Những miếng gỗ đầu thừa đuôi thẹo, những vật tưởng chừng vô tri
vô giác có thể thấy mọi nơi mọi lúc trong cuộc sống thường nhật. Những mảnh vỏ cây ẩn chứa cả một tâm hồn phiêu linh ít ai thấy được. Nhưng những thứ dường như vô giá trị ấy bỗng trở thành những vật vô giá
nhờ bàn tay và sự nhạy cảm của người nghệ sỹ.
Jean-Marc Turine là một trong những người có thể cảm nhận nét đẹp tiềm ẩn của những đồ vật bỏ đi. Ông
truyền cho chúng một hơi thở, khiến chúng hóa thân thành những tác phẩm mỹ thuật tinh tế và quyến rũ.
Jean-Marc Turine xuất thân
không phải là họa sĨ. Ông cũng
chưa từng theo một khóa đào tạo chính quy nào về hội họa, nhưng vốn là người say mê nghệ thuật, ông đã từng nhiều năm tự học piano, tự sáng tác các tác phẩm mỹ thuật theo trường phái collage. Bỗng một ngày đẹp trời, ông quyết định đến với một loại hình nghệ thuật mới : sáng tác trên những mẩu gỗ bỏ đi.
Vốn là đạo diễn, nhà sản xuất chương trình
của đài phát thanh France Culture (Pháp) và RTBF (Bỉ), Jean-Marc Turine đã sát cánh cùng nữ nhà văn Pháp Marguerite Duras trong suốt tuổi trẻ ông, cùng bà làm phim do chính bà viết kịch bản. Phim Những đứa trẻ khởi chiếu năm 1985
đã giành Giải thưởng lớn của Hội điện ảnh nghệ thuật và thể nghiệm tại Liên
hoan phim Berlin. Có lẽ tư tưởng phiêu lưu thể nghiệm đã ngấm trong máu Jean-Marc Turine khi ông không chịu bó hẹp sáng tác
của mình trong lĩnh vực phát thanh và điện ảnh. Sau
khi đã gặt hái được nhiều thành công và những giải thưởng, ông
quyết định chuyển hướng sang lĩnh vực văn học. Gần một chục tác phẩm văn học đã lần lượt ra đời, chủ yếu là vào thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI. Ông đã tưởng mình sẽ dành phần còn lại của cuộc đời cho văn
học. Thế nhưng số phận đã quyết định khác.
Năm 2009, ông viết một cuốn tiểu thuyết và gửi đi vài nhà xuất bản. Sau một thời gian chờ đợi không thấy hồi âm, ông
tự nhủ :
duyên nợ của mình với nghề văn đã hết. Ông loay hoay đi tìm lối thoát,
tìm một con đường đi để được tiếp tục sáng tác, tiếp tục làm đẹp cho đời.
Ánh sáng
đã lóe lên ở cuối đường hầm vào một đêm mộng mị. Trong mơ, ông thấy mình
đang vẽ trên những miếng gỗ bỏ đi trong
tầng hầm nhà ông ở. Tỉnh dậy, ông vội vàng đi
tìm những miếng gỗ đó và ông
đã tìm thấy. Trong căn phòng nhỏ dưới tầng hầm nhà ông có rất nhiều miếng gỗ chất đống từ lâu : két bia, hộp rượu, hộp đồ chơi, những mẩu gỗ nho nhỏ xinh xinh mà ông lượm ngoài đường trong
những chuyến đi dạo phố. Kể từ đó, ông sống với niềm đam mê mới. Dưới tầng hầm, ông cứ cặm cụi miệt mài say sưa đẽo gọt, cưa, ghép, tô màu trên những miếng gỗ mà ông cho là có hồn. Công việc đã khiến ông quên
đi cuộc sống ồn ã, hối hả bên ngoài
cuộc đời.
Cuộc sống của ông bây giờ là những miếng gỗ giản dị, nhiều khi thô ráp, với những đường thớ huyền ảo và những con mắt gỗ như biết chia sẻ cùng ông
những bí ẩn của thiên hà vũ trụ. Thế giới của ông là
những hộp màu, những cái thước, những chiếc bút lông to nhỏ đủ loại, những cuộn dây nhiều màu, những viên sỏi lóng lánh, những mẩu vỏ cây ông mang về sau những chuyến đi du lịch ở Bắc Âu, những chiếc khuy áo không dùng đến nữa… Cứ thế, từng tác phẩm cứ theo nhau ra đời. Hai mảnh gỗ két bia được nối với nhau bằng chiếc bản lề xinh xắn, thêm
vài nét bút màu ngang dọc cũng đủ làm nên một tác phẩm nghệ thuật. Vài mẩu gỗ mục ghép trong một chiếc hộp gỗ nhỏ cũng khiến người xem có cảm giác đang ở trên một con tàu lềnh bềnh trên Biển Bắc, nơi ông đã
cùng vợ trải qua những năm
tháng cuồng nhiệt say mê…
Ông treo những tác phẩm nho nhỏ xinh xinh
của mình dọc cầu thang từ tầng hầm lên tầng trệt, trong đầu không mảy may ý tưởng giới thiệu chúng với những người yêu nghệ thuật, bởi lẽ cần một khoản tiền lớn mới có thể thuê được phòng tranh làm triển lãm ở thủ đô châu Âu này. Rồi đến một ngày, tường nhà ông không còn đủ chỗ cho những đứa con tinh
thần mới chào đời nữa, ông đành
phải xếp chúng ở mọi ngóc
ngách trong căn phòng tầng hầm mờ tối cũng là xưởng sáng tác của ông và là nơi tôi lưu lại mỗi lần ghé
Bruxelles. Trong bóng tối chập choạng, tôi
say sưa ngắm những tác phẩm lạ lùng của người bạn già. Một hôm, ông bảo tôi : « Cậu có thể chọn cái nào
cậu thích nhất, tôi tặng cậu đem về Việt Nam đấy ». Tôi
bảo ông : « Đây là những tác phẩm nghệ thuật thực sự, chúng xứng đáng được trưng bày ở các phòng
tranh. » Ông cười, nụ cười hiền : «Tôi sáng tác cho vui ấy mà!».
Thế rồi, cách đây không lâu, tôi nhận được giấy mời đến dự khai mạc triển lãm tranh của Jean-Marc Turine tại
Bruxelles. Vui và ngỡ ngàng,
tôi gọi điện hỏi ông. Ông
bảo : họa sỹ, nhà điêu khắc Roby Comblain đến nhà ông chơi và thấy tranh của ông trên tường. Sau khi khám phá « cái hang của Alibaba », Roby Comblain đề nghị ông trưng bày các
tác phẩm của mình tại phòng
tranh và hứa sẽ giúp đỡ ông về địa điểm. Tôi vui cho ông vì cuối cùng thì những người yêu cái đẹp cũng được biết đến các tác
phẩm của ông, vui vì
ngay trong ngày đầu triển lãm đã có nhiều người đặt mua
tranh. Ông vui vì tranh của ông sẽ không còn ngủ vùi trong căn phòng tầng hầm tối tăm nữa, vì chúng sẽ được treo ở những nơi trang trọng hơn, xứng đáng hơn với chúng.
Người Việt Nam có
câu : « Một nghề cho chín hơn chín mười nghề». Với tôi, ông thành công trong tất cả những việc ông đã từng làm, bởi lẽ ông đặt trọn tình
yêu, nhiệt huyết của mình
trong công việc, như cha già
Carlo đem lại cuộc sống cho
Buratino – một miếng gỗ nhỏ vô tri vô giác.
T.V.C – 01/05/2012