CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Không gian thơ Mai Văn Phấn

HIỆN TƯỢNG THƠ NGUYỄN QUANG THIỀU VÀ LỘ TRÌNH CÁCH TÂN (KỲ II)

Thứ ba ngày 7 tháng 8 năm 2012 9:28 AM

4. Thi pháp và những cách tân

Không gian thơ Nguyễn Quang Thiều luôn động chuyển, biến hóa bất ngờ. Mỗi câu thơ, hoặc đoạn thơ chỉ là một phần nhỏ không hoàn thiện của thi ảnh Nguyễn Quang Thiều, giống như người đi thị sát, có thể đặt tay lên một tảng đá trong trùng trùng núi non mà không mường tượng hết được hình thể tổng quan của nó.

Dưới trăng và một bậc cửa dẫn ta vào một không gian hỗn độn những hình ảnh: chiếc lá non, bóng cây, con dế mèn, bối tóc, ổ trứng, dãy số, con chó, ổ đất, v.v… Nếu chỉ chăm chú vào những chuyển động của những hình ảnh đơn lẻ ấy, người đọc sẽ không bao giờ gặp được vẻ đẹp thơ ca trong đó, thậm chí sẽ thấy chúng rời rạc, khô cứng và có thể không còn ý nghĩa. Cần phải chuẩn bị một tâm thế khác, cách nhìn khác khi tiếp cận thơ Nguyễn Quang Thiều. Dưới trăng và một bậc cửa, cuối cùng, phải chăng là cơn khát tìm đến một thế giới hoàn mỹ những vẻ đẹp bất tuyệt và đó là cảm xúc phát sinh từ một tâm thế tái sinh, tìm lại những gì đã mất đi, đã chết…

Thơ Nguyễn Quang Thiều ít chú trọng vào những điểm “nhói sáng” của cảm thức mà dần trải ra trong chiều dài và độ sâu của thi ảnh. Những đứt gãy, rời rạc, như không có liên kết liên tiếp, tạo ra độ giãn cách giữa những nhóm hình ảnh được làm sáng lên trong không gian thẫm tối, tạo độ tương phản rõ rệt, gây ấn tượng mạnh cho người đọc, trước hết dẫn dắt chính tác giả rồi tới vào trạng thái tê dại, như lạc mê cung…

Có vẻ như chỉ riêng thi sĩ nhìn thấy: Con bống cái chửa hoang ngơ ngác và thường chết ngất; Hai cánh tay tôi – hai vây cá rách tướp/ Dìu nỗi sợ chửa hoang đi tìm ổ đất buồn… Nếu không bị cuốn vào tiến trình mộng mị của hình ảnh thơ Nguyễn Quang Thiều, người đọc khó lòng đi tới thông điệp đích thực nhà thơ muốn gửi gắm. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thường ghi lại những hình ảnh trong trạng thái đặc biệt, đầy ám thị, với đặc tính thông thường của đời sống hiện thực nhưng thôi miên, ám ảnh một cách kỳ lạ: một linh hồn cây, ổ lá mục đến vũ hội bầy bọ chó, một nồi bột bánh… Tất cả là những biểu hiện của nỗi buồn, niềm hạnh phúc mà chính nhà thơ hóa thân vào thi ảnh.

Không gian nguồn cội và quê nhà luôn da diết khắc khoải trong thơ Nguyễn Quang Thiều ngay từ tập thơ đầu tay Ngôi nhà 17 tuổi đến tập thơ Cây ánh sáng (Nxb. Hội Nhà văn, 2009): Sông Đáy chảy vào đời tôi/ Như mẹ tôi gánh nặng rẽ vào ngõ sau mỗi buổi chiều đi làm về vất vả/ Tôi dụi mặt vào lưng áo người đẫm mồ hôi mát một mảnh sông đêm (Sông Đáy). Không gian nguồn cội với Nguyễn Quang Thiều cũng chính là sự ngây thơ, trong sáng đầy nhân bản, là tình yêu đắm đuối, có lúc mê muội với thiên nhiên, với những đồ vật vô tri vô giác, với những kỷ niệm ấu thơ. Hình ảnh đôi rùa mai nâu đã để lại dấu ấn rất riêng biệt của một tình yêu trong sáng, thơ ngây: Sao ta không chạy nữa, sao ta dừng lại?/ Sao ta không trườn xuống sông như đôi rùa mai nâu (Dòng sông); hay: Ta chạy qua bao cánh đồng, qua những mùa cỏ dại/ Hạt cỏ tươi dạt vào túi áo ướt của em (Dòng sông).

Thơ Nguyễn Quang Thiều càng ấn tượng hơn khi kiệm lời và được sắp đặt trong những tổ hợp từ đậm chất Nguyễn Quang Thiều. Có những khoảng trống mời gọi người đọc đồng cảm, và cùng sáng tạo với từng chùm thi ảnh kết dính cùng cuốn nhau đi, cùng tăng tốc… Nếu chú tâm, dễ dàng nhận ra lối mở vào không gian thơ, và cả thần thái thơ Nguyễn Quang Thiều thường nằm ngay ở câu thơ đầu tiên trong mỗi bài, như câu: Hãy mang tôi về xa nữa (Bài hát), và: Các con cháu tôi đến trước (Bữa tối) đã thực sự phát lộ ý tưởng chủ đạo (của) bài thơ. Từ ý thức đó, thi sĩ thường chuẩn bị kỹ tâm thế, cấu tứ cho bài thơ của mình, và cảm xúc mạnh ập đến là gõ máy/ hạ bút xuống: Thức dậy từ cơn mơ, cả cúc áo cũng không cài hết (Dòng sông); Những ngón chân xương xẩu, móng dài và đen tõe ra như móng chân gà mái (Những người đàn bà gánh nước sông); Người nắm chặt những hạt giống và thả vào bầu trời đất nâu (Hòa âm của những đa bào); Không còn gì cho tôi khóc sớm nay ngoài cánh đồng rau khúc (Tôi khóc những cánh đồng rau khúc); Tiếng súng bắn tỉa lần thứ nhất vang lên (Trong tiếng súng bắn tỉa); v.v… Và cũng chính từ những câu thơ bỏng rát đầu tiên ấy đã cất tiếng nói từ bên trong, là sự kích hoạt cho những đợt sóng cuộn sôi trào dâng xúc cảm thị hiện cho toàn bộ bài thơ.

Trong dòng thơ cách tân sau 1975, cách nói tỉnh táo và sắc lạnh là đặc trưng nổi bật được thể hiện rõ nét, mang đậm phong cách riêng của Nguyễn Quang Thiều. Đó là sản phẩm tinh thần tất yếu của sự cảm nhận đời sống công nghiệp hiện đại, của văn minh “remote - nút bấm”, của lai giống, nhân bản, vi mạch, tốc độ… Hiện thực khắc nghiệt của đời sống và hiện thực tiên tri, tưởng tượng… được khúc xạ, thăng hoa, hắt sáng từ cảm quan, tư biện đặc biệt của thi sĩ. Tất cả được hiện hữu trong thơ Nguyễn Quang Thiều vừa đau đớn vừa da diết, vừa chằm bặp vừa lạnh lùng. Ông luôn thổn thức và hân hoan, đau đớn và thất vọng… trong tư thế một công dân đầy trách nhiệm: Không nhìn thấy nhà tù nào mà mỗi ngày tôi mất đi một cỏ/ Không nghe tiếng súng nào mà ngực cỏ vỡ đêm đêm (Gọi hồn). Nhiều lúc Nguyễn Quang Thiều đã nhìn thấy cả những vẻ đẹp lộng lẫy, gần gũi tưởng như có thể chạm được tay vào, nhưng như bao người cùng thế hệ, có lúc ông thấy, cũng như ai đó đã kiệt sức không thể bước thêm được nữa: Kìa những cái cây lộng lẫy và kiêu hãnh trong gió gào rít giữa đêm/ Và một kẻ đang gắng sức tìm lối đến Thiên đường nhưng lại không ngước được mắt lên (Những công việc của tháng Mười Một).

Bằng ngôn ngữ thơ giàu tính phân tích, xác đáng, tựa như một bác sỹ phẫu thuật lách lưỡi dao mổ tìm đúng khối u cần giải phẫu, thơ Nguyễn Quang Thiều cho chúng ta bình tĩnh thấy được cốt lõi, cả mặt trái của đời sống, thấy được những khiếm khuyết, bệnh tật, và cả ung nhọt thậm sâu trong từng cơ thể: Chúng ta săn tìm xác chết những con tôm/ trong lọ mắm/ Theo cách của chim ưng/ Chúng ta xé những chiếc bánh mì/ Bằng động tác của báo/ Chúng ta cắt dao vào ngón tay trỏ/ Nhìn xuống gầm bàn chúng ta chửi/ Chiếc giày chân phải/ Hay tranh chỗ của chiếc giày chân trái/ […] Và lúc đó có người đứng dậy/ Đi vào bóng tối/ Và quay nhìn lại/ Thấy mình mẩy chúng ta cắm đầy giáo/ Phóng tới từ một đấu trường khác (Bức thư đề ngày 25 tháng 12). Cách nói và những điều được nói ấy, quả thật chưa từng xuất hiện trong thơ Việt trước đây. Tôi dẫn tiếp một đoạn thơ sắc lạnh, chính xác của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết về khung cảnh và nhân vật trữ tình: Anh ngắm nhìn những ngón tay em/ gục ngã như nạn nhân trên trường bắn/ Anh ngắm nhìn đôi môi em đầy đọa/ Một ý nghĩ nổ tung trong bản nháp/ Chiếc bút dừng mạnh ở một điểm và tì mạnh (Bản thông cáo).

Hiện thực đời sống trong thơ Nguyễn Quang Thiều hiện lên phức tạp và đa diện, từ mặt người, mặt ma quỷ, mặt súc vật, mặt gỗ… Đọc thơ ông thấy cái Ác và cái Thiện luôn xung đột dữ dội, từ đó thoát ra niềm khát khao muốn đồng hóa nhau với đủ mọi sắc thái: Một con rắn rúc vào đám tóc anh và nằm phục cái lưỡi anh lộ ra/ nó muốn giết anh khi đơn âm đầu tiên của anh phát nổ (Hoa tiêu). Biểu tượng Con rắn trong thơ Nguyễn Quang Thiều biến ảo khôn lường, lúc là gã thợ xẻ giả dối trong bài thơ Hồi tưởng tháng Bảy, lúc là con mồi trong bài thơ Những con mồi, hoặc bầy chim ăn thịt trong Bản tuyên ngôn của cơn mơ

Như đã trình bày, tập thơ Sự mất ngủ của lửa là bước khởi động nhưng lại chính là cột mốc quan trọng cho lộ trình cách tân thơ của nhà thơ Nguyên Quang Thiều. Những tập thơ khác tiếp nối là các chi tiết tiếp theo để hoàn chỉnh từng phần các hạng mục giàn giáo, cột kèo, trang trí cho lâu đài thơ của riêng Nguyễn Quang Thiều. Nhịp điệu châu thổ mới (Hội Văn học nghệ thuật Hà Tây xuất bản, 1997), Bài ca những con chim đêm (Nxb. Hội Nhà văn, 1999), Cây ánh sáng (Nxb. Hội Nhà văn, 2009) thực sự mở tiếp con đường đã khai phá từ thập niên 90 với việc bung nở những thi ảnh khác biệt. Đó là một cánh đồng vải liệm thơm tho, con chuột đồng cắn môi bên bông hoa cổ tích, bình minh đang phơi tóc trong bóng tối; hay những câu thơ cứ găm vào tâm trí người đọc như một cái “dằm gai” buốt nhức: Tôi khóc những miếng bánh nóng như một cái lưỡi rơi vào bếp tro bụi bặm (Tôi khóc những cánh đồng rau khúc). Hay nữa: Chàng quỳ xuống và ngước lên cây ánh sáng vĩ đại nhất đang toả mãi tán lá ban mai khổng lồ… (Cây ánh sáng). Ánh sáng trong câu thơ chói ngời lan tỏa chan hòa nơi người đọc, gội rửa tâm hồn người, thanh tẩy uế trọc tục lụy, đưa con người vươn tới thánh khiết.

Mặt khác, những hình ảnh quen thuộc như nước, vòm lá, con cá… được bài trí và chuyển động trong một thế giới kỳ ảo, đã có tác dụng tra vấn và kích thích mạnh mẽ trí tưởng của người đọc: Tôi thấy nước đang chảy trong những vòm lá. Con cá tiên chi đang ăn những trái cây chín đen./ Hãy nhìn ra sông và kìm nén cảm xúc/ Một cái cây thì thào với một cái cây. Rồi tất cả chợt lặng im như vừa biến mất. (Nhân chứng của một cái chết).

Bên những mạch thơ vạm vỡ, sắc lạnh, thơ Nguyễn Quang Thiều còn thể hiện sự tinh tế, trữ tình khi viết về thiên nhiên, con người và những đồ vật giản dị. Bài thơ Mười một khúc cảm là tổng hòa những giai điệu, phức điệu của ông kiểu như: Ta là chiếc lưới câu bị bỏ quên đau khổ/ Chỉ đợi run lên trước đôi môi em; hay: Em non bấy đau trong từng sợ hãi (Những ngôi sao)…

Đọc thơ Nguyễn Quang Thiều, có khi chúng ta ngỡ mình lạc vào một thế giới đồng dao thần thoại, ở đó mọi người sống để yêu nhau và hiến dâng hạnh phúc.

Thế giới thơ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, từ ánh sáng, bầu trời, cây cối, súc vật, ngọn đồi đến mọi đồ vật đơn sơ đều có linh hồn, hiển hiện cùng nhiều thế hệ con người tồn tại phi thời gian. Tất cả như cùng đồng hiện, thanh minh, cật vấn… trước vị “quan tòa” Nguyễn Quang Thiều. Trong thế giới thơ ca riêng biệt ấy, nhà thơ là Chúa tể trị vì, trả lại sự công bằng, tự do, mở một chân trời khác dưới ánh sáng của thi ca.

Bài thơ Linh hồn những con bò của Nguyễn Quang Thiều là một ví dụ. Nếu cánh đồng cuối cùng, bóng tối, tiếng rống, những chiếc ách, dàn kèn đồng thuộc về hôm qua, hiện thể… thì đám mây trở thành một biểu tượng của phục sinh miên viễn nhuốm màu sắc tâm linh: Giờ chỉ còn những đám mây/ phiên bản của đàn bò/ bay trên cánh đồng/ của những con bò khác.

Trong thơ Nguyễn Quang Thiều hay nhắc tới bên kia, dẫn dụ một thế giới khác nữa kế cận, đã qua hay trong vị lai, là những kiếp trước hoặc chỉ riêng ông nhìn thấy: Tôi phải tới những vụ gieo trồng của cánh đồng bên kia/ Bên kia, những lưỡi cày đang được đất dạy dỗ/ Bên kia, những nông dân quỳ sụp nghe đất đặt tên/ Bên kia, những hạt giống được tắm rửa và đặt vào võng cỏ (Điều thiêng).

Những hình ảnh trong khổ thơ trên không còn ở trong phim âm bản, mà người đọc được tận mắt nhìn thấy một góc nhỏ trong ngày phán xử Tận thế. Ở đó, lưỡi cày tồn tại hàng ngàn năm nghe đất đai dạy dỗ, người nông dân già chờ đất đai đặt lại tên, và, những hạt giống được lên ngôi chờ đợi vụ mùa khác của kỷ nguyên khác…

Bài thơ Chuyển dịch màu đen là đỉnh cao trong lộ trình cách tân của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, là câu chuyện thơ mang kịch tính, xung đột, gây ấn tượng mạnh, tạo đa nghĩa... Ngôn ngữ thơ trong bài thơ gần với ngôn ngữ đời sống, súc tích, từng chi tiết diễn tiến nhanh... Những mảng màu sáng tối tương phản rõ rệt ngay trong từng mạch thơ. Mỗi câu thơ như nhát bay miết mạnh, dứt khoát trên tấm toan rộng tạo ấn tượng, nhiều đoạn như nhát búa giáng mạnh vào tâm não người đọc: Những con muỗi trộn màu đen của chúng vào màu đen ngôi nhà để đánh cắp màu đỏ…/ Những cặp môi xiết vào nhau như thổ dân xiết hai miếng đá. Nhà thơ dồn nén cảm xúc vào những trạng thái đặc biệt, chú trọng tạo hiệu ứng xung đột cao để bạn đọc cảm nhận được vẻ đẹp thơ ca trong những không gian lạ thường: Ngôi nhà gỗ cắn môi, ổ khoá hóc chết chẹt một khoảng tối.

Bên cạnh những mảng “màu lạnh”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có chủ ý khá tỉnh táo đặt những hình ảnh tương phản, lúc giàu tính trữ tình như Cầu thang gỗ đã ngủ, những răng sâu đã ngủ/ Dìu dịu trên đệm ấm, cơn ngứa thay lông. Nhiều lúc ta bắt gặp những câu thơ như ngọn đèn bất ngờ bật sáng trong góc tối: Trong góc phòng, bầy cá vàng giấu mình vào vùng nước tối…/ Những vòm cây đã trộn vào nhau/ Rễ trộn vào thân và lá trộn vào quả…/ Tỉnh giấc trong khuya bởi màu trắng cơn mê/ Cố hương xoã tóc đen đi trong gió trắng/ Cố hương vật lên như sóng/ Cố hương vùi mình như muối triệu năm. Bài thơ trộn lẫn giữa giấc mơ với ngổn ngang hiện thực, giữa khát vọng tự do, hòa đồng và hóa giải những định kiến về sắc tộc, văn hóa,… với cách biểu hiện chưa từng có trong lộ trình thơ ca của ông.

Và lúc này chàng nghe thấy tiếng chân những đàn bà xanh như nước biển bước đi như không bao giờ hết qua ngôi nhà chàng/ Và lúc này những cái cây trên thế gian, những ngọn nến xanh khổng lồ thắp lên trên tất cả con đường…/ Trong một ánh sáng ấy, một âm nhạc ấy, một ngôn ngữ ấy, trong một bầu trời ấy/ Và Người đã biến chàng trở thành một chiếc lá nhỏ không bao giờ tàn úa/ trên cành của tán lá ban mai kỳ vĩ trong vũ trụ ngập tràn (Cây ánh sáng). Nếu ánh sáng trong tập thơ Sự mất ngủ của lửa là ngọn đuốc, đèn pha, thì ánh sáng trong tập thơ Cây ánh sáng được hắt lên từ đường chân trời rạng đông, cho ta nhìn thấy hết vẻ đẹp trinh nguyên, bất tận của một sớm mai tuyệt đẹp. Cho ta biết được một ngày mới đang đến với bao khác biệt, nhiều bí ẩn, bất ngờ... Bằng những chuyển động tất yếu tuân theo quy luật tự nhiên, tập thơ Cây ánh sáng cho chúng ta được quyền tin yêu và hy vọng vào những điều tốt đẹp trên thế gian này.

5. Kết luận:

Lộ trình thơ Nguyễn Quang Thiều khởi đi từ tập thơ Sự mất ngủ của lửa đến những tập thơ về sau đã định hình một phong cách riêng biệt. Ông đã khẳng định tài năng, bản lĩnh thi sĩ và sự dũng cảm của mình bằng khả năng thiên bẩm, bằng kiến thức và trải nghiệm phong phú. Phổ thơ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều không giới hạn trong không gian hẹp, hay vùng miền mà nhân rộng, giàu sức khái quát và tính biểu tượng cao, có thể nhìn từ nhiều góc độ, nhiều hệ quy chiếu thẩm mỹ. Ông là một trong những thi sĩ tiên phong của dòng chảy thơ ca cách tân đương đại trong nước…


M.V.P.

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook