Tới thăm nhà máy sứ Limoges, giữa mê hồn trận mẫu mã hoa văn và sắc màu tinh xảo, người xem ai nấy không giấu được nụ cười hài hước trước chiếc bát sứ trắng ngần hình tuyết lê vừa e ấp vừa khêu gợi lóng lánh lửng lơ giọt sửa như sắp rơi vào nắng khát miền Tây Nam nước Pháp. Chiếc bát được đặt trang trọng trong tủ kính, người ta âu yếm gọi tên "Chiếc bát hình tuyết lê của Hoàng hậu Marie-Antoinette".
Chuyện kể Vua Louis XVI, giống như các Vua của Pháp là một kỵ sĩ săn bắn giỏi. Vì đặc biệt yêu thích săn bắn trong khu rừng Rambouillet, ông đã đề nghị công tước De Penthièvre nhượng lại Lâu đài Rambouillet.
Sở hữu tòa lâu đài, Vua Louis XVI muốn chỉnh trang và nới rộng khu công viên theo phong cách Anh và xây ở đây một trại sữa nhằm làm đẹp lòng công chúa nhan sắc hư truyền nước Áo và cũng là Hoàng hậu nước Pháp Marie-Antoinette, bởi bà đã tỏ ý chê bai vẻ lỗi thời của nó. Năm 1787, kiến trúc sư Jacques-Jean Thévenin bắt đầu dồn tâm huyết cho việc thiết kế trại sữa, nơi dành để nếm các sản phẩm sữa.
Được xây dựng theo nguyên tắc thiết kế của thôn Le Petit Trianon trong cung điện Versailles, nơi Hoàng hậu có ngôi làng tuyệt đẹp xây năm 1784, dưới sự chỉ đạo của Họa sĩ Hoàng cung Hubert Robert, trại sữa thực hiện theo phong cách cổ đại, được ví như một «ngôi đền sữa», dành cho những cuộc vui trong không gian nhạc họa kiểu du mục của Marie-Antoinette, đặc biệt hấp dẫn với các tác phẩm điêu khắc của Pierre Julien minh họa cho công đoạn sản xuất sữa ở trang trại. Bá tước d’Angiviller, người có trọng trách giám sát nghệ thuật nội thất của Hoàng cung giao việc thực hiện một bộ sứ gồm 65 tác phẩm trang trí trại sữa cho nhà điêu khắc Louis-Simon Boizot và Jean-Jacques Lagrenée, nghệ nhân nổi tiếng vẽ và chạm của xưỡng gốm sứ Sèvres.
Toàn bộ 65 tác phẩm sứ của trại sữa lôi cuốn bởi hình dáng độc đáo: chậu đầu dê, bình với tay cầm thời tộc người Etrusques, tô có chân đỡ hình chân bò… Riêng bốn chiếc «bát hình tuyết lê» là tác phẩm mang tính biểu tượng nhất. Bề mặt men chất sứ "mềm" được mài chi li tạo nên hiệu quả hệt làn da mịn màng với đường cong duyên dáng, mềm mại và quyến rũ. Ba chân đỡ được thể hiện khéo léo bằng nghệ thuật dập, trang trí hình đầu và móng của sơn dương, loài thú yêu thích của Marie-Antoinette. Đường viền thanh thoát vàng tinh 24 carat nhấn miệng và chân bát. Vàng sau khi nung ở 700° C đổi màu lì càng làm sáng hơn các chất liệu đá quý và mã não. Tác phẩm kỳ lạ này sẽ dành cho Hoàng hậu thử các sản phẩm sữa, gợi tới cuộc sống bình dị và hoang dã của loài vật để bà quên đi phần nào những lễ nghi khắc nghiệt nơi hoàng cung Pháp.
Phong cách biểu đạt táo bạo, đề cao phẩm tính phồn thực không tương thích với các lệnh phát ra từ Hoàng gia gây tai tiếng. Tin đồn «Chiếc bát hình tuyết lê» được lấy khuôn mẫu từ chính bầu ngực của Hoàng hậu Marie-Antoinette được lan rộng. Người ta cười cợt mỉa mai, tưởng tượng người thợ của xưởng gốm sứ quỳ dưới chân Hoàng hậu cao quý lộ ngực trần để lấy mẫu… Đây là một trong những lý do cho các nhà cách mạng Pháp kết tội xa hoa, phóng đãng dẫn đến việc xử tử Hoàng hậu cuối cùng của Pháp.
Trên thực tế, các nghệ sĩ tạo một hình dáng mới nhấn trên ước muốn trở về thời Cổ đại từ khám phá thành Herculanum và Pompéi. Chiếc bát lấy cảm hứng từ những ly uống, được gọi là «mastoï » - đồ gốm hình bầu vú thời Hy-lạp cổ đại và chân đỡ gợi đến những bàn thờ đá La-mã cổ đại. Các truyện thần thoại Hy Lạp, La Mã và Ai Cập đều cho rằng sữa mẹ không những kích thích tưởng tượng mà có quyền lực siêu nhiên, đó là hình ảnh của người mẹ hiến thân, tượng trưng cho vật chất và tinh thần, là biểu tượng của tình mẫu tử và phồn thực.
Có lẽ Hoàng hậu chưa bao giờ nhìn thấy bộ đồ sứ trứ danh này bởi chúng chỉ được hoàn thành và giao một thời gian ngắn trước ngày nổ ra cuộc cách mạng Pháp.
Ngày 16/10/1793, ở tuổi 37, Hoàng hậu bị kết án tội phản quốc. Cuộc diễu hành qua những con đường dài và đông dân nhất của Paris hơn hai tiếng đồng hồ tới nơi mà mười tháng trước Vua Louis XVI bị hành quyết. Quân đội cách mạng đi theo, khuyến khích nhân dân hoan hô công lý. Những người chứng kiến hoan hỉ reo hò cũng là những người từng vỗ tay ca ngợi vẻ đẹp và biết ơn ân huệ của bà. Bà bị cạo tóc và chém đầu tại Quảng trường Cách mạng.
Sau cái chết của Marie- Antoinette, «Chiếc bát hình tuyết lê» vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho các nghệ nhân. Người thợ kim hoàn nổi tiếng, Jean-Baptiste-Claude Odiot, đã tạo ra một chiếc cốc đồng mạ vàng hình dáng tuyết lê (Paris- musée des Arts décoratifs), được làm theo mẫu từ bầu ngực của Pauline Borghese, em gái của Napoléon. Năm 2014, người mẫu Anh Kate Moss đã đồng ý cho mượn bầu trái của cô để tạo khuôn cho ly champagne với phiên bản giới hạn ...
Được phục dựng hoàn mỹ vào năm 2007, trại sữa tại lâu đài Rambouillet một lần nữa tái hiện sự tinh tế và trang nhã của Hoàng hậu Marie-Antoinette vào những năm cuối một triều đại vua chúa Pháp, để người đời sau còn tiếp tục khám phá kiến trúc và nghệ thuật trang trí kỳ diệu, một kiệt tác lấy nghệ thuật làm mục đích tôn thờ.
Cuộc cách mạng nào cũng nhân danh xây dựng cái mới tốt lành, hiện đại nhưng trong cơn mê sắt máu của đám đông thì cách mạng cũng không tránh khỏi mù quáng tiêu diệt không ít những công trình kiến trúc của một thời vốn đã thuộc về giá trị tinh thần của nhân loại. Bắc cây cầu thì xéo nát cả cánh đồng hoa.Cách mạng Pháp thế kỷ XVIII là một minh chứng đau lòng.
Nico - Tổng hợp từ nhiều tư liệu.
Ảnh: Tư liệu