Tôi không chọn Montreuil, vậy mà Montreuil đã đợi tôi. Ngày Hôm Qua ấy, nó vươn vai phả ra thứ mùi nồng gai băng phiến trộn lẫn dầu hồi đến từ gió Bắc, hắc mùi sơn của phía Nam, rồi thản nhiên co mình tự xếp lại trật tự cho những mẩu đá trên vỉa hè vừa bị đảo lộn sau bước lê lơ ngơ của giày đàn bà và trẻ con lạ.
Khi ấy, ông J.T còn là thị trưởng quận XIII, người ta mách tôi, cần 12.000 francs tiền mặt lót cửa mới cơ may thuê được khoảnh nương náu len trong những tòa nhà xã hội giữa Place d’Italie của quận Á châu thì Montreuil đón kẻ vô gia cư không điều kiện. Cách ki-lô-mét số không trước Nhà thờ Đức Bà Paris bảy cây, Montreuil, được coi là làng ngoại ô của người lỡ vận.
Căn hộ mới ba phòng trên dãy cao nhất của tòa nhà xã hội bốn tầng, hướng ra bùng binh dẫn tới nhiều đường ngắn hẹp đứt đoạn để tiếp tục chẻ vụn thành những ngả lắt léo khác, gợi tới nếp khăn vải nhàu nhĩ dùng làm địu đỡ em bé của những phụ nữ da đen nhộn nhạo khắp đường. Chảo bắt sóng đài ngoại quốc tua tủa trên các ban công như nấm nhú sau mưa. Và mèo, chẳng cần đi chu du thiên hạ để học rùng mình! Mèo hoang phố, hoang xưởng, hoang bãi rác, hoang xó, hoang rừng, hoang xóm di-gan lẫn cả mèo nhà… đẫy mượt hay cọc ghẻ, lúc nhúc tụ tập sau bụi cây trước cửa phòng khám nhi miễn phí, thi nhau ỉ eo cùng trẻ sơ sinh.
Tiếng ồn tan chợ sáng phát ra từ phía bến tàu điện ngầm Croix de Chavaux. Tiếng sỏi, gỗ trút từ xe cam nhông. Tiếng cưa sắt chói chít vọng từ các công xưởng. Tiếng bánh tàu ken két đường ray. Tiếng rao bền bỉ của người thanh niên Ả rập chủ tiệm cắt tóc dây chuyền: năm francs một lần cắt/năm phút một cái đầu… kèm theo chuỗi u u rát tai đồng thanh của máy sấy và tiếng nước xối òa ạt trong dãy bồn gội gần như lộ thiên trên con đường chính Rue de Paris dấn tiếp lên chợ trời Montreuil.
Tên chợ trời Montreuil không lạ với tôi từ khi học ở Hà nội, qua những bức thư các bạn chuyên ngữ thực tập ở Paris gửi về. Chiếc áo dạ mùa đông, đôi giày lông chống tuyết, phụ kiện của xe máy, xe đạp, cuốn từ điển cũ nằm trong khả năng mua của những đồng francs học bổng eo hẹp đều có xuất xứ ở đây. Các bạn Việt Nam hay gọi chệch là «chợ Mồng Tơi» không hiểu cho dễ nhớ, hay vì liên quan đến hình ảnh rớt nát mà chữ này thể hiện.
Tập trung dân tứ xứ, đông nhà xã hội, trại tị nạn và các xưởng may lậu, là «ao nhà» của ba anh em mafia Hornec nên người Paris, nhắc đến Montreuil là thấy chùn thấy ngại. Riêng dân Montreuil, chắc không phải bởi lử lả khói thuốc cần sa, nhưng hình như có luật riêng vô hình nào đó để họ có thể nghênh ngang trong nhà ngoài phố, sống chết với Montreuil và nếu có trót phải xa, vẫn vương níu sợi dây duyên nợ.
Người bạch tạng và chiếc xe đạp trắng
Hàng xóm mới, người bạch tạng khằng đuột trong đồ thể thao trắng, không trẻ không già trấn cửa chờ tôi. Có vẻ như anh đứng đó đã lâu. Thứ có màu duy nhất, cặp mắt sậm nước sông Seine lóa ánh cười chiếu người đối diện khiến người ta khấp khởi tưởng mình được quan tâm hơn mức bình thường. Phút «tưởng» qua nhanh khi mục kích anh giữ cửa ngóng từng con mèo trở về cũng bằng ánh mắt ấy. Mắt anh và mèo đan giao. Mắt anh tựa mắt mèo.
Tôi muốn mua một chiếc xe đạp. Anh chỉ đường đi bộ đến siêu thị Carrefour.
Có những góc tối dìm con người ta vào thế giới nửa hư nửa thực, giống như Hộp accordéon tên xưởng sửa đàn phong cầm, khuất sau tấm biển kia. Cột tường gạch hai bên cửa vào chạm nếp quạt giống hộp xếp trên đàn sắp phả gió. Quầy kính mờ bày bộ sưu tập đàn cổ có chiếc tí hon chỉ bằng một bàn tay. Chốc chốc dội ra vài âm thanh tê mê rồi đột ngột chích chát tiếng búa đục làm người ta bừng tỉnh tiếc nuối. Bên trong tù mù ánh đèn vàng, la liệt các mảng nút hình cúc áo, phím, ống bễ, lưỡi gà tháo tung cùng vô số hình loại… Thầy Laurent Jarry còn khá trẻ trong áo blu trắng, nghệ nhân nhạc cụ nghệ thuật quốc gia miệng huýt sáo, tay lau kính, hướng dẫn thợ nghề khôi phục di sản thủ công lâu đời của âm nhạc Pháp.
Vỉa hè vừa sải tay người lớn, nhà và xưởng mái ngói màu cam đan xen, lô nhô ống khói vòm sưởi. Kế đó, cửa tôn cuốn gỉ sét, tường gạch vỡ. Thấp thoáng một vài gương mặt Á châu khệ nệ những túi rác đen căng lấm lét ra vào.
Có những ngôi nhà có thể nhấc bổng ta đi rất xa ngược trở về thời gian của những câu chuyện cổ. Ấy là ngôi nhà đá còng lưng cõng mảng dây leo trường xuân, lá rủ chỉ hé hai khung cửa sổ buông rèm đăng ten ngả vàng. Người đàn bà kia là ai mà hớt hải, chui từ cánh cửa bí ẩn của vườn sau, khễ nệ hai chiếc túi bạt đựng những thố nhựa nâu sệt thức ăn băng qua đường. Váy hớt cong, chân lồi gân chằng chịt giống nùi giun đũa sau bít tất vạch ngang tím vàng cọc cạch, bà vươn cánh tay khô nhằng qua lỗ tròn được khoét sẵn giữa bụi cây đặt đồ ăn xuống cỏ. Nhoèn son trên miệng lơ thơ ria bạc phát ra tiếng nói cười lạch khạch mời lũ mèo đang lục tục kéo tới.
Đại lý Air France cũ bỏ hoang trên con đường đông đúc nhất Rue de Paris cháy rụi. Nửa kính cửa vỡ còn lại loang lổ xanh đỏ chữ graffiti. Đàn ông hồi giáo lởm chởm râu tụ tập trước dãy cửa hàng thực phẩm ḥalāl[1] và bánh ga tô makrout ellouz…Nhô ra lề đường những sạp rau quả, bày bán những trái ta chẳng biết gọi ra tên, để làm gì, có thể ăn, nấu như thế nào nhưng cũng đừng nên hỏi nhì nhằng làm gì vì họ sẽ dễ lầm ta là thanh tra chất lượng thực phẩm. Tiệm ký gửi vàng bạc đá quý khang trang nhất phố mới mở nơi đây chưa biết có phải ý tưởng hay. Xuống đến ngã tư Porte de Montreuil, hàng xe đẩy gắn nhãn Carrefour chính thống ế khách zíc zắc xích lồng nhau như vảy cá xếp dài giữa hè đường. Băng qua bên kia là bãi căng lều bạt và biển chấm đầu người lô nhô di động của chợ trời Montreuil.
Đám thanh niên nhằng nhẵng bám tôi hỏi cần mua gì: Nước hoa? Túi sắc hiệu hay đồ trang sức? Lắc đầu, bước chân vội của tôi vướng phải bãi quần áo cũ trải ni-lông nằm đầu chợ. Mùi ẩm mốc bốc xuyên não bộ. Đồ đã mặc và đồ mới vun đống lẫn lộn. Quần áo mới, cố tình cắt nhãn lửng lơ, nửa còn ngầm cho khách biết là đồ hiệu, nửa bị cắt mập mờ dễ bề cãi nhà chức trách. Tôi mua một chiếc ngô nướng của cậu bé chừng 14 tuổi, tiện hỏi cậu ở đâu có thể kiếm xe đạp cũ. Cậu nhanh nhảu gạt ngô nướng dở sang một bên, cời than, dội nước dập lửa, ra hiệu tôi theo.
Lách giữa lối đi nghẹt người, tới một góc, cậu giao tôi cho hai cậu bé khác.
- Chị mua xe đua?
- Không, xe bình thường để đi lại trong Montreuil!
- Montreuil à? Nhà chị ở đây à?
- Phải! Xóm Hạ. Tôi cần chiếc xe đạp để di chuyển từ Xóm Hạ tới Carrefour mua đồ. Có ghế ngồi cho em bé.
- Chị đi đâu loanh quanh đi. Hai mươi phút nữa bọn em mang xe tới.
Chiếc xe đạp sơn trắng còn mới duyên dáng gợi nhớ chiếc Mipha xanh ngọc một thuở sinh viên Hà nội, có ghế ngồi an toàn cho em bé được giới thiệu với tôi.
- Chiếc này chị ưng không?
- Đẹp quá! Tôi rất thích nó đấy! Nhưng đắt không?
- Người Xóm Hạ, bọn em chỉ lấy 300 francs.
- Tôi không đủ tiền mặt ở đây, cậu lấy séc không?
- Không, chỗ rút tiền ở ngay kia! Em sẽ đưa chị đi.
- Cũng được. Chìa của chiếc khóa dây trắng này đâu?
- Không có chìa! Em cho chị cái khóa dây khác đẹp hơn! Chị thử xe đi đã.
Đưa tôi đến guichet Société Générale, cậu đứng cách tôi vài bước:
- Chị ra rút tiền đi, em canh chừng cho chị.
Nhận đủ số tiền, trước khi đẩy tôi lên xe, cậu dặn:
- Chiếc khóa không chìa này, chị nhờ ai đó cắt đi cho đỡ vướng.
Người bạch tạng vẫn cần mẫn đứng chờ mèo trước cửa. Liếc qua chiếc xe, anh bảo tôi tại sao không sang siêu thị Carrefour mua như anh đã chỉ dẫn mà mua chiếc xe ăn cắp từ quận 20 này. Tôi kinh hãi muốn mang xe đi trả. Anh cười, khen chiếc xe cũng đẹp và rẻ, cứ giữ lại mà đi. Theo tôi lên cầu thang máy, qua cửa căn hộ, anh nói tôi chờ. Mang ra một chiếc kìm, anh lắc, bấm, kéo mấy giây, chiếc khóa dây không chìa bung khỏi ổ. Anh gắn sau ghế ngồi trẻ em một tấm biển sắt vuông có số 93 viền một nhành lá bé xíu mềm mại vẽ lắc lủm một trái đào.
Người bạch tạng nói: Không biết thì không có tội. Như để xoa dịu, anh treo vào ghi đông xe một giỏ mây phủ chiếc khăn ăn thêu hoa: Ăn thử trái đào của người Montreuil trồng! Đã nghe đến lũy tường đào Montreuil bao giờ chưa? Phía trên kia, Xóm Thượng… Có thể tới đó chơi bằng chiếc xe đạp mới xinh xắn này.
Lũy tường đào Montreuil
Đường tới Xóm Thượng Montreuil phải dắt xe leo dốc. Hai dãy biệt thự kiến trúc sơ sài nhưng chắc nịch trên đồi thoải xuống mướt bóng cây rủ dịu tầm nhìn. Từ cổng chính dưới đường lên đến cổng vào nhà phải trèo vài chục bậc đá, bờ khe rải thứ hoa ánh tím li ti nở hào phóng ở vùng này. Chủ nhà trên cao, qua những lùm cây rậm, lúc nào cũng có thể kín đáo mục kích mọi động tĩnh xảy ra với nhà mình và xóm giềng. Biệt thự của một linh mục - cha Thi, người chuyên cưu mang các cô gái trẻ từ Việt Nam sang, bơ vơ chưa giấy tờ, chốn ở và việc làm ổn định cũng nằm trên dốc đồi, ẩn sau những bụi mận và liễu, được chia làm nhiều vách ngăn cho người thuê trọ. Cha có giọng nói dịu dàng, nhựa mận khiến cho người ta tin và tôn thờ tất cả những gì cha truyền đạt.
Cuối con hẻm mang tên Gobétue là khu vực lũy tường đào may mắn còn sót lại. Mụ phù thủy Gobétue, tôi đã từng thấy mụ làm sập vụn cả lũy tường giữa vụ!!! Những con người đang bấm víu lấy sự đổ nát kia có thể ở bên ta hàng giờ bộc bạch, khóc cười ngơ ngẩn cho thời vàng son của lũy tường đào. Đó là thời của Hôm Qua.
Những trái đào Montreuil xưa kia, chính xác là vào thế kỷ XVII, nặng xấp xỉ nửa cân từng đến với bàn tiệc cung đình Pháp, từng quyến rũ giới quý tộc láng giềng, đặc biệt được Nga Hoàng và Nữ hoàng Anh yêu chuộng. Nhiều chủng loại đào quý Pháp khác ngày nay được nhân giống từ đào Montreuil. Đất Montreuil nghèo khoáng chất, giàu thạch cao, nhưng dung dưỡng cây đào. Người nông dân Montreuil xưa biết sử dụng điểm yếu của mình biến thành thế mạnh bằng kỹ thuật dựng tường thạch cao ủ đá đào được ngay dưới lòng đất làm giàn đỡ cho đào, tích lũy nhiệt mặt trời ban ngày để phân tán giữ cho cây ấm về đêm.
Vô kể thành lũy đào đan xen trên sáu trăm ki-lô-mét là nguồn sống của người Montreuil một thuở. Ông Savard từng ăn xin ở Paris, từng đói đến mức phải ăn thịt chuột, đến Montreuil gây dựng nên cơ ngơi no đủ cho mình nhờ lũy tường đào. Mồ hôi cần khổ đằm hương vị trong những trái đào Montreuil ngọt dịu đậm nước hơn trái đào dưới ánh mặt trời của miền Nam nước Pháp.
Trộn vữa xây tường, kỹ thuật chăm tỉa, nuôi dưỡng đào là bí truyền của mỗi dòng họ. Mái gỗ hay mái gạch chống mưa ẩm mùa xuân bảo quản tường. Nghệ thuật uốn cành tùy theo sự khéo léo và tỉ mỉ của mỗi bàn tay, tất cả đều phải theo quy tắc mặt phẳng để tựa áp sát tường, không vướng víu sao có thể vươn hướng lên cao đón ánh trời. Từ hình dáng đinh ba sơ khai của năm đầu đến lần tỉa năm thứ hai có hình chữ V hoặc U, sang năm thứ ba, đào mang tám nhánh cân đối trên cành mẹ như bệ đỡ một con tàu. Hình so le như nàng vũ nữ nhún chân duyên dáng uốn mình. Hình xòe cánh quạt mát lịm nụ cười của mẹ. Cầu kỳ hơn là hình huy hiệu rắn rỏi với các nét hoa văn chỉ có thể sáng tạo từ trái tim say mê. Sang tháng Tư là lúc đào với tường lên xe hoa. Tường là chồng, đào là vợ. Tường thô mộc vững chãi chở che. Đào mềm mại mong manh tin cậy. Người ta se duyên đào với tường bằng chiếc nơ vải lanh, dùng đinh đóng lên hai mép vải sao cho sau này có thể gỡ ra bằng một gõ búa nhẹ lên tường. Đất trống giữa các lũy tường là hoa, thược dược, cẩm chướng, thủy tiên, tulipe…làm nên hương sắc thơ mộng của lũy tường đào. «Trong ánh rượu đào, anh ngắm má em, hây ánh đào, sắc em bừng sáng Montreuil, sáng hơn bạc Argenteuil…»[2].
Khi lớp da đào từ xanh ngả sang màu của ánh mặt trời buổi sớm là lúc có thể một tay tách lá, một tay mở rộng đón đào, không quên dành hai chiếc lá vừa làm duyên vừa tiếp tục che bóng cho trái quả. Tảng sớm bốn giờ, đào nũng nịu nương một lớp lá nho, rồi lại một lớp lá táo, nửa nhuốm vàng chanh nửa phúng phính ửng hây như má bé phớt lông tơ trịnh trọng xếp hàng trong các giỏ mây hình ô van để chuyển ra đến chợ Les Halles de Paris bằng tàu điện. Tại đó, từ 4h đến 8h sáng gọi là giờ đào, nhà buôn lật chọn từng trái đào thơm mọng hoàn mỹ nhất phân bổ tới các bàn tiệc quý tộc. Đúng 8 giờ sáng, chuông reo báo hiệu sang giờ cá, việc chọn lựa đào phải xong để dành cho việc chọn cá, những giỏ không được chọn nấn ná thêm 15 phút, chịu một phiếu phạt rồi lại được đẩy lên tàu điện trở về với chợ Montreuil.
Với thời gian lũy tường đào dần bị phá hủy cùng làn sóng công nghiệp và đô thị hóa. Vườn đào hôm nay chỉ dành cho những người con của Montreuil, từng chứng một thời rễ trổ chân tường, hoa đơm trong giá. Người đi xa trở về, lặng đứng nhìn tường, xa xót một thuở đào đất nghèo vượt cửa hoàng cung.
Các khu vườn còn lại hôm nay đều mở rộng cửa cho người thăm thú. Những người chủ vườn hy vọng một tiếng nói đơn phương hay tập thể nào đó có sức mạnh cứu lại lũy tường đào. Các chủ vườn đành lòng chịu đổ nát, bỏ hoang, chỉ sử dụng vài thước đất tổ tiên để trồng rau, hoa và cây ăn quả bán chợ Montreuil. Có chủ vườn vẫn cố chăm chút cứu vãn từng mét tường, săn sóc tỉa tót nâng niu mỗi nhánh đào. Người ta đặt ghế gỗ hay dựng những lán nhà nhỏ dưới bóng cây đón người qua lại. Nhiều người Montreuil coi những khu vườn như một khoảng tĩnh tránh xa khỏi ồn ào công nghiệp của Montreuil, chuẩn bị bữa trưa nguội, một cuốn sách, một giá vẽ ngồi hàng giờ dưới những bóng cây. Nhiều lớp học vẽ, học chụp ảnh của Montreuil dựa vào chủ đề «mất mát», «phôi phai », «tàn lụi» lấy cảm hứng từ lũy tường đào.
Cặp chủ vườn đang cuốc tưới ngước chào mẹ con tôi rồi lại hí húi với đất: - Cô cứ tự nhiên thăm vườn, cần gì thì hỏi.
Con bé nhà tôi bó gối mơ mộng ngồi nhìn người đàn ông làm giàn đỡ bụi cà chua. Ông hỏi, sao không chơi đi. Nó lắc đầu: Ở đây chỉ nhìn được mà không có gì chơi được.
Ông cụ đứng dậy, khập khiễng ủng cao su vào kho lục, mang ra hai thùng gỗ quai dây da phủ bụi và tơ nhện. Bật nắp, lờ đờ hàng trăm con mắt búp bê như ruột ốc nhồi mới khêu khỏi vỏ. Thùng kia rời rã chân tay búp bê bằng sứ lấm lem. Ông vốc một nắm mắt lách cách như bi ve, chìa cho con bé: Bé chơi đi này!
Con bé sợ hãi, bám chặt vào mẹ.
Ông lão buồn rầu đóng nắp hai chiếc hòm.
Ngày lũy đào Montreuil biến thành những cơ xưởng lớn nhỏ, gia đình ông chuyển sang làm công nhân trong hãng búp bê Jumeau trên phố Rue de Paris. Búp bê xinh đẹp nuôi giấc mơ thần tiên của những đứa trẻ nhà giàu được chính những bé gái mồ côi nhào nặn trong ánh sáng mờ đục, yếm khí. Nhiều nhân công vị thành niên chết vì ho lao bởi chất nhiễm xạ silicone và bột sứ. Vô số đôi mắt búp bê cứng đờ vô hồn kia đã cướp ánh sáng long lanh của bao đôi mắt bé gái mồ côi. Các em đã thong manh sau mười năm làm mắt búp bê, phải mò mẫm trong bóng tối suốt phần đời còn lại. Rồi đến thời máy thay người. Nếu như bàn tay của người thợ chỉ làm nổi hai mươi lăm thân búp bê một giờ thì một chiếc máy có thể trút ra con số bốn trăm. Một đôi bàn tay có thể làm mười cặp mắt búp bê một ngày thì máy lại chế tạo ra mười bốn ngàn cặp mắt một tuần. Hai chiếc lò nung sáu mét cube sản xuất ra ba mươi ngàn đầu búp bê mỗi lần. Người thợ buộc phải lao theo máy để hoàn thiện những việc máy không thể làm. Nhiều cuộc đình công đổ máu không hiệu quả. Hãng búp bê phát đạt rồi bị mua lại. Nhà máy bị đốt cháy. Đó là hai thùng đồ người ta trả thay lương. Những người thợ khác được nhận đầu hoặc thân, quần áo búp bê. Thợ búp bê ở Montreuil kẻ còn người mất, giống thân phận búp bê Montreuil từng làm nên giải vàng trong triển lãm toàn cầu cũng tan tác trong các kho xưởng, hầm ngầm, bãi đá của Montreuil làm đồ tha lê cho mèo, chả khác cơ thể người ly tán và phân rã cùng hoang phế…
Ông bà đưa tôi hai giỏ đào lót lá táo. Một gửi về Xóm Hạ cho người bạch tạng.
Ngoài đường, những đứa trẻ đã đập xong kính một chiếc xe ô tô khách thăm mang biển số 75 – Paris, đang chia chác chiến lợi phẩm. Chiếc xe đạp trắng của tôi còn nguyên vẹn.
Người bạch tạng nói: Sống ở đây, biết cái gì, cần nuốt vào trong, không được để thập thò nơi đầu lưỡi.
Trường tiểu học Jules Ferry II và những đứa trẻ
Khi còn ở quận V giữa Paris, trong mắt những đứa trẻ da trắng, con bé nhà tôi là con «poupée chinoise[3]» mắt xếch kỳ khôi, thường được nựng và cũng được cấu véo xô đẩy không duyên cớ. Tới Montreuil, giữa trẻ nhiều màu da, nó được đối xử bình thường như những đứa trẻ khác. Trẻ ở đây ý thức và tôn trọng sự khác biệt từ sớm. Ví như trong lớp có một người bạn da đen tên là Soulimane, để tránh nhắc đến từ «da đen» nếu như phải kể về một bạn da đen nào khác, chúng chỉ nói bạn ấy giống Soulimane, hay lớp học đó đa số là người Soulimane, chuyến tàu đó toàn Soulimane...
Cô giáo chủ nhiệm Marie-Christine, gốc Tây-ban-nha nhưng mấy dòng họ đã gắn bó với Xóm Thượng Montreuil. Gặp ngoài đường, chẳng ai bảo cô là cô giáo. Lụ sụ lạch bạch tất váy khăn màu đối chọi, tóc chổi xù lỏng chỏng như quên chải, giọng trầm khàn kiểu người nghiện thuốc, vẻ tự tin thái quá bên ngoài của cô cố che giấu chút nhút nhát bản năng, cười nói pha trò liên tu ti mà chẳng nhìn thẳng một phụ huynh nào.
Cô Marie-Christine rất ghét khi nghe hỏi học trò cô đứng thứ mấy trong lớp học. Bảng điểm của cô phân loại A, B hoặc C với những dấu cộng khuyến khích, dấu trừ cho sự chưa hài lòng, tuyệt nhiên không xếp hạng thấp cao. Nếu cô thích thú nghe học trò giỏi reo mừng trước điểm nhất nhì thế nào thì cô cũng tần ngần trước vẻ mặt buồn rượi và nước mắt thất vọng của học trò yếu kém ngần ấy. Học trò của riêng cô là những đứa trẻ nhạy cảm, bị loại C đã là một xúc phạm, chẳng cần phải hạ thấp chúng hơn bằng lối so sánh với bạn bè đồng lứa.
Tôi nghĩ đến người bạn gái Việt ở tỉnh Rennes. Lần gặp gần nhất, thấy chị gầy và mệt mỏi, nghe chị chán nản kể từ vài tháng nay, trong lớp con gái chị có thêm con của một người họ hàng và sự so sánh cạnh tranh điểm ráo riết của cha mẹ đứa trẻ làm mẹ con chị căng thẳng tới suy sụp.
Ở quận V, mười đứa thì có đến sáu đứa học trò trong lớp quen thuộc với cảnh bố mẹ ly thân, ly dị. Bọn trẻ tuần này ở nhà bố, tuần sau lại lỉnh kỉch sách vở, gấu ôm, gối ôm về nhà mẹ. Mỗi sáng thứ hai đầu tuần, góc ngã tư gần trường, các vị phụ huynh - thủ phạm góp phần làm nên vấn nạn tắc đường của Paris, tạt xe ẩu ngang lề, vội vã giao, nhận những «viên kẹo yêu quý» cho nhau trước giờ đến công sở.
Lớp học của cô Marie-Christine, có đến tám phần mười phụ huynh sinh sự này.
Họ đều quanh quẩn trong Xóm Thượng, Xóm Hạ của Montreuil, giữ quan hệ thân mật, hòa bình kiểu họ hàng sau khi chia tay. Lễ dạ hội, khách mời của lớp cô đông chẳng khác gì một buổi tiệc giao lưu. Bọn trẻ được dịp giới thiệu với cô và bạn bè cả hai bố, hai mẹ cùng toàn bộ nhân khẩu lắp ghép của hai gia đình.
Bố mẹ của Dara không ly dị. Họ là người Hoa, không có giấy tờ cư trú hợp lệ nên ít khi xuất hiện. Mẹ đưa em tới trường, dừng ở một góc đường, đứng nép sau cột điện chờ em qua cổng trường rồi quay đi.
Bố mẹ của Roméo cũng không ly dị vì họ đã làm việc đó trước rồi. Roméo có anh và cả chị không cùng bố cùng mẹ.
Bố mẹ của Louis không sống chung nhà nhưng chẳng khác mấy hồi còn là vợ chồng. Hai người cùng đi họp phụ huynh, cùng đón, đưa Louis mỗi sáng, mỗi chiều. Louis ngồi trên vai bố, bố dắt tay mẹ, cả hai cười nói ríu ran, chạm môi hôn «chút» một cái mỗi khi từ biệt, ai về nhà nấy.
Anne và Christophe, bố mẹ của William thì mới dọn ra ở riêng gần đây thôi. Tôi quen Anne trước đó, từng ăn cơm chung bàn với cô tại nhà ăn sinh viên Crous Port Royal khi còn ở Paris. Ngày ấy cô đang chuẩn bị thi lấy Licence[4] văn tại Sorbonne IV. Anne cao và thanh mảnh, ăn mặc trang nhã kiểu quý tộc tỉnh lẻ, nói năng từ tốn. Christophe thấp bé, lau chau. Sau khi ở riêng, Christophe thường gọi nhờ tôi khi có thể thì dắt Anne đi đón bọn trẻ. Cô bị trầm cảm. Dùng thuốc quá nhiều, da cô xanh tái, chân không vững, tay run, miệng giần giật khi nói chuyện. Những lần ấy, tôi đi bộ đến đón Anne tại căn nhà tí xíu của cha mẹ mua cho cô nằm trong ngõ đá cuối Xóm Hạ, giáp khu nhà cổ của Vincennes. Anne vịn vai tôi, bước lập cập như một bà già.
Khi mới chuyển đến, mỗi lần đưa đón con, tôi cũng rụt rè dừng ở cột điện góc đường. Các ông bố bà mẹ đã nhanh chóng kéo tôi ra với đám đông: Ồ, sao chị không muốn làm quen với chúng tôi à? Con trai của chúng tôi rất hay kể về con gái chị! Sợ rằng một ngày, chúng ta phải nói chuyện nghiêm túc về tương lai của chúng nó đấy!
Bố mẹ Louis thì đề nghị: Hình như chị bận không đón được cháu hàng ngày? Chúng tôi sẽ rất vui nếu có thể đón cháu đưa về học bài cùng Louis!
Đúng là tôi gặp rắc rối trong việc đón con mỗi tối. Giờ tan trường là 16h30 mà 18h tôi mới tan sở. Đã thuê người đón vài lần nhưng tôi chưa ưng ý một ai. Người đầu tiên tôi nhờ đến là một cô sinh viên. Cô thường rủ cậu người yêu đi đón con gái tôi cùng, về đến nhà là xả ngay một bồn tắm tràn bọt thơm, thả con bé vào đó cùng đồ chơi ngâm cho đến khi tay chân nó tím nhợt nhăn nhúm. Người sau đó – Joelle, làm việc nửa buổi ở tòa thị chính Montreuil, vợ của một cảnh sát chống cướp. Mỗi khi chồng đi công vụ, chị căng thẳng uống rất nhiều và thổi vào đầu nó vô số những chuyện máu me chết chóc kinh khiếp trong nức nở hơi rượu. Bà Ferrat là người Algérie, bắt con bé mỗi ngày chổng mông dập đầu vài bận vái thánh Allah. Đêm ngủ nằm mơ toàn lầm rầm kinh Coran. Xoay xỏa mãi rồi bà gác cổng trường cũng bằng lòng giữ con bé đến lúc mẹ về vào những ngày tôi không thể.
Louis phấn khích trước đề nghị này. Con gái tôi cũng không ghìm tiếng reo «tuyệt vời!» Hai đứa trẻ bá vai nhau nhảy nhót.
(Kỳ sau đăng tiếp...)
Tranh minh họa: Christine Flament, François Brosse, Jean-François Binet
[1] ḥalāl : Thịt động vật được chế biến theo một số nguyên tắc người theo đạo Hồi trước khi ăn.
[2] Lời bài hát. Argenteuil – tỉnh lân cận Montreuil. Argent là bạc - ở đây những người nông dân cố tình chơi chữ.
[3] Poupée chinoise : búp bê Tàu
[4] Văn bằng sau năm thứ 3 của đại học.