CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Văn hóa - Nghệ thuật - Du lịch

DẪY HỘP XANH BÊN BỜ ĐÁ SÔNG SEINE

Thứ hai ngày 16 tháng 4 năm 2012 12:00 AM

Kính tặng thầy Bùi Quang Lung - Khoa Tiếng nước ngoài
Trường Đại học Quốc gia Hà Nội

Không chỉ mình sông Seine minh chứng cho bước hoang đơn lữ khách lại qua. Không chỉ nhịp cầu vắt ngang dìu những cuộc tình mơ mộng của thi sĩ vào thơ cổ. Cũng chẳng chỉ Nhà thờ Đức Bà tráng lệ ngân chuông âm vọng vẻ đẹp văn hóa thâm trầm cổ kính của Paris đến với loài người…

 

Theo ba ki-lô-mét bao quanh bờ đá, dòng Seine lặng trôi giữa hai dãy hộp xanh. Dọc bốn quai bên bờ phải và bảy quai bờ trái, thẳng tắp bên nhau, chín trăm chiếc hộp in bóng lòng sông. Quai de la Tournelle, quai de Monteberllo, quai du Louvre, quai de l’Hôtel de ville…những cái tên trường tồn cùng kiến trúc thành phố, là nguồn cảm hứng cho những áng thơ văn của các tên tuổi Pháp. Hai trăm năm mươi chủ nhân của những chiếc hộp xanh, từ hơn ba thế kỷ nay, đời này qua đời khác, được gọi là những người bán sách cũ, những «bouquinistes bên bờ sông Seine », những thương gia «trí tuệ»* kiên trì bám «nghề» giữa trầm thăng lịch sử Paris và cuộc đời.

Thuở xưa, hộp sách là những két sách vuông gỗ hoặc mây đeo trước ngực bằng sợi dây da quàng qua cổ người bán sách rong. Xuất hiện cùng những xe kéo sách di động trong các phiên chợ sách, hộp sách khi được khoác đi rong, khi bày trệt trên vỉa hè thu hút người mua nhờ những cuốn bản thảo nguyên sơ còn mang nét gạch xóa của các tác giả hoặc thời trước, hoặc cùng thời.

Cạnh tranh trực tiếp với các hiệu sách chính thống, bị đối xử  như những tên trộm vặt, những người bán sách rong từng bị Hoàng gia giới hạn chỉ được bán các tạp chí, sách báo cũ, các khế ước, điều luật, các loại brochures không quá tám trang. Người ta buộc phải công nhận chính thức mười hộp sách rong với điều kiện phải cố định ở những vị trí được định vị, ở hai bên đầu cầu Saint-Michel, cấm bán vào các ngày lễ và chủ nhật để ổn định mỹ quan đường phố.

Hộp sách rong lan tràn từ khi cầu Neuf ra đời năm 1607 với những con đường được mở lớn hơn, không chỉ bán những sách cũ được quy định mà tập hợp phong phú các thể loại, nội dung về tôn giáo, chính trị, những sưu tập nghệ thuật, áp phích quảng cáo, tranh khắc…và cả những cuốn sách không được phép hiện hành. Với thời gian, người bán sách rong lại được phép đặt hộp sách nhỏ, dễ vận chuyển của mình trên bệ đá bên bờ trái sông Seine, không còn phải đi rong. Hộp mở từ tinh mơ lúc mặt trời lên, đóng khi hoàng hôn xuống và phải lặn tăm cùng với màn đêm.

Bị vua Louis XV cấm, rồi lại được khuyến khích bởi vua Louis XVI, được vua Napoléon I hân hoan đón nhận rồi lần nữa bị xua đuổi dưới thời Napoléon III, sang tận thế kỷ của Georges Pompidou, số phận những người bán sách như những cuốn sách cũ của mình, chưa bao giờ hết những long đong nổi chìm dù họ luôn được ghi nhận là những người lưu giữ một phần giá trị văn hóa cổ cho nước Pháp.

Bao tài năng văn chương Pháp: Flaubert, George Sand, Victor Hugo, Mérimée, Jules Verne…từng dạo bước trên những phiến đá xanh rêu loang ướt bụi mưa buổi chiều thu,  từng nghiêng mình bên hộp sách sứt sẹo bạc nắng gió sông Seine, lật tìm mê mải những cuốn sách úa màu thời gian để rồi bồi hồi ghi dấu cảm xúc trên trang viết của riêng mình cho đời sau…

Hai trăm năm mươi người bán sách nơi đây, đa phần thừa hưởng hộp sách của ông bà cha mẹ để lại,  có người bắt đầu theo cha mẹ bán sách từ khi còn thơ bé, có người đợi nhiều năm mới được giấy phép sở hữu một hộp sách. Người đàn ông râu tóc trắng phơ, sụp mũ, tẩu thường trực, vắt vẻo trên chiếc ghế gấp xanh hòa bình, chuyên bán sưu tập bưu thiếp cũ, cụ Sautereau đã có bốn mươi năm lăn lóc bên bờ đá. Người ta chọn nghề bán sách vì say mê sách, chọn bờ sông Seine vì không đủ vốn để nghiễm nhiên mở một hiệu sách.  Mưu sinh và nỗi đam mê trở thành ý thức bảo tồn nền văn hóa cổ đặc sắc tăng lên cùng năm tháng, song hành bên truyền thống "nghề" của mỗi dòng họ. Nhưng không phải tất cả những người bán sách cũ đều là những người yêu sách và ham đọc. Đôi khi số phận đẩy đưa họ đến với hộp sách. Họ xin giấy phép «mở hộp sách»  khi không thể tìm được việc để khỏi bị biến thành ăn mày, say xỉn hay kẻ ăn bám trong xã hội. Kinh tế càng đi xuống thì danh sách chờ giấy phép «mở hộp sách» càng đông, có năm lên tới tám mươi người. Tiếc rằng số lượng hộp sách chỉ có ngần ấy, người ta chỉ có thể chờ người bán sách hy hữu bỏ nghề vì quá lớn tuổi hoặc qua đời.

Bao nhiêu cuộc tình giữa người bán sách và người mua, giữa chủ nhân của hộp sách bên bờ phải và bờ trái sông Seine! Những ổ khóa tình yêu cất giữ lời thì thầm cầu nguyện bên cầu Achevêque và những chìa khóa bí ẩn nằm dưới lòng sông, chiếc nào của họ? Mối tình của những người bán sách yêu nhau mà không dám công khai chung sống bởi có thời người ta đã từng quy định mỗi hộ chỉ được phép mở một hộp sách.

Thời nay, những hộp sách xanh được gắn chắc trên bờ đá, nhất quán phải có chiều dài 2m, cao 0.60 m. Người bán sách nếu không muốn bị rút giấy phép bắt buộc phải mở một tuần ít nhất bốn lần, bất kể trời mưa lụt hay bão tuyết trong giá căn cắt bờ sông. Những ngày còn lại, họ tìm bới mua sách cũ tại các chợ trời,  hoặc lặn lội về các tỉnh, nơi có những chủ nhà đăng tin cáo phó. Niềm vui giản dị như đá như màu nước Seine, hạnh phúc bừng trên nước da thô sần nắng gió của người bán sách khi khách hàng của ông tìm được cuốn sách yêu thích góp trọn vẹn bộ sưu tập của mình.  Giữa  300.000 cuốn sách cổ và cũ được bọc giấy bóng cẩn thận chống nước mưa, ghi giá bằng nét chì kín đáo mặt trong của trang cuối cùng, người ta có thể tìm ở đây sách nghệ thuật, tư liệu ảnh, sưu tập xe hơi, máy bay, tranh minh họa, bản nhạc, tiểu sử các nghệ sĩ…

Một thuở, rời khỏi giảng đường Richelieu của trường Đại học Sorbonne IV, sinh viên chúng tôi mỗi đứa  vội vã tản ra với công việc nhỏ kiếm thêm của mình. Đứa đi ngược về đường Saint-Jacques đón đưa trẻ đi học. Đứa rẽ về đại lộ Saint-Michel dọn dẹp nhà cho chủ. Đứa ba chân bốn cẳng đón tàu điện ngầm dạy tiếng Anh thêm. Còn tôi, men phố nhỏ Lagrange, bấm chuông cánh cửa gỗ cổ có gắn hai đầu sư tử, đón hai con chó nhỏ mà người ta thuê dẫn đi dạo phố. Những chú chó kéo tôi dọc theo con đường đổ xuống sông Seine nơi có dãy hộp sách xanh. Ở đó có cha con người bán sách chờ tôi.

Họ là chủ của dãy hộp năm chiếc kế nhau. Người cha bán những cuốn sách sưu tập xe hơi, chiếm ba hộp. Hai quầy của cậu con trai bán sách văn học, nghệ thuật.

Những cuốn sách tư liệu trong chương trình học cần mua ở hiệu sách Gilbert hoặc những nhà sách tư nhân trước cửa Sorbonne giá ít nhất hai trăm francs một cuốn. Sách trong hộp cũ, tuy không đúng série năm thầy bắt phải mua nhưng ở đây chỉ bán năm francs.

Người cha đội mũ rơm ngồi trên ghế xếp mặc áo gilet luôn khoanh tay gật gù như đang ngủ. Cậu bé lù xù áo trong áo ngoài, da mặt lấm chấm tàn hương cúi xuống kê dưới chân tôi một chiếc ghế nhỏ. Trên ghế, tôi có thể với tay lên hộp sách đặt trên bờ đá quá cao so với mình để kiếm những cuốn nằm sâu tít phía trong. Cậu giấu cha giúi sách tôi cần vào túi, chỉ nhặt hai francs trên bàn tay xòe ra nắm tiền lẻ của tôi. Ngón tay cóng buốt ngập ngừng. Sách lăn tăn nơi mép, úa sậm , đôi khi loang nước mưa, ra đời từ những năm năm mươi, gãy gáy, đôi khi chỉ còn trơ vải bạt dán hồ. Có cuốn còn nguyên nét chữ mạ vàng. Thỉnh thoảng rơi từ đó những bưu ảnh mờ  nét chữ viết tay, một chiếc vé tàu, một mẩu thư nhỏ…Lần nào tôi cũng tìm được «niềm vui» của mình, bởi nếu không có, cậu đã sốt sắng lục tìm hộp sách của người chủ khác cạnh đó.

Bao nhiêu năm sau tôi mới thăm lại nơi này cùng thầy giáo năm xưa. Thầy tôi nhớ Paris, nhớ sông Seine, nhớ nơi đã từng mua những cuốn sách thân thương tỏa hương giấy cũ, nhớ cuộc chuyện trò với những người bán sách lần đầu đến Pháp... Cũng như thầy, tôi ngơ ngác trước những hộp sách xanh. Chúng không chỉ bán sách cũ giá một hay hai francs nữa. Bờ sông Seine nơi nhiều khách du lịch lại qua, hộp sách xanh để tồn tại cũng phải chạy theo thị hiếu của con người. Người ta bán đồ lưu niệm rẻ tiền, khăn, dù in hình Concorde, đến cả tháp Eiffel mini cũng «made in China», bưu thiếp mới và những tấm tranh xanh đỏ phác đơn sơ hình sông Seine bên Nhà Thờ Đức Bà.

Bên quai Montebello, đối diện Nhà Thờ, người cha đẩy vào chân tôi chiếc ghế nhỏ, lẳng lặng hướng mắt qua bên kia cầu. Một gã rách rưới giữa đống vỏ chai khật khờ chúi đầu vào góc đá trên vỉa hè. Nước mưa trên cột điện nối hàng nhỏ xuống bộ mặt nhàu nhĩ lấm chấm tàn hương.

Giơ tay che mặt tránh ống kính của một khách du lịch nước ngoài đang hướng về mình, cảu nhảu : "Cút đi, ta không phải là con khỉ trong vườn thú ! ", cụ già thõng vai gục  đầu xuống gối.

Thầy trò tôi im lặng tìm sách, những cuốn sách cổ cuối cùng trong hộp sách xanh, kiên nhẫn đứng chờ cụ già trả lại tiền xu lẻ. Đó là việc duy nhất người đàn ông kiêu hãnh mong muốn ở khách hàng. Họ là những người bán sách cũ, chưa bao giờ là ăn xin cả.

Hai hộp sách xanh bên cạnh được trấn giữ bởi một người đàn ông khác, mặt gắn đầy nhẫn, tóc nhuộm xanh, bán ảnh và DVD khỏa thân.

Vượt qua dòng chảy hơn ba thế kỷ, thân phận những người bán sách cũ bên sông Seine, dường như đã quen đối diện với mọi tình huống có thể gọi là bi thảm nhất của đời người, giờ đây lặng lẽ trước tất thảy biến động, khủng hoảng và bình thản trước tương lai. Từ bao giờ, họ đã coi sứ mệnh của mình là gìn giữ bảo tồn những hộp sách xanh, một nét đặc trưng văn hóa, cảnh quan máu thịt của Paris.

Tôi nghĩ, tự thân những câu chuyện trong cuộc đời bấp bênh của họ đã đủ giàu có để viết nên áng truyện dẫu buồn nhưng sinh động mãi tồn tại bên dòng sông Seine.

Bờ Seine theo bước chân đưa
Tay ôm một cuốn sách xưa bên người
Dòng sông tựa nỗi buồn tôi
Cứ trôi trôi mãi chẳng vơi bao giờ…**

Lúc này bỗng hiện trong tôi hình ảnh Apollinaire. Thi sĩ đã  thốt lên như thế khi Người đứng bên cầu.

N.C

      

Chú thích:
* Anatole France
** Trích thơ Apollinaire - Nico dịch từ nguyên bản.

"Je passais au bord de la Seine
Un livre ancien sous le bras
Le fleuve est pareil à ma peine
Il s'écoule et ne tarit pas..."

- Tư liệu tham khảo:
1. Quais et ponts de Paris, Marc Gaillard
2. Métiers curieux de Paris, Albert Fournier
3. Avec les bouquinistes,  Silva Guy

- Ảnh: Tác giả - Tư liệu

Chia sẻ trên Facebook