CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Không gian thơ Mai Văn Phấn

NGHE EM QUA ĐIỆN THOẠI

Thứ năm ngày 20 tháng 9 năm 2012 1:32 PM

Lời bình của Nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã: Tôi nhớ một cảnh nao lòng khi còn làm phóng viên cho một tờ báo nọ, một người mẹ K’Ho đứng trước cánh rừng cháy rụi mà nơi đó, hôm qua bà đã hái nấm, hái rau, và trái cây rừng từ trong ấy. Những giọt nước mắt lăn dài trên hai gò má tàn tro là một viễn cảnh đau buồn mà tôi từng chứng kiến...


Một giọt nước vừa tan
Một mầm cây bật dậy

Tôi chọn hai câu này trong bài thơ Nghe em qua điện thoại của nhà thơ Mai Văn Phấn. Tập thơ và đột nhiên gió thổi đã thổi thấu lòng tôi với những gì u lệ nhất của thơ. Không quảng bá mà thơ Mai Văn Phấn vẫn mặc nhiên găm vào thời đại chúng ta. Trắc trở và mạnh mẽ. Sâu thẳm và bật thức bao người. Dĩ nhiên là thơ không dễ đọc, nhưng tôi tin trái tim Mai Văn Phấn ở đấy, trong tất cả những gì anh viết. Một trái tim yêu thương và trong sáng! Bởi được trích ra nên tôi không hiểu theo văn bản thơ. Sẽ là có lỗi chăng? Không, vẫn còn đấy cốt lõi thơ tròn đầy. Vì thế tôi sẽ không làm mất thơ của Mai Văn Phấn. Tôi yêu hai câu thơ tuyệt đẹp này, đơn giản vì nó là nguồn sống của trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta. Vâng, một giọt nước mà thấy cả đại dương, một mầm non mà thấy cả đại ngàn. Hai câu thơ như lời kinh Bát Nhã mở ra nguồn mạch của muôn loài. Biên độ bình yên của Tâm chợt vô lượng đưa ta tiến sâu vào bản chất vũ trụ. Nếu trong Tâm kinh nói về tính Không, thì đây là tính Hữu. Có giọt nước là có tất cả. Một mầm cây bật dậy, cả quả đất xanh thẳm, sống động bởi cuộc sống sẽ sinh sôi. Đây là tứ thơ duy nhất, dung chứa trọn vẹn nội dung một cách hoàn mỹ mà lại vô cùng giản dị và trong sáng nhất!

… Theo tôi, biểu tượng "giọt nước và mầm cây" là biểu tượng đẹp nhất và có ý thức nhất trong thơ Mai Văn Phấn. Bởi sự xuất hiện của nước trên các hành tinh như sao Hỏa, sao Kim đồng nghĩa với sự sống và niềm hy vọng về một thế giới hòa bình ấm no và hạnh phúc.


Nghe em qua điện thoại

Mai Văn Phấn

 

Tiếng em trong điện thoại rất trong và nhẹ

Một giọt nước vừa tan
Một mầm cây bật dậy
Một quả chín vừa buông
Một con suối vừa chảy

Khoảng cách tới đầu dây bên kia là ruộng đồng, làng mạc, quang gánh. Là xe cộ, tháp dựng, rễ sâu. Giọng em không vượt qua mà làm cho chúng bé lại, mở thông những cánh cửa sang nhau. Anh nghe em nhờ rễ sâu mở những vỉa tầng linh thiêng trong đất ấm, con sông chảy vào quang gánh, làng mạc phồn sinh tháp dựng, cánh đồng tươi tốt trên xe cộ.

Nói tiếp cho anh những câu bâng quơ không nội dung

Lát nữa em đặt ống nghe, chắc mọi vật sẽ loay hoay tìm về đường cũ

Chỉ còn gợn sóng lan xa
Chỉ còn tan trong diệp lục
Chỉ còn thoảng bay dịu ngọt
Chỉ còn bờ đá lung lay
 



Lời bình của nhà thơ Khánh Phương: Người đọc có thể nhận biết thi pháp trọn vẹn, không bị phân tán bởi sự thừa thãi, những đa tạp mông lung, mà lại không phải sự nhất quán tầm thường, qua rất nhiều bài thơ có thể kể tên: Nghe em qua điện thoại, Những tiếng nổ nhỏ, Mưa trong đất, Gió thổi, Nhắm mắt, Thanh tẩy đầu năm, Khai bút cùng cỏ, Những bông hoa mùa thu… Ở thời điểm này, ông biết chấp nhận, coi cái “phi lý” là bản chất sâu xa của tâm hồn và nghệ thuật: Khoảng cách tới đầu dây bên kia là ruộng đồng, làng mạc, quang gánh. Là xe cộ, tháp dựng, rễ sâu. Giọng em không vượt qua mà làm cho chúng bé lại, mở thông những cánh cửa sang nhau. Anh nghe em nhờ rễ sâu mở những vỉa tầng linh thiêng trong đất ấm, con sông chảy vào quang gánh, làng mạc phồn sinh tháp dựng, cánh đồng tươi tốt trên xe cộ… Sự giản dị, sáng tỏ và dứt khoát về mặt tạo hình của hình ảnh thơ tuôn chảy thành bố cục mới của ý tưởng, không cần tới các liên tưởng trung gian rậm rạp…

Lời bình của PGS. TS. Đào Duy Hiệp: Trong 27 bài của tập thơ và đột nhiên gió thổi, tôi phát hiện thấy động từ “mở” xuất hiện khá nhiều và chủ yếu ở thể chủ động. Những phân tích dưới đây phần nào tìm hiểu cái ý nghĩa ẩn sâu, cộng sinh của chúng trong sáng tạo của nhà thơ (tôi gạch chân): Giọng em không vượt qua mà làm cho chúng bé lại, mở thông những cánh cửa sang nhau. / Anh nghe em nhờ rễ sâu mở những vỉa tầng linh thiêng trong đất ấm (Nghe em qua điện thoại): Giọng… mở thông những cánh cửa là âm thanh làm “mở” không gian…/ … hình ảnh trong thơ Mai Văn Phấn, (đa số là thơ văn xuôi), hầu hết đều là siêu thực, mộng mị, nhưng đọc kĩ ta vẫn thấy chúng bám rất chắc trên cái nền luận lí, hữu thức. Điều đó cho thấy ý thức lao động thường trực của nhà thơ mong “khám phá” ra thế giới, cái phần chưa được tri giác của cuộc đời. Thử tìm hiểu một vài kiểu hình ảnh trong thơ anh: Anh nghe em nhờ rễ sâu mở những vỉa tầng linh thiêng trong đất ấm, con sông chảy vào quang gánh, làng mạc phồn sinh tháp dựng, cánh đồng tươi tốt trên xe cộ... (Nghe em qua điện thoại). Do sự câu thúc của “rễ sâu” mà gọi ra phần đất đai linh thiêng ở vế sau; nhưng “rễ sâu” không vì thế mà không gợi hình ảnh sợi dây điện thoại cũng như tình cảm “sâu rễ” (có thể) rối rít của hai người yêu nhau. Câu thơ đã “mở” ra nhiều chiều tâm tư, suy tưởng và cả những liên tưởng thú vị. Câu con sông chảy vào quang gánh, làng mạc phồn sinh tháp dựng, cánh đồng tươi tốt trên xe cộ... có ba vế ứng với ba không gian “con sông”, “làng mạc”, “cánh đồng”. Nhưng chúng không còn “hiền lành” như ta vẫn hình dung xưa nay. Cả ba “vật thể” trên đều “quái gở” xét theo logic thông thường. Đứng trước “con sông chảy vào quang gánh” ta thấy lạ mà buồn, có cái gì đó hưu quạnh; đến “làng mạc phồn sinh tháp dựng” đã tấp nập, sang “cánh đồng tươi tốt trên xe cộ…” thì hình ảnh “ngược ngạo”, “quái đản”. Kí hiệu “cánh đồng” ở đây (không rõ có xa với chủ định sáng tạo của nhà thơ không?) khiến người đọc liên hệ đến ẩn dụ về sản vật, sự thu hoạch, vui tươi đã được diễn đạt bằng hình ảnh thơ, đẹp, lạ, và có chiều sâu suy tưởng. Nói về cấu trúc, vẫn ở bài thơ này, “tiếng em” được ví ở đầu bài là:

Một giọt nước vừa tan
Một mầm cây bật dậy
Một quả chín vừa buông
Một con suối vừa chảy...

thì ở cuối bài sẽ được “dội” lại đăng đối:

Chỉ còn gợn sóng lan xa
Chỉ còn tan trong diệp lục
Chỉ còn thoảng bay dịu ngọt
Chỉ còn bờ đá lung lay...

Tất cả “chỉ còn” lại những “linh hồn” từ “xác” của các sự vật bên trên sau khi nghe em qua điện thoại dẫu tất cả đều chỉ là tưởng thượng. Âm thanh, giọng nói của “em” đã chồng chất những không gian, thời gian thành những hình ảnh lần lượt trôi qua trong ý thức của chủ thể trữ tình. Thơ, như Octavio Paz nói, là nghệ thuật của thời gian. Nhưng, cũng là nghệ thuật của không gian, trong đó có không gian văn hóa, không gian tâm linh, kinh nghiệm, không gian trải nghiệm của nhà thơ./ … Ngôn ngữ thơ anh mang hồn cốt, phong cách rất riêng: hình như lặng lẽ mà quẫy cựa, khám phá với những tâm tình đôn hậu, sâu lắng. Hình ảnh lạ, đẹp từ những lao động ngôn ngữ đó mà thành. Trong cấu trúc của chúng, những hình ảnh của thơ anh thường chồng chất, xâm lấn, “đột kích” lẫn nhau giữa những không gian, thời gian thơ vô tận…

Tranh sơn dầu: Jean Balitran

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook