CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Văn hóa - Nghệ thuật - Du lịch

GHẾ ĐỢI, BẾN CHỜ PARIS

Thứ năm ngày 29 tháng 3 năm 2012 12:00 AM

Mỗi lần gặp bạn, tôi thích hẹn ở quai của chuyến tàu bạn tới chứ không phải là trước cửa ga tàu điện ngầm (métro). Cửa métro có dăm bảy lối ra, tìm nhau không biết đến bao giờ. Quai tàu - nơi chỉ có đến và đi. Chọn một chiếc ghế, nhấm nháp một thứ gì đó trong lúc chờ đợi, ngắm sự qua lại trong tiếng động cơ ồn ĩ, ngẫm nghĩ về guồng sống quay cuồng của thời hiện đại mà mình đang bị cuốn theo, tôi bỗng quý hơn phút giây bên bạn trong quán bar ấm thơm mùi bơ và bánh crêpe rắc đường.

Ghế, thuở khai sinh chỉ dành cho kẻ quyền quý, giờ là vật dụng phổ thông của mọi người. Đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ…ai cũng có quyền thượng bàn tọa lên ghế, rọ roạy, xoay miết, tự do hành xử với ghế theo cách lịch lãm hay thô bạo của mình.

Ở các ga tàu điện ngầm Paris, nơi thường bị chê bai là một trong những ga ngầm xấu bẩn nhất trên thế giới, ghế luôn là chốn nương nghỉ của vô số khách lang thang không nhà. Vào những ngày đông giá, họ được phép ngủ qua đêm tại đây. Dãy ghế băng chờ bằng gỗ cũ kỹ, rọp roẹp kia mang cho họ cảm giác ấm áp, gần gũi như chiếc giường của họ.

Hình ảnh người «clochards» (ăn mày, vô gia cư), khoác chăn bốc mùi trên vai, lê bị rách với đủ đồ nhặt nhạnh từ rác, ngửa cổ tu rượu, lảm nhảm trong mập mờ ánh điện lấn chiếm các ga tàu điện ngầm, đe dọa mối an toàn và môi trường vệ sinh công cộng. Người ta gấp rút đầu tư chỉnh trang lại hạ tầng phương tiện giao thông hữu thiết này. Trước tiên là những chiếc ghế băng chờ bằng gỗ. Xuất hiện cùng với sự hình thành của métro Paris từ triển lãm toàn cầu năm 1900, dù in trong ký ức của người Paris, song hành cùng lịch sử của thành phố và xứng đáng được ngự trong bảo tàng, chúng vẫn bắt buộc phải bay biến vào sàn đấu giá. Thay vào đó là những chiếc ghế cá nhân không mấy thiện chí với clochards mà người ta gọi là «anti-clochards »(chống ăn mày). Gỗ hiếm hơn nên các chất liệu khác thay thế: đá, bê tông, nhựa cứng hài hòa với các kiểu mẫu ghế và thiết kế mới của métro. Tiện dụng, hiện đại mà vô cảm. Bên cạnh những thùng inox miệng bé tin hin không đủ lọt bàn tay và túi ni-lông trong suốt phất phơ quàng quanh vòng đai sắt đựng rác, gầm ghế cũng phải đảm bảo trống, thông thoáng để dễ trong tầm phát hiện bom khủng bố. Đám clochards, những kẻ thích nghi mẫu mực với cái mới, tuy chẳng mấy quan tâm đến cái mới tất nhiên vẫn ngáy ngon lành. Họ co chân ngủ ngồi, hoặc trải chăn dưới gầm ghế.

 Bến Nation - 2012

Các cụ già, đôi khi không biết làm gì, cũng xuống métro ngồi thay vì ra công viên. Để nhớ hay để cảm giác có cuộc sống ầm ào hiện hữu ở cái tuổi quá cô đơn, hay chờ đợi một cuộc gặp gỡ nào? Dù gì thì ở đây các cụ có thể ngồi thỏa thích mà không bị ai quấy nhiễu đòi chỗ hay phải ý tứ uống thêm cà-phê, capuccino...như trong quán.

 Nhà văn và thiếu phụ - khoảng những năm 60

Những chiếc ghế mới, là ghế chờ, chỉ được có tác dụng đủ nghỉ chân chứ không để duỗi người, không được thoải mái êm ái quá làm hành khách mất tập trung vào việc chờ. Sao cho khách yên tâm trước khung cảnh tạm thời mà không gợn chút bực bội nào vì cảm giác phí thời gian vào việc chờ tàu. Ghế phải chắc chắn, tiện lợi, không tháo rời được và dễ lau chùi. Chúng có thể chịu đựng được những cú sốc, choảng đạp của những khách hiếu động. Tập đoàn Ikéa từng có sáng kiến quảng cáo những chiếc ghế salon nệm da, nệm mút nhiều kiểu sắc dưới bốn gầm tàu điện chính, đông khách du lịch của Paris. Kết quả là các quai chờ nghẹt khách. Người ta không chịu lên tàu nữa. Ai cũng muốn thử ghế và vì quá dễ chịu, họ ngồi luôn tại chỗ đọc báo, tra mạng, điện thoại...

«Văn hóa ngồi» trong métro ngày càng bị giản lược thì cảm giác tạm bợ càng tăng. Con người thiếu kiên nhẫn khi phải chờ tàu. Người qua kẻ lại, gầm gào trong điện thoại. Tàu đến, họ mải lia mắt lên một chiếc ghế trống nào đó trong toa, xô xéo để được yên vị trên tàu sớm, lấn lướt người già và trẻ em. Có thể nào, ở vị thế đứng, con người khó khăn hơn để phát hiện ra thấp hơn ta còn có những xe nôi em bé và loắt choắt những cô cậu búp bê di động.

Ghế kiểu Motte (nhà thiết kế Joseph-André Motte) của những năm 70  không còn phù hợp.  Những chiếc ghế mang tên Renouveau du Métro (cách tân métro), nửa đứng nửa ngồi kiểu Météor (ảnh kế bên phải), hay Miséricorde (ảnh bên trái)  ít tốn diện tích chỉ đủ dựa hông đang chiếm lĩnh gầm tàu điện ngầm. Có bến chỉ đặt trơ trọi một chiếc.

Lang thang gầm métro, tôi như kẻ mộng du tìm ghế trong hoài niệm.

Ghế nào tôi trốn hàng giờ trữ hơi ấm những ngày cơ khổ nhất, không đủ tiền mua áo măng tô dày, co ro xuống quai tàu ngồi chờ qua cơn mưa tuyết? Ghế nào tôi đã nghỉ chân khi lỡ chuyến, chất vất mang thai con gái đầu lòng? Có người già nhường ghế cho người trẻ. Nụ cười phúc hậu. Mái tóc trắng lơ phơ.

Có cả một chiếc ghế tôi đã bỏ nhà đến ngồi rất lâu trong một đêm mưa lạnh, bừng bừng cơn giận dỗi, không ai ngăn cản nổi. Ba chồng tôi lập cập chống gậy, trùm mũ phớt xuống tìm tôi. Ba ngồi bên kia đầu ghế, không khuyên tôi về mà thủ thỉ:

- Ba  xuống ngồi  với con cho vui. Khi ba giận má con, cũng hay ngồi ở chiếc ghế này, một hai tiếng rồi về…

Ba ngậm tẩu. Không hút mà ho. Gió táp mỗi khi một con tàu chuyển bánh.

Tôi đành đứng dậy, lòng bạc nhược: Vâng! Thưa ba, con về.

Bến tàu bên nhà cũ giờ trống hoang không còn một chiếc ghế nào. Người xưa đã an lòng trên chiếc ghế băng vĩnh cửu trong toa cuối của cuộc đời. Nơi ấy, những chiếc ghế chỉ có thể mòn vẹt, rệu rão trong tâm tưởng con người.  

Nico

Chú thích:  Ảnh 1 - chiếc ghế métro năm 1920 đang được bán đấu giá với giá khởi đầu 1000 euros.

Một số hình ảnh ghế trong các ga tàu ngầm Paris -2012


 

Ghế ngồi kiểu Météor - Gare de Lyon - đường 14

 

Ga Tuileries - Ghế băng Renouveau du Métro (cách tân Métro)


Bến Louvre

 

Ghế Motte còn được gọi là ghế coque - Bến Assemblée Nationale


Một kiểu ghế Miséricorde

Chia sẻ trên Facebook