CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Văn hóa - Nghệ thuật - Du lịch - Tản văn

THƯ VIỆN QUỐC GIA MAROC

Thứ năm ngày 21 tháng 6 năm 2012 8:22 AM

SỰ HÒA QUYỆN GIỮA TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI

Rabat, thủ đô Vương quốc Maroc, một ngày đầu hè. Ánh nắng chói chang và những làn gió nóng hầm hập từ Đại Tây Dương thổi vào thành phố xô đẩy những bước chân đi tìm một nơi thoáng mát. Sau một hồi lang thang giữa khu phố cổ của thành phố Bắc Phi, tôi lạc bước vào một «ốc đảo» trên đất liền, một tòa nhà trắng tinh khôi nổi bật trên một khu đất lát bê tông cùng màu, giữa những hàng cọ vút lên nền trời xanh. Tòa nhà đó là Thư viện quốc gia Maroc.

Bước qua cánh cửa tòa nhà với những bức tường bằng kính, tôi như lạc vào một thế giới khác. Cái oi nồng lùi lại đằng sau, nhường chỗ cho làn gió trời mát mẻ từ những cửa thông gió trổ từ phía dưới hút lên lan tỏa khắp không gian. Cảm giác thư thái dễ chịu càng rõ rệt hơn khi sự yên tĩnh đến mê hoặc bao trùm khắp đại sảnh thư viện. Phòng đọc của thư viện, được phân theo từng đối tượng độc giả - phòng đọc cho người khiếm thị, phòng đọc cho nghiên cứu sinh, phòng đọc cho người có tuổi… - chứng tỏ các nhà quản lý thư viện rất chú trọng đến việc đa dạng hóa các loại hình dịch vụ. Trong phòng đọc dành cho sinh viên, hàng trăm bạn trẻ đang dán mắt vào những cuốn sách, quyển vở, hay những màn hình vi tính cá nhân. Tất cả đều yên lặng như tờ, thi thoảng chỉ thấy tiếng sột soạt của một cuốn sách lật sang trang mới hay tiếng gõ bàn phím từ những ngón tay nhẹ lướt như những nghệ sỹ chơi dương cầm. Bên cạnh các bàn đọc là những kệ sách được sắp xếp ngăn nắp, khoa học, nhưng điều đáng nói nhất là những cuốn sách ở đây đều được in và đóng rất cẩn thận. Nhiều bộ sách trông tựa những tác phẩm hội họa với những sắc màu nổi bật mà người Maroc yêu thích : màu xanh lục của những rặng cây ô liu, màu xanh lơ của bầu trời và biển cả, màu đỏ gạch của những bức tường thành cổ, màu vàng chói của những cung điện nguy nga rải rác trong thành phố… Có lẽ bìa những cuốn sách được trình bày tuyệt đẹp này đã đủ sức thu hút sự chú ý của độc giả, khích lệ họ tìm hiểu xem có gì ẩn chứa bên trong những trang giấy chở nặng tinh hoa của nhân loại ấy. Phía trên các phòng đọc truyền thống này là không gian đọc ngoài trời dành cho những độc giả thích thả hồn theo những áng mây lang thang hay những cánh chim bay dập rờn sau khi đọc xong một chương sách. Đây cũng là nơi họ có thể nhấm nháp tách café hay chiếc bánh ngọt mà không hề gây ảnh hưởng cho những người xung quanh.


Sau khi đi một vòng các phòng đọc, tôi được đưa đến « hậu trường » của thư viện. Đây là nơi bảo quản và cất giữ những tài liệu quý của quốc gia. Chị phụ trách phòng bảo quản cẩn thận lật từng trang một cuốn sách viết bằng chữ vàng có từ thế kỷ thứ XIII. Cuốn sách kể về nguồn gốc người Maroc này đã từng trải qua bao thăng trầm : những cuộc chiến, những lần thư viện bị hỏa hoạn, những lần di chuyển địa điểm. Chị bảo mỗi cuốn sách được lưu giữ ở đây đều có một linh hồn, vì vậy mỗi khi số phận của chúng bị đe dọa thì từng nhân viên phòng bảo quản đều quyết tâm bảo vệ chúng như đứa con của mình vậy. Chị cũng cho tôi xem những cuộn giấy viết đã ố màu theo dòng thời gian nhưng nét chữ vẫn còn rất rõ. Có xem các nhân viên bảo quản phục chế sách cổ mới thấy để có thể gìn giữ vốn sách cổ cho muôn đời sau cần bỏ thời gian công sức đến nhường nào. Trong phòng phục chế, sự yên tĩnh bao trùm mọi ngóc ngách. Chỉ thấy những cử động hết sức nhẹ nhàng của những bàn tay ve vuốt từng mép giấy,  tỉ mẩn ghép những mảnh vụn rách nát thành tờ giấy với những hàng chữ cứ dần dần hiện ra. Dưới những ngón tay khéo léo này, dưới đôi mắt tinh tế này, chúng hóa thân dần thành những trang sách, những cuốn sách nối liền quá khứ với hiện tại, giúp các thế hệ người dân Maroc tìm lại được với cội nguồn của họ, giữ gìn được nền văn hóa lâu đời mà tổ tiên họ để lại. Tôi cứ ngẩn người đứng ngắm các kỹ thuật viên cần mẫn cắt, ghép, dán, ép, sấy… như những chú kiến lặng lẽ xây tổ. Với tôi, họ là những nghệ sỹ thực thụ, những người góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn di sản của dân tộc họ và của toàn nhân loại. 

T.V.C

 



_____________________________________________

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook