Khi
còn là sinh viên, tôi được học câu ngạn ngữ: « Mọi con đường đều dẫn đến
thành Rome». Câu nói này cứ ngân nga khi tôi quyết
định cùng mấy người
bạn từ Vương
quốc Bỉ bay sang Italie.
Sau
mấy ngày rong ruổi trong thành phố Venise, chúng tôi đáp tàu đêm đi Rome.
Tàu
chậm của Italie không như tôi tưởng. Nó cũng cũ kỹ,
hôi hám, chật chội ngang với tàu chợ ở Việt
Nam. Vé tàu chậm ở Italie không có số ghế,
cứ a-la-sô lên, chỗ nào trống thì nhảy
vào. Tuy nhiên, tìm được khoang
có chỗ trống không dễ dàng chút nào, bởi
lẽ vé tàu chậm rẻ
hơn nhiều so với
tàu nhanh nên hành khách đi tàu rất
đông, đa số là thanh niên, sinh
viên và những người không mấy nặng túi.
Chúng tôi đi qua mấy khoang
tàu, nhưng khoang nào cũng chỉ còn 1, 2 chỗ trống, mà
chúng tôi lại muốn ngồi
cạnh nhau để tán gẫu
qua đêm. Luồn lách một hồi
trong hành lang tàu, giữa những thanh niên Ý đứng chen chúc bên những ô cửa
sổ để hóng mát, cuối cùng thì chúng tôi cũng thấy một khoang đủ chỗ.
Trong khoang này chỉ
có một chàng da đen. Anh chàng này hôi khủng
khiếp. Có lẽ cũng vì thế mà chẳng ai
dám vào ngồi khoang đó. Sau vài
phút, không chịu nổi cái mùi nồng nặc ấy, chúng tôi lại kéo nhau đi. Qua vài toa, cuối cùng chúng tôi cũng tìm thấy vài chỗ trống và chấp nhận
ngồi chen chúc bên nhau. Tàu khởi hành đúng giờ quy định,
nhưng tốc độ
tàu chạy thì quả là rùa bò. Cứ tưởng tàu tư bản
nhanh lắm. Con tàu ngật ngưỡng
đi trong đêm tối, giữa cái nóng oi ả đến
ngạt thở. Quạt
máy trong khoang đã chạy hết công suất nhưng không
vì thế mà làm dịu đi cái oi nồng Địa Trung Hải. Để
xua đi cái cảm giác bức bối
đó, chúng tôi tán gẫu hết chuyện
này đến chuyện khác, từ chuyện những cô gái Venise tiết kiệm vải đến
những chiếc bánh pizza bán dạo trên đường phố, cả những
con thuyền xuôi ngược kênh rạch với những chàng trai cô gái tình tứ yêu đương… Đêm tối
lùi dần sau lưng chúng tôi và hoàng hôn dần
hiện ra trước mắt.
Con tàu băng qua đêm tối chở những hành khách đang háo hức
khám phá ánh sáng một miền đất
luôn được coi là một trong những trung tâm văn minh của
nhân loại.
Rome! Ga đến nằm ngay trung tâm, lớn và hiện đại. Ngay từ sáng sớm đã đông nghẹt khách. Nhiều người chắc hẳn đã qua đêm ở nơi này để bắt chuyến tàu sớm nhất. Trong số họ có cả những người vô gia cư và những tay móc túi
chuyên nghiệp. Trước khi đi Italie, một anh bạn tôi đã cảnh báo : « Cẩn thận đấy nhé. Italie là vương quốc của dân hai ngón đấy!» Chúng tôi nhắc nhau khẩu hiệu : «Tiền phải liền với ruột». Chẳng những tiền nong, mà giấy tờ cũng phải găm chỗ nào kín và gần… ruột nhất.
Ra khỏi ga, chúng tôi đi
tramway vài chặng rồi tiếp tục lên xe của nhà trọ để về nơi chúng tôi đã thuê
trước qua mạng, chỉ cách thành phố khoảng vài cây số. Nhà trọ cho thanh niên sinh
viên của Italie
làm việc khá chuyên nghiệp. Sau khi đặt chỗ, chúng tôi nhận được bản chỉ dẫn cách đi về nhà trọ rất chi tiết. Những gì diễn ra trong thực tế giống hệt những gì chúng tôi đã mường tượng trước đó. Một khu nhà nhiều dãy, mỗi dãy có nhiều phòng nhỏ, mỗi phòng nhỏ lại có vài cái giường tầng. Sáng sáng, mọi người vào thành phố để tham quan, tối mới ào về ăn uống, tắm giặt và nghỉ ngơi. Đặc điểm của các buồng trọ là không có cửa, các buồng chỉ cách nhau một bức tường khiến cho mọi riêng tư trở thành bất cập...!!!
Buổi sáng đầu tiên vào thành phố, chúng tôi choáng ngợp trước những công trình kiến trúc kỳ vĩ của Rome. Tôi đã từng được nghe, được xem khá nhiều hình ảnh về nơi này, đã từng say mê nền văn hóa La mã cổ đại nhưng những gì được thấy quả là vượt ra ngoài sự tưởng tượng của tôi. Một kho tàng đồ sộ những công
trình kiến trúc độc đáo đan xen nhau,
trải trước tầm mắt.
Chẳng thế mà dưới thời Cổ đại, thành Rome với diện tích 1285 km² đã từng là thủ đô của Đế quốc La Mã. Tôi còn nhớ, thời đó người ta gọi thành phố này là Urbs «Thành phố» thượng đẳng hay «Thành phố bảy ngọn đồi» (7 ngọn đồi nằm trong thành phố này là Aventin,
Cælius, Capitole, Esquilin, Palatin, Quirinal và Viminal).
Ngoài ra còn một số tên gọi khác dùng để chỉ thành phố này như Caput Mundi (thủ đô của thế giới), Thành phố vĩnh cửu và Limen
Apostolorum (Ngưỡng cửa của các thánh tông đồ).
Nói đến Rome là nói đến trung tâm đạo Cơ đốc. Theo Chiếu dụ Milan
thì Cơ đốc giáo được coi là một tôn giáo hợp pháp ở đây kể từ năm 313 rồi trở thành tôn giáo
chính thức của Đế chế vào năm 380, theo
Chiếu dụ Thessalonique. Cộng đồng người theo đạo nhanh chóng mở rộng tại Rome và thành phố này đã trở thành thủ đô của Cơ đốc giáo và đặc biệt là của Thiên chúa giáo. Theo truyền thuyết, cũng tại nơi này Thánh Pierre và Thánh Paul cũng
đã tử vì đạo.
Cũng vì lý do trên
mà Rome còn ôm trong lòng cả một nhà nước : Tòa thánh Vatican, trung
tâm đầu não của Thiên chúa giáo,
thành lập từ năm 1929 theo hiệp định Latran. Tôi đã đến nhiều nhà thờ ở châu Âu nhưng chưa thấy nhà thờ nào uy nghiêm và lộng lẫy như nhà thờ Saint-Pierre, nơi giáo hoàng làm lễ «Urbi et Orbi»
(cho Thành phố và cho
Thế giới) dưới sự chứng kiến của hàng ngàn người trước ban công nhà thờ và hàng triệu tín đồ theo dõi những hình ảnh trực tiếp phát đi từ quảng trường
Với người theo đạo Thiên chúa, giáo
hoàng là người kế tục thánh Pierre và cũng là người chăn dắt con chiên trên
toàn thế giới. Khi vào tòa thánh
Vatican,
tôi mới hiểu tại sao tôn giáo này lại có sức hấp dẫn đến thế đối với những người theo đạo. Chỉ cần đến những thánh đường đẹp đẽ đến thế, được ngắm nhìn những tác phẩm điêu khắc và hội họa đẹp đến thế, người ta sẽ dễ dàng quên đi mọi ưu sầu khổ não, quên đi mọi khổ hạnh trên đời để tâm hồn được siêu thoát, bay bổng giữa những vòm trời cao vời vợi, bên những thiên thần xinh đẹp trong vườn địa đàng hạnh phúc…
Rời nhà thờ Saint-Pierre, chúng
tôi rẽ sang bảo tàng Vatican kế bên. Không tài nào tả xiết vẻ đẹp lộng lẫy của những căn phòng được trang trí hết sức tinh tế với những trần nhà kết hợp hội họa với điêu khắc, tinh xảo đến mức hoàn mỹ.
Có lẽ các linh mục đã có lý khi từ bỏ cuộc đời trần ai đầy rẫy những tham sân si theo kiếp tu hành và để được trầm mình giữa ánh sáng của tinh hoa nghệ thuật huyền ảo và linh thiêng đến nhường này! Với riêng tôi, đến Tòa thánh Vatican chỉ một lần thôi là chưa đủ. Tôi thầm mong có ngày được trở lại, được lưu bước lâu hơn để có thể chiêm ngưỡng hàng giờ những tác phẩm của những danh họa kiệt xuất như Michel Ange,
Pérugin, Botticelli, Ghirlandaio mà tôi luôn ngưỡng mộ.
Nhà thờ Saint-Pierre chỉ là một trong rất nhiều những công trình tôn
giáo ở Rome. Theo ước tính, có vài trăm
nhà thờ lớn nhỏ nằm len lỏi trong các khu phố ở thành phố này.
Tôi có thói quen đi
bộ lang thang mỗi khi tham quan một thành phố nào đó. Nếu đi xe buýt hay
métro thì sẽ không thể nào biết đến những nhà thờ rất nhỏ nhưng rất xinh, xinh như những viên ngọc và đẹp như những viên kim cương giữa lòng thành phố. Mỗi nhà thờ mang một kiến trúc riêng bệt , nhưng tất cả đều có một điểm chung nhất: Đó là vẻ đẹp lộng lẫy huy hoàng đến khó tả. Thế mới biết tại sao người Rome lại yêu thành phố của họ và yêu tôn giáo của họ đến vậy.
Sau chuyến đi tôi bỗng trở thành một tín đồ của thành phố Rome. Sức hấp hẫn của thành phố đã khiến tôi quay trở lại một lần nữa, nhưng, có trở lại với Rome bao nhiêu lần cũng không đủ bởi lẽ chiếc nôi vĩ đại của nghệ thuật, văn hóa, tôn giáo nơi đây đã được tích tụ qua chuỗi thế kỷ còn bao nhiêu điều kỳ thú đang chờ đợi nhân loại khám phá.
Bài và ảnh: Trần Văn Công