhau… Có thể nói, chín phân đoạn là một hành trình. Hiện hữu trong dòng ký ức và tưởng tượng của tác giả là những hình ảnh không quá xa lạ nếu không muốn nói rằng có chỗ thật thân quen, gần gụi. Có lạ lẫm gì đâu con chim, mảnh vườn, mặt trời đáy nước, hang dế sủi bong bóng nước, chú bê non ngơ ngác, tiếng lá khô trượt trên mái nhà, tầng cây xanh, sấm chớp, mưa sương và bông hoa nở… Cái lạ có lẽ chính là ở khả năng lập thể của tác giả khi đặt các hình ảnh ấy bên cạnh nhau, khúc xạ, lồng hiện trong dòng chảy bất định của ký ức và tưởng tượng. Người đọc sẽ không cho là vô lý, phi nghĩa khi gấp tập thơ lại, nhắm mắt để tâm tưởng của mình trôi trong hoài niệm về ấu thơ, về những ngày đã qua, những ngày chưa tới... Tính chất vụt hiện của dòng ý thức đưa con người đến những không thời gian khác nhau với những hình ảnh bất ngờ mà logic của lý trí thuần túy không thể chấp nhận được. Đó là một “siêu hình học” mang thông điệp về tính khả nhiên, khả thể của sự sống vĩ đại, vĩnh hằng, không giới hạn, không mái che…”

Nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm

 

CỬA MẪU 

Mai Văn Phấn

V
 
Con đuổi theo con mồi nhỏ
Tung mình lên mặt sóng rồi mất hướng
 
Nước rút
Trong giấc mơ gần sáng
 
Xương cốt con đau
Đuôi và vây lưng tê cứng
Có bàn tay luồn những sợi dây
Kéo con lê lết
 
Họ đã dừng lại trú mưa
Bất ngờ phóng thích con
Gần chân sóng
 
Con biết ơn trận mưa
Sấm to và gió mát.
 
VI
 
Cha vừa gượng dậy sau trận ốm liệt, men dần ra cửa, lọt vào khối vuông ánh sáng
 
Người cố đưa ngón tay và bảo con cánh cam trên tán lá kia cha nhìn thấy lần đầu
 
Con kể những chuyện vô tình lúc cha hôn mê. Chuyện đám mây lớn thường bay chậm qua nhà mình. Chiếc giếng khơi dâng hơi nước lên cửa sổ. Chuyện tiếng con chim khách làm mọi người cùng nhìn bát thuốc
 
Cơ thể cha tựa sông cạn, củi khô, hạt lép
Chùm quả nặng đung đưa gió mạnh
 
Cha bỗng thều thào hãy dìu cha đi nghỉ
Tiếng lá khô trượt trên mái nhà làm cha và con cùng rơi nước mắt.
 


Salvador Dali

 

VII
 
Vũ trụ choàng áo đen lên con
Chỉ hở đôi mắt cầu nguyện
 
Lầm rầm con vẫn nghĩ
… bàn tay trắng máu đen lưỡi trắng nước mắt đen lưng trắng vành tai đen lọn tóc trắng mồ hôi đen…
 
Màu đen tràn lên mọi điều sẽ kết thúc
Hãy nguyện cầu cứu lấy nhân gian
 
Ngọn hải đăng…
Bếp sáng…
 
Nhìn hướng bất kỳ
Như tập nhìn lên bảng
Học cách phân màu
Đánh vần chữ cái
Đây ngã tư trắng
Mặt đất, mặt biển trắng
Cụ già, chiếc ghế, thiếu phụ trắng
Viên thanh tra, người nông dân màu trắng…
 
Miệng đọc to lòng còn tạp niệm
… lưỡi trắng nước mắt đen lưng trắng vành tai đen lọn tóc trắng…
 
VIII
 
Co quắp con ngủ trong gió lạnh
Mơ thành bào thai
Cuống nhau nối mặt trời
 
Bay trên tàng cây
Mắt nhìn xanh tiếng nấc
 
Từng chồi chân tay bé xíu
Bật nhẹ trong cơ thể Người
Con tỉnh giấc
 
Nơi ấy bắt đầu con đường
Chú ngựa con liêu xiêu đứng dậy
Đàn sâu bò khỏi thân cây
Con tép riu vọt lên họng nước.
 
IX
 
trống chiêng bát bửu
mở hội long đình  
múa hát cao xanh
công đồng tứ phủ
mở lòng đệ tứ
bao dung mắt nhìn
mưa thuận gió êm
khâm sai ân huệ
tâm thành kính lễ
tứ vị chầu bà
khăn gấm áo hoa
đi tươi về tốt
thuận buồm xuôi ngược
má phấn môi son
lá phách sênh tiền 
rồng thiêng bay lượn
năm toà quan lớn
phơ phất bàn tay
tài cao đức dày
long lanh ngọn lửa 
vuốt ve che chở
thương con tò vò
con tằm nhả tơ 
áo khăn lật phật
phù sa ôm ấp
lòng sông gió về
dưa gang dưa lê
sen cau ngan ngát
gái trai vào hạt
dẻo thơm ân cần
làm chiếu làm chăn
làm hoa làm bướm
mặt mày hơn hớn
làm đất làm trời
cây cỏ tốt tươi
mưa mau sầm sập

“Mẫu” là khởi nguồn của mọi sự sống trên thế gian, là Đấng Sáng Thế đầy quyền năng, là nguyên nhân của quy luật sinh tồn. Hình tượng “Mẫu” là biểu trưng của cảnh khai thiên lập địa. Vũ trụ lúc ấy tối tăm mù mịt, là một khối hỗn độn vô hướng của nước, lửa và những sinh vật bán khai. Giữa buổi hồng hoang ấy, bà mẹ hoài thai sinh ra đứa con mang dáng dấp Con Người. Hình tượng “con” ở đây còn bao hàm cả khái niệm vũ trụ (ánh trăng, mây mù, mưa nguồn chớp bể, bóng đêm, vầng mặt trời, đáy nước, đàn chim, con nòng nọc, lá mầm…). “Cửa Mẫu” không có thời gian, không gian cụ thể mà là những khái niệm giả định, được đo đếm bằng những đại lượng “ảo” do chính “Mẫu”, một thứ totem siêu hình không thể cắt nghĩa rõ ràng được, quy định. “Cửa Mẫu” có 9 khúc, mỗi khúc đều được gắn với những hiện tượng, những quy luật trong nhận thức vạn vật tương thông. Mỗi khúc vừa hé mở lại vừa khép kín những bí mật của vũ trụ, lúc như giải thích, lúc lại như những câu sấm truyền tối nghĩa bằng thủ pháp ẩn dụ. Có thể nói, “Cửa Mẫu” là một cố gắng tự khám phá thế giới tâm hồn, tìm vào tầng vô thức khám phá bí mật của Tạo Hóa. “Cửa Mẫu” không giải thích mà chỉ nêu hiện tượng cùng mối quan hệ rất bình thường của các quan hệ ấy. Có vẻ như, khi viết “Cửa Mẫu”, Mai Văn Phấn đang trong trạng thái “lên đồng”. Tác giả sau khi được Mẫu “nhập” vào đã biến thành một chủ thể hoàn toàn khác, có khả năng cảm thấy, nhìn thấy những thứ mà người trần mắt thịt bất lực. Ngôn ngữ “Cửa Mẫu” dồn nén, trơn tru, kéo dài thành những trường đoạn với hàng loạt câu ngắn phảng phất loại ca từ chầu văn, diễn tả thế giới mông lung nửa thần thánh nửa trần tục. Yếu tố triết lý được loại bỏ ngay từ đầu, thay vào đó là những nghiệm sinh được đúc rút qua quá trình sống của các thế hệ được di truyền lại. Như vậy, “Mẫu” được tôn vinh như là thủy tổ của muôn loài, Cửa mẫu chính là khởi nguồn của sự sống trên Hành Tinh Xanh. Hình tượng “Con” ẩn dụ vạn vật trong cuộc đấu tranh sinh tồn trong lịch sử tiến hóa. “Mẫu” là đấng toàn năng, khi sinh thành ra “Con” cũng là lúc Người trao cho nó cẩm nang thoát hiểm. Hình ảnh “Con” vừa có tính cá thể, vừa mang tính quần thể, là hiện thân của sức quật cường trong hành trình tự khám phá mình để đến tương lai. Đây là những vần thơ cảm nhận sự huyền vi của Tạo hóa khi vạn vật đang sinh thành: Da thịt con yêu trải sâu đêm tối / Dựng tầng mây mưa nguồn / Con lặng lẽ đi qua vầng mặt trời đáy nước / Nhìn hướng bầu trời mở đôi cánh... Và sự sống nguyên thủy qua hình ảnh đảo ngược gây hiệu ứng siêu thực: Ngọn cây vươn mỏ con chim / Đang cúi xuống mớm vào miệng con từng hớp gió... Vượt lên trên hết là quy luật sinh diệt của vạn vật do “Mẫu” tạo nên cho thế giới tự nhiên, dạy “Con” thích ứng với hoàn cảnh: Tiếng hạt vỡ trong ngực / Bơi qua sông con nòng nọc đứt đuôi / Tập vỗ cánh, quạt gió vào lòng tổ / Bật lá mầm bay đi thênh thang... “Mẫu” vừa là vũ trụ vĩ mô vừa là vũ trụ vi mô được nhận thức như là một ý niệm vô thủy vô chung. Nơi sinh ra cũng là nơi kết thúc của mỗi cá thể bởi phương thức cộng sinh. Phương pháp siêu thực kết hợp với biện pháp đảo trang, hòa đồng một cách ngẫu hứng côn trùng, thảo mộc, muông thú và con người trong trật tự khá hỗn loạn: Đặt con lên đất / Lòng sông đau xé thân đêm / …/ Con bật khóc cuốn đi lưới nhện / Tiếng con vạc khàn khàn / Tàng tro lóe sáng / Mặt trăng run... Biện pháp xen kẽ tư duy trực cảm của con người thời hiện tại với hành vi mang tính di truyền đẩy thời gian về trục quá khứ, nén chặt không gian sinh tồn, làm cho người và vật thay đổi vị trí của nhau. Đó chính là không gian hiện sinh, thời gian siêu thực được biểu đạt bằng ngôn ngữ thơ.

Nhà văn Đặng Văn Sinh

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook