CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Văn hóa - Nghệ thuật - Du lịch

KHỞI NGUỒN "CỔNG ĐỊA NGỤC" ĐỒ SỘ CỦA RODIN

Thứ hai ngày 13 tháng 5 năm 2013 12:00 AM
AUGUSTE RODIN, nhà điêu khắc người Pháp (1840-1917) đã chọn địa ngục trong THẦN KHÚC của DANTE làm chủ đề cho tác phẩm điêu khắc vĩ đại CỔNG ĐỊA NGỤC, và dùng nhiều nhóm tượng để minh họa cho tập thơ LES FLEURS DU MAL (Hoa ác) của nhà thơ BAUDELAIRE.

THẦN KHÚC, một tác phẩm thơ gồm ba phần «Địa ngục», « Tĩnh ngục», «Thiên đường»  thời trung cổ. Mở đầu bằng nỗi đau cay đắng trước cái chết của nàng Béatrice, người ông gặp và yêu trong mộng từ khi ông 9 tuổi, tiếp đến là nhận thức về sự vĩnh hằng: sự trong trắng, cao thượng của nàng sẽ không bao giờ chết. Linh hồn nàng cùng với Virgile, dẫn Dante đi hêt tầng địa ngục, chứng kiến những cảnh trừng phạt rùng rợn, kinh hoàng để cho ông nhìn thấy nguồn gốc của tội lỗi. Theo ông, người còn sống tuy thân xác nhởn nhơ nơi dương trần nhưng khi tâm hồn tội lỗi thì đã là bị đày xuống địa ngục. Địa ngục ở đây là tâm trạng của con người. Và chỉ sự can đảm, danh dự, tình yêu mới có thể giúp con người thoát khỏi địa ngục. Tình yêu giữa Dante và Beatrice là một biểu tượng của tình yêu trong sáng trong văn chương như Tristan và Iseult, Romeo và Juliette.

HOA ÁC, áng thơ tự truyện phản ánh tâm trạng của Baudelaire: thi sĩ gặp phải một cô gái điếm người Do Thái từ khi còn ở tuổi niên thiếu, xấu xa cả về hình thức lẫn tâm hồn. Bị nỗi đau và tội lỗi ám ảnh, ông buông thả trong cuộc sống trụy lạc. Ông giãy giụa để đi tìm một thế giới có hương hoa, màu sắc, ông tự tưởng tượng nên những biển, những cung điện thần tiên, những người phụ nữ khoái lạc, và những con mèo huyền bí, nhưng càng giãy giụa, ông càng rơi vào vực thẳm. Ở tận cùng vực thẳm là địa ngục đen tối, ông tìm kiếm những bông hoa. Trong đau khổ, ông chắt lọc được vẻ đẹp hiếm hoi, từ cay đắng vô cùng tận, ông tìm được những phút giây hạnh phúc.

Thơ của Baudelaire có thể gợi cho chúng ta liên tưởng tới những « Hồn lìa khỏi xác», « Say máu ngà», « Vớt hồn»... của Hàn Mạc Tử.

CỔNG ĐỊA NGỤC chịu ảnh hưởng sâu sắc của hai tác phẩm trên và khắc họa rõ nét hơn hết nỗi khắc khoải muôn đời : Tình yêu phải chăng là địa ngục đầy đọa trái tim và lương tâm của con người.
 
Năm 1880, Rodin được giao thực hiện cánh cửa cho bảo tàng trang trí nghệ thuật và được những người có trách nhiệm tin tưởng để cho ông tùy ý tiìm kiếm chủ đề phù hợp với ý tưởng của ông. Rodin đã chớp lấy cơ hội này để lao vào thực hiện một tác phẩm thể hiện sự say mê đồng thời cũng là tuyệt vọng của trái tim, sự bạo tàn và dày vò của nội tâm. Ông chọn thế giới thời trung cổ của DANTE để rồi thai nghén một tác phẩm bất hủ, hoàn toàn khác xa với văn học của Người.
 

C
ổng địa ngục đồ sộ sử dụng hai tấn đồng, hơn 2000 tranh phác họa, cao 6.38 m, rộng 4 m với 227 nhân vật đã đeo đuổi ông trong suốt hai mươi năm trời, vượt xa ý tưởng ban đầu. Cũng may là dự định xây dựng bảo tàng bị hủy bỏ, nhờ đó ông có thể tự do thể hiện khả năng sáng tạo vô biên.

Vô số cảnh nhấn mạnh khung cảnh địa ngục của Dante : Say đắm, hung bạo, tuyệt vọng, biến chuyển của tâm trạng, những thân hình buông thõng, những đám người lúc nhúc, những điệu bộ nhăn nhở, lả lơi. Rodin mang vào tác phẩm cặp tình nhân nổi tiếng Paolo và Francesca, ông cũng thể hiện trọn vẹn cuộc tìm kiếm tình yêu của Dante, người đi qua các tầng địa ngục  tới tĩnh ngục để tìm Béatrice đang đợi ông ở thiên đường.

Mặc dù say mê và kính trọng Dante, Rodin không muốn để cho tinh thần của Thần khúc áp đặt ý tưởng của ông. Nếu như địa ngục của Dante miêu tả sự đầy đọa về thể xác như cảnh bị đốt chân trong lửa, cảnh bị luộc chín trong dòng sông sôi máu nóng thì địa ngục của Rodin là sự dày vò của nội tâm, được thể hiện qua các tư thế khác nhau và khối căng của cơ bắp. Những người phụ nữ của ông luôn đẹp một cách thanh thoát và quyến rũ. Địa ngục của ông không có quỷ, không có súc vật kỳ dị, không có những cảnh ghê sợ mà giống như một nơi huyên náo với những điệu nhảy tử thần hơn là địa ngục của sự trừng phạt. Khái niệm của tận cùng bị gạt bỏ để vươn tới cái vô cùng, làm cho tác phẩm gần gũi với chủ nghĩa lãng mạn. Ông mang nhiều tượng nhỏ khỏa thân vào tác phẩm và muốn đặt cả thế giới rộng lớn vào hai cánh cửa địa ngục ÁI TÌNH bé nhỏ bằng nghệ thuật điêu khắc đúc đồng.

Cổng địa ngục là một kho tàng về hình khối với 98 nhóm tượng mà mỗi nhóm tượng đều có thể tách riêng tạo nên một tác phẩm hoàn hảo.

NGƯỜI SUY TƯỞNG chính là hình ảnh của Dante, nhà thơ đang trầm tư trước số phận những nhân vật của mình trên cổng địa ngục, tượng trưng cho lòng tin và hy vọng vào con người, đồng thời cũng là sức mạnh của trí tuệ.  

Người suy tưởng 
Địa ngục có Ađam và Eva. Eva nghe lời xui của rắn, ăn trái cấm và trao cho chồng là Ađam cùng ăn, họ đã thành những kẻ có tội và bị đày xuống địa ngục. Tượng thể hiện Ađam đau khổ: chân trong tư thế chùng xuống, đầu giấu dưới vai gợi lại hình ảnh của người chiến binh bị thương. Nàng Eva có mang che mặt xấu hổ vì lầm lỗi,vai co lại,lo lắng và sợ hãi, bàn tay muốn đẩy lùi tất cả.

eva et adam

Tác phẩm "Nụ hôn" là biểu tượng hai chiếc bóng không rời nhau Fransesca da Rimini và Paolo Malatesta. Fransesco da Rimini là con gái của Gido da Polenta, lãnh chúa Ravenna đã gả cho Giancotto Malatesta - con trai của lãnh chúa Rimini, một gã trai độc ác. Khi Giancotto bắt gặp Fransesca dan díu với em trai mình là Paolo, đã đâm chết cả hai người bằng một nhát kiếm. Câu chuyện có thật này xảy ra trong những năm 1283-1286. 

Bây giờ đây quấn quýt, hiện bây giờ
Chỉ biết có đôi ta là đang sống,
Đang cho nhau ngọt ngào và đang mộng
Cố làm lơ không biết đến thời gian
Đến bông hoa tàn tạ với trăng ngàn
Đến những tình duyên chung quanh thất vọng.

(Hàn Mạc Tử)

nụ hôn   

PAOLO và FRANCESCA: tượng được tách ra trở thành tác phẩm « Nụ hôn »

La mort des amants

Ta sẽ có những giường thơm dịu ngọt
Những nệm nằm êm thẳm tựa mồ thiêng
Phủ quanh ta tầng hoa lạ diệu huyền
Cùng hé nở dưới những trời cực lạc-
 
(Cái chết của cặp tình nhân - Baudelaire*) 

Không có sáng tạo nào mà không có sự tương hỗ cũng như một cá nhân không thể đơn lẻ đại diện cho loài người. Địa ngục của Dante tưởng rằng đã là một giá trị bất biến, nhưng đến Rodin thì Địa ngục chính là cuộc sống trần gian...


NC - Tổng hợp từ nhiều tư liệu


*Trích: La mort des amants - Baudelaire (Nico dịch)

Nous aurons des lits pleins d'odeurs légères,

Des divans profonds comme des tombeaux
Et d'étranges fleurs sur des étagères
Ecloses pour nous sous des cieux plus beaux

Ảnh: Chụp tại Bảo tàng Rodin - Paris
Chia sẻ trên Facebook