CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Không gian thơ Mai Văn Phấn

KHÔNG GIAN THƠ

Thứ sáu ngày 6 tháng 7 năm 2012 10:08 AM

nico-paris.com: Chỉ là Hoa giấu mặt, là Giọt nắng, là Gọi xanh...mà sao gây sóng gió giữa trường thi? Phải chăng bởi Mai Văn Phấn chọn dấn thân vào biến đổi? Thơ anh vượt xa những khoảnh khắc ngập ngừng nơi tâm tưởng thuần khiết để đơn độc cùng suy tưởng. Thế giới thơ anh không nhàn tản, dễ dãi mà là thế giới hữu lý bận rộn như kẻ tạo dựng một công trình.

Anh sinh năm 1955, tại Kim Sơn - tỉnh Ninh Bình, sống và sáng tác tại thành phố Hải Phòng. 

Thơ anh từng được giới thiệu tại Thụy Điển, New Zealand, Anh quốc, Hoa Kỳ, Hàn quốc, Indonesia…và hôm nay đến với nico-paris.com. 

TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Giọt nắng (thơ, 1992); Gọi xanh (thơ, 1995); Cầu nguyện ban mai (thơ, 1997); Nghi lễ nhận tên (thơ, 1999); Người cùng thời (trường ca, 1999); Vách nước (thơ, 2003); Hôm sau (thơ, 2009); Và đột nhiên gió thổi (thơ, 2009), Bầu trời không mái che (thơ, 2010), Thơ tuyển Mai Văn Phấn (thơ cùng tiểu luận và trả lời phỏng vấn, 2011), Hoa giấu mặt (thơ, 2012)… 

GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải thưởng cuộc thi thơ tuần báo Người Hà Nội (1994). Giải thưởng cuộc thi thơ tuần báo Văn nghệ (1995). Giải thưởng Văn học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hải Phòng) các năm 1991, 1993, 1994, 1995. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt nam năm 2010 cho tập thơ Bầu trời không mái che.

Dưới đây, Mai Văn Phấn chia sẻ một số nguyên lý trong hành trình sáng tạo thơ. 

 

Sáng tạo thi ca, với tôi không đến ngẫu nhiên, gặp hoàn cảnh, may mắn, hay  sự hồi đáp chóng vánh kiểu "tức cảnh sinh tình"... Mọi yếu tố cần thiết cho sự xuất hiện một bài thơ tôi thường chuẩn bị kỹ lưỡng, có khởi thuỷ, định hình trên lộ trình tới kết quả. Điều quan trọng trước hết trong sáng tạo là thiết lập không gian, không phải cho một bài thơ cụ thể, mà dành cho cả giai đoạn sáng tạo nhà thơ vươn tới; nó giống như việc phải chuẩn bị mặt bằng rộng, không gian lớn, cảnh quan đẹp cho một quần thể kiến trúc quy mô, đồ sộ. Không gian ấy hàm chứa những vấn đề lớn tạo nên từ trường ảnh hưởng cho những bài thơ cụ thể sau này. Đó là những ám ảnh cốt lõi về thời đại, thời cuộc, những quan chiếu, hệ lụy trong xã hội, thái độ sống, thái độ chính trị của thi sỹ;  một cõi riêng của cảm giác hay linh giác mà người ngoài không thể dụng ý chạm tới, và cả những vấn đề muôn thuở của văn chương, như khuynh hướng, giọng điệu, thể loại, tính nhân bản v.v...

Không gian sáng tạo này luôn mang giá trị biệt lập, độc sáng, không trùng hợp với những người khác, và, không lặp lại chính mình. Đây là thử thách lớn nhất với nghệ sỹ, đặc biệt nhà thơ, vì thường sau mỗi giai đoạn sáng tạo, các nhà thơ nhìn lại không gian mình vừa trải qua với thái độ tự hài lòng, cảm giác như mọi góc khuất đời sống, những bí ẩn của tâm trạng đều được ánh sáng thi ca soi tỏ; nói cách khác, nhà thơ như không muốn nói thêm điều gì, và, cũng thấy mọi ngả đường phía trước bị bịt lối... Nếu không mở được không gian nghệ thuật khác tiếp theo, nhà thơ sẽ rơi vào bế tắc, cùn mòn, thấy nặng nề nếu phải cố gắng nói những điều đã cũ. Đây là nguyên nhân cơ bản của căn bệnh "lão hoá" sáng tạo, khi nhà thơ chưa đến độ về già, nhưng không tìm được hướng đi mới, đành ngồi gặm nhấm vinh quang, hoặc muốn đánh động dư luận bằng những bài thơ vô thưởng vô phạt.

Tôi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, lý giải một số hiện tượng thơ tiêu biểu bên ngoài để rút ra bài học về cách đi dài hơi trong sáng tạo. Ta có thể dẫn chứng nhiều gương mặt thi ca lớn, dù tuổi đã cao nhưng sức sáng tạo của họ luôn mãnh liệt và bền bỉ: nhà thơ Pablo Neruda (Chi - lê) viết tập thơ Trái tim vàng ở tuổi 70, Adonis nhà thơ Syria viết bằng tiếng Ảrập đang sung sức ở tuổi 91 – người từng được dư luận đánh giá xứng đáng nhận giải Nobel Văn Chương năm 2011 trước nhà thơ Tomas Transtromer (Thụy Điển). Cách mở ra không gian thơ mới lạ, biệt lập là nguyên nhân cơ bản để các nhà thơ trở về với sự trong trẻo mang tầm tư tưởng lớn bằng cách nói uyên bác, hồn nhiên, bày tỏ những điều lớn lao, hệ trọng bằng ngây thơ, giản dị của mình. Không gian ấy ban đầu mở ra trước mắt nhà thơ có thể đột khởi khi  cá nhân nhà thơ chịu ảnh hưởng những biến động lớn về chính trị, thời cuộc, hoặc những cú “sốc” tinh thần như đẩy anh ta vào một thế giới khác; ngoài ra, phần lớn các nhà thơ phải tự mở cho mình cánh cửa vào thế giới nghệ thuật riêng.

“Tự mở” chính là kết quả của quá trình tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, vốn sống… kết quả của quá trình nỗ lực không ngừng tự tạo lập một đời sống nội tâm biệt lập và mới mẻ,  biến hóa đa dạng hơn nhiều so với bất cứ hoạt động sống thông thường nào. Đồng thời nhà thơ phải có chính kiến/ chủ kiến rõ rệt, lý giải được những chuyển động, sự phát triển biện chứng của lịch sử, thể chế, cộng đồng, dự đoán được những xu thế tất yếu, biết mở ra lý tưởng thi ca để nung nấu, theo đuổi đến cùng cái đẹp mình đã nhìn/ cảm thấy, vươn tới tự do, bác ái, công bằng… Quá trình tích lũy đến mức “tự mở” được không gian riêng biệt sẽ giúp nhà thơ biết nghi vấn, cật vấn những giá trị cũ, trước hết của chính mình ở những giai đoạn trước, sau đó có khả năng định hình/ định vị thơ đương đại chúng ta đang ở đâu, sẽ đi tới đâu… Trong lộ trình thiết lập không gian nghệ thuật riêng biệt, nhà thơ rất dễ chùn bước nếu thiếu tự tin, thiếu dũng cảm trước sức ép của đám đông vốn dĩ quá quen với lối thẩm mỹ cũ, hoặc dễ dao động trước những lời phê bình thẳng thắn, chân thành nhưng không nắm vững quy luật rộng mở của sáng tạo nghệ thuật theo nghĩa xác đáng của nó. Trong không gian mới, nhà thơ ngỡ như mình được tái sinh trong sáng tạo, được mang mối “hoài nghi” lớn về những giá trị cũ để khao khát làm ra cái mới phù hợp với quy luật của sự đa dạng và vô biên, tìm được tiếng nói đích thực của thế hệ mình. Và, chỉ có không gian riêng biệt ấy mới đủ khả năng phục hoạt những rung cảm tươi ròng của thi sỹ, giúp anh ta tự tìm đường, dự báo được những giá trị văn minh, tiến bộ vẫn còn ẩn giấu trong mơ hồ, mịt mù phía trước.

Không gian mới trước mắt hôm nay sẽ là quá vãng trong tương lai của nhà thơ, đó chính là quy luật của sáng tạo. Con đường sáng tạo không bao giờ dừng lại và luôn là vẻ đẹp chưa bắt gặp. Mỗi bài thơ luôn để nhà thơ làm lại mình, khám phá thế giới và đời sống... Khi nhà thơ còn tích lũy, trải nghiệm để sáng tạo, thì cánh cửa luôn mở ra trước mắt anh ta như một “cửa ải” để đến với vùng đất mới, rồi sẽ đóng lại, và, tiếp tục mở ra... Sáng tạo là lộ trình mà nhà thơ phải vượt qua nhiều cửa ải, trong không gian vô tận những cửa ải.

M.V.P

_____________________________________________

Chia sẻ trên Facebook